Independence Day parade in Washington DC on July 4, 2016. (Larry Dye/Epoch Times)
Cuộc diễu hành tại Thủ đô Washington DC nhân Ngày Độc Lập 14 tháng 7 năm 2016. (Ảnh Larry Dye/Epoch Times)
Các học giả Mỹ vẫn thường sử dụng từ “cường quốc” để ám chỉ Trung Quốc và Nga, là những nước ở tầng thứ hai trong bảng xếp hạng của tất cả các quốc gia. Tất nhiên, Hoa Kỳ là quốc gia “siêu cường”. Trước đây Liên Xô đã từng được coi là một quốc gia siêu cường, nhưng hiện tại không còn được như vậy nữa, con gấu Nga đã bị giáng hạ từ siêu cường xuống thành cường quốc.
Bước vào những ngày cuối của chiến dịch tranh cử tổng thống Hoa Kỳ, ứng cử viên của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đang cật lực quảng bá cho chính mình. Trong khi quan điểm của hai người hoàn toàn tương phản nhau, thật đáng ngạc nhiên (và cũng không đáng ngạc nhiên) câu khẩu hiệu xuyên suốt chiến dịch của họ lại có sự tương đồng: Đó chính là khẩu hiệu “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” của ông Trump và “Cùng nhau mạnh mẽ hơn” của bà Clinton.
Điều thú vị là, trong khi chính phủ Mỹ và người dân Mỹ thường hy vọng nhìn thấy đất nước của họ “vĩ đại”, thì chính phủ Trung Quốc và một số người dân Trung Quốc trái lại chỉ mong được thấy đất nước họ “cường đại”. Trong ngôn ngữ tiếng Trung, “vĩ đại” và “cường đại” chỉ khác nhau trong một kí tự, nhưng nội hàm mà hai chữ này đại diện thì đơn giản là cách nhau quá xa. Trong khi từ “vĩ đại” không gây nhiều hiểu lầm về mặt ý nghĩa, thì từ “cường đại” có thể mang nhiều ý nghĩa, từ hùng mạnh đến áp chế cưỡng đoạt, thậm chí còn mang nghĩa ghê gớm dữ dội. Vế thứ hai có vẻ như chính xác là những gì chế độ Cộng sản Trung Quốc đang tìm kiếm.
Sự vĩ đại biểu thị cho một tình huống, một khả năng, chất lượng hay số lượng, hoặc sự xuất sắc vượt trội lên trên và ngoài tầm của mức độ trung bình và bình thường. Nó cũng có thể ngụ ý sự cao quý, tráng lệ, thần thánh hóa, ấn tượng và phấn khởi. Mặc dù trở nên hùng mạnh hoặc nắm được quyền lực thể hiện sự mạnh mẽ và có tiềm lực áp chế, nhưng nó cũng có thể hàm ý về sự đe dọa và sợ hãi đối với những người khác xung quanh nó. Vĩ đại cần phải có quyền lực, nhưng còn hơn cả quyền lực, và là một lực lượng chính trực và nhân từ. Nó là một sự tích lũy và làm phong phú thêm nguồn năng lượng tích cực. Có quyền lực có thể là điều kiện tiên quyết của sự vĩ đại và được xem như là nền tảng của sự vĩ đại, nhưng nó không nhất thiết phải là một phần của sự vĩ đại, bởi vì trở nên hùng mạnh cũng có thể có nghĩa là một sự tích lũy và tích tụ nguồn năng lượng và lực lượng tiêu cực.
Hùng mạnh không đảm bảo được rằng bạn sẽ không bị đánh bại, chỉ đơn giản là mạnh hơn thôi; có nhiều cơ bắp hơn hoặc nắm đấm lớn hơn không mang lại cho bạn điểm lợi thế nào về đạo đức và công lý, giống như một bậc trượng phu hay một người đàn ông đầy nam tính trong bất kỳ xã hội nào cũng không phải luôn luôn là kẻ bất khả chiến bại, vì các yếu tố đạo đức và tinh thần cũng giữ một vai trò trong việc đánh bại kẻ thù của bạn, hoặc đánh bại kẻ thù của bạn mà không cần phải chiến đấu.
Khi Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đến thăm Hoa Kỳ nhân dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia, ông đã nói rằng “Mỹ là một quốc gia vĩ đại, không phải chỉ vì quyền lực hay sự giàu có của đất nước các bạn, mà còn vì những lý tưởng cao cả, sự cởi mở, và sự hào phóng của các bạn. Các bạn tìm cách xây dựng nên một thế giới mà các nước có thể phát triển thịnh vượng cùng nhau”. Những gì ông Lý nói đã phản ánh quan điểm của nhiều người ở châu Á.
Khi người Mỹ nói họ muốn xây dựng một quốc gia “vĩ đại”, trong đó đã bao hàm hình tượng một quốc gia cường thịnh và mạnh mẽ, nhưng nó cũng bao gồm những điểm mạnh về tinh thần, đạo đức và quan hệ giữa người với người trong xã hội. Khi Trung Quốc nói rằng họ muốn xây dựng một quốc gia “mạnh”, những gì họ nghĩ trong tâm trí là tiềm lực về quân sự, như các lãnh đạo Trung Quốc từ lâu đã nói về một lực lượng hải quân mạnh, quân đội hùng mạnh, và lực lượng không quân mạnh mẽ cho lực lượng Quân Giải phóng Nhân dân Trung quốc – PLA. ĐCSTQ cũng truyền bá cho người dân Trung Quốc là dân tộc Trung Hoa phải “mạnh mẽ”, để không bị bắt nạt bởi các cường quốc khác. Bởi vì sự thôi thúc để được “mạnh”, điều Trung Quốc mong muốn nhất là phát triển vũ khí máy móc quân sự, và bất cứ khi nào Mỹ cho ra đời một cái gì đó mới trong kho vũ khí, có thể là máy bay chiến đấu tàng hình, máy bay do thám, vũ khí được phóng từ không gian, hoặc chiến hạm tàng hình, cả thế giới sau đó đều biết rằng hàng bắt chước của Trung Quốc sẽ sớm được làm theo.
Để theo đuổi mục tiêu phải “mạnh”, một đất nước sẽ luôn luôn cố gắng để khoác lác, khoe khoang, và thổi phồng thành tựu của mình mà không cảm thấy xấu hổ hay sỉ nhục. Những quốc gia theo đuổi sự “vĩ đại” sẽ không khoe khoang, vì khoác lác bản thân nó là đối nghịch với ý tưởng về sự vĩ đại tuyệt vời.
Một phương tiện truyền thông ở nước ngoài ủng hộ ĐCSTQ đã cho đăng một bài viết tựa đề “Với đơn hàng 30 tỷ nhân dân tệ, Trung Quốc chắc chắn sẽ vượt qua Mỹ!”. Trong bài viết nói rằng một công ty ở Thẩm Quyến đã ký một hợp đồng với Bộ Năng lượng của Nga trong một “thỏa thuận khung về hợp tác chiến lược”, sẽ nhập khẩu dầu sang Trung Quốc với trị giá 30 tỷ nhân dân tệ. 30 tỷ NDT ước chừng khoảng 5 tỷ USD. Phải chăng có đơn hàng nhập khẩu xăng dầu trị giá 5 tỷ Mỹ kim là đủ để Trung Quốc vượt qua Mỹ? Thôi nào, Mỹ nhập khẩu khoảng 3 tỷ thùng dầu mỗi năm, có giá trị sơ bộ khoảng 330 tỷ Mỹ kim!
Năm 2005, Hải quân Hoa Kỳ đã cho hàng không mẫu hạm đã ngừng hoạt động mang tên USS America (CV-66) ra biển với mục tiêu kiểm tra độ bền và khả năng chịu đựng của các tàu sân bay. Sau một tháng bị oanh tạc bởi tên lửa, bom, và ngư lôi, Hải quân Mỹ đã cho đánh chìm tàu sân bay America xuống đáy biển. Khi con tàu chìm dần xuống nước, đoàn thủy thủ Hải quân Hoa Kỳ đã đứng xếp hàng để vẫy chào sự hy sinh của con tàu cho đất nước của họ.
Tình tiết này chỉ đơn giản là không thể hình dung ra được và không thể nhận thức được đối với người Trung Quốc. Người dân Trung Quốc sẽ xem việc đánh chìm một con tàu mang tên đất nước của họ là điều không may mắn và bất hạnh, là một cái gì đó hoàn toàn không thể tưởng tượng nổi. Một đất nước với sức mạnh nhưng không vĩ đại sẽ không thể có sự quả quyết và tự tin như vậy, trái lại một đất nước có cả sức mạnh và sự vĩ đại thì sẽ có sự tin tưởng chắc chắn và lòng can đảm như thế.
Khi Đảng Cộng sản Trung Quốc mô tả bản thân, họ không bao giờ keo kiệt trong việc sử dụng chữ “vĩ đại”, chẳng hạn như trong các tuyên bố đáng hổ thẹn rằng Đảng là “Vĩ đại, Vinh quang, và Chính trực”. Ngày nay ở Trung Quốc, thuật ngữ trên đã trở thành một cụm từ thảm hại được quần chúng sử dụng để cười đùa châm chọc tại các bữa tiệc. Khi Trung Quốc mua máy móc và trang thiết bị hiện đại từ phương Tây, họ không bao giờ sử dụng từ “thu mua” hoặc “mua sắm”, mà luôn luôn là thuật ngữ “giới thiệu” ở Trung Quốc, có nghĩa là họ đã rất lịch thiệp và tốt bụng khi cho phép và giới thiệu những người khác thâm nhập vào thị trường Trung Quốc. Nhưng khi những sản phẩm bắt chước của Trung Quốc được sản xuất kế đó, họ sẽ còn tự hào nữa, nói rằng họ đã tự nghiên cứu phát triển được một cái gì đó ở một mức độ tương đương với công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới!
Chinese People's Liberation Army cadets conduct bayonet drills at the PLA's Armoured Forces Engineering Academy in Beijing on July 22, 2014. China's military opened up its engineering academy to journalists on July 22, with demonstrations of rolling tanks, bayonet drills and dancing robots. (Greg Baker/AFP/Getty Images)
Sinh viên trường sĩ quan Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung quốc tiến hành tập trận lưỡi lê tại Học viện Kỹ thuật Quân Thiết giáp của Quân Giải phóng Nhân dân Trung quốc (PLA) tại Bắc Kinh ngày 22/07/2014. Quân đội Trung quốc đã mở cửa Học viện kỹ thuật của mình cho các nhà báo vào ngày 22/7, với sự thao diễn của xe tăng chạy, thực tập sinh với lưỡi lê và người máy nhảy múa. (Ảnh Greg Baker/AFP/Getty Images)
Một đất nước đang tìm kiếm quyền lực mà chưa có đủ tiềm lực mạnh mẽ thì bất cứ khi nào có cơ hội, họ sẽ tự hào và khoe khoang để làm cho người khác tin rằng họ thực sự mạnh mẽ và đầy quyền lực. Tuy nhiên, những lời tự tuyên bố ấy thường mang lại sự thương hại và khó chịu trong mắt người khác, nhưng lại không phải trong mắt của họ. Gần đây, truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết, một quốc gia vừa ban hành chính sách miễn thị thực cho công dân Trung Quốc, và do đó “chất lượng vàng” của tấm hộ chiếu Trung Quốc đã được “cải thiện lên rất nhiều!” Có thật không? Quốc gia đó là quốc gia nào vậy? Trong thực tế, đó là một quốc đảo nhỏ có tên gọi là Tonga, đó không phải là nơi được cho là hấp dẫn đối với những người nhập cư Trung Quốc.
Giữ gìn thể diện là ưu tiên hàng đầu của một quốc gia đang tìm kiếm quyền lực, bởi vì họ đúng là quá sợ mất mặt. Trong cuộc họp khối G20 tại Hàng Châu tháng 9 vừa qua, đó chỉ đơn giản là một cuộc họp của khoảng 20 nguyên thủ quốc gia, và không có liên can gì đến cuộc sống của những người dân bình thường. Tuy nhiên, chế độ Trung Quốc đã làm cho cuộc họp này trở nên quá nghiêm trọng, như thể là tương lai của cả vũ trụ đang đặt cược vào cuộc họp này. Toàn thành phố được đặt trong tình trạng cảnh giác cao độ và tất cả các cửa hàng, chợ, và các tiệm tạp hóa buộc phải đóng cửa, thậm chí các doanh nghiệp đã phải áp dụng thêm chế độ nghỉ trong khoảng thời gian này. Một cuộc họp như thế này ở một đất nước bình thường có lẽ sẽ chỉ cần có một khách sạn, hoặc thậm chí một nửa khách sạn, và các cửa hàng sẽ không phải đóng cửa, mà có thể còn phải mở thêm giờ. Một đất nước “vĩ đại”, nói một cách khác, có đủ tự tin nên nó không cần thể hiện, và cũng không cần phải che đậy.
Tìm kiếm quyền lực sẽ không để cho các tầng lớp trí thức và các nhà tư tưởng nghĩ đến những kế hoạch dài hạn và mang tính chiến lược, và sẽ không có sự suy ngẫm về xã hội, mà chỉ có những chiến thuật để lấy lòng các quan chức cấp cao. Tìm kiếm sự vĩ đại sẽ khuyến khích các học giả và các nhà lý luận hãy chỉ trích chính phủ cũng như các chính sách của chính phủ, đưa ra các cảnh báo cho công chúng, và phục vụ như là một nhà cung cấp sự chỉ đạo đúng đắn, có lợi, và lâu dài cho đất nước.
Trong thực tế, người Mỹ là người đầu tiên nói rằng nước Mỹ không tuyệt vời. Các phương tiện truyền thông ở Mỹ cảnh báo về sự nổi lên của Nhật Bản, sự thăng tiến của Trung Quốc, sự suy giảm của Mỹ, và cái chết của kỷ nguyên Mỹ, v.v. Donald Trump, ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa, thậm chí còn viết một cuốn sách về nước Mỹ “què quặt”, từ đó cho thấy sự cần thiết phải có một nỗ lực (như trong khẩu hiệu của ông Trump) để làm cho nước Mỹ trở thành vĩ đại một lần nữa.
Sự vĩ đại thật sự của một quốc gia phải được xây dựng trên cơ sở các tiêu chuẩn đạo đức cao, nơi mà xã hội có lợi thế vô song trong cấu trúc, có lý tưởng, và công lý. Mặc dù chính quyền Trung Quốc có thể biết sự khác biệt giữa “vĩ đại” và “quyền lực”, tuy nhiên, họ không có khả năng để biến Trung Quốc thành một đất nước vĩ đại. Đó là do ý thức hệ của họ, một hệ tư tưởng thiếu sự tôn trọng, ngay thẳng, và đoan chính, đã làm cho họ không thể dẫn dắt đất nước đi trên con đường như thế. Khi một cơ quan quản lý chính phủ biết rằng sự vĩ đại là nằm ngoài tầm với của nó, thì lúc đó sự hùng mạnh (vốn là thứ mà các nhà độc tài cũ cũng như mới đều ưa thích) trở thành sự lựa chọn tốt nhất tiếp theo của họ.
Dù thế nào đi nữa, khoảng cách giữa Trung Quốc và Mỹ vẫn có thể được định lượng đến một mức độ nhất định. Chúng ta có thể lấy một minh họa về khoản phí nhập lậu để đo lường nó. Đó là khoản phí mà một người phải trả cho “xà đầu” để được nhập lậu từ Phúc Kiến, Trung Quốc vào khu Flushing, ở New York. Nhiều năm trước, chi phí này khoảng chừng 40.000- 50.000 USD, và một vài năm gần đây đã lên đến 60.000 – 70.000 USD, và hiện nay đã là 80.000 USD rồi. Sự gia tăng trong chi phí nhập lậu và chi phí cơ hội liên quan, chứng minh chính xác sự khác biệt giữa một “quốc gia vĩ đại” và một “cường quốc”.
Như vậy, lập luận ở trên có hàm nghĩa là Trung Quốc sẽ không bao giờ bắt kịp hoặc vượt qua Mỹ? Tất nhiên là không. Trong lịch sử, Trung Quốc đã từng là quốc gia vĩ đại nhất trên trái đất ít nhất là vài lần, ví dụ như trong triều đại nhà Đường, lúc đó đất nước Trung Quốc đã rất nổi tiếng với sự cởi mở và đa dạng, khoan dung và cảm thông, và tất nhiên cùng với quyền lực và sự thịnh vượng. Đối với Trung Quốc ngày nay, ngay cả ở những nơi xa xôi hẻo lánh, bản chất và những thuộc tính này đã không còn có thể nhìn thấy được nữa nhờ vào sự cai trị tàn nhẫn của những người cộng sản trong suốt 60 năm qua. Vì vậy, Trung Quốc theo chế độ Cộng sản có thể là mạnh nhất, nhưng sẽ không bao giờ đạt được sự vĩ đại, chính xác bởi vì thiếu sự cởi mở, đa dạng, và khoan dung.
Vậy tại sao Trung Quốc lại theo đuổi quyền lực mà không phải là sự vĩ đại? Lý do rất đơn giản: Trung Quốc đang được kiểm soát bởi chế độ Cộng sản, và chế độ cần quyền lực để duy trì bản thân nó, để không bị tuyệt chủng. Người dân Trung Quốc mong mỏi sự vĩ đại, là điều mà người dân Trung Quốc đã từng có được nhiều lần và có được trong một thời gian dài trong lịch sử cổ đại, nhưng những người Cộng sản Trung Quốc lại không muốn điều đó, vì sự vĩ đại có nghĩa là trao quyền cho người dân và khôi phục lại truyền thống, đó không phải là những gì Trung Nam Hải đang có trong suy nghĩ của họ.
Tiến sĩ Frank Tian Xie là Giáo sư Khoa Kinh doanh và Phó Giáo sư Marketing tại Đại học South Carolina Aiken, ở Aiken, tiểu bang South Carolina, USA.
Quan điểm thể hiện trong bài viết này là những ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của Epoch Times.