Trong báo cáo World Giving Index 2016 (Chỉ số từ thiện thế giới – WGI) vừa được công bố, Trung Quốc xếp thứ 140 trong tổng số… 140 quốc gia được khảo sát, xếp chót bảng bên cạnh Cộng hòa Congo, Hy Lạp, Yemen và Palestine. Còn quốc gia đứng đầu bảng lại là Myanmar, đất nước vừa tạm lắng tiếng súng và ổn định chính trị.
Theo Reuters, cuộc khảo sát do tổ chức từ thiện Charities Aid Foundation (CAF – Anh) thực hiện với 1.000 người tham gia về hoạt động thiện nguyện của họ trong tháng trước, có thể là giúp đỡ người lạ, quyên góp tiền từ thiện hoặc làm tình nguyện. Khảo sát cho thấy chỉ có 6% người Trung Quốc trích tiền làm từ thiện, 4% chịu bỏ thời gian làm tình nguyện và 24% mở lòng giúp đỡ người lạ.
Trái lại, Myanmar – quốc gia nghèo bậc nhất Đông Nam Á – đứng đầu cuộc khảo sát với 91% dành tiền làm từ thiện, 55% tham gia công việc tình nguyện và 62% giúp đỡ người lạ. Đây là lần thứ ba đất nước mới tạm lắng bất ổn này giành vị trí nêu trên. Mỹ – nền kinh tế số 1 thế giới – xếp thứ 2 năm thứ hai liên tiếp sau khi chia sẻ vị trí số 1 với Myanmar năm 2014.
Theo báo cáo, sự hảo tâm của người Myanmar phản ánh phong tục được gọi là “Sangha Dana” của người dân đất nước có đa số theo đạo Phật.
Những người này sẽ trả lời 3 câu hỏi, đó là: có giúp đỡ người lạ mặt hay không; có quyên tiền ủng hộ từ thiện hay không và đã tham gia các việc làm tình nguyện bao lâu.
Nhiều nước nghèo lại hào phóng
Có 140 quốc gia được đưa vào bảng xếp hạng. Kết quả cho thấy, những quốc gia đang chìm vào bất ổn triền miên như Iraq, Syria lại có thứ hạng cao hơn một số quốc gia giàu có và ổn định như Nga, Ý và Nhật Bản.
Nói một cách khác, những con người đang hàng ngày phải đối mặt với đói khát, thiếu thốn trăm bề ở những nước nghèo lại có tấm lòng bao dung, rộng lượng hơn những người đang sống ở đất nước giàu có, trong hoàn cảnh đủ đầy. Người Iraq xếp số 1 thế giới vì sự sẵn lòng giúp đỡ những người lạ mặt trong khi vị trí của người Pháp, người Luxembourg nằm ở mức từ 3 con số trở lên.
GS Aung Tun Thet, cố vấn kinh tế của tổng thống Myanmar, nhận xét với CAF: “Các kết quả đã thể hiện cách mà một nước “nghèo” trở nên “giàu có”, câu trả lời nằm ở sự phóng khoáng, bằng cách cho đi nhiều hơn mong được nhận lại”.
Không kém phần bất ngờ là Iraq xếp số 1 về sự tốt bụng với người lạ. 81% người được hỏi ở đất nước tàn tạ vì chiến tranh này nói rằng họ giúp đỡ người không quen biết trong tháng rồi.
Giám đốc CAF John Low nhìn nhận tinh thần “lá lành đùm lá rách” của người dân ở những vùng đất phải gánh chịu thảm họa và bất ổn thực sự khiến nhiều người không khỏi hổ thẹn. Cụ thể, đất nước Libya đang hỗn loạn xếp thứ 2 trong danh sách sẵn sàng giúp đỡ người lạ, Kuwait đứng thứ 3, kế đó là Somalia – quốc gia chìm trong nội chiến 25 năm.
Trong khi đó, Turkmenistan và Kosovo tăng bậc ấn tượng nhất trong bảng xếp hạng chung. Cả hai quốc gia đều tăng 56 bậc, trong đó Turkmenistan đứng số 1 về dành thời gian cho hoạt động từ thiện.
Việt Nam ở thứ hạng nào?
Việt Nam nằm ở vị trí thứ 64/140 nước theo chỉ số của WGI, đứng thứ 55 về mức độ mở lòng với người lạ, thứ 48 về quyên tiền ủng hộ từ thiện và thứ 75 về số thời gian dành cho các việc làm tình nguyện.
Quốc gia “đội sổ” tổng kết bảng xếp hạng là Trung Quốc cũng gần như vô đối trong các tiêu chí riêng lẻ, theo thứ tự lần lượt là 140/140, 138/140 và 138/140 cho sự sẵn lòng giúp đỡ người lạ, quyên tiền từ thiện và làm tình nguyện.
Top 20 quốc gia hào phóng nhất thế giới
1. Myanmar
2. Mỹ
3. Australia
4. New Zealand
5. Sri Lanka
6. Canada
7. Indonesia
8. Anh
9. Ireland
10. UAE
11. Uzbekistan
12. Kenya
13. Hà Lan
14. Na Uy
15. Turkmenistan
16. Malta
17. Iceland
18. Bhutan
19. Kuwait
20. Đan Mạch
Top 10 quốc gia giúp đỡ người lạ nhiều nhất
1. Iraq
2. Libya
3. Kuwait
4. Somalia
5. UAE
6. Malawi
7. Botswana
8. Sierra Leone
9. Mỹ
10. Saudi Arabia
Top 20 quốc gia kém hào phóng nhất thế giới
1. Trung Quốc
2. Vùng lãnh thổ Palestine
3. Yemen
4. Hy Lạp
5. CH Dân chủ Congo
6. Serbia
7. Hungary
8. Montenegro
9. Madagascar
10. Azerbaijan
11. Armenia
12. Bulgaria
13. Bosnia và Herzegovina
14. Croatia
15. Nga
16. Slovakia
17. Lithuania
18. Morocco
19. Tunisia
20. CH Czech
Dương Lương tổng hợp
Xem thêm:
- Bảng xếp hạng quốc gia bền vững nhất và dễ bị tổn thương nhất
- Xếp hạng chỉ số thịnh vượng của 142 quốc gia trên toàn thế giới: Việt Nam đứng thứ 55
- Những cuộc bức hại đức tin tàn khốc nhất trong lịch sử nhân loại
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét