Thứ Năm, 19 tháng 1, 2017

“Thuế bảo vệ môi trường” đang đánh thẳng vào giới “trung với đảng”


Mới đầu năm 2017, Thứ trưởng Bộ Tài Chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn sống sượng tuyên bố: “Thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu hiện ở mức 3.000 đồng/lít, nếu nâng lên hết khung hoặc vượt khung, thì giá trị thu được sẽ gấp khoảng 10 – 20 lần so với số trực tiếp thu từ sử dụng đất phi nông nghiệp hiện nay”, ….đối tượng thu và phương thức thu cũng “được lòng dân hơn”!

“Thuế bảo vệ môi trường” đang đánh thẳng vào giới “trung với đảng”
Ảnh: FB Tèo Ngu Khìn
Một lần nữa trong hai năm liên tiếp, cơ quan tham mưu đắc lực cho chính phủ và đảng là Bộ Tài chính lại tìm cách “móc túi” tuyệt đại đa số công dân và người nghèo bằng một bản dự thảo sửa đổi Luật thuế bảo vệ môi trường với 8,000 đồng đánh vào 1 lít xăng.

Năm 2015, Bộ tài chính đã đề xuất và được Quốc hội thông qua việc tăng gấp 3 lần thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu từ ngày 1/5/2015.

Theo tính toán của giới chuyên gia phản biện, khi đó một lít xăng phải cõng 3,000 đồng/lít thay vì mức 1,000 đồng/lít, một lít dầu diezen phải nộp 1,500 đồng/lít thay vì mức 500 đồng/lít trước đó.

Vào thời điểm trên, Bộ Tài chính tính toán: chỉ riêng với thuế bảo vệ môi trường từ các mặt hàng này, ngân sách dự kiến sẽ thu về hơn 35,000 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 23,000 tỷ đồng/năm. Trong đó, riêng số thu thuế bảo vệ môi trường của mặt hàng xăng đã dự kiến là hơn 20,000 tỷ đồng/năm, tăng gần 14,000 tỷ đồng/năm. Rất đáng chú ý, con số này gấp 2 – 2.5 lần so với tổng thu thuế bảo vệ môi trường dự toán năm 2015, tương ứng tăng khoảng 22,500 tỷ.

Còn năm 2016, tổng số thu từ thuế bảo vệ môi trường đã nhảy vọt gần gấp 4 lần so với năm 2014.
Với 8,000 đồng đánh vào 1 lít xăng, một lần nữa, lại một lần nữa trong rất nhiều tái hiện bất biến của lịch sử độc quyền đạo diễn giá xăng, mặt hàng chiến lược quốc gia này được Bộ Tài chính, Bộ Công thương và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đẩy vọt chiến thuật ngay sau khi một kỳ họp quốc hội kết thúc.

Một lần nữa, nhóm lợi ích chính sách độc quyền vùn vụt phất cờ chiến dịch bù lỗ vào dân để lấy tiền nuôi bộ máy thẳng tay bóc lột dân.

Một tính toán cho thấy, nếu áp dụng mức thuế môi trường 8,000 đồng/lít đánh trên giá xăng, mỗi năm chính quyền Việt Nam sẽ thu về khoảng hơn 6.8 tỷ USD để “bù đắp khó khăn ngân sách”.


Điều lạ lùng là cho tới nay, dù đã trải qua rất nhiều cú tăng giá xăng dầu và cái gọi là “thuế bảo vệ môi trường”, bất chấp đời sống có xu hướng bần cùng hóa của người dân, vẫn chưa có một cuộc biểu thị hay biểu tình nào xứng đáng diễn ra trong lòng các đô thị.

Người dân, kể cả những đảng viên mang trên ngực huy hiệu 40 hay 50 năm tuổi đảng, vẫn như bị kềm giữ trong một thứ vòng kim cô lo ngại, sợ sệt và bị ám ảnh bởi sự hãm hại.

Nếu trong 1-2 năm tới vấn đề thu ngân sách không được cải thiện, tức tiền thuế thu từ dân không đủ để chi cho các công trình xây dựng cơ bản của nhà nước mà thường lãng phí ít nhất vài chục phần trăm và làm giàu thêm cho các nhóm lợi ích, những người về hưu, trong đó có những người “trung với đảng”, sẽ phải nhìn nhận một thực tế đớn đau là: quỹ lương dành cho họ sẽ bị biến thành một trong những nạn nhân đầu tiên của chế độ thẳng tay cắt xén.

Lê Dung

(SBTN)

1 lít xăng 'cõng' 8.000 đồng thuế môi trường: Chuyên gia kinh tế Việt nói gì?

(VTC News) - TS Nguyễn Đình Cung -Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) – cho biết việc điều chỉnh thuế môi trường đánh vào mặt hàng xăng dầu cho thấy cách điều hành chỉ nhìn vào việc thuận lợi trong quản lý chứ chưa nhìn về việc kiến tạo một môi trường kinh doanh thông thoáng cho thị trường, doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Đình Cung nói tại hội thảo về inh tế vĩ mô và cải cách thể chế gắn với hội nhập kinh tế quốc tế vừa được tổ chức tại Hà Nội ngày 18/1.
Cụ thể, TS Nguyễn Đình Cung nói: “Dự thảo tăng thuế môi trường đánh vào xăng dầu cho thấy cách điều hành chỉ nhìn vào việc thuận lợi trong quản lý của bộ máy chứ chưa nhìn về việc kiến tạo một môi trường kinh doanh thông thoáng cho thị trường, doanh nghiệp”.
Untitled-1

 TS Nguyễn Đình Cung cho rằng tăng thuế xăng dầu là chưa nhìn về việc kiến tạo một môi trường kinh doanh thông thoáng cho thị trường, doanh nghiệp.

Phát biểu của TS Cung diễn ra sau khi Bộ Tài chính, trong dự thảo Luật thuế bảo vệ môi trường sửa đổi mới đưa ra lấy ý kiến rộng rãi gần đây đã đề xuất nâng khung thuế bảo vệ môi trường với xăng lên tối đa 8.000 đồng/lít. Cùng đó, mức thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu khác cũng được kiến nghị tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3 so với hiện nay.
Dự định tăng thu thuế xăng, dầu này đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận. Xuất phát nhận định này của TS Nguyễn Đình Cung có lẽ từ việc nhìn nhận những động lực để cải cách nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế vĩ mô trong thời gian tới. Bởi, theo TS Cung, những “động lực để cải cách” trong 30 năm qua đã tới hạn nhưng những động lực mới cho cải cách tiếp theo vẫn chưa tìm thấy.
Xem video: Chưa tăng thuế môi trường với xăng dầu
“Cần phải thay đổi cách điều hành kinh tế. Cần một hệ điều hành mới bền vững, bao dung và dài hạn hơn chứ không phải là tăng trưởng ngắn hạn, vốn gây ra nhiều phí tổn cho nền kinh tế.” TS Nguyễn Đình Cung nói.
Lấy ví dụ cách tính giá điện ở Đức không thu từ doanh nghiệp mà thu từ người dân trả cuối cùng, TS Nguyễn Đình Cung cho biết, ở Việt Nam, chúng ta không thấy giảm chi phí cho doanh nghiệp. Trong khi, đây là yếu tố quyết định để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp cạnh tranh, phát triển.
Theo TS Võ Trí Thành - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương - cho rằng năm 2017, chúng ta cần nhìn dài hạn ra 1 chút để thấy đâu là động lực cho tăng trưởng, cải cách chất lượng tăng trưởng và để điều này làm động lực cho bền vững.
“Vấn đề lao động và năng suất sử dụng vốn (TFP) đã được đưa ra trong nhiều báo cáo, có số liệu rõ hơn, nhưng vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu,” TS Thành nói.
TS Võ Trí Thành cho biết, các năm 2016 - 2017, dư âm của một Chính phủ điều hành thúc đẩy tăng trưởng, nền kinh tế thiên về đầu tư tư nhân cũng được xác lập nhưng chưa cao, chưa rõ. Trong khi đó, các địa phương vẫn được phân bổ vốn đầu tư lớn nhưng hiệu quả sử dụng kém, chi thường xuyên chiếm đa số so với chi đầu tư phát triển.
Cũng theo các chuyên gia kinh tế, năm 2017 nếu phải lựa chọn giữa mục tiêu tăng trưởng kinh tế và mục tiêu giữ thâm hụt ngân sách, nên lựa chọn ưu tiên giữ thâm hụt ngân sách thấp, không nên chạy theo tăng trưởng.
Nhìn lại năm 2016, thâm hụt ngân sách rất lớn, ngay cả khi dự báo tăng trưởng thấp, Chính phủ không có biện pháp hữu hiệu để giảm chi ngân sách. Dự toán thu ngân sách không được điều chỉnh dù đầu năm qua nhìn rõ khó khăn của ngành khai khoáng và dầu mỏ. Khó khăn ngân sách, Chính phủ đã phát trành 25.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ hoàn thành trong 9 tháng, quý IV lại tiếp tục phát hành.Việc này, theo CIEM, đã tạo ra bất định lớn cho khu vực tư nhân khi Nhà nước tham gia, can thiệp vào thị trường vốn.
Ths Nguyễn Anh Dương - Phó trưởng ban Kinh tế Vĩ mô (CIEM) - phân tích: “Trái phiếu Chính phủ “chèn lấn” khả năng tiếp cận vốn trung và dài hạn của khu vực tư nhân. Nếu Chính phủ không tham gia, Ngân hàng Nhà nước vẫn hỗ trợ cho ngân hàng có thể số vốn trái phiếu Chính phủ quý IV sẽ chạy vào khu vực tư nhân. Đây là cơ hội đã bỏ qua cho khu vực tư nhân và tăng trưởng kinh tế”.
Trước câu hỏi làm thế nào để tăng trưởng kinh tế đạt mục tiêu, đại diện CIEM cho rằng, năm 2017 cần thay đổi điều hành chính sách.
“Tạo điều kiện cho khu vực tư nhân phát triển, cải cách khuôn khổ pháp lý... Đây là cách để giải quyết bất định liên quan đến bối cảnh tăng trưởng kinh tế và bất định liên quan đến hội nhập,” Ths Dương nói.
Nguyễn Tuyền - Hoàng Hưng

Không có nhận xét nào: