19/01/2017 08:17 GMT+7
TTO - Sau Thế chiến thứ hai, tháng 11-1946 lấy cớ giải giáp quân đội Nhật Bản, hải quân Trung Hoa dân quốc đã xâm chiếm đảo Hoàng Sa và đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa. Họ đã làm gì ở đây?
Một góc đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam - Ảnh: AFP |
Trong thời gian hơn hai tháng ở đảo Hoàng Sa và hơn ba năm ở đảo Phú Lâm, chính quyền Quốc Dân Đảng đã cho thực hiện nhiều cuộc khảo sát.
Ngày nay, phía Trung Quốc gọi những ghi chép trong thời điểm kể trên nói riêng và trong giai đoạn từ 1911 đến 1949 là “Dân quốc đáng án” (Hồ sơ thời Trung Hoa dân quốc). Hầu hết các tập hồ sơ này hiện nay do Cục Lưu trữ Đài Loan quản lý.
Tư liệu số 58
Trong tập hồ sơ “Tiến trú Tây Nam Sa quần đảo án” (Hồ sơ chiếm đóng quần đảo Tây Sa - Nam Sa) từ nguồn Bộ Nội chính (mã số hồ sơ: 0036/E41502/1), chúng tôi thấy có nhiều văn bản chép tay rất quan trọng liên quan đến hiện trạng địa lý, chứng tích nhân văn trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Dưới đây là nội dung một tờ ghi chép lại hiện trạng hai di tích trên đảo Phú Lâm thời điểm 1946: tư liệu số 58. Tờ đánh số 58 là bản viết tay chép lại hai nội dung.
Một nội dung gồm các hoành phi, biển ngạch, câu đối, trụ đá khắc chữ tại miếu Cô Hồn trên đảo. Một nội dung là chép lại nội dung một tấm bia mộ.
Nội dung văn tự trong tư liệu số 58 về miếu Cô Hồn cho biết bên trong miếu có cặp câu đối và hai hoành phi đều bằng gỗ. Trước miếu là trụ đá vuông, hai mặt khắc chữ, một bên là bốn chữ “Sở thuộc dụng địa”, một bên là “Khai dương hoán nghiệp” (Ra khơi nên nghiệp lớn).
Bên trái tờ 58 là nội dung bia mộ ông Nguyễn Minh, góc phải trên bia đánh dấu (E), bốn chữ dọc “Pháp mộ bi văn”, góc dưới cùng là hai chữ bút phê “Tiêu hủy” viết ngang. Bên phải tờ 58, nơi đánh dấu (D) là nội dung câu đối, dưới dấu hiệu (D) là bốn chữ bút phê trong ngoặc đơn (Thử bi tiêu hủy) viết dọc |
Mặt trước miếu là biển ngạch viết ba chữ “Hoàng Sa Thị”, hai bên là cặp đối viết “Xuân diệc hữu tình, nam hải hỉ phùng ngư lộng nhật; Nhân kỳ đắc ý, xuân phong hòa khí điểu phùng lâm” (đại ý: Xuân vốn có tình, biển nam vui với cá giỡn mặt trời; Người được như ý, gió xuân yên hòa đưa chim gặp cây rừng), lạc khoản đề “Đại Nam hoàng đế Bảo thập tứ niên tam nguyệt sơ nhất nhật”.
Chúng tôi xét thấy dòng lạc khoản này đã chép thiếu chữ “Đại” trong niên hiệu Bảo Đại, “Bảo Đại thập tứ niên” ứng với năm dương lịch là 1939; hoặc có thể chữ “Đại” bị sai thành chữ “thập”, nếu vậy thì câu văn sẽ là “Bảo Đại tứ niên”, ứng với năm dương lịch là 1929.
Bia mộ mang tên Nguyễn Minh
Nội dung bia mộ được chép lại nguyên văn, chỉ có hai chữ “An Nam” nơi trán bia là chữ Hán, còn lại đều là chữ Pháp và chữ Việt. Đó là mộ của một người lính Việt.
Những dòng chữ trên bia cho biết đây là mộ ông Nguyễn Minh, phiên hiệu lính thuộc địa, mất ngày mùng 7 tháng 9 năm Nhâm Ngọ Annam (1942), người làng Quảng Hậu, tổng Thanh Quýt, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, dựng bia ngày 10-7-1943 tại Boisée (Ile Boisée là tên tiếng Pháp của đảo Phú Lâm).
Nội dung bia mộ này ngoài việc giúp người đời sau biết thêm về thân phận một người đã vì công vụ nằm lại Hoàng Sa, còn gián tiếp cho biết thêm một góc khuất lịch sử nữa. Đó là từ đầu năm 1939 đến cuối năm 1946 là thời gian quân đội Nhật chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa.
Ông Nguyễn Minh mất năm 1942, tức trong thời gian này. Có lẽ phía Pháp đã không kịp di tản toán lính đồn trú ở đảo Phú Lâm, trong đó có ông Nguyễn Minh.
Cách viết văn bia cho chúng ta biết ông Nguyễn Minh được đồng đội đồng hương chôn cất, bởi trên bia ghi “mất ngày mùng 7 tháng 9 Annam, Nhâm Ngọ”.
Trước đây chúng ta gọi âm lịch là “lịch An Nam”, cách ghi ngày mất theo âm lịch để cúng giỗ là chi tiết thể hiện tập quán của người Việt.
Tất cả chứng tích không phải
Trung Quốc: tiêu hủy!
Dòng chữ dưới cùng tờ 58 viết thêm: “Bản hiệt các bi, trừ (A) (D) (E) tam bi ngoại, bất phân mộc chất thạch chất toàn số bảo lưu” (Các bia trên tờ này, trừ ba bia (A) (D) (E) ra, bất kể bằng gỗ hay bằng đá đều giữ lại).
Có nghĩa đây là lệnh cho phá hủy các bia (A) (D) (E) khớp với các bút phê riêng lẻ từng nội dung nêu trên.
Cần lưu ý là trên văn bản lưu trữ có hai tuồng chữ, tuồng chữ bằng bút cứng (nét mảnh) là do người đi thực địa ghi chép.
Còn tuồng chữ bằng bút lông (nét đậm) phê vào các nội dung ghi chép, đây chắc chắn là của người chỉ huy cao cấp, quyết định việc tiêu hủy hoặc giữ lại các hiện vật.
Các nội dung bị đánh dấu (A) (D) (E) ở tờ 58 này cùng với một bia văn hai mặt của Nhật Bản đều bị tiêu hủy. Việc tiêu hủy đương nhiên nhằm mục đích xóa sạch những dấu vết không phải chứng tích Trung Quốc ở Hoàng Sa.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét