Thứ Hai, 11 tháng 9, 2017

Đang "ế khách", vẫn xây thêm bảo tàng nghìn tỉ

LĐO | Phối cảnh tổng thể của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Trong khi nhiều bảo tàng hiện đang hoạt động không hiệu quả, vắng khách, liệu có cần thiết bỏ ra hàng chục nghìn tỉ xây dựng một bảo tàng mới, trong khi đất nước còn nhiều khó khăn?
Nhiều ưu thế, nhưng vẫn “ế”
9h sáng 8.9, chúng tôi ghé thăm Bảo tàng Lịch sử quốc gia (cơ sở số 1 Tràng Tiền, Hà Nội) và chứng kiến cảnh “đìu hiu” tại đây. Trong hơn 1 tiếng, chỉ thấy có vài khách tới mua vé tham quan, chủ yếu là người nước ngoài.
Đây là bảo tàng có nhiều ưu thế mà các nơi khác không có: Vị trí đẹp, kiến trúc tòa nhà được đánh giá cao, hiện vật phong phú.
Bảo tàng lịch sử quốc gia nằm ở vị trí đắc địa, nhưng vắng khách. Ảnh:N.Hà
Trước đó, bảo tàng này còn thông báo sẽ đóng cửa vào thứ hai hàng tuần để tiết kiệm chi phí, nhưng bị Bộ VHTTDL “tuýt còi”. Theo giải thích của đại diện bảo tàng, khách thưa vắng quá, nên tính chuyện nghỉ một ngày để tiết kiệm.
Tình trạng “ế khách” cũng xảy ra với Bảo tàng Hà Nội (huyện Từ Liêm, Hà Nội). Theo thông tin của một nhân viên lễ tân Bảo tàng, nếu không đi theo tour định sẵn, thì lượt khách đi lẻ rất ít.
Lâu nay chúng ta vẫn đổ tại người dân không mặn mà với bảo tàng, tuy nhiên, KTS Nguyễn Thế Khải – nguyên Giám đốc Trung tâm quy hoạch vùng và đô thị (Bộ Xây dựng) – đặt câu hỏi: Tại sao Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Bảo tàng Dân tộc học luôn tấp nập khách? Hay Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (TPHCM) đã tự chủ kinh phí nhiều năm luôn làm ăn có lãi?
“Tôi nghĩ các bảo tàng cần nâng cao tính chuyên nghiệp, chủ động. Đổi mới cách trình bày, hiện vật phải phong phú là một chuyện, mà cũng cần tích cực làm marketing” – ông Khải chia sẻ.
Xây thêm bảo tàng lúc này là chưa cần thiết!
Những ngày qua việc Bộ Xây dựng "kêu cứu" lên Thủ tướng vì dự án xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia bị “kẹt vốn” đã nhận được sự quan tâm của dư luận. Sự việc “nóng” là bởi công trình này có kinh phí lên đến 11.000 tỉ đồng.
Các bảo tàng hiện có hoạt động chưa hết công năng, xây thêm một “siêu bảo tàng” liệu có cần thiết? Trả lời câu hỏi này, KTS Nguyễn Quốc Thông – Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam - nhận định: “Việc xây dựng Bảo tàng Lịch sử quốc gia lúc này là chưa cần thiết”.
Ông Thông cho rằng, hiện nay việc xây dựng bảo tàng ở nước ta đang làm theo quy trình ngược. Thông thường, cần phải có một kịch bản trưng bày trước, sau đó mới xây dựng công trình, còn chúng ta lại xây dựng cơ bản trước, không chuẩn bị nội dung một cách đầy đủ. Điều này đã dẫn đến tình trạng xây xong không biết trưng bày cái gì, vỏ đẹp “nhưng ruột rỗng”. Đó cũng là một sự lãng phí!
ĐẶNG CHUNG

Không có nhận xét nào: