Thứ Năm, 14 tháng 9, 2017

Chu Mộng Long: HỎI TS.KH-PCT CHUYÊN TRÁCH HỘI ĐỒNG LÝ LUẬN-PHÊ BÌNH VH-NTTW PHAN ĐÌNH TÂN VỀ FREUD VÀ JUNG

Ông Phan Đình Tân. Ảnh: Thời báo.to đây

Chu Mộng Long

HỎI TS.KH. PHAN ĐÌNH TÂN VỀ FREUD VÀ JUNG

TSKH. Phan Đình Tân, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học, nghệ thuật Trung ương, trả lời phỏng vấn của nhà báo Thanh Hằng về cuộc tranh luận sách Từ điển Nguyễn Lân và Phê bình khảo cứu của Hoàng Tuấn Công:

"Việc đám đông tấn công cá nhân, theo thuật ngữ hiện nay gọi là "ném đá" là xúc phạm những người tham gia phản biện, là hành vi cực đoan. Nhiều nhà tâm lý học như S. Freud, C.G. Jung... trong phân tâm học đã phân tích tâm lý đám đông rất nguy hiểm khi a dua, kích động xã hội tham gia bằng những hành vi không có tính văn hóa, ứng xử không văn minh". (hết trích)

Tôi không bàn về chuyện có hay không sự cực đoan của tâm lí đám đông, chỉ hỏi về S.Freud và C.G.Jung. Ở sách nào của Freud, Jung nói về "tâm lý đám đông rất nguy hiểm khi a dua, kích động xã hội tham gia bằng những hành vi không có tính văn hóa, ứng xử không văn minh"?

Tôi không dám khoe mình đọc hết Freud, Jung, nhưng đọc cũng gần hết và đọc nhiều lần. Tôi hoàn toàn nắm được tư tưởng chính của hai ông tổ Phân tâm học này. Quả thật tôi không thấy trang nào có khái niệm và ý nghĩa như ông nói, ông học rộng tài cao chỉ cho tôi biết với để học hỏi thêm.

Với sở học của tôi, tôi chỉ thấy:

1) Freud chỉ nói về các triệu chứng của cá nhân sinh ra từ các Cấm kị (Taboo). Cấm kị gây chấn thương và dịch chuyển dục vọng cá nhân vào giấc mơ và sáng tạo. Tất nhiên, Freud cũng có nói đến dịch chuyển tiêu cực dưới dạng Thanatos (bản năng chết), nhưng ông không cho đó là nguy hiểm, mà nếu có, bản năng chết là một tất yếu, hoàn toàn không do cá nhân mà do các cấm kị xã hội, bao gồm cả trấn áp của quyền lực. Ngay cả phức cảm Oedipus cũng hoàn toàn tích cực vì đó là cội nguồn của sáng tạo. Freud kêu gọi "đạo đức của nền văn minh chúng ta" là giải tỏa cấm kị và giải phóng dục vọng theo hướng chính đáng.

2) Jung là người phản biện Freud bằng khái niệm Vô thức tập thể và Cổ mẫu (Archetype). Nhưng khái niệm vô thức tập thể của Jung cũng không đồng nghĩa với "tâm lý đám đông rất nguy hiểm khi a dua, kích động xã hội tham gia bằng những hành vi không có tính văn hóa, ứng xử không văn minh". Vô thức tập thể là hoạt động tâm lí nằm ở một nhóm người, một cộng đồng, sâu hơn cả vô thức cá nhân. Jung ví như một thứ gene di truyền của nòi giống, dù bị các lớp văn hóa chồng lên dày đặc, nó vẫn được đánh thức một cách mãnh liệt và trở thành sáng tạo phi thường. Các biểu trưng văn hóa, nghệ thuật đều có gốc sâu xa từ các Cổ mẫu do Vô thức tập thể tạo ra. Mất những thứ này là mất cả cội nguồn.

Không biết ông học ở đâu trong Freud, Jung về sự miệt thị đám đông trong phát ngôn của ông? Hay ông cố bịa ra để khoe học nhiều hiểu rộng cho sang? Hay là ông định nhân danh Hội đồng Lý luận, phê bình trung ương muốn đả kích văn hóa nghệ thuật của nhân loại, của cộng đồng Việt, thậm chí đả kích các phong trào "đám đông" mà Đảng ta đã lãnh đạo thành công trong lịch sử cách mạng?

Ai quen biết TS.KH Phan Đình Tân thì chuyển hộ cho ông ấy câu hỏi của tôi. Trả lời đúng thì tôi học tập và bái làm sư tổ (tôi có nhiều sư phụ giỏi lắm rồi).

Tôi có đức biết thì nói, không biết thì học hỏi đến nơi đến chốn. Nhưng tôi tin không có điều đó. Bởi Freud và Jung thuộc thế hệ học thuật kiên trì một lập trường tư tưởng. Họ không tự vả vào mồm mình khi đưa ra luận điểm tréo ngoe như ông nói.


Nhà báo Thanh Hằng chuyển giúp cho ông Tân câu hỏi được không?

( Nguồn: Tễu Blog )

Không có nhận xét nào: