Trong bối cảnh Mỹ và Triều Tiên không ngừng đe dọa lẫn nhau, các cuộc thử nghiệm hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng vẫn tiếp diễn, trong khi Washington khẳng định “mọi lựa chọn” đều để trên bàn, ngày càng có nhiều quan ngại về khả năng chiến tranh thực sự với Triều Tiên.
Tuy nhiên, theo The Alantic, một số nhà phân tích thậm chí còn lo ngại một kịch bản đen tối hơn: Những sự kiện ở bán đảo Triều Tiên có thể kéo Mỹ và Trung Quốc vào một cuộc chiến tranh quyền lực lớn.
Bẫy Thucydides
Tin vui là không ai nắm trọng trách ở Mỹ hoặc Trung Quốc muốn có một cuộc xung đột quân sự. Mọi người đều biết rằng cuộc chiến giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ rất thảm khốc. Điều này dẫn đến nhiều nhà quan sát kết luận rằng một cuộc chiến tranh thật sự giữa Mỹ và Trung Quốc là điều không thể tưởng tượng được.
Nhưng khi nói một cái gì đó là “không thể tưởng tượng được”, chúng ta đang tự nhắc nhở mình về những gì có thể “tưởng tượng được” – chứ không phải về những gì thực tế có thể xảy ra trên thế giới. Vậy, để mở rộng trí tưởng tượng, chúng ta cần nhìn xa hơn vào lịch sử.
Trong khi lịch sử không bao giờ lặp lại nguyên si, nhưng lặp lại ở mức độ tương tự thì có. Vì vậy, chúng ta nên đặt câu hỏi: Các sự kiện trong quá khứ nào giống với tình trạng khó khăn hiện nay do tiến trình hạt nhân của Triều Tiên, và chúng có thể giúp nhìn nhận về những gì chúng ta đang nhìn thấy – hoặc thậm chí là dự đoán những điều có thể xảy ra hay không?
Trong lịch sử, có nhiều câu chuyện về các bên thứ ba nhỏ hơn kéo các quyền lực lớn hơn vào chiến tranh. Nguy cơ này là đặc biệt cấp bách trong trường hợp một quốc gia đang nổi lên đe dọa sẽ thay thế quyền lực của nước “bá chủ” đương thời.
Thucydides, một nhà sử học Hy Lạp, đã quan sát thấy tiềm năng nguy hiểm này hơn 2.400 năm trước, khi mô tả các nguyên nhân của cuộc chiến giữa một Athens đang gia tăng quyền lực và một Sparta cầm quyền. Vào năm 431 trước Công nguyên, dưới sự lãnh đạo của Pericles, Athens đã trở thành một cường quốc hàng hải có đế chế mở rộng sang tận khu vực Đông Địa Trung Hải. Thách thức của nó đối với uy quyền tối cao của Sparta, quốc gia hùng mạnh ở bán đảo Peloponnesia.
Liệu Mỹ-Trung có thể rơi vào Bẫy Thucydides? (Ảnh: theatlantic)
Vấn đề này, gọi là “Bẫy Thucydides”, khiến các đối thủ cạnh tranh chính đặc biệt dễ tổn thương. Các hoạt động của các bên thứ ba có thể không được quan tâm hoặc kiểm soát đúng đắn, nên có thể gây ra các phản ứng dẫn đến nhũng cuộc chiến không ai mong muốn.
Ở Hy Lạp cổ đại, Corinth và Corcyra là những thủ phạm; năm 1914, một tên khủng bố người Serbia là thủ phạm kích hoạt chiến tranh khi ám sát một hoàng tử nước Áo; và ngày nay, có khả năng các hoạt động hạt nhân của Triều Tiên sẽ đóng vai trò này. Bẫy Thucydides không chỉ áp dụng cho sự thay đổi trong cân bằng quyền lực tổng thể, mà còn trong việc thay đổi một chiều hướng quyết định về sức mạnh quân sự.
Trong số các tiền lệ có thể làm sáng tỏ những rủi ro tương tự Bẫy Thucydides tạo ra trong cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên, chúng ta có thể xét 3 thí dụ nổi bật: Chiến tranh Triều Tiên 1950, chiến tranh thế giới lần thứ nhất, và tình thế tiến thoái lưỡng nan xảy ra khi kẻ thù tiến tới ngưỡng hạt nhân.
Bài học từ cuộc chiến Triều Tiên 1950
Trong cuộc thảo luận với một nhóm các sĩ quan quân đội Trung Quốc (PLA) ở Bắc Kinh hồi tháng 6, nhà báo Graham Allison đã hỏi liệu Kim Jong Un của Bắc Triều Tiên có thể kéo Trung Quốc và Mỹ vào chiến tranh hay không. Một đại tá PLA trẻ đẹp trả lời: “Hoàn toàn không!”. Sau đó, Allison lại hỏi liệu điều này đã từng xảy ra trước đây. Vị đại tá nọ lại nói rằng anh nghĩ là không, nhưng sau đó một số đồng nghiệp đã nhắc nhở anh ta về những gì xảy ra vào năm 1950.
Trong trường hợp đó, ông nội của Kim Jong Un là Kim Il Sung đã phát động một cuộc tấn công bất ngờ vào Hàn Quốc. Lực lượng của ông tràn xuống bán đảo Triều Tiên đến mức họ sắp sửa thống nhất đất nước. Vào phút chót, Mỹ đã xuất hiện để giải cứu Hàn Quốc. Một sư đoàn Mỹ dưới sự chỉ huy của Tướng Douglas MacArthur đã đẩy quân đội Triều Tiên trở lại bán đảo.
Quân đội MacArthur vượt qua Vĩ tuyến 38 (là đường phân chia giữa Bắc và Nam Triều Tiên vào cuối thế chiến 2) và nhanh chóng tiến gần đến sông Yalu, biên giới giữa Triều Tiên và Trung Quốc. Nhưng rồi, với sự kinh ngạc của MacArthur, Trung Quốc đã tấn công. Một đội quân nông dân đã đánh lùi quân đội Mỹ quay trở lại Vĩ tuyến 38, nơi Mỹ bị buộc phải đình chiến. Khi chiến tranh kết thúc, hơn 50.000 người Mỹ, hàng trăm ngàn người Trung Quốc, và hàng triệu người Triều Tiên đã thiệt mạng.