Trong vài năm trở lại đây, đã có tới 20 cây xích tùng ở Yên Tử bị chết khô. Gần đây nhất là cây xích tùng gần 700 tuổi với đường kính 30cm nằm gần khu vực chùa Hoa Yên. 
Ban quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử, cho biết, cây xích tùng trăm tuổi nằm ở bên sườn núi khu vực chùa Hoa Yên gần đây tự héo dần và chết khô, theo báo Tuổi Trẻ. 
Được biết, trong khoảng 10 năm trở lại đây, đã có 20 cây xích tùng bị chết. Có ba nguyên nhân chính khiến những cây xích tùng được cho là đến 700 năm tuổi này bị chết là do “tuổi cao sức yếu”, sâu bệnh hại và bị đổ do mưa bão.
Đường tùng cổ khoảng 700 tuổi với nhiều cây to vài ba người ôm.
Để đảm bảo an toàn cho du khách và không làm ảnh hưởng đến cảnh quan, ban quản lý di tích rừng quốc gia Yên Tử đang có phương án hạ giải cây.
Theo báo cáo của Ban quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử, trên núi Yên Tử còn 237 cây xích tùng cổ (còn gọi là hoàng đàn giả), phân bố tập trung ở đường tùng, Am Dược, chùa Hoa Yên…
Có 20 cây đã bị chết trong khoảng gần chục năm, còn 130 cây còn lại gốc bị mục rỗng một phần, cụt ngọn, thân nghiêng, sâu bệnh hại nặng, nhiều rễ nổi…
Do nhiều tuổi nên các thân cây bị mục ruỗng, sâu bệnh.
Riêng đường tùng cổ thụ có 69 cây thì 7 cây đã chết đứng, 51 cây bị mục rỗng thân, gốc và sâu bệnh hại.
Được biết, giai đoạn 2009 – 2011, ngân sách địa phương cấp mỗi năm 100 triệu đồng cho ban quản lý để chăm sóc rừng xích tùng, ngăn ngừa sâu bệnh, cắt tỉa cành khô mối mọt, làm cột chống.
Với kinh phí đó mỗi năm chăm sóc được 5-10 cây. Tuy nhiên, sau thời điểm trên thì không có nguồn kinh phí này nữa.
Từ năm 2016, UBND tỉnh Quảng Ninh giao UBND TP Uông Bí phối hợp với Ban quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử xây dựng đề án chăm sóc, bảo tồn rừng xích tùng thực hiện trong 5 năm với tổng số vốn hơn 27 tỉ đồng.
(Ảnh trong bài: Đức Hiếu)
Thanh Thanh (TH)