Thứ Bảy, 2 tháng 9, 2017

Huỳnh Ngọc Chênh - Làm sao chống hết được tham nhũng?; Việt Nam tham nhũng thứ hai châu Á?; Phát hiện vi phạm tại cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước

Kết quả hình ảnh cho Nguyễn Xuân Sơn ra tòa
Riêng một Nguyễn Xuân Sơn, khi làm sếp ở Ocean Bank đã chi 70 tỉ đồng cho các cấp trên để hối lộ, khi lên làm sếp PVN lại chi thêm 200 tỉ đồng nữa. Công ty càng to, chi càng nhiều. Ông khai trước tòa, riêng phong bì hiều hỉ các sếp trong các dịp lễ tết mà không bỏ vào được 200 triệu đồng trở lên thì thấy rất khó chịu.


Chuyện nầy thì cả nước ai cũng biết thừa, lớn thuyền lớn sóng, công ty càng to, càng ngon ăn thì chi lên càng lớn. Tuy nhiên con số 270 tỉ mà chỉ riêng ông Sơn chi lên được chính thức phơi bày ra không khỏi không làm mọi người há hốc kinh ngạc. Một ngân hàng và một tổng công ty mà đã chi đến con số đó, thì vài chục ngân hàng, hàng trăm công ty, hàng chục tổng công ty sẽ chi hối lộ lên cấp trên biết tính đến con số nào trong vòng 10 năm qua?
Kết quả hình ảnh cho Nguyễn Xuân Sơn ra tòa

Số tiền phải nói là lên hàng ngàn tỉ ấy vào túi ai? Rõ ràng là các quan chức cấp trên, là các sếp tổng công ty, các sếp ở bộ, các sếp ở chính phủ, các sếp bộ chính trị. Nhớ không lầm, cách đây mười mấy năm, ông Hoàng Văn Nghiên vừa lên chức chủ tịch Hà Nội, chỉ riềng cái tết đầu tiên ông đã công khai số tiền phòng bì để nộp vào ngân sách là 2 tỷ đồng (tương đương 400 cây vàng theo thời giá). Hồi những năm 90 của thế kỷ trước, mới mở cửa, làm ăn chưa dồi dào mà số tiền đi tết cho một sếp tầm tầm đã cỡ đó rồi. Thì chuyện ông Sơn khai ra bây giờ hối lộ 270 tỷ quả chẳng sai.

Đã xử người đưa hối lộ thì cũng cần lôi hết đám quan chức nhận hối lộ ra trừng trị mới công bằng, không cần biết kẻ nhận hối lộ có tác động đến việc gây ra hậu quả nghiêm trọng hay không. Nhưng chắc chắn ông Trọng không làm được.

Công cuộc chống tham nhũng cứu đảng của ông Nguyễn Phú Trọng từ hồi phát động đến nay mới bỏ tù được vài chục doanh nghiệp, chưa thấy ông đụng đến sợi lông chân nào của đám tham quan, trừ việc cách chức được một ông Đinh La Thăng, bộ chính trị, (vì lỗi của cái thời làm doanh nghiệp) và cách vài cái chức "nguyên" tào lao của vài kẻ về hưu, còn lại chưa thấy bỏ tù một quan chức nào.(Trịnh Xuân Thanh bị tù cũng do cái tội thời làm doanh nghiệp).

Nhưng quan trọng, số tiền khủng thất thoát trong mỗi vụ từ vài trăm tỷ đến vài chục ngàn tỷ không thu hồi lại được đồng nào.

Việc xét xử các vụ đại án không có tác dụng khắc phục hậu quả, vì tiền đã mất sạch hết rồi, phần lớn vào túi các quan hết rồi, nhưng có lẽ cũng chẳng có tác dụng răn đe bao nhiêu, có khi còn tác dụng ngược lại.

Khi nhìn vào số tiền hàng trăm tỉ chi hối lộ của PVN, rồi hàng tỉ đồng mà các xếp lớn nhận được thì các xếp be bé từ cấp huyện, xã, sở, phòng, ban... thấy rằng họ nhận mỗi lần vài chục triệu hối lộ chẳng thấm béo gì, lương tâm họ thôi cắn rứt, và có khi họ thấy thua thiệt, lại muốn phấn đấu vươn lên để nhận được nhiều hơn.

Thực tế hiện nay không thấy dư luận, báo chí nói đến hoặc tòa án xét xử các vụ gây thất thoát hoặc tham nhũng từ vài trăm triệu trở xuống.

Nghĩ cũng thương ông Trọng, những đại án tham ô từ vài trăm tỷ trở lên, tôi chỉ ngồi liệt kê ra cho hết cũng đủ gãy bàn phím rồi. Huống chi ông chống chúng nó. Chắc ông phải chống đến cuối thể kỷ cũng chưa biết có hết được không. Đó là nói không biện chứng, có nghĩa là tham nhũng ngưng lại không phát sinh ra thêm kể từ khi ông ra tay. Chứ thực tế thì tham nhũng phát sinh ra không ngưng nghỉ, chống vụ này chưa xong đã phát sinh ra năm ba vụ khác, cho quan tham nhũng nầy xuống đưa quan khác lên lại tham nhũng tinh vi và kinh khủng hơn. Chúng ta thấy đó, cách đây 10 năm, nghe tham nhũng vài tỷ đã kinh khủng lắm rồi, bây giờ vụ nào bét bét cũng vài trăm, vài ngàn tỷ trở lên.

Đó là mới nói tham ô tài sản, còn tham ô quyền lực còn kinh khủng hơn. Hầu như tỉnh nào, cơ quan lớn bé nào cũng có cả họ làm quan. Tham ô tài sản dù mất vài ngàn tỉ cũng chỉ là mất tiền, tham ô quyền lực thì mất mát rất lớn và rất lâu dài. Đưa một đám người nhà ngu dốt tham lam vào trấn giữ hết các chức vụ thì gây tai hại cho đất nước cho xã hội đến nhiều đời. Như chuyện bà bộ trưởng y tế, chỉ đưa một người em chồng vào ngồi chơi xơi nước ở ghế phó giám đôc công ty be bé VN Pharma với vốn vài chục tỷ đồng vậy mà chỉ sau vài năm vốn công ty ấy vụt lớn lên đến vài ngàn tỉ. Không dựa hơi bà đưa thuốc lậu vào hầu hết các bệnh viện lớn thì làm sao lợi nhuận tăng lên nhanh khủng khiếp như vậy.

Trong cơ chế độc đảng nầy, quyền lực của đảng vô biên mà đảng bảo tự kiểm soát thì làm sao kiểm soát được. Trừ thánh và Phật ra, không ai trên thế gian nầy tự mình kiểm soát được ham muốn cá nhân, nhất là ham muốn về quyền lực, lại thêm cái mình ham muốn ấy bày ra ngay trước miệng chẳng có cái gì canh giữ ngoài chính bản thân mình.

Tham nhũng phát sinh ra từ thể chế mà quyền lực không được kiểm soát khách quan. Tham nhũng như là thuộc tính của thể chế nầy thì làm sao chống lại được. Ông Trọng lấy gì bảo đảm thay quan tham nhũng nầy bằng bằng quan khác sẽ không tham nhũng?

Thể chế nào kiểm soát hiệu quả quyền lực thì nhân loại đã trải qua bao kinh nghiệm máu xương từ gần ngàn năm qua để tìm ra rồi, ngày nay đã được hầu hết các quốc gia áp dụng để vận hành đưa đất nước họ đi lên văn minh giàu có.

Đó là thể chế dân chủ đa nguyên, xây dựng ra nhà nước tam quyền phân lập. Chỉ ở thể chế đó, người dân mới thực sự kiểm soát quyền lực thông qua bầu cử, thông qua các tổ chức XHDS, thông qua các đàng phái đối lập, thông qua các cơ quan tư pháp độc lập với hành pháp.

Không còn con đường nào khác.

Đất nước đã đi vào con đường sai lầm gần hết một thế kỷ rồi. Đừng tiếp tục kéo dài thêm.

Huỳnh Ngọc Chênh

(Blog Huỳnh Ngọc Chênh)

Việt Nam tham nhũng thứ hai châu Á?


Một phiên tòa xử tham nhũng ở TP HCMBản quyền hình ảnhAP
Image captionMột phiên tòa xử tham nhũng ở TP HCM

Tạp chí Forbes hôm 13/3 đăng bài của cộng tác viên Tanvi Gupta dựa trênphúc trình về tình trạng tham nhũng ở Á châu của tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International) đặt Việt Nam vào vị trí số hai trong danh sách 5 nước tham nhũng nhất châu lục, chỉ sau Ấn Độ.
Phúc trình được thực hiện trong 18 tháng này cho thấy bức tranh khá ảm đạm về nạn hối lộ ở các nước châu Á.
Minh bạch Quốc tế phỏng vấn 22.000 người ở 16 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương, và kết quả là hơn 1/4 số người được hỏi cho hay họ đã phải hối lộ khi sử dụng dịch vụ công.
5 nước tham nhũng nhất theo Minh bạch Quốc tế là:
1. Ấn Độ: tỷ lệ hối lộ 69%
2. Việt Nam: tỷ lệ hối lộ 65%
3. Thái Lan: 41%
4. Pakistan: 40%
5: Myanmar: 40%
Phần về Việt Nam nói người Việt Nam coi tham nhũng là đại dịch. Trong số 16 quốc gia được phỏng vấn thì người Việt Nam cùng người Malaysia tỏ ra bi quan nhất về tình hình chống tham nhũng trong nước, với 60% cho rằng chính phủ không hiệu quả trong hoạt động này.
Tỷ lệ người nói họ phải hối lộ khi tiếp cận dịch vụ giáo dục là 57% và y tế là 59%. Trên 61% cho hay họ phải hối lộ công an.
Ấn Độ, tuy là quốc gia bị cho là tham nhũng nhất, lại cho kết quả khả quan hơn về chống tham nhũng.
53% người được hỏi cho là Thủ tướng Narendra Modi đang khá thành công trong việc diệt trừ căn bệnh này.

Phát hiện vi phạm tại cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước

01/09/2017 20:38 GMT+7

TTO - Trong thời gian từ ngày 1-1-2010 đến 30-6-2015, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước TP.HCM có một khuyết điểm, vi phạm.

Ngày 1-9, Thanh tra Chính phủ ra thông báo kết luận thanh tra việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ trong công tác thanh tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Theo kết luận thanh tra, công tác giám sát từ xa của Ngân hàng Nhà nước chưa tổng hợp và phân tích sâu sắc các báo cáo của tổ chức tín dụng để đánh giá chính xác các nội dung: diễn biến về cơ cấu tài sản nợ và tài sản có; chất lượng tài sản có; vốn tự có; tình hình thu nhập, chi phí và kết quả kinh doanh;
Việc thực hiện quy định về các tỉ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động tổ chức tín dụng và các quy định khác của pháp luật.
Chất lượng công tác giám sát từ xa chưa cao trong việc phát hiện các tiềm ẩn rủi ro, chưa đánh giá nguy cơ tiềm ẩn đối với các tổ chức tín dụng; chưa phát huy được hiệu quả của vai trò cảnh báo hệ thống.
Theo Thanh tra chính phủ, việc lựa chọn đối tượng thanh tra tại kế hoạch thanh tra chi tiết của cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng chưa phù hợp với định hướng.
Hệ thống tín dụng có nhiều tiềm ẩn rủi ro nhưng ngân hàng Nhà nước chưa có giải pháp tiến hành thanh tra đồng bộ và kịp thời. Không rà soát và phối kết hợp với kết quả giám sát từ xa để xây dựng kế hoạch dẫn đến các năm luôn phải điều chỉnh kế hoạch một cách bị động.
Trong thời gian từ ngày 1-1-2010 đến 30-6-2015, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước TP.HCM có một khuyết điểm, vi phạm.
Cụ thể, thời gian thực hiện một số cuộc thanh tra vượt quyết định, không thực hiện hết nội dung được phê duyệt trong kế hoạch.
Một số kết luận thanh tra việc kiến nghị, xử lý đối với các vi phạm chưa nghiêm theo các quy định của pháp luật; không xử phạt vi phạm hành chính đối với các đối tượng có vi phạm; chưa kịp thời có biện pháp xử lý, chấn chỉnh hữu hiệu đối với một số tổ chức tín dụng có nguy cơ mất khả năng chi trả.
Theo Thanh tra chính phủ, các tổ chức tín dụng có nhiều vi phạm nhưng trong công tác thanh tra, kiểm tra giám sát chưa kịp thời phát hiện để xử lý ngăn chặn. Chất lượng một số cuộc thanh tra chưa cao.
Thanh tra chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam rà soát các quy định, hướng dẫn trong công tác thanh tra, giám sát và phòng chống tham nhũng để điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp với tình hình hiện nay.
Kiến nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng nhà nước tiến hành kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể, các cá nhân có vi phạm được nêu trong kết luận thanh tra.
THÂN HOÀNG

Không có nhận xét nào: