“Án” đó, nếu xảy ra, sẽ là gì?
Lại có một mối liên đới được xem là mật thiết giữa Nguyễn Văn Bình và Đinh La Thăng. Vào thời Nguyễn Tấn Dũng còn tại vị thủ tướng mà chưa bị hề hấn gì, Thăng và Bình là những bộ trưởng và hàm tương đương bộ trưởng đầy quyền thế và cũng không kém dư luận đàm tiếu, đặc biệt là dư luận về “trùm tài phiệt Bình Ruồi”.
Sau đại hội 12 và khi Nguyễn Tấn Dũng đã “hạ cánh” nhưng có trời mới biết là “an toàn” hay không, Đinh La Thăng cũng “đi theo” Dũng.
Rồi không hề ngẫu nhiên chút nào, ngay sau khi bị hất khỏi Bộ chính trị và vị trí bí thư thành ủy TP.HCM, Đinh La Thăng đã được “nhốt quyền lực vào lồng” tại Ban Kinh tế trung ương – nơi có Nguyễn Văn Bình “ngồi chờ” sẵn.
Có một thứ “điềm báo” nào đó dành cho Đinh La Thăng. Vừa ăn tết nguyên đán 2017 xong, đến tháng Ba một quan chức đương nhiệm là Nguyễn Quốc Khánh – chủ tịch hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí quốc gia (PVN) bất ngờ bị điều chuyển về Bộ Công thương. Gần cuối tháng Tư, một cơ quan đảng thình lình hiện ra – Ủy ban Kiểm tra trung ương – với một bản báo cáo kết luận kiểm tra về nhiều sai phạm được cho là “rất nghiêm trọng” tại PVN, đồng thời chỉ đích danh Đinh La Thăng phải chịu trách nhiệm với tư cách là chủ tịch hội đồng thành viên PVN, trước khi ông Thăng trở thành Bộ trưởng giao thông vận tải vào năm 2011.
Vụ Đặng Thanh Bình bị khởi tố vào tháng 9/2017 cũng có một nét gì đó tương đồng với việc Nguyễn Quốc Khánh bị điều chuyển về Bộ Công thương. Và nếu “điềm báo” lặp lại, có thể thủ trưởng cũ của Đặng Thanh Bình là Nguyễn Văn Bình sẽ phải nhận một kết luận kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra trung ương về hàng loạt sai phạm trong thời ông Bình điều hành Ngân hàng nhà nước và “dính” với một số ngân hàng thương mại cổ phần, đặc biệt là ba ngân hàng đều đã trở thành đại án là Ngân hàng Xây Dựng, Ngân hàng Đại Dương và Ngân hàng Dầu Khí Toàn Cầu.
Thời điểm công bố bản kết luận kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra trung ương đối với Ngân hàng nhà nước và trách nhiệm của Nguyễn Văn Bình có thể là ngay trong tháng Chín năm 2017. Lý do: đến tháng Mười năm 2017 sẽ diễn ra Hội nghị trung ương 6 do Nguyễn Phú Trọng chủ trì.
Cũng cần nhắc lại, thời điểm Ủy ban Kiểm tra trung ương công bố kết luận kiểm tra đối với Đinh La Thăng chỉ trước khi diễn ra Hội nghị trung ương 5 vào tháng Năm năm 2017 có hai tuần lễ.
Vậy nếu “kịch bản Đinh La Thăng” tái hiện với Nguyễn Văn Bình, tương lai nào sẽ chờ đón ông Bình?
Trước tháng Tư năm 2017, Đinh La Thăng vẫn còn khá ung dung, vẫn tung tăng đi lại và ồn ào phát ngôn theo một đặc trưng “rất La Thăng” như “TP.HCM phải phấn đấu có được giải Nobel y học”, và có dư luận cho rằng “anh Thăng đã vận động được tổng bí thư cho anh ấy ở lại TP.HCM”.
Thế nhưng nghe nói Thăng đã bị bất ngờ trước mũi tiến công xuất thần của Ủy ban Kiểm tra trung ương. Hai tuần sau đó, Thăng mất gần hết sự nghiệp chính trị.
Khác với Đinh La Thăng, Nguyễn Văn Bình kín đáo hơn nhiều, kiệm lời hơn và cũng an phận hơn – ít ra trên cái ghế trưởng ban Kinh tế trung ương mà không phải là bí thư một thành phố lớn thứ hai đất nước. Nhưng nếu “kịch bản Đinh La Thăng” tái hiện, Nguyễn Văn Bình chắc chắn sẽ phải ngậm ngùi chia tay với cái ghế ủy viên bộ chính trị. Thậm chí còn phải ra khỏi Ban chấp hành trung ương.
Song nếu mất ủy viên bộ chính trị và ủy viên trung ương mà không bị sa vào vòng tố tụng hình sự thì vẫn còn là may mắn. Thận trọng hơn Thăng và có lẽ đã hình dung được số phận của mình, chưa biết Nguyễn Văn Bình sẽ chủ động “chọn” cái kết nào. Hay sự lựa chọn đó không còn thuộc về ông Bình nữa?
(Cali Today)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét