Thứ Năm, 14 tháng 9, 2017

TS Trần Ðình Thiên, VT Viện Kinh Tế Việt Nam: Tố DNNN làm hại nền kinh tế ?

“…Dù được giao nhiệm vụ ‘nòng cốt’ cho nền kinh tế nhưng nhiều mục tiêu không thực hiện được. Thậm chí một số doanh nghiệp nhà nước còn là yếu tố gây mất cân đối, phá vỡ ổn định vĩ mô.”
Kết quả hình ảnh cho Trần Đình Thiên
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên

Ðó là lời nhận định của ông Trần Ðình Thiên, viện trưởng Viện Kinh Tế Việt Nam thấy đăng tải trên tờ Trí Thức Trẻ (TTT) cuối tuần qua về các doanh nghiệp quốc doanh lâu nay từng nổi tiếng “lời giả lỗ thật.”

Những năm qua, mỗi khi họp đảng và đưa ra các kế hoạch phát triển kinh tế tài chính, khối xí nghiệp quốc doanh (thường được gọi là doanh nghiệp nhà nước và viết tắt là DNNN) gồm rất nhiều đại gia nắm giữ độc quyền trên nhiều lãnh vực vẫn được xưng tụng là “chủ đạo” cho cả nền kinh tế.

Tuy nhiên, nhiều vụ án xử các quan chức cầm đầu một số tập đoàn, tổng công ty quốc doanh về các tội từ tham nhũng đến cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng, bộc lộ cho mọi người thấy cái hệ thống được dựng làm xương sống nuôi chế độ lại ăn tàn phá hại hơn là đóng góp cụ thể để giúp chế độ “tiến lên xã hội chủ nghĩa.”

Theo ông Trần Ðình Thiên, “Trên thực tế, nhiều khi DNNN lại là yếu tố gây mất cân đối, phá vỡ ổn định vĩ mô, gây tổn thất lớn cho nền kinh tế, cả trực tiếp như mất vốn, gây lãng phí lớn, lẫn gián tiếp như méo mó môi trường kinh doanh… Nó được minh chứng bởi thực trạng của nhiều dự án ‘đắp chiếu,’ nhiều doanh nghiệp ‘xác sống,’ gánh nặng nợ-nợ xấu của khu vực DNNN đang trở thành ‘vấn nạn’ phát triển thật sự của nền kinh tế.”

Không thấy tờ TTT thuật lời ông Thiên nêu ra tên tuổi những đại gia quốc doanh nào, người ta hiểu ông nói đến “quả đấm thép” Vinashin và tổng công ty tàu thủy Vinalines mà những người cầm đầu hiện đang nằm trong tù sau khi đẩy doanh nghiệp tới bờ vực phá sản. Hiện nhà cầm quyền vẫn đang loay hoay đối diện với 12 đại dự án của các tập đoàn dầu khí, hóa chất và xi măng, chưa kể những dự án nhỏ hơn, đang “đắp chiếu” sau khi đã đốt của ngân sách nhà chục ngàn tỉ đồng. Không những vậy, hàng chục ngàn tỉ đồng vay nợ còn treo lơ lửng.

Theo ông Thiên, tuy dựa vào thế nhà nước, các DNNN hưởng đủ mọi thứ ưu đãi từ đất đai, tiền vốn, và được giao những dự án lớn, có vị trí độc quyền nhưng “hiệu quả kinh doanh còn thấp.” Ông dẫn chứng cho thấy, so với các thành phần kinh tế khác, hiệu quả sử dụng vốn của khu vực DNNN là thấp nhất trong giai đoạn 2011-2014.

“…nếu như các DNNN phải cần đến 1.63 đồng vốn (năm 2011) và 2.15 đồng vốn (năm 2014) mới tạo ra 1 đồng doanh thu thì các doanh nghiệp tư nhân chỉ cần bỏ ra 1.21 đồng vốn (năm 2011) và 1.42 đồng vốn (năm 2014) để tạo ra 1 đồng doanh thu; còn các doanh nghiệp FDI chỉ mất 1.05 đồng vốn năm (2011) và 1.12 đồng vốn (năm 2014) để tạo ra 1 đồng doanh thu,” TTT thuật lời ông Thiên dẫn chứng.

Trước sự thúc ép của các định chế tài trợ quốc tế, tính đến cuối năm 2016, tổng số DNNN là 718 doanh nghiệp, giảm xuống từ 12,000 doanh nghiệp của những năm đầu thập niên 2000. Theo báo cáo của chế độ Hà Nội về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc đến cuối năm 2015, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có tổng số nợ phải trả lên đến 1.5 triệu tỷ đồng.

Một bản báo cáo viết rằng, “Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân năm 2015 là 1.23 lần, trong đó có 25 DNNN có tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần, đứng đầu là Tổng công ty Phát thanh truyền hình thông tin, Tổng Công Ty Xăng Dầu Quân Ðội, Tổng Công Ty Cơ Khí Xây Dựng…” Theo ông Trần Ðình Thiên, một số công ty quốc doanh còn nợ gấp 10 lần vốn sở hữu.

Theo tin tức những tháng đầu năm nay, Bộ Công Thương có 12 dự án và doanh nghiệp “chậm tiến độ, kém hiệu quả, làm ăn thua lỗ,” nổi bật là nhà máy sản xuất xơ sợi Ðình Vũ, dự án nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, nhà máy nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất, nhà máy đạm Ninh Bình… Tổng tài sản của 12 nhà máy là hơn 57,600 tỷ đồng, thì tổng nợ phải trả là hơn 55,000 tỷ đồng.

Chủ tịch Hội Ðồng Quản Trị của xơ sợi Ðình Vũ là Vũ Ðình Duy hiện đã trốn ra nước ngoài. Dự báo, trong năm 2017, mức hụt thu ngân sách do DNNN làm ăn thua lỗ có thể lên tới khoảng 12,000-14,000 tỷ đồng.

Như những con số được tiết lộ hồi cuối năm 2015, tổng số nợ mà đám quốc doanh có trách nhiệm phải trả là 1.5 triệu tỉ đồng hay khoảng 64 tỉ đô la. Con số này hiện lên đến bao nhiêu, không người dân nào được biết vì nó bị coi là “bí mật nhà nước.”

Nợ công của Việt Nam, hồi giữa năm 2015, theo Ngân Hàng Thế Giới là 110 tỉ đô la. Như vậy, nợ của đám DNNN thời gian này chiếm đến khoảng 58% trong nợ công của Việt Nam.

Người ta sợ rằng con số 64 tỉ đô la cũng chưa chắc đã đúng vì Bộ Tài Chính của chế độ Hà Nội chỉ nhìn nhận nợ công bao gồm nợ của chính phủ, nợ được chính phủ bảo lãnh, nợ của chính quyền địa phương. Chuyên gia kinh tế tài chính quốc tế đều cho rằng nợ công phải bao gồm cả các khoản vay của các xí nghiệp quốc doanh.

Vì thiếu tiền nuôi guồng máy cai trị, chế độ Hà Nội thường xuyên phải vay nợ nên nợ công của Việt Nam ngày một phình ra lớn hơn. Thậm chí, ông thủ tướng đã nhiều hơn một lần hối thúc Ngân Hàng Nhà Nước nghiên cứu cụ thể các kế hoạch vay đô la và vàng của dân chúng. Tuy nhiên chưa thấy có một “phương án” nào được loan báo. 

(Người Viêt)

9/10/2017 GS.TS Trần Đình Thiên  Trí thức trẻ



Tăng trưởng của Việt Nam chủ yếu dựa vào vốn và lao động thiếu kỹ năng.Tại: Năm nút thắt của kinh tế, thách thức bài toán hội nhập? Có một điều rõ ràng là được cái này thì phải trả giá cái khác. Các ngân hàng chỉ khu trú nợ xấu lại mà không giải quyết triệt để thì rủi ro cao.Tại: TS Trần Đình Thiên: 'Xích' nợ xấu lại, giá phải trả rất đắt

TS. Trần Đình Thiên khi nhận xét về DNNN đã chỉ ra hai trạng thái đối nghịch. Thứ nhất, DNNN vẫn góp phần to lớn trong sự phát triển của nền kinh tế và phát huy vai trò của kinh tế nhà nước.

Thực tế cho thấy những doanh nghiệp này vẫn “chốt giữ” những ngành, lĩnh vực then chốt, địa bàn quan trọng. Bên cạnh đó, DNNN vẫn là lực lượng vật chất quan trọng để bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội, là công cụ quan trọng giúp ổn định vĩ mô, đối phó với những biến động thị trường, kiềm chế lạm phát, giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực của các “cú sốc” từ bên ngoài.

Tuy nhiên, nhìn về tổng thể, DNNN chưa đóng tròn vai “lực lượng nòng cốt” của lực lượng kinh tế “chủ đạo”, chưa hoàn thành sứ mệnh dẫn dắt và tạo động lực phát triển cho cả nền kinh tế.

Như TS. Trần Đình Thiên chỉ ra, động lực phát triển tự thân của chính DNNN đang yếu đi – hiệu quả sử dụng vốn, tốc độ tăng năng suất lao động giảm mạnh.

“Hiện nay, DNNN chính là lực lượng “đóng góp” nhiều nhất vào gánh nặng nợ quốc gia – cục máu đông cản trở phát triển kinh tế lớn nhất”, TS. Thiên bình luận.

Cụ thể, dù được giao trọng trách là “nòng cốt” của khu vực kinh tế chủ đạo, song các DNNN chưa thực sự làm tốt vai trò nòng cốt, mở đường, hướng dẫn, hỗ trợ phát triển. Trên thực tế, nhiều khi DNNN lại là yếu tố gây mất cân đối, phá vỡ ổn định vĩ mô, gây tổn thất lớn cho nền kinh tế, cả trực tiếp như mất vốn, gây lãng phí lớn, lẫn gián tiếp như méo mó môi trường kinh doanh...

Nó được minh chứng bởi thực trạng của nhiều dự án “đắp chiếu”, nhiều doanh nghiệp “xác sống”, gánh nặng nợ - nợ xấu của khu vực DNNN đang trở thành “vấn nạn” phát triển thật sự của nền kinh tế.

Mặt khác, TS. Thiên cũng cho rằng so với nguồn lực được giao, với những ưu đãi, đặc quyền, hỗ trợ của Nhà nước…, và đặc biệt, nếu so với “trọng trách” phải gánh vác thì những đóng góp của DNNN là chưa tương xứng.

Khu vực DNNN có nhiều thuận lợi về đất đai, tiền vốn, và được giao những dự án lớn, có vị trí độc quyền…, nhưng hiệu quả kinh doanh còn thấp. Kết quả các cuộc điều tra doanh nghiệp cho thấy, so với các thành phần kinh tế khác, hiệu quả sử dụng vốn của khu vực DNNN là thấp nhất trong giai đoạn 2011-2014

TS. Thiên cũng nói thêm rằng nếu như các DNNN phải cần đến 1,63 đồng vốn (năm 2011) và 2,15 đồng vốn (năm 2014) mới tạo ra 1 đồng doanh thu thì các doanh nghiệp tư nhân chỉ cần bỏ ra 1,21 đồng vốn (năm 2011) và 1,42 đồng vốn (năm 2014) để tạo ra 1 đồng doanh thu; còn các doanh nghiệp FDI chỉ mất 1,05 đồng vốn năm (2011) và 1,12 đồng vốn (năm 2014) để tạo ra 1 đồng doanh thu.

Một đặc điểm gây lo ngại cho hoạt động kinh doanh của các DNNN, theo TS. Trần Đình Thiên, là tình trạng “tay không bắt giặc”. "Trong cấu trúc tài sản của DNNN, vốn tự có chiếm tỷ lệ thấp hoặc rất thấp. Tỷ lệ nợ phải trả so với vốn chủ sở hữu ở các tập đoàn, tổng công ty nhà nước gấp 3-10 lần", ông nói.

Theo đó, nguyên lý “đánh mượn sức” – một nghệ thuật chiến đấu tuyệt vời của phương Đông được các DNNN Việt Nam vận dụng vào kinh doanh một cách dễ dàng đang trở thành nguồn gây rủi ro tiềm tàng to lớn: tỷ lệ vốn vay NH lớn và vốn chiếm dụng lẫn nhau cao cho thấy thực lực tài chính yếu kém và thực trạng tài chính đầy nguy cơ của các DNNN.

"Trên thực tế, hoạt động của các DNNN không chỉ dẫn đến nguy cơ phá sản của chính họ mà còn làm tăng gánh nặng nợ quốc gia", TS. Trần Đình Thiên bình luận.

Theo Trí thức trẻ

Không có nhận xét nào: