Sau Thanh Hóa, tới lượt lãnh chúa Ninh Bình bị phanh phui hàng loạt khoản “ăn dày” góp phần làm nghèo đất nước
-
Hôm trước, báo chí rần rần về cái gọi là “vương quốc Thanh Hóa” khi mà quan ở tỉnh này tự ý coi thường phép nước, tự xưng vương, lập phòng nhì, đẻ ra sưu cao thuế nặng, ức hiếp dân nghèo, thì nay Ninh Bình cũng chả khác gì Thanh Hóa là mấy. Chỉ khác ở chỗ, quan ở đây qua mặt Trung ương bằng cách vịn cớ là “nơi Vua ở”, hóa vàng ngân sách bằng hàng chục dự án “đầu voi đuôi chuột”, có dự án “phình” ra gần 10.000 tỷ đồng. Nếu không có Đại biểu ở Hà Nội lên tiếng về dự án Sào Khê đội vốn từ 72 tỷ lên tới 2.600 tỷ đồng, giờ chưa chắc đã lộ ra việc Ninh Bình đang “ăn dày” khủng khiếp đến như thế!
Sau vụ lùm xùm liên quan đến việc dự án nạo vét sông Sào Khê bị đội vốn hơn 2.500 tỷ đồng mà giờ vẫn đang “dang dở, bỏ không” vì THIẾU VỐN, Thanh tra Chính phủ đã có một cuộc thanh tra “chưa đầy đủ” 10 trong tổng số 62 dự án ở Ninh Bình. Kết quả cho ra còn gây bàng hoàng hơn ở dự án Sào Khê, đó là cả 10 dự án đều bị đội vốn từ vài trăm tỷ đến vài nghìn tỷ, khủng khiếp nhất phải kể tới dự án nạo vét lòng sông Đáy, phình ra tới 10.000 tỷ đồng.
Dự án nạo vét sông Đáy, được phê duyệt năm 2010 với số vốn từ ngân sách nhà nước là 2.078 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi chỉ định thầu cho Tập đoàn Xuân Thành (nay là Thaigroup, của ông chủ nổi tiếng Nguyễn Đức Thụy), chỉ 1 năm sau mức đầu tư của dự án đã được điều chỉnh thành 9.720 tỷ đồng, tăng 7.642 tỷ. Đoạn nạo vét này có chiều dài chỉ 77km, tức là tính trung bình, để nạo 1km tiêu tốn hết khoảng 126 tỷ đồng. Một cây cầu Cao Lãnh (Đồng Tháp) hết 3.000 tỷ đồng thoả ước mơ bao đời của người dân miền Tây, thì ở Ninh Bình, một dự án nạo vét đội vốn lên gấp 2,5 lần cây cầu Cao Lãnh. Ninh Bình rõ ràng là cao thủ hơn Đồng Tháp rất nhiều lần!
Các vị lãnh đạo tỉnh khi phê duyệt dự án này, không biết đã tìm hiểu kỹ giá cả thị trường hay chưa, đã có đánh giá chính xác khi lựa chọn nhà đầu tư hay không, mà lại tự ý phóng bút ký bản hợp đồng dự án mà như ông Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nhận xét là :“Có thể nói cả thế giới khó tìm ra được loại bột nở nào để làm nở kinh phí đầu tư lúc đầu chỉ là con chuột nhắt, sau là con voi, lại là voi ma mút như vậy”? Hay cũng có khi họ cố tình đẻ thêm chi phí cho nó phình to, và để làm được như vậy nhà thầu và những người có quyền ký dự án ấy đã cùng nhau cam kết ăn chia sòng phẳng số tiền “bột nở” ở trên bàn nhậu?
Thật vậy, cả hai dự án đội vốn siêu khủng kể trên là dự án Sào Khê và sông Đáy đều có liên quan đến “bàn tay” của Tập đoàn Xuân Thành, một tập đoàn kinh tế có tiếng ở Ninh Bình với vị Chủ tịch trẻ tuổi chịu chơi là Nguyễn Xuân Thụy, hay còn gọi là “bầu” Thụy kể từ khi ông này nhảy vào làm bóng đá năm 2012.
Ở Ninh Bình không thiếu những đại gia trong lĩnh vực xây dựng, nhưng ông chủ của Xuân Thành lại có mối quan hệ khá khủng với các vị lãnh đạo tỉnh này. Nhờ vậy, hàng loạt dự án lớn của tỉnh như: trung tâm thương mại Chợ Rồng, khách sạn Hoa Lư, khu nhà thi đấu đa năng, sân vận động tỉnh, nhà máy xử lý Chất thải, trụ sở Ủy ban Nhân dân tỉnh, hay bệnh viện Đa khoa Ninh Bình… đều rơi hết vào tay của Xuân Thành.
Hai dự án bị đội vốn kể trên được biết là do UBND tỉnh Ninh Bình chỉ định Tập đoàn Xuân Thành thực hiện mà không qua đấu thầu, tức là trái luật. Trái luật nhưng bà Bí thư tỉnh ủy Ninh Bình lại nhanh nhẩu đổ lỗi do “cơ chế”, song lại bị Thanh tra chỉ ra“nhiều bất thường trong quyết định của Tỉnh uỷ Ninh Bình”. Lấy cái bệnh viện đa khoa Ninh Bình có tổng vốn đầu tư lên tới 2.600 tỷ đồng xây xong nhưng chưa có đánh giá tác động môi trường là ví dụ, hay trong 10/62 dự án bị thanh tra, có tới 8/10 dự án được UBND tỉnh Ninh Bình phê duyệt mà chưa có báo cáo kết quả thẩm định dự án.
Cái căm phẫn nhất đối với Ninh Bình, chính là đến cả ông Đại biểu Bùi Văn Phương, phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Ninh Bình, lại đi bán đứng dân Ninh Bình và đứng về phía lãnh đạo tỉnh bằng tuyên bố: “Đội vốn là do sông Sào Khê là công trình quan trọng và chạy qua khu vực “vua từng ở” là Cố đô Hoa Lư”. Quanh co làm gì, cái quan trọng nhất là chất lượng và hiệu quả, khi dự án kéo dài như vậy chưa nói tới tham nhũng thì hiệu quả đã không có, sẽ tác động ngược lại nền kinh tế, tạo gánh nặng cho ngân sách, tức là cho dân. Chưa kể, việc dự án bị đội vốn đến 36 lần là trái ngược hoàn toàn với hoàn cảnh Ninh BÌnh, nơi có số nợ đọng lớn đến 5.900 tỷ đồng.
Không chỉ 2 dự án kể trên, còn có 9 dự án khác đều đồng loạt đội vốn từ hàng chục đến hàng nghìn tỷ đồng. Đơn cử như dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 10 (đội vốn hơn 850 tỷ), dự án Xây dựng nâng cấp đường tỉnh ĐT477B (đội vốn hơn 1.100 tỷ), dự án Nâng cấp đê hữu sông Hoàng Long và sông Đáy đoạn từ Bái Đính đi Kim Sơn (đội vốn hơn 2.150 tỷ), dự án Nâng cấp đê hữu Hoàng Long, đê Đức Long, Gia Tường, Lạc Vân (đội vốn hơn 560 tỷ), dự án Nạo vét lòng dẫn tuyến thoát lũ sông Hoàng Long (đội vốn hơn 430 tỷ đồng)… Chỉ với thống kê nhanh chưa đầy đủ, số tiền đội vốn tại các công trình hạ tầng của UBND Tỉnh Ninh Bình là hơn 12 nghìn tỷ đồng. Ai nói đất nước mình nghèo? Nghèo sao lấy đâu ra lắm tiền để đội vốn đến vậy?
Nói tới đây, tự nhiên cảm thấy như ở Ninh Bình giống như đang tồn tại một nhóm lợi ích rất lớn. Nhóm này cấu kết, hợp tác với nhau âm thầm lấy đất, vẽ ra dự án, quan bắt tay với doanh nghiệp vừa đục, vừa rỉa ngân sách nhiều miếng, nhiều miếng một. Rồi khi dân lên tiếng, bức xúc với đại biểu, thì đại biểu lại được ném cho cục tiền che họng. Bảo sao, Ninh Bình triển khai bao nhiêu dự án một cách êm xuôi mà chả ai hó hé, chả ai biết gì?
Ai sai, ai trái đã rõ. Cái quan trọng là con số tổng vốn ngân sách bị đội vốn lên tới 12.000 tỷ, ai sẽ đứng ra chịu trách nhiệm? Những ai đã ký phê duyệt các dự án vốn nghìn tỷ mà “bỏ không” ấy? Tập đoàn nào đã nhận thầu mà dẫn tới tình trạng đội vốn nghiêm trọng như vậy? Còn ông ĐBQH Ninh Bình, dự án phục vụ nông nghiệp đội vốn lên 36 lần mà không thấy xót xa cho dân nghèo, thì làm đại biểu Quốc hội làm gì, về đuổi gà cho dân nhờ.
12.000 tỷ, tức là chiếm hơn 10% của 115.000 tỷ bội chi ngân sách của cả nước ta năm 2017. Phú Yên phá hơn 1.000ha rừng đã thấy kinh khủng lắm rồi, phá ngân sách như Ninh bình thì khác gì cướp tài sản (ngân sách từ thuế dân) của Quốc gia? Hóa ra, biệt phủ hay bị phanh phui ở Ninh Bình đều từ đây mà ra cả?
Lạ một điều, tại sao những nơi như Ninh Bình, Thanh Hóa, lãnh chúa tự ý lộng quyền, vô tư làm trái phép nước ngay giữa thanh thiên bạch nhật như vậy, mà phải đến khi báo chí rần rần, dư luận phản ánh mới thấy Thanh tra vào cuộc? Liệu cơ chế Thanh tra có dành một vài lỗ hổng cho những con sâu tham nhũng? Hay chính họ cũng bị che mắt bởi đồng tiền?
Hiến định và pháp luật Việt Nam và các kết quả thanh tra, kiểm toán của Chính phủ mà không đưa được những kẻ dùng ngân sách vô đạo và tri trá như vậy “vào lò” thì còn chi công đạo?
(Dân Trí / Tuổi Trẻ / Một Thế giới)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét