Sáng 28/5, báo cáo trước Quốc hội về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) giai đoạn 2011-2016, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Hồng Thanh nhấn mạnh, việc đầu tư ra nước ngoài của các DNNN được triển khai khá tích cực.
Đến 31/12/2016 có 18 TĐ, TCT 100% vốn nhà nước có dự án đầu tư ra nước ngoài, thực hiện đầu tư 110 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 12,608 tỷ USD, chủ yếu tập trung trong lĩnh vực viễn thông, thăm dò và khai thác dầu khí, trồng cây cao su, khai thác khoáng sản…
Tuy nhiên, báo cáo giám sát cũng thắng thắn chỉ ra rằng, hoạt động đầu tư ra ngoài doanh nghiệp còn dàn trải, hiệu quả chưa cao. Lũy kế tính đến 31/12/2016 đã đầu tư ra nước ngoài trên 7 tỷ USD, có 25,5% dự án báo lỗ, 29% dự án lỗ lũy kế. Lợi nhuận được chia cho bên Việt Nam năm 2016 là 145 triệu USD, tương đương trung bình 2% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài thực hiện.
Về nội dung này, báo cáo của Chính phủ cũng nêu rõ, tính đến 31/12/2016 có 18 Tập đoàn, Tổng công ty 100% vốn nhà nước có dự án đầu tư ra nước ngoài, thực hiện đầu tư tại 110 dự án, chủ yếu tập trung trong lĩnh vực viễn thông, thăm dò và khai thác dầu khí, trồng cây cao su, khai thác khoáng sản…
Tổng vốn đầu tư đăng ký của các dự án là 12.608 triệu USD, trong đó đầu tư lớn nhất là Tập đoàn Dầu khí (bao gồm công ty mẹ và các công ty con trong Tập đoàn) với số vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài là 6.687 triệu USD (chiếm tỷ trọng 53%), thứ 2 là Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel với 2.130 triệu USD (17%), thứ 3 là Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam với 1.412 triệu USD (11%). Lũy kế đến 31/12/2016, tổng vốn đầu tư ra nước ngoài thực hiện của các doanh nghiệp này là 7.074 triệu USD.
Qua số liệu tổng hợp đến ngày 31/12/2016 cho thấy hiệu quả kinh tế của hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các DNNN thời gian qua còn thấp: 25,5% dự án báo lỗ năm 2016, 29% dự án lỗ lũy kế tính đến 31/12/2016, 46,4% dự án không có báo cáo về doanh thu – lợi nhuận. Lợi nhuận được chia cho bên Việt Nam  năm 2016 là  145 triệu USD.
Điều đáng lo ngại được báo cáo của Chính phủ chỉ ra là  nhiều dự án đang tiềm ẩn rủi ro về pháp lý tại nước sở tại (như bị rút ngắn thời gian triển khai dự án, tranh chấp đất đai) và rủi ro thị trường (như giá đầu ra giảm mạnh) ảnh hưởng lớn đến hiệu quả dự án. Có dự án bị ngừng cấp bảo lãnh Chính phủ dẫn tới việc phải dừng dự án, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả dự án.