Thứ Bảy, 26 tháng 5, 2018

Tìm hiểu số lượng cống thuế hàng năm dưới thời Trung Quốc đô hộ nước ta

Bởi
 AdminTD
 -

Hồ Bạch Thảo
25- 5- 2018
Sách An Nam Chí Nguyên [安南志原] đời Minh, tại quyển 2, mục Cống phú [cống thuế] chép khá chi tiết về sản phẩm và tiền bạc phải nạp cho Trung Quốc hàng năm. Sử liệu giúp cho người đọc thấy được cụ thể dã tâm bóc lột tại nước ta, quan lại thu thuế xuống tận các địa phương, dương cặp mắt cú vọ xăm xoi tước đoạt đủ mọi sản phẩm thuộc các ngành nghề. Chúng vơ vét bằng đủ loại tiền: tiền đồng, tiền giấy, và một loại tiền khác đặc biệt phạt hành thời Minh gọi là “Bảo tiền” mà người mình quen gọi là tiền quí, hay tiền tốt. Ngoài ra đứng về lãnh vực nghiên cứu, những số liệu thuế nạp tại trung ương và các phủ, châu; cho phép ta hình dung được tình hình kinh tế nước nhà vảo đầu thế kỷ thứ 15.
Cao Hùng Trưng, tác giả An Nam Chí Nguyên, phân biệt 3 cơ quan chính phụ trách về cống thuế: thứ nhất các công trường, thứ hai là trung ương, thứ ba tại các phủ, châu. Lấy năm Vĩnh Lạc thứ 15 [1417] làm chuẩn, tác giả trình bày như sau:
1.-  Sản phẩm sản xuất từ công trường
Những sản phẩm sản xuất từ các công trường như vàng, bạc, muối vv… và các đồn điền, thường do hoạn quan như Sơn Thọ, Mã Kỳ, được vua gửi đến; cùng các quan phụ trách trưng thu đưa thẳng về Trung Quốc. Tác giả không có số lượng, chỉ mô tả một cách tổng quát như sau:
“ Lấy năm Vĩnh Lạc thứ 15 [1417] làm chuẩn, các thứ như vàng, bạc, hương liệu, sản xuất từ các công trường, thì đã có điển lệ trưng thu; mỗi năm do nội quan (1), cùng quan tam ty (2), hay Đề đốc quân dân cùng quyết định trưng thu, nên không có định số; rồi hội đồng niêm phong, sai người tiến cống; số này không thuộc loại ngạch các phủ huyện liệu biện hàng năm nên không đăng tải số lượng.”

Tuy nhiên qua danh sách về các cơ quan phụ trách về muối trích dẫn dưới đây, có thể hình dung được cơ ngơi rất lớn:
Ty muối công trường An Hòa tại huyện Thủy Đường, phủ Tân An.
Ty muối công trường Chi Phong tại huyện Chi Phong phủ Tân An.
Ty muối công trường An Lão tại huyện An Lão phủ Tân An.
Ty muối công trường Đại Hoàng tại huyện Hoàng Sơ phủ Kiến Xương.
Ty muối công trường Quảng Từ tại huyện An Ninh phủ Kiến Bình.
Ty muối công trường Châu Hiệp tại huyện Cửu Hoàng phủ Thanh Hóa.
Ty muối công trường Hoàng Phúc tại huyện Hoàng Phúc phủ Nghệ An.
Ty muối công trường Nam Giới tại huyện Phi Lộc phủ Nghệ An.
Ty muối công trường Thiên Đông tại Diễn châu.” (An Nam Chí Nguyên quyển 2)
Hoặc văn bản ngày 22 tháng 8 năm Vĩnh Lạc thứ 7 [11/9/1419] về việc lập các cục khai thác vàng tại nước ta như sau:
Lập các cục mỏ vàng tại Giao Chỉ; thuộc trấn Thất Nguyên phủ Lạng Sơn, trấn Qui Hóa phủ Tam Giang, trấn Tuyên Quang phủ Tuyên Hóa. Đặt 2 viên Đại sứ, 4 viên Phó sứ.”
(Minh Thực Lục v. 14, tr. 2152; Thái Tông q.215, tr.1b)
2.-  Thuế do trung ương thu
Tại trung ương do Tam ty tức ty Bố chánh, ty Án sát, và Đô chỉ huy sứ ty đảm trách; thành trì Tam Ty tại góc sông Tô Lịch và Hồng thành phố Hà Nội ngày nay. Riêng năm 1417 số lượng thuế thu về như sau:
– Thúy bì (3) 2.000 cái.
– Quạt giấy: 10.000 cái.
– Sơn sống: 3.350 cân , 9 lượng rưỡi.
– Phèn sống: 500 cân.
– Số ruộng đất, ao hồ của quan dân gồm 17.442 khoảnh 34 mẫu 5 phân 6 ly. Lương thực gạo nạp vào tiết hè thu là 74.549 thạch (4), 4 thăng, 2 hợp. 6 chước, 5 sao.
– Muối: 40.400 đấu, 40 thăng.
– Thuế vàng: 573 lượng 8 tiền, 5 phân, 1 ly.
– Thuế bạc: 1.712 lượng, 3 phân, 5 ly.
– Tơ: 1.229 cân (5), 15 lượng, 1 tiền.
– Lương thực gạo nạp vào mùa thu: 3.001 thạch, 8 đấu.
– Thuế voi: 4 con.
– Thuế buôn bán; tiền giấy: 34.461 quan, 616 đồng; tiền đồng: 3.902 quan, 556 đồng; tiền quí (6): 30.558 quan, 921 đồng.
– Tiền mướn ruộng công: 512 quan, 130 đồng.
– Thuế lò làm đồ sành: 618 quan, 2 trăm đồng.
3.- Thuế thu tại địa phương.
Lúc bấy giờ toàn thể nước ta có 17 phủ 5 châu, nhưng vì châu Thăng Hoa (7) mới  lấy lại từ Chiêm Thành, dân chúng chưa yên với nghề nghiệp, nên tạm thời chỉ thu tại các địa phương còn lại, gồm 16 phủ, 5 châu:
a) Phủ Giao Châu [ ước lượng thuộc Thành phố Hà Nội, tỉnh Hà Tây, Hà Nam ngày nay (8)]
– Thúy bì: 50 cái.
– Quạt giấy: 1.500 cái.
– Sơn sống: 1.695 cân.
– Ruộng đất ao hồ của quan dân: 3.316 khoảnh, 26 mẫu, 6 phân, 6 ly. Thuế lương thực hè thu: 16.562 thạch, 4 đấu, 4 thăng, 9 hợp, 5 chước.
– Tơ: 383 cân, 12 lượng, 6 tiền.
– Thuế buôn, tiền giấy nạp: 13.987 quan, 500 đồng; tiền đồng: 983 quan, 300 đồng; tiền quí: 13.014 quan, 200 đồng.
– Thuế cá trong hồ, tiền giấy:6.160 quan, 400 đồng; tiền đồng: 1.857 quan, 880 đồng; tiền quí: 4.032 quan, 220 đồng.
– Thuế mướn đất công, tiền quí: 132 quan, 85 đồng.
b) Phủ Bắc Giang [tỉnh Bắc Giang và một phần tỉnh Bắc Ninh]
– Thúy bì: 200 cái.
– Quạt giấy: 1.500 cái.
– Ruộng vườn ao hồ quan dân: 1.962 khoảnh, 92 mẫu, 7 phân. Nạp tiền đồng: 801 quan, 445 đồng. Nạp lương thực hè thu: 8. 267 thạch gạo, 9 thăng, 10 hợp, 7 chước, 5 sao.
– Tơ: 100 cân, 12 lượng.
– Thuế buôn, tiền giấy nạp: 5.054 quan, 253 đồng; tiền quí: 4.253 quan.
– Thuế cá, tiền giấy nạp: 985 quan, 540 đồng; tiền đồng: 611 quan, 940 đồng; tiền quí: 373 quan, 600 đồng.
– Thuế lò gốm, tiền đồng: 28 quan.
c) Phủ Lạng Giang [tỉnh Hải Dương, Bắc Ninh]
– Thúy bì: 250 cái.
– Quạt giấy: 1.000 cái.
– Ruộng đất ao hồ của quan dân: 1040 khoảnh, 4 mẫu, 3 phân. Thuế lương thực hè thu, gạo: 4.468 thạch, 7 thăng, 2 hợp.
– Tơ: 88 cân, 5 tiền.
– Thuế buôn bán, nạp tiền giấy: 5.072 quan, 700 đồng. Tiền đồng: 215 quan, 60 đồng. Tiền quí: 4.857 quan, 100 đồng.
– Thuế cá ao đầm, tiền giấy: 1.064 quan; tiền đồng: 321 quan, 600 đồng; tiền quí: 740 quan, 300 đồng.
– Tiền mướn ruộng công: 10 quan.
d) Phủ Lạng Sơn [tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng]
– Đất ruộng ao hồ của dân: 657 khoảnh, 15 mẫu, 2 phân. Nạp lương thực hè thu: 2.614 thạch, 7 đấu, 2 thăng, 8 hợp.
– Thuế vàng: 29 lượng, 7 tiền.
– Thuế buôn bán, tiền giấy: 117 quan, 400 đồng; tiền đồng: 37 quan, 400 đồng; tiền quí: 80 quan.
– Thuế bạc: 145 lượng, 3 tiền.
đ) Phủ Tân An [Thành phố Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương].
– Thúy bì: 300 cái.
– Quạt giấy: 2.000 cái.
– Tơ: 1 cân.
– Ruộng đất ao hồ quan dân: 2.914 khoảnh, 76 mẫu, 5 ly. Thuế lương thực hè thu, gạo: 9.844 thạch, 2 đấu, 1 hợp, 5 chước; nạp mùa thu 31 thạch, 8 đấu.
– Thuế buôn bán, thu bằng tiền giấy được: 6.102 quan 504 đồng; tiền đồng: 753 quan 218 đồng; tiền quí: 5.349 quan 286 đồng.
– Thuế cá, tiền giấy: 608 quan 420 đồng; tiền đồng: 304 quan 462 đồng; tiền quí: 303 quan 910 đồng.
– Thuế lò gốm, tiền đồng: 40 quan 200 đồng.
– Thu tô, tiền giấy: 33 quan 860 đồng; tiền đồng: 7 quan 200 đồng; tiền quí: 26 quan 660 đồng.
– Thuế muối: 26.775 cân.
e) Phủ Kiến Xương [tỉnh Hưng Yên, Thái Bình].
– Thúy bì: 200 cái.
– Quạt giấy: 500 cái.
– Ruộng đất ao hồ quan dân: 442 khoảnh 412 mẫu 3 phân 5 ly. Thu lương thực hè thu, gạo: 2.712 thạch 7 thăng 3 hợp.
– Tơ: 41 cân 5 tiền 5 phân.
– Thuế cá, ao đầm, tiền giấy: 2414 quan 200 đồng; tiền đồng: 524 quan 600 đồng; tiền quí: 1889 quan 600 đồng.
– Tiền thu tô đất công: 102 quan.
– Thuế muối: 1.940 cân.
f) Phủ Trấn Man [tỉnh Thái Bình, Nam Định].
– Thuế lò gốm: 200 cân.
– Tơ: 9 cân 7 lượng 3 tiền.
– Ruộng đất ao hồ quan dân 533 khoảnh 51 mẫu 6 phân. Nạp lương thực hè thu, gạo: 2.187 thạch 8 đấu 8 thăng 5 hợp.
– Thuế buôn, tiền giấy: 582 quan; tiền đồng: 48 quan; tiền quí: 480 quan.
– Thuế đánh cá, tiền giấy: 66 quan, tiền đồng: 18 quan; tiền quí: 40 quan.
–  Tô thuế đất công: 4 quan 500 đồng.
– Thuế muối: 4.658 cân.
g) Phủ Phụng Hóa [tỉnh Nam Định].
– Thúy bì: 100 cái.
– Tơ: 15 lượng.
– Quan dân ruộng đất ao hồ: 901 khoảnh, 66 mẫu 7 phân. Lương thực mùa thu nạp, gạo: 3.303 thạch 2 đấu 5 thăng.
– Thuế buôn, nạp tiền giấy: 224 quan 464 đồng; tiền đồng: 114 quan 440 đồng; tiền quí: 112 quan.
– Thuế cá, tiền đồng: 60 quan.
– Tô thuế đất công, tiền quí: 144 quan.
– Thuế muối: 441 cân.
h) Phủ Kiến Bình [tỉnh Ninh Bình].
– Thúy bì: 100 cái.
– Tơ: 7 cân 12 lượng 5 phân.
– Quan dân ruộng đất ao hồ: 1.198 khoảnh 32 mẫu. Thuế lương thực hè thu, gạo: 3.974 thạch 6 đấu 9 thăng 3 hợp.
– Thuế buôn, tiền đồng: 95 quan 875 đồng.
– Thuế cá, nạp tiền giấy: 151 quan 600 đồng; tiền đồng: 27 quan 300 đồng; tiền quí: 74 quan 400 đồng.
– Thuế muối: 2.452 cân.
– Tô thuế mướn đất công, tiền giấy: 130 quan 200 đồng.
i) Phủ Tam Giang [tỉnh Hà Tây, Phú Thọ].
– Thúy bì: 225 cái.
– Quạt giấy: 2.500 cái.
– Quan dân ruộng đất ao hồ: 1.960 khoảnh 36 mẫu 2 phân. Thuế lương thực hè thu, gạo: 8.686 thạch 3 đấu 8 thăng.
– Sơn sống: 300 cân.
– Tơ: 378 cân 2 lượng 4 tiền.
– Thuế buôn, nạp tiền giấy: 471 quan 874 đồng; tiền đồng: 220 quan 39 đồng; tiền quí: 249 quan 335 đồng.
– Thuế cá, tiền đồng: 80 quan 221 đồng.
– Tô thuế đất công: 54 quan.
k) Phủ Tuyên Hóa [tỉnh Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Hà Giang].
– Sơn sống: 340 cân.
– Thuế bạc; 859 lượng 7 tiền 3 phân 7 ly.
– Quan dân ruộng đất ao hồ: 701 khoảnh 38 mẫu 5 phân 7 ly. Thuế hè thu, gạo: 2.474 thạch 5 đấu 3 thăng 6 hợp 4 chước.
– Thuế buôn, nạp tiền giấy: 824 quan 722 đồng; tiền đồng : 21 quan 552 đồng; tiền quí: 44 quan.
– Tơ: 1.008 cân 9 lượng.
l) Phủ Thái Nguyên [tỉnh Thái Nguyên, Bắc Cạn].
– Thuế bạc: 144 lượng 5 tiền.
– Thuế vàng: 65 lượng 5 tiền.
– Ruộng vườn ao hồ quan dân: 241 khoảnh 20 mẫu. Nạp lương thực hè thu, gạo: 591 thạch 9 đấu 6 hợp.
– Thuế buôn, tiền giấy: 211 quan 977 đồng. Tiền quí: 176 quan.
m) Phủ Thanh Hóa [tỉnh Thanh Hóa].
– Quan dân ruộng vườn ao hồ: 830 khoảnh 55 mẫu 7 phân. Nạp lương thực hè thu, gạo: 4.088 thạch 6 đấu 1 thăng 4 hợp.
– Tơ: 85 cân 8 lượng 4 tiền.
– Thuế vàng: 180 lượng.
– Thuế buôn cửa hàng, tiền giấy: 1.505 quan 516 đồng; tiền quí: 1.022 quan; tiền đồng: 191 quan.
– Thuế cá, ao hồ, tiền giấy: 950 quan, tiền đồng: 191 quan; tiền quí: 764 quan.
– Thuế muối: 1.739 thăng 40 cân.
n) Phủ Nghệ An [tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh].
– Quan dân ruộng đất ao hồ: 110 khoảnh 57 mẫu 2 phân 5 ly. Nạp lương thực hè thu: 483 thạch 9 đấu 1 thăng 3 hợp 5 chước.
– Tơ: 6 cân 2 lượng 6 tiền.
– Thuế vàng: 220 lượng.
– Thuế voi: 3 con.
– Thu tô công điền, tiền giấy: 90 quan.
– Thuế muối: 3.308 cân.
o) Phủ Tân Bình [tỉnh Quảng Bình].
– Đất đai của dân: 27 khoảnh 56 mẫu 7 phân. Nạp lương thực hè thu, gạo: 133 thạch 9 đấu.
– Tơ: 9 cân 13 lượng 4 tiền.
–  Thu tô đất công, tiền quí: 10 quan.
p) Phủ Thuận Hóa [tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên].
– Ruộng đất dân: 71 khoảnh. Nạp lương thực hè thu: 213 thạch 2 đấu 9 thăng 7 hợp.
1.- Châu Quảng Oai [tỉnh Hòa Bình].
– Thuế buôn, tiền giấy: 43 quan.
– Thuế cá, tiền đồng: 31 quan.
– Tơ: 34 cân 8 lượng.
– Quan dân ruộng đất ao hồ: 181 khoảnh 95 mẫu 5 phân; nạp lương thực hè thu, gạo: 778 thạch 8 đấu 5 thăng 4 hợp.
2.- Châu Gia Hưng [tỉnh Phú Thọ, Sơn La].
– Tơ: 34 cân 15 lượng 6 tiền.
– Thuế buôn, tiền giấy: 670 quan 750 đồng; tiền đồng: 508 quan 250 đồng; tiền quí: 163 quan 500 đồng.
– Quan dân ruộng đất ao hồ: 151 khoảnh 69 mẫu 9 phân. Nạp lương thực hè thu, gạo: 115 thạch 2 đấu 3 thăng 5 hợp.
3.- Châu Qui Hóa [tỉnh Yên Bái, Lào Cai].
–  Quan dân ruộng đất ao hồ: 151 khoảnh 69 mẫu 6 phân. Nạp lương thực hè thu, gạo: 115 thạch 2 đấu 3 thăng 5 hợp.
– Tơ: 34 cân 15 lượng 6 tiền.
– Thuế buôn, tiền giấy: 670 quan 750 đồng; tiền đồng: 580 quan 250 đồng; tiền quí: 163 quan 500 đồng.
4.- Châu Ninh Hóa [phủ Nho Quan, tỉnh Ninh Bình].
– Tơ: 14 cân 7 lượng 3 tiền.
– Ruộng đất ao hồ dân: 76 khoảnh 1 phân. Nạp lương thực hè thu, gạo: 336 thạch 5 đấu 4 thăng.
5.- Châu Diễn [ Huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu thuộc tỉnh Nghệ An].
– Thuế muối: 580 cân.
– Đất đai ao hồ dân: 20 khoảnh 65 mẫu 8 phân. Nạp lương thực hè thu: 78 thạch 4 đấu 2 thăng 4 hợp.
Chú thích:
1. Nội quan:  Hoạn quan do nhà vua gửi đến.
2. Tam ty tức 3 ty, gồm:  ty Bố chánh, ty Án sát, ty Đô chỉ huy.
3. Thúy bì: lá thuốc giải nhiệt.
4. 1 thạch thời Minh bằng 60 kg; 10 đấu = 1 thạch;  10 thăng= 1 đấu; 10 hợp = 1 thăng; 10 chước = 1 hợp; chước tương đường với môi múc canh
5. 1 cân = .50 kg; 16 lượng = 1 cân; tiền còn gọi là đồng cân= 1/10 lượng.
6. Tiền quí tức Bảo sao, một loại tiền giấy chỉ phát hành vào thời Minh, bề ngang 20 cm., bề dọc 30 cm.; là loại giấy bạc có kích thước rộng nhất. Bảo sao được gọi là tiền quí, hay tiền tốt; bởi vậy xưa có bài ca dao mô tả việc người nội trợ mang 1 quan tiền tốt đi chợ, bị chồng kiểm soát; bài ca dao với những câu mở đầu như sau:
Một quan tiền tốt mang đi,
Nàng mua những gì mà tính chẳng ra?
7. Phủ Thăng Hoa: thuộc các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi ngày nay. Thời Minh xâm lăng, Chiêm Thành hợp tác với nhà Minh đánh nhà Hồ và chiếm lấy đất này; rồi vào năm 1417 quân Minh lấy lại từ Chiêm Thành. Xin xem bài Phủ, châu, huyện tại Việt Nam đổi thay dưới thời Minh đô hộ của Hồ Bạch Thảo.
8. Dùng Bản đồ hành chánh 64 tỉnh thành phố Việt Nam, NXB Bản đồ: Hà Nội, 2005, để phỏng chừng so sánh.

Không có nhận xét nào: