Một số lô dầu khí ngoài khơi Việt Nam rơi vào vùng đường chín đoạn mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, bài của phóng viên James Pearson và Greg Torode của Reuters hôm 23/5/2018 viết.
Hồi tuần trước, một công ty con của hãng dầu khí Nga Rosneft quan ngại rằng hoạt động khoan khí của họ ở Lô 06.1 ngoài khơi Vũng Tàu có thể khiến Bắc Kinh tức giận.
Vụ việc khiến người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng khẳng định rằng lô dầu khí đó "hoàn toàn thuộc lãnh thổ và thuộc quyền tài phán của Việt Nam", còn người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng lập tức ra cảnh báo rằng các bên phải tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của Bắc Kinh.
Đây không phải là lần đầu tiên các dự án khai thác dầu khí của Việt Nam 'gặp chuyện' với Trung Quốc.
Vị trí hoạt động mới nhất của Rosneft là trong Lô 06.01, thuộc dự án mỏ khí Lan Đỏ và nằm trong Bể Nam Côn Sơn.
Theo bản đồ khai thác dầu khí chính thức của PetroVietnam, thì Lô 06.1 nằm gần với bờ biển Việt Nam hơn so với các lô 07.03 và 136.03, những nơi đối tác khác của PetroVietnam đã phải dừng hoạt động thăm dò, khai thác hồi tháng 3/2018 và 7/2017 do sức ép từ phía Bắc Kinh.
Hồi tháng Ba, PetroVietnam yêu cầu hãng năng lượng của Tây Ban Nha, Repsol, ngưng dự án Cá Rồng Đỏ nằm trong Lô 07.03, khiến Repsol và các đối tác thiệt hại ước tính khoảng 200 triệu đô la đã đầu tư vào dự án.
Lô 07.03 nằm ngay cạnh Lô 136.03, nơi mà cũng Repsol bị chính phủ Việt Nam yêu cầu ngưng hoạt động khoan thăm dò hồi tháng Bảy năm ngoái.
Lô 136.03 là nơi PetroVietnam cho Talisman-Việt Nam, công ty con của Repsol thuê.
Khu vực khai thác dầu khí trên có vai trò rất quan trọng với sự phát triển kinh tế của Việt Nam.
PetroVietnam đóng góp 20% tổng GDP của Việt Nam, và 30% tổng ngân sách cả nước trong thời gian từ 1986 đến 2009, Reuters nói.
Trong vòng 30 năm, từ 1987 đến 2017, Việt Nam đã xuất khẩu 355 triệu tấn dầu thô, thu về 145 tỷ đô la Mỹ, trang tin VietnamNet dẫn nguồn báo cáo của PetroVietnam.
Đáng chú ý là hãng tư vấn Wood Mackenzie được Reuters dẫn nguồn nói rằng nếu đường chín đoạn của Trung Quốc được nối liền các đoạn vào nhau, thì đường ranh giới mà Trung Quốc nêu ra này sẽ ăn vào từng phần hoặc toàn bộ 67 lô dầu khí mà Việt Nam đã phân ra trên biển.
Trong số các lô trên, có bốn lô hiện đã đang tiến hành khai thác thương mại. Các lô còn lại đang trong các giai đoạn khác nhau của hoạt động khoan thăm dò hoặc phát triển dự án, theo Wood Mackenzie.
Biển Đông là nơi Trung Quốc và nhiều quốc gia khác cùng tuyên bố chủ quyền.
Việc Trung Quốc đòi chủ quyền theo đường chín đoạn tạo thành các vùng chồng lấn lên các đặc khu kinh tế của Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei.
Trước đây, Trung Quốc và các nước khác đã từng thảo luận về việc phát triển các dự án năng lượng chung ở vùng biển có tranh chấp, nhưng nỗ lực này đã bị vấn đề chủ quyền lãnh thổ làm lu mờ.
Hồi tháng trước, Philippines nói muốn đạt thỏa thuận với Trung Quốc trong vài tháng tới nhằm có hoạt động khai thác dầu khí chung trong vùng biển cả hai nước cùng tuyên bố chủ quyền.
Tuy nhiên, vùng biển tranh chấp với Việt Nam từ lâu nay luôn là điểm làm bùng lên căng thẳng giữa hai bên.
Bắc Kinh thường tìm cách gây áp lực bằng hoạt động ngoại giao phía sau đi kèm với việc gây áp lực trên biển.
Hồi 2007 và 2008, chiến lược này của Trung Quốc đã khiến hãng dầu khí BP của Anh và nhiều công ty khác rút lui khỏi một số lô, tuy nhiên hãng ExxonMobil của Mỹ thì không.
Nay, phản ứng của Trung Quốc đối với hoạt động mới đây của Rosneft sẽ 'là một phép thử xem Bắc Kinh sẵn lòng đi xa tới đâu', Reuters dẫn lời một chuyên gia từ Viện Nghiên cứu ISEAS Yusof Ishak ở Singapore.
Đồng thời, Bắc Kinh và Moscow đã thỏa thuận với nhau rằng hai nước sẽ không thách thức các lợi ích cốt lõi của nhau, bao gồm cả các lợi ích ở Biển Đông, chuyên gia Ian Storey nói.
Bên cạnh việc gây áp lực chính thức từ phía chính quyền, Bắc Kinh còn áp dụng cả chiến thuật 'dựa vào dân', với việc hậu thuẫn cho người dân quảng bá hình ảnh bản đồ đường lưỡi bò.
Mới đây, một nhóm các du khách được cho là người Trung Quốc khi làm thủ tục nhập cảnh vào Việt Nam đã mặc áo thun có in hình bản đồ lưỡi bò sau lưng.
Trước việc những người này bị giới chức Việt Nam yêu cầu cởi bỏ áo trước khi được cho nhập cảnh, Hoàn cầu Thời báo đăng bài nói đó là hành động "có thể làm tổn hại tới các quan hệ song phương", và cho thấy "Việt Nam thiếu tự tin về các tuyên bố chủ quyền của mình ở Biển Đông".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét