Dân trí “Nếu để các thế lực ngầm thôn tính hết đất tại đặc khu thì sau này khi các “đại bàng” đến sẽ không còn chỗ “làm tổ” vì “chim sẻ, chim sâu” chiếm hết đất rồi” – Chủ nhiệm UB Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trao đổi bên hành lang Quốc hội.
Chủ nhiệm UB Kinh tế Vũ Hồng Thanh nguyên là Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh
- Theo tính toán, 3 đặc khu dự kiến sẽ cần những nguồn đầu tư rất lớn, tới trên 1 triệu tỷ đồng, trong đó, theo đề án các địa phương xây dựng, Phú Quốc dự kiến cần khoảng 40 tỷ USD, Vân Đồn thì khoảng 270.000 tỷ đồng… tới năm 2030. Bài toán thu hút vốn của các đặc khu có khả thi, thưa ông?
- Không phải hoang mang về vấn đề này. Hãy xem như cách làm của Quảng Ninh đấy, Nhà nước chỉ bỏ vốn mồi, còn lại tìm cách khác kéo vốn bên ngoài vào.
- Tại phiên thảo luận về dự án luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (đặc khu) tại Quốc hội ít ngày trước, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) lại phân tích, việc lập các đặc khu không chỉ là hình thành các đơn vị hành chính thông thường mà là dự án đầu tư công lớn khi nhà nước phải dành ra nhiều nghìn km đất liền, vùng biển với tài nguyên thiên nhiên giàu đẹp để mời gọi đầu tư. Ngoài ra, Nhà nước đã đầu tư vào các khu vực này hàng trăm nghìn tỷ đồng làm đường sá, điện nước, sân bay, bến cảng... và sẽ đầu tư hơn 1,5 triệu tỉ đồng vào hạ tầng kỹ thuật. Ông không tán thành với ý kiến này?
- Tôi đã tranh luận với đại biểu Trương Trọng Nghĩa rằng đây không phải dự án đầu tư công. Tất nhiên, nói như thế không có nghĩa là Nhà nước không có gì tham gia vào đó, nhưng cái chúng ta đưa ra là chính sách, là cơ chế và vốn mồi của Nhà nước để rót vào những khâu thiết yếu để tạo môi trường, tạo cơ chế để thu hút đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Quan trọng là phải kéo được những nhà đầu tư chiến lược, những doanh nghiệp hàng đầu thế giới, có công nghệ, có tiềm lực vào đây. Tư duy, cơ chế cần phải đột phá lên. Ý nghĩa của đặc khu phải như thế.
- Một câu chuyện thời sự khác đang diễn ra tại 3 đặc khu tương lai khiến nhiều đại biểu Quốc hội lo lắng đề cập, dư luận cũng “sốt” là dù luật chưa được thông qua, mới chỉ có thông tin về việc lập đặc khu, đất đai tại Vân Đồn, Phú Quốc, Vân Phong đã loạn sới. Khi nguồn lực cơ bản bị chia sẻ manh mún như vậy thì đặc khu sẽ thu hút đầu tư kiểu gì?
- Như ở Quảng Ninh thì những việc mua bán đất đai, dự án đã dừng lại hết rồi. Khi tôi còn công tác ở Quảng Ninh (nhiệm kỳ trước, ông Vũ Hồng Thanh là Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh – PV) đã có chủ trương đó rồi. Còn đằng sau, thị trường “ngầm” thì cũng có thể có chuyện đó. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh là chủ trương của lãnh đạo Quảng Ninh là dừng các hoạt động mua bán, chuyển nhượng đất tại đây rồi.
Vừa rồi, anh Đọc, Bí thư Quảng Ninh đã trực tiếp xuống Vân Đồn, chỉ đạo dừng việc chứng nhận các giao dịch, chuyển nhượng, chờ Luật đặc khu rồi mới triển khai cái này cái kia.
Tôi khẳng định, ngay từ khi tôi còn ở Quảng Ninh đã dừng hết các dự án để dành đất cho đặc khu.
- Ở Phú Quốc, vừa qua, Chủ tịch huyện đảo này cũng đã bị khiển trách vì buông lỏng quản lý đất đai. Trong một hội thảo mới đây, chuyên gia kinh tế trưởng của World Bank, cũng khuyến cáo sẽ có một “cuộc đua xuống đáy” với 3 đặc khu. Lo lắng này có cơ sở không và việc đó ảnh hướng thế nào tới tương lai của các đặc khu, thưa ông?
- Trong báo cáo thẩm tra Luật đặc khu cũng đã có cảnh báo về chuyện đó rồi. Chúng ta phải làm sao đó để dừng lại hiện tượng này, nếu không đất đã “sốt” lên rồi, đã mua bán, sang nhượng hết thì sau này sẽ không còn gì để thu hút, để kéo nhà đầu tư vào. Dứt khoát phải dừng lại chuyện đó.
Tất nhiên cũng có nhiều ý kiến cho rằng dừng lại việc này thì thế nọ thế kia nhưng nếu để các thế lực ngầm thôn tính hết đất thì sau này khi các “đại bàng” đến sẽ không còn chỗ “làm tổ” vì “chim sẻ, chim sâu” chiếm hết đất rồi.
- Vậy còn lo ngại về việc chuyển dịch kinh tế khi nhà đầu tư dồn hết vào các đặc khu khi nhiều ưu tiên, ưu đãi được dành hết cho những khu vực vốn đã có rất nhiều lợi thế này khiến các địa phương khác không thu hút được các nguồn lực cần thiết thì sao, thưa ông?
- Thì phải có sàng lọc chứ. “Đại bàng” vào đây thì những “chim sẻ, chim sâu” thì phải vào chỗ khác.
- Xin cảm ơn ông!
P.Thảo
Đặc khu sao chỉ thấy khách sạn, casino mà không thấy trung tâm công nghệ cao, tài chính?
(VTC News) - Đại biểu Dương Trung Quốc băn khoăn cho rằng việc giao đất cho nhà đầu tư lên tới 99 năm chỉ thu hút những người đầu tư bất động sản, du lịch, casino mà sẽ thiếu đi các trung tâm công nghệ cao, trung tâm tài chính.
Dự thảo Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc đã được trình xin ý kiến lần 2 tại Quốc hội, và dự kiến sẽ được biểu quyết thông qua vào ngày 15/6.
Qua thảo luận, dự thảo Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc nhận được nhiều ý kiến trái chiều là nội dung giao đất cho nhà đầu tư tới 99 năm (thay vì tối đa là 70 năm theo quy định hiện hành) trong trường hợp đặc biệt, do Thủ tướng quyết định.
Trả lời VTC News, đại biểu Dương Trung Quốc băn khoăn về diện mạo kinh tế ở khu vực này sẽ chỉ có nhà hàng, khách sạn, casino mà thiếu đi những nhà đầu tư công nghệ cao.
- Việc giao đất cho doanh nghiệp lên tới 99 năm liệu có xảy ra di dân, thưa ông?
Tôi cho rằng những lo lắng đó của đại biểu là chính đáng.
Chúng ta muốn kéo đến đây những ai? Những nhà đầu tư thật sự. Rõ ràng ta đưa ra chỉ tiêu, điều kiện kéo dài thời gian chỉ cho thấy rằng những nhà đầu tư bất dộng sản, nhà đầu cơ đất quan tâm.
Chúng ta muốn thu hút những doanh nghiệp công nghệ cao với thời đại phát triển như hiện nay thì họ không cần cái đó. Họ cần môi trường đầu tư tốt, chính sách thuế, hạ tầng, các quan hệ xã hội, giao dịch sòng phẳng, minh bạch hơn là việc được ở lâu.
Ở lâu để làm gì khi thiết bị, khoa học công nghệ có sự thay đổi lớn, họ đầu tư khắp thế giới chứ không ở đây mãi mãi. Đất không lành thì chim không đậu nữa và bay đi.
- Phải chăng chúng ta đang tư duy sai, thưa ông?
Chúng ta làm sai chuẩn. Chúng ta vẫn lấy mô hình của những đặc khu mà ta coi là thành công của 20-30 năm trước với những vấn đề ưu đãi như thời gian sử dụng đất, nhân công rẻ mạt, casino. Nhưng Casino bây giờ cũng có thể đánh trên mạng. Như vừa rồi, người ta đánh một cái đã có mấy triệu người chơi trên mạng.
Nhân công rẻ thì ta mãi mãi muốn người lao động của ta thu nhập thấp sao? Đó là tư tưởng nô lệ. Tại sao chúng ta vẫn lấy tiêu chí thành công của quá khứ thành lợi thế của tương lai?
- Liệu có cần thiết phải xây dựng cả 3 casino ở cả 3 đặc khu không, thưa ông?
Tôi cho vẫn có việc người này đang nhìn người kia, trong khi vẫn giải thích đó là lợi ích chung của quốc gia.
Chúng ta phải có sự điều phối. Nếu chỗ này nặng cái này thì nhẹ cái kia. Thế mà chúng ta vẫn đầu tư dàn trải.
Có nước nào có 3 casino không? Có bảo đảm casino thành công nếu không đi kèm những điều kiện khác. Ta luôn luôn nói 4.0 nhưng tư duy vẫn chỉ là 1.0, 2.0.
- Nhiều đại biểu lo lắng khi các đặc khu ra đời thì chỉ thấy kinh doanh du lịch, nhà hàng, khách sạn, casino mà thiếu hẳn đi các trung tâm tài chính, công nghệ cao, thưa ông?
Liệu những nhà đầu tư ở thung lũng Silicon có cần những thứ ồn ào như thế không?
Đại biểu Dương Trung Quốc
Rõ ràng như hiện nay thì chắc chắn là như thế. Liệu những nhà đầu tư ở thung lũng Silicon có cần những thứ ồn ào như thế không? Đó là vấn đề của sự lựa chọn.
Đấy là tôi còn chưa nói đến việc chúng ta luôn luôn phải tư duy trên địa – chính trị của nước ta. 3 địa điểm là 3 mặt tiền án ngữ của đất nước đối với Biển Đông. Đó là vấn đề quan trọng nhất.
Tôi xem truyền hình tuyên truyền ủng hộ cho dự án này bằng những con số rất cụ thể nhưng đấy chỉ là dự đoán thôi. Nhưng cộng tất cả những lợi ích đó tôi cho là con số rất nhỏ với túi tiền của thiên hạ.
Người ta sẽ tung tiền để mua. Tôi rất muốn các đại biểu của các tỉnh có đặc khu như Quảng Ninh, Khánh Hoà… nói xem bao nhiêu nhà cửa người Trung Quốc mua rồi. Tệ hại ở chỗ chính người Việt Nam tiếp tay cho họ lách luật.
Giờ luật thoải mái như thế thì có thể chúng ta sẽ thu được số tiền rất nhanh để lại di hoạ rất lớn.
Có đại biểu nói rằng chúng ta vẫn sẽ có quản lý, có chủ quyền nhưng thử thấy câu chuyện Formosa thấy hậu quả rất lớn. Chưa kể sức ép chính trị. Chúng ta có muốn để hậu hoạ cho con cháu không? Sao không chấp nhận một mức độ nào đó thôi. Đừng mang kiểu đường mật ra dụ vì đường mật ấy chỉ thu hút được ruổi nhặng thôi đâu thu hút được những gì tốt đẹp.
Video: Đại biểu Trương Trọng Nghĩa: 'Chỉ mở cửa cho bạn bè, không rước kẻ cướp vào nhà'
- Rõ ràng ông có sự lo lắng việc di dân sẽ xảy ra nếu các nội dung trong Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc vẫn dễ dàng như vậy?
Hiện điều đó đang diễn ra. Cứ lấy số lượng triệu du khách nhưng chất lượng ra sao. Cứ đến Khánh Hoà mà xem, người Trung Quốc vào thì người phương Tây họ đi vì có sự đụng độ về mặt văn hoá. Đó là chưa kể về vấn đề an ninh. Chúng ta cũng không trách được họ, chúng ta phải tự trách mình chứ.
- Con số 70 năm cũng có nhiều người quan ngại việc di dân chứ không phải đến hơn 90 năm, thưa ông?
Những người làm ăn đứng đắn không đòi hỏi thời gian ở lại quá dài. Nếu làm tốt chỉ cần chính sách đúng. Khi nào họ cần tiếp tục thì mới cho tiếp tục để họ đầu tư đúng nhu cầu. Một nhà kinh tế họ sẽ luôn biết cách tính toán. Không dại gì bỏ ra số tiền thuê 99 năm trong khi họ chỉ cần đầu tư 10-15 năm. Nếu ai nghĩ 99 năm thu hút được nhiều thì là tư duy xưa cũ rồi.
Tuy nhiên 99 năm là về mặt lý thuyết thôi, trừ những người có ý đồ. Nhưng 70 năm chúng ta vẫn phải cảnh giác.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM)Philippines quy định thời hạn giao đất 50-70 năm và xem xét gia hạn một lần khoảng 1/2 thời hạn cho thuê ban đầu. Ví dụ, cho thuê đất 50 năm thì gia hạn một lần không quá 25 năm. Trong thời gian cho thuê đầu tiên, họ sẽ đánh giá xem dự án đó có hiệu quả hay không rồi mới gia hạn tiếp. Như thế sẽ bảo đảm thời hạn thuê dài, có yếu tố cạnh tranh.Vì sao chúng ta không quy định thời hạn cho thuê đất, giao đất là 70 năm và cho phép gia hạn một lần tối đa không quá 20-30 năm. Hết 70 năm, đánh giá lại dự án đó có thực sự hiệu quả hay không, có tính lan tỏa hay không, bảo đảm môi trường hay không? Lúc đó, Thủ tướng rất dễ quyết định.Nếu giao đất tới 99 năm cho những trường hợp đặc biệt và quyền quyết định thuộc về Thủ tướng tức là "làm khổ Thủ tướng". Đó là chưa kể đến quy định như thế nào là "trường hợp đặc biệt" cũng không rõ; từ đó có thể dẫn đến việc nhà đầu tư "chạy qua bộ này, bộ kia để chứng minh mình thuộc trường hợp đặc biệt".Vấn đề là chúng ta cần kiểm soát chặt chẽ an ninh tài chính, an ninh quốc gia, quốc phòng; cần rất thận trọng trong xem xét cấp giấy phép.Minh chứng qua 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài ở Việt Nam, chúng ta đã thu hút trên 332 tỉ USD và giải ngân 178 tỉ USD. Hiện nay, Việt Nam vẫn là điểm đến của các nhà đầu tư. Họ tới vì nhiều lý do: thể chế chính trị ổn định, nền tảng kinh tế vĩ mô và tiềm năng phát triển kinh tế.Vì thế, không nên tập trung quá nhiều ưu đãi, mà hoàn thiện thể chế, môi trường thuận lợi... mới là điểm quan trọng, then chốt. Chúng ta đầu tư "không", cuối cùng không thu thuế, lại cho thuê đất dài hạn thì lấy đâu ra nguồn thu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét