Thứ Tư, 30 tháng 5, 2018

Biển Đông: Tên lửa, tàu ngầm Việt Nam có thể “đánh trọng thương” kẻ thù

Thứ Tư, ngày 30/5/2018 - 04:22  

VietTimes -- Việt Nam sẽ tiến hành "phòng thủ chủ động" trên Biển Đông, lấy nhỏ đánh lớn, có thể làm "trọng thương" kẻ thù xâm lược trên Biển Đông bằng nhiều loại vũ khí trang bị đang được tăng cường, National Interest phân tích.
Tàu ngầm thông thường lớp Kilo của Hải quân Việt Nam.
Tàu ngầm thông thường lớp Kilo của Hải quân Việt Nam.
Tờ The National Interest (Mỹ) ngày 26/5 cho rằng để đánh thắng đối phương trên Biển Đông, phương án của Việt Nam là sử dụng chiến tranh phi đối xứng dựa vào tên lửa và tàu ngầm, sử dụng chiến thuật "đánh rồi rút lui", lấy nhỏ đánh lớn, sử dụng "dao nhỏ" nhưng có hiệu quả lớn, có thể gây trọng thương cho kẻ thù xâm lược.
Nhà nghiên cứu Derek Grossman và Nguyễn Anh cho rằng: "Những năm gần đây, các nhà phân tích đã tốn nhiều bút mực để tiến hành đánh giá về hoạt động mua sắm hoặc tự chủ phát triển hệ thống vũ khí riêng của Quân đội nhân dân Việt Nam, nhưng lại ít đề cập đến học thuyết quân sự hay tư tưởng tác chiến có thể chỉ đạo có hiệu quả việc vận dụng của Việt Nam trong các cuộc xung đột tiềm tàng trên Biển Đông trong tương lai".
Derek Grossman là nhà phân tích của Tập đoàn  RAND, còn Nguyễn Anh là nghiên cứu sinh thuộc phân hiệu San Diego của Đại học California. Họ dựa trên các nguồn tin để đưa ra những suy đoán về cách thức Việt Nam đối phó kẻ thù ở trên biển, trên không.
Hai tác giả cho rằng họ không dám khẳng định Việt Nam có học thuyết tác chiến trên không, trên biển toàn diện theo ý nghĩa của phương Tây hay không. Theo bài viết, xét đến Việt Nam từng là cường quốc lục quân thì điều này không gây ngạc nhiên.
Biển Đông: Tên lửa, tàu ngầm Việt Nam có thể “đánh trọng thương” kẻ thù  - ảnh 1
Tàu ngầm thông thường lớp Kilo của hải quân Việt Nam. Ảnh: Sina.
Tiếp theo, tác giả viết: "Nhưng điều chúng tôi tin chắc Quân đội Nhân dân Việt Nam có 2 nguyên tắc tối cao có ảnh hưởng đến mọi hoạt động, kế hoạch quân sự". Trước hết, Việt Nam sẽ nhấn mạnh phòng thủ cao hơn tấn công. Điều này tương tự như "phòng thủ chủ động", tức là kết hợp giữa phòng thủ chiến lược với tác chiến chiến thuật mang tính tấn công và chủ động.
Derek Grossman và Nguyễn Anh cho rằng: "Quân đội Việt Nam có xu hướng cho rằng chiến lược tốt nhất là tìm ra mối đe dọa, đồng thời nhanh chóng ngăn chặn chúng làm thay đổi hiện trạng của Biển Đông". Chẳng hạn, chiến lược của Việt Nam đã cho thấy, phương thức tốt nhất để chống lại tác chiến đổ bộ và nhảy dù của đối phương là giao chiến tại khu vực cách xa bờ biển Việt Nam.
Việt Nam có ý định tiến hành tấn công cảng tiếp tế và sân bay đối phương trên Biển Đông. Những cuộc tấn công này sẽ được thực hiện bằng "tàu tên lửa, tàu ngầm, lực lượng không quân hải quân, tên lửa chống hạm bờ biển, pháo tầm xa, lực lượng tinh nhuệ, lực lượng phòng thủ đảo và các lực lượng khác".
Việt Nam sẽ huy động nhân dân cả nước tiến hành cuộc chiến tranh phi đối xứng với một kẻ thù mạnh hơn mình. Derek Grossman và Nguyễn Anh viết: "Để thực hiện chiến tranh nhân dân trên biển, Quân đội Việt Nam đã đúc rút: "Chúng tôi cần tận dụng đặc điểm địa lý của mình, đặc biệt là hang động và các đảo làm nơi để neo đậu và ẩn náu tàu chiến và cung cấp hỗ trợ hậu cần cho chiến đấu'".
Biển Đông: Tên lửa, tàu ngầm Việt Nam có thể “đánh trọng thương” kẻ thù  - ảnh 2
Tên lửa chống hạm phòng thủ bờ biển K-300P có trong trang bị của Hải quân Việt Nam.
Việt Nam đã mua sắm 6 tàu ngầm diesel lớp Kilo và tên lửa phòng thủ bờ biển K-300 Bastion-P của Nga. Đồng thời, Việt Nam có thể sử dụng hàng nghìn tàu dân dụng cỡ nhỏ để tiến hành giám sát biên giới trên biển của mình.
Những thông tin về học thuyết tác chiến trên không của Việt Nam ít hơn nhiều, cho dù có dấu hiệu cho thấy số lượng máy bay cánh cố định có hạn của Việt Nam như máy bay chiến đấu Su-30 sẽ được sử dụng một cách thận trọng và tiết kiệm.
Derek Grossman và Nguyễn Anh viết: "Điều đáng chú ý là, chúng tôi còn chưa nhìn thấy bất cứ nâng cấp nào đối với tác chiến không đối không".
Tình hình tác chiến trên mặt đất như thế nào? Hai nhà nhân tích đã đặt trọng điểm vào học thuyết hải quân và không quân của Việt Nam, nhưng Nguyễn Anh cho rằng sách lược tác chiến mặt đất của Việt Nam sẽ tương tự như cách làmViệt Nam từng áp dụng trong cuộc chiến tranh với Pháp và Mỹ trước đây.
Nguyễn Anh cho rằng: "Mặc dù vậy, Việt Nam cũng đã tìm tòi chiến lược phòng thủ để chống lại tác chiến đổ bộ và nhảy dù, cho thấy họ (Việt Nam) cho rằng cần phải đề phòng khả năng bị tấn công. Việt Nam cũng đã có nhiều năng lực hơn so với chiến tranh trước đây, bởi vì Việt Nam luôn tiến hành thử nghiệm đối với các năng lực mới, chẳng hạn sử dụng lực lượng nhảy dù hoặc tác chiến cơ giới hóa. Nhưng nói chung, ở mức độ rất lớn, họ lấy tư tưởng chiến tranh nhân dân và tác chiến phòng thủ làm trung tâm".

Không có nhận xét nào: