Thứ Hai, 28 tháng 5, 2018

Hoàng Hải Vân - Đặc khu kinh tế, một mô hình đã lỗi thời; Nghĩ về các Đặc Khu đang được Quốc Hội xem xét; Vì sao người Trung Quốc dòm ngó bất động sản Việt Nam?


Giáo sư Trần Văn Thọ, người từng là thành viên chuyên môn Hội đồng tư vấn kinh tế của nhiều đời Thủ tướng Nhật, hiện là thành viên Tổ tư vấn kinh tế Thủ tướng nước ta, vừa viết thư cho tôi, hỏi bài “ĐIỀU 62 LUẬT ĐẤT ĐAI, TẬP ĐOÀN FLC VÀ NGUY CƠ MẤT NƯỚC !” có phải do tôi viết không. Ông bảo cần nhiều bài như thế này và nên đăng trên báo chính thống.

Ảnh: internet
Trong thư, giáo sư Thọ còn cho rằng Quốc Hội nên hoãn việc thông qua quyết định về đặc khu kinh tế để tiếp tục bàn thảo. Ông viết : “Tôi thấy không cần đặc khu kinh tế nữa, phải chi làm từ hồi đầu thập niên 1990, lúc đó mới cần và hiệu quả hơn. Các địa điểm chọn lựa cũng có vấn đề. Riêng Vân Đồn, rất gần Hải Phòng là nơi đã có sân bay, có đầy đủ hạ tầng và đang thu hút đầu tư nước ngoài khá manh. Tôi có đến Vân Đồn hai năm trước và có hỏi ý kiến nhiều công ty lớn của Nhật, hầu hết họ không quan tâm. Vậy khả năng Trung Quốc nhảy vào Vân Đồn rất cao. Trung Quốc không cần tính toán kinh tế”.

Tôi hoàn toàn tán thành ý kiến của giáo sư Trần Văn Thọ. Trung Quốc từng thành công với các đặc khu kinh tế. Đó thí nghiệm “kinh tế thị trường trong kinh tế kế hoạch hóa” của ông Đặng Tiểu Bình. Đây còn là sự “dò đá qua sông” để chuyển Trung Quốc sang kinh tế thị trường. Nhưng thành công ngoạn mục này diễn ra từ thập niên 80, 90 của thế kỷ trước. Ngày nay ở Trung Quốc, các chính sách áp dụng cho đặc khu kinh tế gần như đã được phổ cập đại trà.

Lẽ ra, nước ta có thể mở các đặc khu kinh tế từ đầu những năm 1990 để thử nghiệm “cơ chế thị trường đầy đủ” trong phạm vi hẹp trước khi mở rộng, nhưng các nhà lãnh đạo tiền nhiệm đã thận trọng “dò đá qua sông” bằng cách khác. Ngày nay ở nước ta, kinh tế thị trường đã được mở rộng và đang hoàn thiện cơ chế. Nhu cầu phát triển hiện nay không cho phép thử nghiệm nữa. Tự do kinh doanh phải được áp dụng rộng rãi khắp nơi trong cả nước, chứ không chỉ là ưu đãi riêng cho Vân Đồn, Phú Quốc và Vân Phong.

Giáo sư Trần Văn Thọ rất có lý khi nói rằng các nhà đầu tư nước ngoài muốn làm ăn thật sự ở Việt Nam không còn quan tâm đến các chính sách ưu đãi tại các đặc khu kinh tế. Kẻ quan tâm chính là kẻ “không cần tính toán kinh tế” và các nhóm lợi ích bất động sản ở Việt Nam.

Hoàng Hải Vân

(FB Hoàng Hải Vân)

Nghĩ về các Đặc Khu đang được Quốc Hội xem xét


27-5-2018
Để chiến thắng và chiếm đóng nước Việt dễ dàng nhất là bằng con đường đầu tư, mua góp, thâu tóm đất đai mà hiện nay ở nhiều nơi tại Việt Nam, Trung Quốc đã tiến hành rất thành công. Rẻ và hiệu quả hơn chiến tranh mà Trung Quốc vẫn lăm le tiến hành! Lòng tham của người Việt, nhất là các quan chức Việt Nam đã tạo rất nhiều cơ hội cho Trung Quốc mua đất, đầu tư nhưng tạo thành những ĐẶC KHU dành riêng, mà người Việt, thậm chí quan chức Việt khó bước được vào bên trong, đừng nói đến kiểm tra, xem xét!
Ngày anh Bá Thanh (Đà Nẵng) còn sống làm Chủ tịch Đà Nẵng, có lần sau khi tìm hiểu việc xây dựng của Khách sạn Crown đầu tư trên bãi biển Mỹ Khê Đà Nẵng (ban đầu còn dùng nhân công Việt), tôi báo động cho Bá Thanh biết họ đang xây những gì không hiểu được. Sau đó tôi biết nhiều cơ quan chức năng không thể vào đó để kiểm tra và đến nay vẫn vậy!
Hơn nữa khi bắt đầu đổi mới (1986) nền kinh tế chúng ta cần những thí điểm làm mẫu, mô hình đặc khu tạo những ưu đãi đặc biệt, có thể cần thiết, hữu dụng. Nhưng khi kinh tế chúng ta đã khá phát triển, đã có Luật pháp tương đối hoàn chỉnh và mọi doanh nghiệp Đà Nẵng đều bình đẳng trong làm ăn và trước pháp luật, thì những ưu đãi dành riêng cho các đặc khu là không cần thiết mà sẽ gây nên những bất công, thiếu bình đẳng tạo điều kiện cho loại TƯ BẢN THÂN HỮU dễ dàng phát triển đối với mô hình này.
Vì vậy, việc làm Luật riêng cho 3 Đặc Khu mà Quốc Hội đang bàn thảo cần được xem xét dưới khía cạnh này để không tạo những cơ hội dễ dàng cho sự bành trướng, xâm chiếm của Trung Quốc mà họ đã lộ rõ trong các tuyên bố trên biển Đông, chiếm Hoàng Sa, Trường Sa và bây giờ là đất đai dọc biển đất nước đang bị người Trung Quốc thâu tóm dần.
Hãy làm cuộc tổng kiểm kê đất đai dọc biển và những vùng quan trọng nhạy cảm của đất nước, để biết chúng ta đang đứng trước nguy cơ như thế nào!

Vì sao người Trung Quốc dòm ngó bất động sản Việt Nam?

23/05/2018 14:14 GMT+7

TTO - Nhờ giá cả còn thấp hơn so với các nước láng giềng như Singapore và Thái Lan, bất động sản Việt Nam đang thu hút nhiều khách hàng từ Hong Kong và Trung Quốc đại lục đến đầu tư.

Vì sao người Trung Quốc dòm ngó bất động sản Việt Nam? - Ảnh 1.
Thị trường bất động sản TP.HCM vẫn đang trên đà tăng trưởng - Ảnh: TL
Đó là nhận xét của tờ báo Hong Kong South China Morning Post (SCMP) trong bài viết đăng hôm nay 22-5.
Dẫn số liệu của CBRE Vietnam - công ty bất động sản có trụ sở chính tại Mỹ, báo SCMP cho biết khách hàng từ Trung Quốc đại lục, Đài Loan và Hong Kong chiếm 25% tổng đầu tư nước ngoài vào bất động sản Việt Nam trong năm 2017, tăng so với mức 21% của năm 2016.
Dân Trung Quốc thấy... rẻ
Bà Carrie Law - giám đốc điều hành công ty môi giới trực tuyến Juwai.com, giải thích trong bối cảnh Bắc Kinh đang siết chặt chính sách kiểm soát dòng vốn, giá BĐS tương đối thấp của Việt Nam rất hấp dẫn dân Trung Quốc.

"Người mua với khối tài sản giới hạn ở nước ngoài có thể mua BĐS ở một thị trường tăng trưởng nhanh (VN) và đa dạng hóa kênh đầu tư của họ. Anh có thể mua một căn hộ 700.000 nhân dân tệ (109.781 USD) ở Việt Nam với số tiền anh để ở nước ngoài, trong khi anh không thể mua nổi căn nhà 5 triệu nhân dân tệ ở Úc hoặc Mỹ" - bà Law giải thích về sự lựa chọn mới của những người Trung Quốc chưa có nhiều tiền đầu tư ở các quốc gia phát triển.
"Nhu cầu của khách Trung Quốc đối với BĐS Việt Nam trong quý 1 năm 2018 cao hơn 300% so với cùng kỳ năm 2017. Tuy Việt Nam chưa được yêu thích như Thái Lan hay Malaysia, nhu cầu rõ ràng là đang tăng" - bà Law nhận xét.
Theo giới kinh doanh, giá căn hộ cao cấp ở TP.HCM đang dao động trong khoảng 3.000 – 6.000 USD/m2, chỉ bằng một nửa so với mức 7.000 – 9.000 USD của BĐS cùng phân khúc tại Bangkok, và chưa bằng 10% so với giá nhà ở Hong Kong.
Có ý kiến so sánh TP.HCM với quận Phố Đông của thành phố Thượng Hải cách đây 10 năm, khi các công trình hạ tầng gồm tàu điện ngầm và cảng hàng không mới được xây dựng ồ ạt, giúp đẩy giá BĐS lên cao.
Với đà này, TP.HCM có khả năng nối gót Thượng Hải về phương diện… đắt đỏ, với giá nhà tăng từ 4-5 lần trong 10 năm tới, theo một số dự báo.
Vì sao người Trung Quốc dòm ngó bất động sản Việt Nam? - Ảnh 2.
Một góc quận 2, TP.HCM - Ảnh: TL
Sinh lợi cao nhưng rủi ro
Không chỉ dân Trung Quốc, người nước ngoài nói chung đang quan tâm hơn đến BĐS ở TP.HCM, dù ngân hàng Việt Nam không cho nhóm đối tượng này vay.
Anh Abhinav Maheshwari làm việc trong ngành tài chính Hong Kong là một ví dụ. Anh kể cô vợ người Trung Quốc đại lục của anh đã chi 2 triệu đô Hong Kong (254.800 USD) để mua một căn hộ 87m2 ở TP.HCM.
"Căn hộ là món đầu tư của chúng tôi. Nếu xét tính ổn định chính trị, chúng tôi cho là Việt Nam có khả năng tăng trưởng như Trung Quốc. Về lâu dài, nó cũng giúp chúng tôi đa dạng hóa đầu tư thay vì giữ đô la Hong Kong, vốn bị neo vào đồng USD" - anh Maheshwari giải thích.
"Tôi có thể cân nhắc thêm các thành phố khác ở Việt Nam, có lẽ là Đà Nẵng, một số người bạn của tôi đã mua biệt thự ở đó" - anh Maheshwari bổ sung.
Tuy nhiên, giới kinh doanh nước ngoài cũng dè chừng nguy cơ bong bóng của BĐS Việt Nam. Nguyên tắc là sinh lợi cao vốn thường đi kèm với rủi ro tương ứng.
"Thị trường Việt Nam không ổn định như một nước phát triển, nguy cơ bong bóng và sụp đổ cũng lớn hơn. Tôi thường khuyên khách hàng nên chịu khó nghiên cứu và chọn những dự án có giá trị bền vững, chẳng hạn nằm ở vị trí thuận lợi" - giám đốc Law của Juwai bình luận.
Dù đa số dân kinh doanh BĐS nhận định thị trường Việt Nam tiếp tục tăng trưởng trong năm 2018, bà Law cho biết một số người lo rằng giá nhà sẽ đạt ngưỡng "bong bóng" trong năm tới, đặc biệt trong điều kiện quỹ đất dành cho phát triển nhà ở có giới hạn.
Anh tính đường ngăn giới siêu giàu Nga mua nhà ở London
TTO - Nguy cơ khủng hoảng ngoại giao giữa Anh và Nga có thể khiến giới siêu giàu người Nga không thể mua những ngôi nhà đắt tiền tại thủ đô London của Anh, theo hãng tin Reuters.
Giữa cơn sốt đất, nhiều ngân hàng đã ra tay!
TTO - Giá đất tăng nóng bất thường không chỉ ở TP.HCM mà cả Đà Nẵng, Quảng Nam, Phú Quốc... Người mua vừa xong đã gửi bán. Nhiều ngân hàng đã "động thủ"!
Sốt đất, 'bom' nổ, hậu quả khôn lường!
TTO - Vì sao “sốt đất” xảy ra nhiều nơi? Nguy cơ bong bóng của “cơn sốt” này ra sao? Thu thuế tài sản với nhà đất liệu có hạ nhiệt được cơn sốt này?
PHÚC LONG

Không có nhận xét nào: