Trong khi Liên Hiệp Quốc chuẩn bị gia tăng cường độ và phạm vi các biện pháp trừng phạt chế độ Bắc Triều Tiên mạnh mẽ hơn nữa, thì đột nhiên Bình Nhưỡng đánh tiếng sẵn sàng gửi phái đoàn vận động viên tham dự Thế Vận Hội Mùa Đông tại Nam Hàn vào tháng 2-2018. Sau đó chủ động đề nghị họp Thượng Đình Liên Triều và cả Thượng Đỉnh với Hoa Kỳ một cách vô điều kiện; lại còn đi bước trước đưa ra những quyết định có vẻ đáp ứng được các đòi hỏi bao lâu nay của Hoa Kỳ và quốc tế về hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên (ngưng thí nghiệm hạt nhân, hủy bỏ địa điểm thử nghiệm… mà không đòi hỏi điều kiện tiên quyết nào…). Thượng Đỉnh Liên Triều thì đã diễn ra ngày 27-4-2018 tại Bàn Môn Điềm trong vùng phi quân sự ngăn chia hai miền Bắc-Nam Triều Tiên với kết thúc rất tốt đẹp và đầy ấn tượng, gây xúc động lòng người. Thượng đỉnh Mỹ-Bắc Triều theo đồng thuận đôi bên thì sẽ diễn ra tại đệ tam quốc gia Singapore vào ngày 12-6-2018 tới đây thì đột nhiên khựng lại do Bắc Triều Tiên viện cớ cuộc tập trận thường niên giữa Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên và có ý ép họ thực hiện phi hạt nhân hóa “một chiều”…
Đứng trước sự chủ động để nghị và thực hiện các bước đi đầy tự tin, có tính đột phá trong chính sách đối ngoại cũng như đối nội của nhà cầm quyền Bắc Triều Tiên, đã có nhận định cho rằng“Trung Quốc đã bị loại ra rìa các cuộc hội nghị thượng đỉnh”. Nhận định này cho rằng các đời lãnh tụ cha truyền con nối họ Kim từ lâu đã nuôi chí “thoát Trung” để có “độc lập, tự chủ” bằng cách thực hiện một chính sách cai tri hà khắc, bắt dân thắt lưng buộc bụng, chịu đói rét, khổ sở để dồn nỗ lực chế tạo cho được võ khí hạt nhân. Nay sau khi Bình Nhưỡng công bố vào năm 2017 đã thành công trong việc thử nghiệm và đã có vũ khí hạt nhân trong tay, là đã hội đủ thế lực chủ động thực hiện chính sách đối ngoại đột biến trực tiếp với đối phương, không cần vai trò trung gian của Bắc Kinh; đối nội thì chủ động thực hiện “hòa giải dân tộc” với Nam Hàn, xây dựng phát triển Bắc Hàn đến giầu mạnh để thống nhất đất nước một cách hòa bình trong tương lai…
Thế nhưng theo nhận định của chúng tôi, “Trung Quốc không hề bị loại ra rìa…” mà Trung Quốc vẫn chính là tác giả kiêm đạo diễn kịch bản các cuộc hội nghị Thượng đỉnh Liên triều và Mỹ-Triều. Đồng thời, Trung Quốc cũng là tác giả kiêm đạo diễn kịch bản “thử nghiệm và chế tạo vũ khí, tên lửa đạn dạo của Bắc Triều Tiên”. Tất cả các kịch bản trước, sau này đều nhằm phục vụ lợi ích cho các ý đồ chiến lược của Trung Quốc. Nói cách khác, từ đời Ông Kim Nhật Thành, qua đời cha Kim Chính Nhật đến đời con Kim Chính Vân, dù có muốn “thoát Trung” cũng bất khả(như Việt Nam) mà phải chấp nhận làm công cụ bị cương tỏa trong “vòng Kim Cô Đỏ” của Trung cộng từ quá khứ đến hiện tại.
Thật vậy, về việc thử nghiệm và chế tạo vũ khí hạt nhân, tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên,chúng tôi đã có vài ba bài nhận định trên diễn đàn này. Chẳng hạn bài “Đối sách hai mặt của Bắc Kinh trên hồ sơ Bình Nhưỡng”mà VOA đăng tải ngày 26-7-2017, chúng tôi đã nhận định“Đối sách hai mặt”:
Lá mặt là Trung Quốc bề ngoài cố tạo ra cho chế độ Bắc Triều Tiên “bộ mặt độc lập tự chủ” và mối quan hệ Trung-Triều là quan hệ bình đẳng giữa hai quốc gia có chủ quyền. Do đó vẫn đã, đang và sẽ có thêm nhiều mâu thuẫn giả tạo trong quan hệ giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng; và để giải quyết những mâu thuẫn này đảng và nhà cầm quyền Trung Quốc vẫn phải tỏ ra có nhiều khó khăn, cần nhiều nỗ lực thuyết phục, áp lực theo đường lối ngoại giao thông thường hay đặc biệt, chứ không thể ra lệnh, ép buộc đảng và nhà cầm quyền Bắc Triều Tiên như một công cụ. Nhưng tất cả chỉ là những động tác giả nhằm che đậy “Lá trái”.
Lá trái là thực chất mối quan hệ Trung -Triều là quan hệ bất bình đẳng và lệ thuộc toàn diện. Từ quá khứ trong chiến tranh ý thức hệ, đến hiện tại trong chiến lược toàn cầu mới, Bình Nhưỡng chỉ có chủ quyền trên nguyên tắc,lệ thuộc toàn diện chính trị, kinh tế, quân sự quốc phòng vào chế độ Bắc Kinh trên thực tế. Chính sự lệ thuộc này đã biến Bình Nhưỡng thành công cụ chiến lược một thời của Trung Quốc trong quá khứ cũng như hiện tại. Sự sống còn chế độ Bình Nhưỡng hoàn toàn tùy thuộc vào cách ứng xử của chế độ Bắc Kinh.
Hiện tại thực hiện đối sách “Lá mặt, lá trái” trên hồ sơ hạt nhân của Bình Nhưỡng, Bắc Kinh bề ngoài bao lâu nay luôn tỏ ra không tán đồng, chống đối cầm chừng và tham gia có mức độ, lúc mạnh, lúc yếu,các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc đối với các hành động thử nghiệm vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng. Thế nhưng bên trong, từ lâu dường như chính Trung Quốc đã là nước duy nhất hay là chính yếu bên cạnh một vài nước khác (như Nga, Iran…)vẫn lén lút bao che, hổ trợ, cung cấp phương tiện, nguyên liệu hay làm thay để Triều Tiên có được và trở thành nước có vũ khí hạt nhân với hai ý đồ:
- Một là để Bình Nhưỡng dùng vũ khí hạt nhân hù dọa theo kiểu “Chén sành đổi chén kiểu”để “tống tiền” Hoa Kỳ và các nước giàu có trong vùng như Nhật Bản, Hàn Quốc hay quốc tế nói chung (nhận viện trợ để đổi lại việc ngưng các cuộc thử nghiệp hạt nhân…, tạo thế để không bị các nước lớn “Bắt nạt”, trừ Trung quốc (không bắt nạt mà phải vâng lời)
- Hai là để Bắc Kinh có điều kiện và cơ hội được quốc tế, nhất là Hoa Kỳ, phải cầu cạnhnhư một nước duy nhất có ảnh hưởng quyết định được đối với Bình Nhưỡng, để có thế làm cao giá mặc cả thủ lợi, khi được yêu cầu làm áp lực hay đứng ra làm trung gian triệu tập các hội nghị đa phương hay song phương với Bình Nhưỡng. Ví dụ các hội nghị sáu bên (Liên Hiệp Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nam Hàn, Trung Quốc với Bắc Triều Tiên) trong quá khứ; hay hội nghị tay đôi giữa Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên trong tương lai, để giải quyết vấn đề thử nghiệm hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Nay Bình Nhưỡng được Bắc Kinh bật đèn xanh cho công bố đã thử nghiệm thành công vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo xa, gần và tự coi minh là một nước đã có vũ khí hạt nhân (2017), đủ thế lực chủ động, độc lập, tự chủ nói chuyện tay đôi trực tiếp với đối phương nội thù (Nam Hàn) cũng như ngoại thù (Hoa Kỳ) mà không cần trung gian nào hết, kể cả Trung Quốc (!?!). Phải chăng vì vậy mới có nhận định cho rằng “Trung Quốc đã bị gạt ra rìa các hội nghị thượng đỉnh Liên Triều và Mỹ-Triều”.
Thế nhưng, theo nhận định của chúng tôi “tác giả kiêm đạo diễn kịch bản các hội nghị Liên Triều và Mỹ-Triều” vẫn là Trung Quốc. Vì sao?
Vì Trung Quốc bề ngoài cố tạo ra cho chế độ Bắc Triều Tiên “bộ mặt độc lập tự chủ” và mối quan hệ Trung-Triều là quan hệ bình đẳng giữa hai quốc gia có chủ quyền. Nhưng thức chất đã tạo ra con bài Bình Nhưỡng có vũ khí hạt nhận, chủ động đề nghị nói chuyện tay đôi, trực tiếp với Nam Hàn và với Hoa Kỳ, một cách vô điều kiện, mở ra một chính sách đối ngoại, đối nội có tính đột biến, đảo lộn 180 độ, gây kinh ngạc toàn thế giới… Thực tế Bắc Kinh nhằm thành đạt các ý đồ sau đây:
Một là đánh động gây tập trung sự chú tâm cao độ của Hoa Kỳ và các cường quốc đồng minh cũng như công luận quốc tế để che đậy các hành vi tăng cường quân sự hóa trên các hải đảo ở Biển Đông của Trung Quốc, như thực tế đã xảy ra trong thời gian diễn ra Thượng đỉnh Liên Triều và thời gian chuẩn bị cho Thượng đỉnh Mỹ-Triều.
Hai là Bắc kinh muốn dùng sự kiện các hội nghị Thượng đỉnh để tìm lợi thế trong thương lượng kinh tế mậu dịch với Hoa Kỳ. Dấu hiệu đầu tiên là các cuộc họp thương lượng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc mới đây tại Washington đã đạt được kết quả “Hoa Kỳ và Trung Quốc đã tránh được cuộc chiến tranh thương mại” như được công bố. Mặt khác, dường như Tổng Thống Hoa Kỳ Donal Trump cũng biết được vai trò chủ đạo của Trung Quốc trong việc thành bại các hội nghị Thượng đỉnh nên hôm thứ Năm ngày 17/5, phát biểu trước các phóng viên trước khi bắt đầu cuộc gặp với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tại Phòng Bầu dục, Ông Trump nói theo những gì ông được biết thì kế hoạch gặp thượng đỉnh vốn suôn sẻ nhưng có lẽ Triều Tiên‘đã bị Trung Quốc chi phối sau hai chuyến thăm mới đây của giới chức Triều Tiên đến nước này’. Vì thế Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 21/5 thúc giục Trung Quốc duy trì an ninh ở biên giới với Triều Tiên, đồng thời gây sức ép với Bắc Triều Tiên trước cuộc gặp mặt được mong đợi giữa ông với lãnh tụ Kim Jong Un, dự trù vào ngày 12-6 để thảo luận tiến trình phi hạt nhân hóa.
Thực tế dường như Tổng Thống Hoa Kỳ Donal Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc đã hiểu được các nước cờ của nhau, với các bước đi của hai con cờ Nam Hàn và Bắc Hàn sao cho các bên đều có lợi. Vì thế hôm 22/5, trong cuộc họp tại Nhà Trắng với Tổng thống Hàn quốc Moon Jae-in, ông Trump nói họp thượng đỉnh có thể không diễn ra vào tháng tới. “Nếu không thì có thể xảy ra sau đó.”. Nhưng một ngày sau (23-5) Ông Trump lại nói Thượng đỉnh “Rất có thể là ngày 12/6” và. “Nếu họp thì đó là một điều rất tốt cho Triều Tiên.”; rồi Tổng thống Donald Trump loan báo một triển vọng đầy lạc quan, rằng tuần sau Mỹ sẽ có đáp án về số phận thượng đỉnh Mỹ-Triều.
Vậy chúng ta hãy chờ đến tuần sau xem đáp án về số phận Thượng đỉnh Mỹ Triều thế nào và để biết xem Trung Quốc có đóng vai trò gì trong đáp án này hay “bị loại ra rìa các cuộc hội nghị thượng đỉnh”?
Ghi chú: Khi bài viết này chuẩn bị được đăng tải, thì có tin Tổng Thống Donald Trump gởi thư cho ông Kim Jong-un, hủy bỏ cuộc gặp thượng đỉnh vào ngày 12 tháng Sáu tại Singapore.
Thiện Ý
Houston, ngày 24-5-2018
Bạn đọc làm báo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét