Thứ Ba, 12 tháng 6, 2018

Nguồn gốc của sự xa cách và thù địch

Bởi
 AdminTD
 -

12-6-2018
Có một điều mà đến giờ có lẽ chúng ta cần phải nói thẳng với nhau rằng, sự xa cách (đôi khi là thù địch) giữa chính quyền và người dân hiện nay là hợp lôgic với sự vận hành của hệ thống chúng ta đang có.
Nhìn vào hệ thống hiện hành, chúng ta có thể thấy ngay một sự thật là các vị lãnh đạo (gồm cả các vị được gọi là đại biểu nhân dân) từ cấp trung ương đến cấp cơ sở được lựa chọn không phải bởi thành tích hay khả năng làm hài lòng người dân nơi các vị đó được bổ nhiệm hay lựa chọn.
Người dân không (hoặc có rất ít) tiếng nói trong việc lựa chọn người lãnh đạo hay đại diện cho mình để làm công việc quản lý, điều hành xã hội, từ cấp trung ương đến cơ sở.


Ai cũng có mối quan tâm hàng đầu là các lợi ích thiết thân, những người trong hệ thống cũng vậy, mối quan tâm hàng đầu của họ là những đối tượng có khả năng mang lại cho họ lợi ích (tiền bạc, chức tước, địa vị v.v.).
Và khi tiếng nói của người dân không (hoặc mang lại rất ít) lợi ích cho họ thì lẽ tất nhiên, họ không có lý do hay động lực gì để quan tâm đến người dân, đến việc làm hài lòng người dân.
Vì thế, thật hợp lý nếu những người trong hệ thống chính quyền từ cấp trung ương đến cơ sở thờ ơ với người dân, với việc giải quyết các rắc rối hay làm lợi cho người dân.
Thậm chí, nếu có vị nào đó trong hệ thống thực sự quan tâm chăm lo cho dân, sốt sắng giải quyết các vấn đề của người dân đặt ra, họ sẽ có nguy cơ gặp rắc rối với chính hệ thống của mình.
Với một chính quyền mà mối quan tâm và lợi ích của những người trong hệ thống của nó, từ cấp trung ương đến cấp cơ sở không gắn liền, thậm chí xung đột với lợi ích và mối quan tâm của người dân, thì chính quyền đó ngày càng xa cách với người dân là lẽ tất yếu.
Đến khi xung đột xuất hiện, do sự xa cách cố hữu, chính quyền và người dân sẽ rất khó có thể ngồi vào bàn đàm phán để đưa ra một thỏa ước.
Bởi vì, thỏa ước phải dựa trên vốn của sự thấu hiểu và niềm tin, nhưng sự xa cách tích tụ bây lâu đã bào mòn sự thấu hiểu và niềm tin này, nên trong đa số trường hợp họ sẽ khó có thể cùng nhau thương lượng để đi đến một thỏa ước hợp lý.
Mà đến khi đã không thể dùng lý lẽ để đàm phán thì như mọi kẻ mạnh khác (dù chỉ là nhất thời) chính quyền sẽ tất yếu sử dụng đến lý lẽ của đàn áp và bạo lực.
Đó chính là lúc chính quyền và người dân ở vào thế thù địch.
Và điều nghiệt ngã là, sự thù địch thì chỉ nuôi dưỡng cho sự thù địch mà thôi. 

Không có nhận xét nào: