HỒNG THỦY
(GDVN) - "Thoát Trung" với Triều Tiên không phải theo Mỹ chống Trung Quốc, mà là hội nhập, phát triển phồn vinh, giá trị để Trung Quốc lợi dụng cò cưa với Mỹ biến mất.
Các nước cần hợp lực với Donald Trump chống Trung Quốc độc chiếm Biển ĐôngÔng Kim Jong-un trở thành tấm gương cho các nước nhỏ trước sức ép siêu cường2 ông Kim Jong-un, Donald Trump sẽ đàm phán tay đôi trước khi tùy tùng tham dự
South China Morning Post ngày 16/6 dẫn ý kiến của một số nhà phân tích cho rằng, sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ cung cấp cho Bình Nhưỡng nhiều lợi ích kinh tế để ngăn chặn Triều Tiên "ngả vào vòng tay Mỹ".
Với cục diện bán đảo Triều Tiên hậu thượng đỉnh Mỹ - Triều ngày 12/6 tại Singapore, Bắc Kinh có thể còn ít lựa chọn hơn.
Trong khi Trung Quốc ủng hộ cuộc gặp lịch sử giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un với Tổng thống Mỹ Donald Trump, Bắc Kinh cũng lo ngại sâu sắc khả năng Washington tìm kiếm quan hệ gần gũi hơn với Bình Nhưỡng.
Mối lo của ông Tập Cận Bình
Thứ Ba tuần này, khi kết thúc cuộc họp với ông Kim Jong-un, Tổng thống Donald Trump đã nói, kẻ thù có thể trở thành bè bạn, và quá khứ không định hướng tương lai.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un rất tự tin và đĩnh đạc trong cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, ảnh: The Star, Kenya. |
Bắc Kinh lo ngại kịch bản Bình Nhưỡng có thể bị Washington lợi dụng để chống lại họ, như những gì đã xảy ra trong thập niên 1970 khi Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh chống Liên Xô lên cao trào.
Đối với Trung Quốc, Triều Tiên đã, đang và vẫn sẽ là một lá bài hữu ích trong cuộc so găng lâu dài với người Mỹ, theo một nguồn tin ngoại giao Trung Quốc giấu tên.
"Sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ là thách thức thực sự của Bắc Kinh trong những năm tới, thậm chí trong nhiều thập kỷ tới, trong khi vấn đề Triều Tiên chỉ là một sự kiện, một vấn đề tạm thời trên tiến trình này.
Vấn đề Bắc Triều Tiên có thể được giải quyết theo cách này hay cách khác, mặc dù vẫn chưa rõ điều đó có xảy ra vào lúc này hay không", nguồn tin ngoại giao Trung Quốc nói với South China Morning Post.
Ngoài việc cung cấp sự hậu thuẫn chính trị cho Bình Nhưỡng trong các cuộc đàm phán sắp tới với người Mỹ, Trung Quốc cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Triều Tiên thoát khỏi tình trạng bị cô lập kinh tế và gia hạn cam kết an ninh.
Trong khi quan hệ Trung - Triều xấu đi trong những năm gần đây, Bắc Kinh vẫn thấy Triều Tiên giữ vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của mình.
Ông Kim Jong-un cũng rất tự tin và đĩnh đạc trước Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ảnh: BT.com. |
Charles Armstrong, một nhà sử học, chuyên gia về vấn đề Triều Tiên, Đại học Columbia nhận định:
"Tôi nghĩ Trung Quốc có thể lo ngại về việc mất đòn bẩy với Triều Tiên, và lo Bình Nhưỡng - Washington có thể liên minh chống lại Trung Quốc.
Có rất ít cảm tình và tin cậy giữa Triều Tiên với Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh muốn tránh một quốc gia đối địch trên biên giới của họ, cho dù Triều Tiên thân Hàn Quốc hay Hoa Kỳ."
Taylor Fravel, một thành viên chương trình nghiên cứu an ninh tại Viện Công nghệ Massachusetts đồng ý với lập luận của Charles Armstrong, ông nói:
"Trung Quốc thích một bán đảo Triều Tiên chia rẽ với một Bắc Triều Tiên mạnh mẽ và thịnh vượng, hơn là với một Bắc Triều Tiên yếu và nghèo hay một bán đảo thống nhất duy trì liên minh với Hoa Kỳ.
Với lý do này, nếu Bắc Triều Tiên cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ, kết quả có thể thực sự củng cố sự phân hóa bán đảo mà Trung Quốc thích."
Taylor Fravel tin rằng, thậm chí Bắc Kinh có thể gia hạn hiệp ước quốc phòng ký với Bình Nhưỡng khi nó hết hạn vào năm 2021 nếu quan hệ Trung - Triều không xấu đi đáng kể.
Tuy nhiên, hầu hết các nhà phân tích Trung Quốc được South China Morning Post hỏi đều có quan điểm thận trọng về tương lai quan hệ Trung - Triều.
Cheng Xiaohe, một chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Nhân Dân, Bắc Kinh, Trung Quốc bình luận:
Ông Kim Jong-un khéo léo tránh đường lưỡi bò khi dùng máy bay Trung Quốc |
"Trung Quốc và Mỹ đã có sự hợp tác dài hàng thập kỷ về Bắc Triều Tiên, đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định quan hệ song phương.
Đúng là Trung Quốc luôn luôn sử dụng con bài Triều Tiên. Nhưng lịch sử đã chỉ ra rằng, ảnh hưởng và đòn bẩy của Bắc Kinh với Bình Nhưỡng khá hạn chế."
Zhang Liangui, một chuyên gia về Triều Tiên thuộc Trường Đảng trung ương ở Bắc Kinh, cảnh báo:
Kim Jong-un là một chính trị gia khôn ngoan, ông ta biết cách thúc đẩy tham vọng hạt nhân của mình, biết cách làm cho Trung Quốc, Mỹ và các đồng minh chống lại nhau.
Theo ông Sun Xingjie, một chuyên gia về Triều Tiên từ Đại học Cát Lâm, Trung Quốc cho hay:
"Là đồng minh lâu năm, Triều Tiên hiểu rất rõ về Trung Quốc, đồng thời hiểu rằng vũ khí hạt nhân về cơ bản có thể thay đổi cán cân quyền lực trong quan hệ quốc tế.
Nếu không có vũ khí hạt nhân, bạn có thể tưởng tượng các cường quốc có để mắt đến Triều Tiên hay không, thậm chí là hội nghị thượng đỉnh Donald Trump với Kim Jong-un có diễn ra hay không?" [1]
Học giả phương Tây bàn cơ hội "thoát Trung"
Richard McGregor, thành viên cao cấp Viện Lowy, Sydney, Australia nghiên cứu về Đông Á, ngày 14/6 bình luận trên Nikkei Asian Review:
Mối quan tâm chính của Bắc Kinh luôn luôn là, bất kỳ cuộc đối thoại nào giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên đều có mục tiêu rộng hơn việc giảm căng thẳng trên bán đảo.
Cũng như Washington lo lắng về quan hệ Trung - Nhật tiến triển tốt, Bắc Kinh băn khoăn về việc Bình Nhưỡng tiến lại gần Washington.
Nhiều người cho rằng Donald Trump đã nhượng bộ rất nhiều, trong khi cam kết từ phía Kim Jong-un lại khá ít.
Thực tế cách tiếp cận này có ý nghĩa trong dài hạn, khi Mỹ và Triều Tiên tận dụng mối quan hệ của họ để kiềm chế Trung Quốc.
Cánh cửa hòa bình đang dần hé mở trên bán đảo Triều Tiên |
Hoa Kỳ đã bảo lãnh an ninh cho Hàn Quốc, tại sao lại không thể đóng vai trò tương tự cho Bắc Triều Tiên? Chắc chắn Trung Quốc lo ngại ý tưởng này.
Washington từng bảo vệ Seoul chống lại Bình Nhưỡng chứ không phải Trung Quốc. Nay nếu Mỹ bảo vệ Bình Nhưỡng chống lại Bắc Kinh sẽ là một thách thức quân sự lớn hơn nhiều.
Với Bắc Triều Tiên, sự hiện diện của Mỹ trên bán đảo (sau khi quan hệ Mỹ - Triều sang trang mới) sẽ là một đối trọng hữu ích với sự thống trị của Trung Quốc.
Kim Jong-un có thể sẵn sàng chấp nhận cải cách kinh tế hạn chế, nhưng ông vẫn lo lắng về khả năng bị Trung Quốc chi phối.
Bắc Kinh vẫn duy trì đòn bẩy kinh tế lớn với Bình Nhưỡng, họ đã chứng minh điều này cuối năm ngoái khi Trung Quốc tham gia các biện pháp trừng phạt quốc tế, trì hoãn cung cấp các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu cho Triều Tiên.
Nếu Kim Jong-un tự do hóa nền kinh tế Triều Tiên, thậm chí có bước đi phi hạt nhân hóa hạt nhân, ông sẽ cần phải đa dạng quan hệ đối tác. Hàn Quốc sẽ là lựa chọn quan trọng, thậm chí Nhật Bản cũng có thể được mời.
Tại sao không phải là người Mỹ? Nếu Kim Jong-un muốn "thoát Trung", thì Washington sẽ là bạn thân nhất của ông ấy. Đây là ý tưởng đang khiến ông Tập Cận Bình lo sợ hiện nay. [2]
Ông Kim Jong-un sẽ chọn hướng đi nào?
Cá nhân người viết cho rằng, về mặt tư tưởng, Triều Tiên chưa bao giờ lệ thuộc Trung Quốc kể từ khi lập quốc, cho dù bối cảnh chính trị quốc tế hậu Chiến tranh Thế giới thứ II đã buộc Triều Tiên phải dựa vào Trung Quốc về kinh tế lẫn quân sự, đặc biệt là trong và sau Chiến tranh Triều Tiên.
Thuyết Tư tưởng Chủ thể của ông Kim Nhật Thành là minh chứng điển hình cho sự tự chủ, tự lực tự cường của Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên, mặc dù kinh tế của họ phụ thuộc rất lớn vào Liên Xô, sau này là Trung Quốc.
Tuy nhiên, sở dĩ Richard McGregor đặt vấn đề "thoát Trung" với ông Kim Jong-un, là bởi thực tế có sự lệ thuộc về kinh tế rất lớn của Triều Tiên vào Trung Quốc.
Chính các học giả Trung Quốc cũng thừa nhận điều này, họ gọi là "đòn bẩy" của Bắc Kinh với Bình Nhưỡng.
Triều Tiên chóng phi hạt nhân hóa, Mỹ sẽ mang đến thịnh vượng và phồn vinh |
Trung Quốc đã từng sử dụng các "đòn bẩy" này để hà hơi thổi ngạt cho nền kinh tế Triều Tiên và dùng vấn đề bán đảo để mặc cả với Mỹ, cò cưa với Washington trong tiến trình trỗi dậy với tham vọng thay thế vị trí siêu cường số 1 của Hoa Kỳ.
Trong thế giới ngày nay, không một quốc gia nào có thể đứng một mình không chơi với ai mà vẫn phát triển phồn vinh.
Đó là lý do và động lực chính để ông Kim Jong-un thúc đẩy tiến trình cải cách và mở cửa song song với củng cố khả năng phòng thủ, bảo đảm an ninh cho đất nước.
Hơn nữa, bản thân Trung Quốc được như hôm nay, trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới cũng là nhờ cải cách mở cửa, chơi với Mỹ, tận dụng nguồn vốn và công nghệ Mỹ.
Ngay cả nhóm 6 nước có nền công nghiệp phát triển nhất thế giới (G-7) cũng không thể tách rời Hoa Kỳ và Tổng thống Donald Trump đã có những bước đi táo bạo để hiệu chỉnh chính sách với cả 6 quốc gia này.
Có lẽ ông Kim Jong-un cũng nhận thấy điều này.
Đó là lý do tại sao ông Kim Jong-un đã phải "hạ thủ công phu" bài binh bố trận để có được hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Donald Trump hôm 12/6 vừa qua.
Cho nên theo cá nhân người viết, cải cách mở cửa nền kinh tế, bắt tay hợp tác với Hoa Kỳ sẽ là ưu tiên số 1 của ông Kim Jong-un để giúp Triều Tiên nhanh chóng phát triển và hội nhập.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Triều Tiên quay 180 độ trong quan hệ với Trung Quốc, trở thành con bài của Mỹ để chống Trung Quốc như học giả Richard McGregor mong muốn.
Bởi lẽ ông Kim Jong-un đủ thông minh để "tránh vỏ dưa lẫn vỏ dừa".
Triều Tiên cải cách mở cửa, phát triển phồn vinh và cường thịnh là đủ, đó chính là "thoát Trung", tức thoát khỏi cảnh bao vây cấm vận tứ bề, thoát khỏi cảnh phải dựa vào Trung Quốc về kinh tế, năng lượng.
Thậm chí lúc này ông Kim Jong-un có thể tối đa hóa lợi ích cho đất nước mình khi Trung Quốc, Nga, Nhật Bản đều không muốn mất phần ảnh hưởng của họ trên bán đảo Triều Tiên sau thượng đỉnh Mỹ - Triều.
Và với Hoa Kỳ, khi Triều Tiên cải cách mở cửa, hội nhập, phát triển và phồn vinh cũng đồng nghĩa với một con bài trong tay Trung Quốc hay dùng để cò cưa với Mỹ, đã bị vô hiệu hóa.
Nếu nhìn theo "lợi ích chiến lược lâu dài" này, thiết nghĩ sự thiện chí và nhượng bộ của Tổng thống Donald Trump là cần thiết, hiệu quả.
Nguồn:
[1]http://www.scmp.com/news/china/diplomacy-defence/article/2151128/how-china-using-north-korea-its-long-game-against
[2]https://asia.nikkei.com/Opinion/China-s-private-concerns-about-Trump-Kim
Hồng Thủy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét