Thứ Bảy, 16 tháng 6, 2018

THIỆT HẠI TỪ KHAI THÁC TITAN Ở BÌNH THUẬN...( TRUNG QUỐC THỊ TRƯỜNG THU MUA TITAN CHÍNH CỦA VIỆT NAM)

Thiệt hại từ khai thác đất đen

20/11/2012 07:41 GMT+7

TT - Những dự án khai thác đất đen (quặng sa khoáng titan - zircon) tại Bình Thuận đang gây ra nhiều hệ lụy về môi trường cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Rj7OxS8w.jpg
Ao nuôi cá của người dân ở khu vực Long Sơn - Suối Nước, P.Mũi Né, TP Phan Thiết (Bình Thuận) giờ đã cạn nước do họ không dám đầu tư sản xuấtẢnh: NGUYỄN NAM
Theo đánh giá của UBND tỉnh Bình Thuận, hoạt động khai thác này làm môi trường hư hại khó phục hồi. Người dân thì nói họ không được lợi lộc gì chỉ thấy thiệt hại hết sức nặng nề.
Ảnh hưởng đến cây trồng và nguồn nước
Dự án khai thác và tuyển quặng sa khoáng titan - zircon của Công ty TNHH Phú Hiệp tại khu vực Long Sơn - Suối Nước, P.Mũi Né, TP Phan Thiết (Bình Thuận) được Bộ Tài nguyên - môi trường phê duyệt và UBND tỉnh Bình Thuận cấp phép trên diện tích 807ha. Trong đó có khoảng 500ha là đất sạch của Nhà nước, còn lại là đất của người dân canh tác. Dự án này đang khiến 2.000 dân có đất canh tác nằm trong dự án lao đao khi chủ đầu tư khai thác cuốn chiếu từng khu, còn thời gian đền bù cho nông dân kéo dài đến 10 năm sau. Bà con nông dân đang bức xúc vì đất canh tác nằm trong dự án sau khi kiểm kê không được đầu tư phát triển sản xuất mới, hoặc bị bỏ hoang và nguy cơ gây ô nhiễm môi trường của dự án đang triển khai.

Chưa thấy lợi lộc ở đâu...
Ông Đặng Đình Hiếu - phó chủ tịch UBND TP Phan Thiết - cho biết: “Hiện nay trên địa bàn TP Phan Thiết có hai dự án khai thác đất đen (titan). Lợi lộc ở đâu không biết nhưng chúng tôi phải đối diện với những thiệt hại và bức xúc của người dân”. Theo thống kê từ Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Bình Thuận, toàn tỉnh đã cấp 10 giấy phép khai thác đất đen với tổng diện tích trên 1.200ha và trong đó có đến bốn giấy phép phải tạm dừng để khắc phục những sai phạm. Theo đánh giá của UBND tỉnh Bình Thuận, hoạt động khai thác đất đen gây bất ổn cho tỉnh, môi trường hư hại khó phục hồi. Các doanh nghiệp khai thác đất đen đóng góp cho ngân sách tỉnh rất hạn chế...
Ông Trần Văn Mạnh (khu phố Suối Nước, P.Mũi Né) cho biết gia đình ông có 12ha đất trồng xoài và cây lâu năm, nhưng hiện tại bị ảnh hưởng nặng do nằm trong dự án khai thác titan nói trên. Theo ông Mạnh và nhiều người dân ở đây, cát bay trong quá trình khai thác đất đen ảnh hưởng đến việc ra bông, kết trái của cây xoài khiến năng suất giảm thấy rõ.
Việc khai thác titan còn ảnh hưởng đến nguồn nước dùng cho sản xuất và sinh hoạt của người dân. Khi đầu tư khai thác, phía công ty hứa sẽ bắc đường nước sạch về cho dân dùng, nhưng đến nay vẫn là lời hứa suông.
Ông Nguyễn Văn Lang, phó giám đốc Công trường Long Sơn - Suối Nước (Công ty Phú Hiệp), thừa nhận khi triển khai dự án thì ít nhất có ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
Ông Đặng Đình Hiếu - phó chủ tịch UBND TP Phan Thiết đồng thời là chủ tịch hội đồng đền bù giải tỏa của dự án trên - cho biết sở dĩ Công ty Phú Hiệp khai thác theo lô mỗi năm 70ha là để quản lý việc phục hồi môi trường sau khi khai thác xong. Cũng theo ông Hiếu, hiện nay ngân sách đền bù khó khăn nên việc đền bù giải tỏa cho tất cả các hộ dân nằm trong dự án khó thực hiện được. Bên cạnh đó quỹ đất tái định cư cho người dân cũng chưa có. “Việc người dân phản ảnh những lo ngại về môi trường, chúng tôi sẽ kiến nghị UBND tỉnh giám sát ảnh hưởng trong quá trình khai thác, công khai kết quả kiểm tra cho người dân biết. Những hộ dân nằm trong dự án nếu chưa được đền bù giải tỏa thì cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để người dân yên tâm” - ông Hiếu nói.
Dân lãnh đủ
Tại xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình, nơi tập trung nhiều mỏ khai thác đất đen nhất tỉnh Bình Thuận, chính quyền địa phương đang đau đầu với những hệ lụy mà hoạt động khai thác đã gây ra. Ông Trần Thanh Hoan - chủ tịch UBND xã Hòa Thắng, cho biết tại đây có nhiều mỏ khai thác của nhiều công ty. Mặc dù đã qua thời hạn nhưng đa số công ty khai thác đất đen tại đây vẫn chưa bồi hoàn môi trường kịp thời.
Trên những con đường dẫn đến các mỏ khai thác đất đen ở xã Hòa Thắng, mặt đường bị xe tải băm nát. Trời nắng thì bụi đất bay mù mịt, còn mưa xuống thì lầy lội trơn trượt. Tại một mỏ khai thác của Công ty Đường Lâm, nước thải sinh ra trong quá trình khai thác đất đen chảy từ trên đồi xuống hòa vào ao nước dưới chân đồi gây ô nhiễm, còn những bãi đất sau quá trình khai thác giờ đây thành những hố sâu.
Bà Lê Thị Muội, một người dân ngụ thôn Hồng Hải, xã Hòa Thắng, than: “Sau khi người ta khai thác đất đen thì nước giếng nhà tôi bị ô nhiễm, không ăn uống gì được”. Người dân nơi đây được Công ty Đường Lâm hỗ trợ chi phí mua nước bình về uống. Công ty có hứa lắp đặt đường nước sạch cho người dân dùng nhưng đến nay vẫn chưa thấy đâu. Ông Trần Thanh Hoan cho biết Công ty Đường Lâm có 50% chi phí lắp đặt đường nước sạch cho dân. Tới đây xã sẽ kiến nghị lên UBND huyện xin phần kinh phí còn lại để cấp nước sạch cho người dân dùng.
Tháng 5 năm nay, UBND tỉnh Bình Thuận đã đóng cửa mỏ khai thác đất đen của Công ty Đường Lâm do môi trường gần mỏ khai thác bị ô nhiễm nặng. Đầu tháng 11 này, UBND tỉnh cũng đã phê duyệt đề án đóng mỏ khai thác đất đen của Công ty Đô Thành và đưa ra thời hạn phục hồi môi trường trước ngày 31-12. Đồng thời công ty này phải có trách nhiệm đầu tư hoàn chỉnh tuyến đường liên xã mà công ty đã phá hủy trong quá trình khai thác.
Ngoài những hệ lụy về môi trường, xã Hòa Thắng còn đối diện với tình trạng khai thác đất đen trái phép. Chỉ trong nửa cuối tháng 9 vừa qua, tổ kiểm tra liên ngành của huyện Bắc Bình đã phát hiện chín vụ khai thác đất đen trái phép tại khu vực Bàu Sen (giáp ranh giữa xã Hòa Thắng và xã Hồng Phong, huyện Bắc Bình), thu giữ chín máy bơm, nhiều dụng cụ khai thác và gần 35 tấn cát đen. Điều lạ lùng là cơ quan chức năng lại không thể xác định được người vi phạm và tất cả số tang vật bị tịch thu sẽ được bán đấu giá sau khi không có ai đến nhận.
NGUYỄN NAM

Không có nhận xét nào: