Thứ Ba, 1 tháng 1, 2019

TẬP CẬN BÌNH TRẤN ÁP CẤP DƯỚI VÌ SỢ BỊ LẬT ĐỔ?

Bị phản đối vì thương chiến với Mỹ, Tập Cận Bình trấn áp vì sợ nổi dậy

mediaChủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (T) và thủ tướng Lý Khắc Cường tại Đại sảnh đường Nhân Dân ở Bắc Kinh ngày 18/12/2018.REUTERS/Jason Lee
La Croix hôm nay 31/12/2018 ghi nhận dưới áp lực của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, « Tập Cận Bình buộc các lãnh đạo cao cấp đảng Cộng Sản Trung Quốc phải tự kiểm thảo », cho thấy một số dấu hiệu căng thẳng trong nội bộ đảng.



Tờ báo Công Giáo cho rằng « chủ tịch Tập Cận Bình là Mao Trạch Đông mới của thế kỷ 21 ». Và cũng như Mao, ông Tập không tránh được việc bị chỉ trích cho dù không phát biểu công khai. Tuy nhiên, từ nhiều tháng qua, một số rạn nứt đã xuất hiện trong một chế độ luôn muốn chứng tỏ là hoàn toàn đồng tâm nhất trí.
Khi triệu tập 25 ủy viên Bộ Chính Trị họp lại trong hai ngày 25 và 26/12 (vào đúng ngày Noel và sinh nhật của Mao 26/12/1893), Tập Cận Bình bắt buộc họ phải tự kiểm điểm, như trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa (1966-1976). Theo Tân Hoa Xã, ông Tập « đã yêu cầu Bộ Chính Trị phê bình và tự kiểm thảo về công việc của mình cũng như việc thực hiện các chỉ thị của Tập chủ tịch, chính sách và chủ trương của đảng ».
Vai trò của Bộ Chính Trị đã bị giảm hẳn từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền vào cuối năm 2012. Ông tập trung mọi quyền lực vào tay mình, như thời Mao. Nhưng theo nhiều nhà phân tích Trung Quốc cũng như nước ngoài, uy quyền của ông Tập trong những tháng gần đây có phần bị lung lay do kinh tế bị chững lại, từ cuộc chiến tranh thương mại với nước Mỹ của ông Donald Trump.

Báo cáo chính thức của cuộc họp Bộ Chính Trị lần này không nói rõ các ủy viên Bộ Chính Trị phải tự kiểm về vấn đề gì, nhưng đây là dịp để Tập Cận Bình chỉnh đốn lại đội ngũ, kêu gọi họ« nhanh chóng nghiên cứu các bài diễn văn » của ông, « tự khép mình vào kỷ luật, và chấn chỉnh gia đình cùng các cán bộ thuộc quyền ». Công thức này nhắc nhở lại nguyên tắc « tập trung dân chủ » lê-nin-nít trong đảng, đánh vào những ai không hoàn toàn trung thành với ông Tập.
Đối với chuyên gia Lâm Hòa Lập (Willy Lam), trường đại học Trung Quốc ở Hồng Kông, Tập Cận Bình bị phản đối trong nội bộ đảng, do đã đánh giá thấp quyết tâm của tổng thống Donald Trump và không dự đoán được việc hàng trăm mặt hàng bị áp thuế, làm thiệt hại cho khu vực chuyên xuất khẩu ở miền đông và miền nam Trung Quốc, cũng như lãnh vực công nghiệp mũi nhọn.
Một số nhà kinh tế còn khẳng định nền kinh tế Trung Quốc không tốt đẹp như trong thống kê chính thức, tỉ lệ tăng trưởng 6,5% là thổi phồng quá đáng, và nạn thất nghiệp gia tăng.
Ông Lâm Hòa Lập nhận định, Tập Cận Bình « đang chịu đựng một áp lực khủng khiếp phải thỏa thuận cho được với Donald Trump » trước thời hạn chót là đầu tháng Ba. Thời điểm này trùng hợp với kỳ họp thường niên của Quốc Hội Trung Quốc, khi đó ông Tập có nguy cơ bị đại diện các vùng miền và những lãnh vực bị thiệt hại nhiều nhất do thương chiến, chỉ trích.
Cho dù Tập Cận Bình là một Mao Trạch Đông mới, nhưng ông Tập không có được cái uy tương tự về lịch sử. Nhà chính trị học độc lập Hoa Pha (Hua Po) ở Bắc Kinh, khi trả lời AFP lưu ý, Tập Cận Bình « không cảm thấy an toàn, và nói trắng ra thì ông ta thiếu tự tin. Ông Tập luôn lo sợ có ai đó nổi dậy ». Một loại hoang tưởng mà Mao cũng đã từng bị. Đối với ông Hoa Pha, « Tập Cận Bình không đáp ứng được sự chờ đợi của người dân, và nỗi thất vọng của họ có thể biến thành tuyệt vọng ».

Không có nhận xét nào: