Đặng Hùng Võ
Thân phận những thửa đất sản xuất nông nghiệp ở nước ta vẫn còn nhỏ nhoi, lận đận như thân phận người nông dân chìm nổi. Mặt họ dán đất và lưng phơi trời, lấy công làm lãi. Còn ruộng đất cứ tan rồi hợp, hợp rồi lại tan. Ai cũng biết rằng tan - hợp là cái lẽ để phát triển, nhưng còn bao nhiêu lần nữa thì nông dân mới có sinh kế vững vàng?
Tôi nghĩ về làng tôi, một mảnh nông thôn bé nhỏ nằm ven đê sông Hồng trên địa phận Hà Nội giáp với Hưng Yên. Trong cái làng bé tí ấy mà mọi chuyện kể từ khi cải cách ruộng đất, đi lên hợp tác hóa, tới chia ruộng hợp tác cho các hộ dân và cho tới nay cũng "lâm ly" chẳng kém gì cái làng Giếng chùa trong cuốn tiểu thuyết "Mảnh đất lắm người nhiều ma" của nhà văn Nguyễn Khắc Trường.
Hòa bình lập lại năm 1954, làng tôi chỉ có 100 nóc nhà. Theo chỉ đạo từ trên, cứ 100 hộ phải tìm ra 5 địa chủ. Ông nội tôi vì thế cũng "phải làm" địa chủ, cũng bị đấu tố, rồi mất hết nhà cửa, đồ đạc, ruộng đất. Cảnh tắt lửa tối đèn có nhau bỗng dưng thành thù địch.
Đó là khi ruộng đất được tách chia lần thứ nhất. Trước năm 1954, ruộng đất chủ yếu trong tay địa chủ và thẳng cánh cò bay. Cuộc Cải cách ruộng đất long trời lở đất đã đánh sập hoàn toàn giai cấp địa chủ, chia ruộng đất cho từng hộ nông dân. Khẩu hiệu chiến lược "người cày có ruộng" được hoàn thành.
Ba năm sau cải cách ruộng đất, được "sửa sai", mẹ tôi được nhận lại nhà cũ và ruộng đất. Chủ trương hợp tác hóa về làng hai năm sau đó, mẹ tôi đi tiên phong góp ruộng vào hợp tác xã. Đó là năm 1959, phong trào hợp tác hóa nông nghiệp đã đưa ruộng đất của nông dân vào tay tập thể để tiến lên sản xuất lớn.
Đó là khi ruộng đất được hợp lại lần thứ nhất. Tích tụ đất đai giai đoạn đó đã tạo nên hiệu quả rất cao của nông nghiệp quy mô lớn gắn với hạ tầng thủy lợi ngày càng hoàn thiện. Sản lượng lúa của Việt Nam trong thập kỷ 60 đạt mức cao nhất khu vực Đông Nam Á.
Thế rồi, các hợp tác xã mở ra ngày càng rộng theo kiểu duy ý chí, từ quy mô thôn lên quy mô xã. Song năng lực quản lý thấp, không có đủ đầu tư, tham nhũng không được kiểm soát đã dẫn tới nghịch lý: sản lượng từ 95% ruộng đất hợp tác xã thấp hơn sản lượng từ 5% ruộng đất giao cho từng hộ.
Thống nhất đất nước vào năm 1975, hợp tác xã quy mô toàn xã được thành lập với ban lãnh đạo "hoành tráng", ăn nhiều hơn làm. Người làng thất vọng, đều quay lưng và trở về chăm lo mảnh ruộng nhỏ bé của riêng mình. Mẹ tôi cũng làm như vậy vì không còn cách nào khác để sống.
Ruộng đất lại được tách chia lần thứ hai. Nhờ công cuộc Đổi mới, ruộng đất hợp tác xã được khoán, rồi được giao hẳn cho các hộ.
Hơn 10 năm sau thống nhất, làng được nhận ruộng khoán, rồi sau 5 năm tiếp được chia hẳn ruộng. Cả làng nhộn nhịp, rộn ràng như bắt được của. Mẹ cũng vui vì lại được giống ngày xưa, mình làm lụng vất vả thì được nhiều, không bị mất đi đâu đồng nào. Nhưng chỉ hai năm, lại có chủ trương đổi ruộng cho nhau để thành thửa lớn. Dân làng thảo luận như mổ bò với câu hỏi "sao không làm việc này từ khi chia ruộng đi?"... Rồi bình yên cũng trở lại làng. Mẹ thì im lặng. Sức bà đã cạn, "dồn, đổi, thế nào cũng được".
Từ mươi năm nay, Chính phủ đã đưa ra chủ trương đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp, tạo một nền nông nghiệp sản lượng cao, bền vững dựa trên tích tụ đất đai quy mô lớn, hạ tầng hoàn thiện và công nghệ cao. Đây là tiền đề để ruộng đất được hợp lại lần thứ hai.
Đến giờ, khi chúng ta bàn tới tích tụ đất đai quy mô lớn thì mẹ tôi không còn nữa. Bà cũng chỉ cần một mảnh đất rất nhỏ bé để yên nghỉ vĩnh viễn sau cả cuộc đời bị cuốn theo ruộng đất.
Còn những nông dân khác trong làng, họ vẫn khắc khoải khôn nguôi với đất đai. Có nhóm thì "cứ để đất đấy", chờ dự án về lấy đất là có tiền bồi thường, một sào ruộng cũng được 360 triệu đồng, sung sướng được dăm năm. Có nhóm thì say sưa với trang trại nông nghiệp, chỉ sợ dự án về lấy mất đất thì công sức bấy lâu nay thành công toi.
Trong suốt giai đoạn từ 1994 tới nay, các địa phương đã say sưa với đầu tư công nghiệp hóa, gần như quên đi sức mạnh sở trường của nông nghiệp nước ta. Thực tế cho thấy nông sản vẫn là ngành hàng xuất khẩu chủ lực, từ gạo, cà phê, hạt điều, hạt tiêu, cao su, trái cây cho tới tôm, cá da trơn, thịt lợn, hải sản... Nhưng nhìn lại, sản lượng và chất lượng nông sản còn thấp. Hơn nữa, tình trạng được mùa rớt giá, nhiều loại nông sản phải giải cứu do thừa cung, xuất sang Trung Quốc lận đận vẫn làm cho nông dân cảm thấy bấp bênh, phiền muộn và bị động.
Tích tụ ruộng đất như thế nào để tạo sự bền vững là một câu hỏi lớn. Ruộng đất không thể bị chia tách và hợp lại lần thứ ba nữa. Nhiều mô hình tích tụ đất đai đã được thử nghiệm ở nhiều địa phương, nhưng vẫn chưa có "công thức" nào đưa người nông dân cùng ruộng đất đi về phía trước với cuộc sống sung túc hơn, để không bất kỳ ai bị bỏ lại phía sau, nhất là những hộ nông dân nhỏ, nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số.
Làng tôi cũng vậy, mọi người đều chờ đợi một cuộc sống tốt đẹp hơn. Tôi chỉ biết hy vọng: quy luật đất đai "tan hợp, hợp tan" đến lúc dừng lại, để công nghệ và con người với tư duy mới giúp nông dân bớt nhọc nhằn.
Đặng Hùng Võ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét