Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Chúng ta phải bước vào chiến tranh vì sự sinh tồn của nhân dân mình
Lê Gạch |
Dù là cuộc chiến tranh với đội quân Khmer Đỏ, chúng ta cũng hiểu rằng bản chất của cuộc chiến này là Việt Nam phải đối đầu với sự thỏa hiệp của các nước lớn, thậm chí là phải chống lại một luồng áp lực quốc tế cực kỳ lớn. Trong tình cảnh đó, cuộc chiến này vô cùng khó khăn và không hề mong muốn...
Chiến tranh Biên giới Tây Nam: Kẻ thù buộc ta ôm cây súng! (Phần 2)
Đúng 40 năm trước, những ngày cuối năm 1978, những người lính tình nguyện Việt Nam bắt đầu cuộc chiến đấu giúp đỡ nhân dân Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng Polpot - Khmer Đỏ Ngày 07/01/1979, thủ đô PhnomPenh được giải phóng, đánh dấu ngày tàn của chế độ Khmer Đỏ
Nhân kỷ niệm 40 năm ngày chiến thắng Polpot, giải phóng thủ đô PhnomPenh và đất nước Campuchia khỏi thảm họa diệt chủng, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.
Xem lại Phần 1: Dù rằng đời ta thích hoa hồng
Bước vào chiến tranh luôn là một sự kiện trọng đại, là một quyết định vô cùng khó khăn của bất cứ quốc gia nào. Xin Thượng tướng chia sẻ thêm về bối cảnh và những khó khăn mà Việt Nam phải đối mặt khi quyết định tiến hành cuộc chiến này.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Sau 40 năm, khi nhìn lại cuộc chiến này, có thể thấy các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quân đội ta khi đó đã phải đối mặt với những câu hỏi cực kỳ khó. Chúng ta vừa bước ra khỏi một cuộc chiến tranh, chưa kịp có thời gian để xây dựng đất nước.
Đất nước lúc đó quá nghèo, nhân dân thì quá muốn sum họp, thương binh còn chưa kịp điều trị… Cái mà chúng ta cần lúc đó là hòa bình và hàn gắn vết thương chiến tranh; chăm lo cho cuộc sống của cả một dân tộc vừa trải qua 2 cuộc chiến tranh kéo dài 30 năm. Nếu phải thêm một cuộc chiến nữa thì quá nặng nề.
Bên cạnh đó, dù là cuộc chiến tranh với đội quân Khmer Đỏ, chúng ta cũng hiểu rằng bản chất của cuộc chiến này là Việt Nam phải đối đầu với sự thỏa hiệp của các nước lớn, thậm chí là phải chống lại một luồng áp lực quốc tế cực kỳ lớn. Trong tình cảnh đó, cuộc chiến này vô cùng khó khăn và không hề mong muốn nhưng cũng không thể tránh.
Chính vì vậy, chúng ta đã phải rất thận trọng khi ra quyết định cuối cùng. Chúng ta buộc phải bước vào chiến tranh vì sự sinh tồn của chính nhân dân mình, vì sự sống còn của miền Tây Nam đất nước và để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia trước tuyên bố rất ngạo mạn của Polpot là “ở đâu có cây thốt nốt, ở đó là đất Campuchia”.
Rõ ràng, đây là một cuộc chiến tranh có ý nghĩa vô cùng quan trọng nhưng có vẻ như nó ít được “quan tâm” hay nhắc đến hơn so với các cuộc chiến khác, ví dụ như kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ. Phải chăng có điều gì nhạy cảm? Thượng tướng nhận xét điều này như thế nào?
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Tôi thấy không đúng như vậy. Trong nhân dân, trong quân đội... không ai quên cuộc chiến ấy, không ai không tự hào về chiến thắng ấy, và cũng không ai không đau xót trước mất mát, hy sinh của bộ đội, của nhân dân mình trong những năm tháng ấy.
Chúng ta cũng không thể quên những hình ảnh kinh hoàng chưa từng có trong lịch sử nhân loại - hậu quả của chế độ diệt chủng Khmer Đỏ để lại. Năm nay Việt Nam sẽ có nhiều hoạt động kỷ niệm, đặc biệt là ở các tỉnh Nam Bộ. Nhưng không chỉ làm lễ kỷ niệm chiến thắng mà chúng ta cần nói đậm hơn nữa về những khó khăn của Đảng và Nhà nước ta khi ra quyết định tiến hành cuộc chiến ấy.
Chúng ta đã chuẩn bị chín đến như thế nào, chúng ta đã “nhịn” đến như thế nào để giữ nền hòa bình. Và cũng cần nói rõ hơn những hi sinh, mất mát mà Quân đội, nhân dân ta phải chịu đựng.
Chúng ta không chỉ hy sinh bộ đội ở chiến trường mà Việt Nam còn phải hy sinh cả một giai đoạn phát triển của dân tộc. Chúng ta đã mất 10 năm không phát triển, bị bao vây cấm vận, sức ép trăm bề, cuộc sống của nhân dân, của cán bộ, chiến sỹ vô cùng khó khăn - mà không có bất cứ lời kêu ca nào.
Sau 40 năm, nhìn lại, đánh giá thành công của Việt Nam trong cuộc chiến ở Campuchia là gì, thưa Thượng tướng?
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam cũng như của các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên thế giới, khi buộc phải tiến hành chiến tranh, thì mục đích cao nhất là loại trừ nguy cơ chiến tranh, giành hòa bình và kiến tạo nền hòa bình lâu dài, bền vững để phát triển đất nước.
Trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và ở Campuchia năm 1979, chúng ta thực hiện 3 nhiệm vụ chiến lược để chống xâm lược và giúp nhân dân Campuchia.
Trước hết, chúng ta đánh lại bọn xâm lược, bảo vệ biên cương, bờ cõi, bảo vệ tính mạng, tài sản, cuộc sống bình yên của nhân dân ta; không để cho nguy cơ xâm lược tái diễn.
Thứ hai chúng ta giúp cách mạng, nhân dân Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng.
Thứ ba, để bảo vệ thành quả của chiến thắng, thành quả của cách mạng Campuchia, chúng ta giúp Bạn trưởng thành, vững mạnh nhằm giữ được hòa bình, ổn định để phát triển; đặc biệt là ngăn chặn không cho chế độ diệt chủng quay trở lại, gây nội chiến ở Campuchia.
Và kết cục là xây dựng được một nước Campuchia láng giềng độc lập, tự chủ, hòa bình, phát triển và quan hệ hữu nghị với Việt Nam và các nước khác trong khu vực và trên thế giới.
Với cách nhìn như vậy, chúng ta quay trở lại lịch sử để khẳng định giá trị của thành công. Chiến dịch quân sự của chúng ta năm 1979 đã giải quyết được nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất là quét sạch bọn xâm lược khỏi bờ cõi, phá tan lực lượng phản động, giải phóng đất nước Campuchia, tạo thế để Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia nắm chính quyền, thành lập Hội đồng Nhân dân cách mạng Campuchia, đại diện chân chính và hợp pháp duy nhất của nhân dân Campuchia.
Thứ hai, lực lượng cách mạng đã thiết lập được chính quyền ở Campuchia, nhưng Khmer Đỏ vẫn còn, nghĩa là vẫn tồn tại nguy cơ chiến tranh. Chúng ta cần phải tiếp tục giúp Bạn truy quét tàn quân Khmer Đỏ, xây dựng hệ thống chính quyền, xây dựng Đảng nhân dân Campuchia, khôi phục kinh tế-xã hội từ “cánh đồng chết”. Hay nói khái quát, là giúp hồi sinh cả một đất nước, một dân tộc từ bờ vực diệt vong.
Thứ ba, tình hình Campuchia lúc đó không đơn giản; lực lượng Khmer Đỏ vẫn được sự yểm trợ của một số nước lớn và các nước chư hầu của họ. Khmer Đỏ vẫn giữ ghế ở Liên Hợp quốc. Thế giới chưa thừa nhận tính bất hợp pháp, tội ác diệt chủng của chế độ Khmer Đỏ.
Lực lượng này vẫn tồn tại như một thực thể chính trị, quân sự, tạo ra thế 2 vùng 2 lực lượng ở Campuchia. Sau những năm 1980, dưới sự thỏa hiệp của các nước lớn, họ lập ra chính phủ 3 phái gồm thành phần tay sai của các nước lớn, thỏa hiệp với nhau để chống chính quyền cách mạng, Campuchia, chống Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, chúng ta đã giúp Bạn giành thắng lợi ở chiến trường, đảm bảo việc tất cả các bên phải đi đến thỏa hiệp, chấm dứt chiến tranh, tìm kiếm hòa bình. Tất cả các nước khác cũng phải cam kết như vậy.
Cuối cùng, Hiệp định Paris về vấn đề Campuchia được ký kết. Khi đó, chúng ta hoàn thành việc rút quân tình nguyện về nước. Như vậy, chúng ta đã giúp bạn tạo dựng nền tảng để giữ vững hòa bình, xây dựng, phát triển đất nước.
Tuy nhiên, thế vẫn chưa đủ. Sau khi rút quân tình nguyện về nước, chúng ta vẫn tiếp tục giúp Bạn bằng các biện pháp chính trị, kinh tế, ngoại giao, trên cơ sở luật pháp quốc tế, với tư cách 2 quốc gia độc lập, với truyền thống láng giềng đoàn kết, gắn bó lâu đời.
Hãy nhớ về thời điểm năm 1993, khi Campuchia tổ chức bầu cử, Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) đã thất bại. Các phái khác trong đó có Khmer đỏ, tham gia chính quyền, Campuchia một lần nữa sa vào hiểm họa nội chiến, cách mạng Campuchia gặp khó khăn.
Từ năm 1993-1998, Đảng Nhân dân Campuchia với sự ủng hộ, giúp đỡ của Việt Nam, đã tiến hành đấu tranh nghị trường, pháp lý, chính trị, kinh tế, ngoại giao kết hợp đấu tranh quân sự. Đến năm 1998, Đảng Nhân dân CPC thắng cử.
Chỉ 1 năm sau, chính phủ Campuchia do Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) lãnh đạo, trực tiếp là Thủ tướng Hun Sen đã giải giáp thành công Khmer Đỏ bằng biện pháp chính trị, kinh tế, xã hội, thực hiện hòa giải dân tộc; thực sự xóa sổ lực lượng Khmer Đỏ - với tư cách 1 tổ chức chính trị, quân sự, được nước ngoài giúp đỡ, mà không phải tiến hành bất cứ một chiến dịch quân sự nào.
Từ đó đến nay, quan hệ Việt Nam - Campuchia về cơ bản mà nói là hết sức tốt đẹp và tính chất quan trọng nhất của mối quan hệ hai nước là độc lập, tự chủ, giúp đỡ, ủng hộ lẫn nhau. Những vấn đề còn tồn tại như người Việt làm ăn, sinh sống ở Campuchia, phân định đường biên giới..., từng bước được giải quyết một cách tích cực, ngày càng tốt hơn.
Vậy là, những giọt máu của những người lính tình nguyện Việt Nam đã đổ ở Campuchia từ những năm 1979, đến 20 năm sau, mới đạt được kết quả trọn vẹn.
Và 40 năm sau, được cộng đồng quốc tế chính thức công nhận thông qua việc xét xử Khmer Đỏ Tòa án quốc tế tuyên chế độ Khmer Đỏ, bè lũ Pôn Pót, Iêng xary, Tà Mốc, Nuôn chea…phạm tội ác diệt chủng, cũng có nghĩa là công khai công nhận thắng lợi, tính chính nghĩa của Việt Nam trong cuộc chiến tranh giúp đỡ nhân dân Campuchia.
Như vậy, đó thắng lợi là vô cùng to lớn của nhân dân Campuchia, của Việt Nam và cho hòa bình, ổn định của khu vực.
Cũng cần nhắc thêm rằng, thời kỳ đó, tất cả các cuộc chiến tranh mà một nước đưa quân vào một nước khác đều thất bại. Tất cả đều không giữ được chế độ, tất cả đều gây mất ổn định và chìm sâu vào nội chiến.
Duy nhất chỉ có Campuchia là giữ được chính quyền, giữ được sự ổn định, có được hòa bình, giải giáp được Khmer Đỏ và bước ra môi trường quốc tế sau khi được kết nạp vào ASEAN năm 1998 tại Hà Nội. Không có cuộc chiến nào để lại được di sản vĩ đại như những gì Việt Nam mang lại cho Campuchia.
Vào năm 1993, Quốc vương Norodom Sihanouk đã ra tận sân bay Pochentong/Phnom Penh đón Chủ tịch nước Lê Đức Anh sang thăm Campuchia. Hãy nhớ câu nói của Quốc vương khi đó:
“Tôi ra tận chân cầu thang đón Ông, Tôi chào mừng Ông với tư cách là người đã dẫn đầu đoàn quân Nhà Phật sang cứu nhân dân Campuchia khỏi nạn diệt chủng và hồi sinh dân tộc chúng tôi. Chỉ có Việt Nam mới đem lại sự cứu giúp vĩ đại cho nhân dân Campuchia. Chỉ có Việt Nam mới làm được điều đó mà thôi.”
(Còn nữa)
Phần 3: Chiến tranh để có Hòa Bình
theo Infonet
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Phải biết trân trọng giá trị của hòa bình
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nhấn mạnh: “Trong lịch sử, chúng ta đã chiến đấu và chiến thắng để giành lại độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc. Chúng ta đánh để có hòa bình, cho nên chúng ta rất coi trọng những yếu tố, nhân tố để có được hòa bình”.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh
Trong cuộc trao đổi dành riêng cho Báo SGGPO trước thềm năm mới 2019, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nhấn mạnh: “Trong lịch sử, chúng ta đã chiến đấu và chiến thắng để giành lại độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc. Chúng ta đánh để có hòa bình, cho nên chúng ta rất coi trọng những yếu tố, nhân tố để có được hòa bình”.
Mua vũ khí hiện đại để không phải bắn nhau
* PV: Thưa Thượng tướng, đâu là những tư duy mới, cách tiếp cận mới về hoạt động quốc phòng cũng như phát triển Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam hiện nay?
- Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Trải qua nhiều cuộc chiến tranh, dân tộc ta đã đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, đều là những nước lớn, có lực lượng quân sự mạnh hàng đầu thế giới. Nay trong thời bình, quân đội phải xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, độc lập, tự chủ của đất nước; bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân dân; bảo vệ nền hòa bình bền vững cho đất nước. Đây là 3 mục tiêu chung của bảo vệ Tổ quốc và là nhiệm vụ của toàn dân, toàn hệ thống chính trị mà nòng cốt là QĐND Việt Nam, là nhận thức mới và toàn diện về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, nhiệm vụ quốc phòng trong tình hình hiện nay.
Phương châm chỉ đạo của chúng ta là phải bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy. Hay nói cách khác là bảo vệ hòa bình cho Tổ quốc toàn vẹn và phát triển. Do lịch sử để lại, chúng ta vẫn có tư duy thắng thua, tư duy chiến tranh, chưa dứt ra được. Một người sống với trạng thái sẵn sàng chiến đấu thì rất tốt nhưng sẽ tốt hơn nếu họ có trạng thái bình an và xây dựng cuộc sống của mình trong sự bình an đó. Vì vậy, nhiệm vụ của quân đội bây giờ là làm sao đảm bảo đủ sức mạnh để bảo vệ Tổ quốc, sẵn sàng chiến đấu để đánh thắng khi có chiến tranh nhưng quan trọng nhất là bảo vệ hòa bình và cuộc sống tốt đẹp cho nhân dân. Sức mạnh đó không chỉ từ bên trong mà còn cả sức mạnh bên ngoài, các yếu tố bên ngoài ngày càng quan trọng vì chúng ta đang hội nhập, thế giới đang toàn cầu hóa.
Trong bối cảnh môi trường chiến lược vô cùng phức tạp hiện nay, nước lớn nào cũng muốn “cầm cờ” chi phối thế giới và khu vực, chúng ta đừng để bị cuốn vào, không ngả theo ai và thêm bạn, bớt thù. Đồng thời, chúng ta phải quan tâm tăng cường tiềm lực bảo vệ Tổ quốc. Khi quân đội luôn sẵn sàng thì đất nước sẽ không bị tổn thương. Sẵn sàng chiến đấu là để nhân dân được sống trong hòa bình, trong xã hội yên bình và phát triển. Giữ được hòa bình cho Tổ quốc vẹn toàn mới là điều quan trọng nhất, cần vươn tới, cần đạt được.
Để có được điều đó, chúng ta phải xây dựng quân đội phù hợp với tình hình mới. Không phải quân đội đông, lớn hay nhiều vũ khí mà phải tinh, gọn, mạnh, phù hợp với yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Ví dụ, phạm vi tác chiến của lục quân, không quân của chúng ta chỉ trong chiều sâu chiến dịch để bảo vệ đất nước chứ không đưa quân đi đánh nước ngoài. Hay với biển thì chúng ta phải bảo vệ, quản lý được vùng thềm lục địa và các vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Một ví dụ khác, mỗi tỉnh chúng ta cần một sư đoàn mạnh hay chỉ cần một trung đoàn nhưng trong tỉnh ấy mỗi thanh niên trên 18 tuổi đều được đưa vào lực lượng dự bị động viên, được huấn luyện thường xuyên. Mô hình nào tốt hơn trong thời hiện đại, trong thời bình? Chắc chắn là mô hình thứ 2. Quân thì tinh nhuệ, còn lực lượng dự bị động viên thì đủ lớn và luôn sẵn sàng để khi cần tổng động viên thì toàn dân là chiến sỹ. Đó là đội quân vừa đủ và như thế thì quân đội mới không thành gánh nặng của đất nước, của nền kinh tế.
* Nhưng trong những năm qua, chúng ta vẫn tiếp tục đầu tư mua sắm vũ khí, trang thiết bị quân sự hiện đại, thưa Thượng tướng?
- Xu thế chung của thế giới hiện nay là: “Mua vũ khí hiện đại để không phải bắn; Luyện quân giỏi để không phải đánh”. Có những nước nhỏ nhưng họ trang bị vũ khí hiện đại, đó không chỉ để răn đe mà thể hiện ý chí của cả một đất nước, một dân tộc; tôi không xâm phạm đến ai nhưng động đến tôi thì tôi có quyền và có khả năng tự vệ. Bây giờ Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với quốc tế, kể cả quốc phòng, quân sự. Nhưng chỉ hội nhập quốc tế là không đủ mà quân đội cần phải hội nhập với chính xã hội thường nhật, ngay trên đất nước mình. Để người lính với những thanh niên bình thường ngoài kia không có gì khác biệt. Người lính vẫn giữ phẩm chất của mình nhưng vẫn hòa nhập tốt với xã hội.
Hiện nay, chúng ta có độc lập tự chủ, toàn vẹn lãnh thổ và không thể để mất. Như vậy, có nền hòa bình bền vững, có sự ổn định lâu dài thì đất nước mới phát triển, mới hội nhập, mới thêm bạn bớt thù; khi đó tiềm lực quốc phòng mới tăng. Cái cần quan tâm nhất của xã hội bây giờ là nhận thức về bảo vệ hòa bình. Đừng có hung hăng, đừng có thấy rằng mình đánh được tất cả “kẻ thù lớn” thì mình không sợ ai. Chúng ta phải rất cẩn trọng, rất tập trung, rất cảnh giác, quan tâm xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng quân đội mạnh nhưng không để xảy ra chiến tranh mà để bảo vệ sự bình yên của đất nước, để làm sao đất nước phát triển.
Thêm bạn, bớt thù để cùng tồn tại hòa bình, phát triển
* Với mối các quan hệ quốc tế, nhất là trong lĩnh vực quốc phòng thì sao, thưa Thượng tướng?
- Chúng ta có trách nhiệm với hòa bình, an ninh khu vực và trên thế giới. Việc chúng ta tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hiệp quốc trong những năm qua, nhất là vừa qua triển khai thành công Bệnh viện dã chiến cấp 2 đầu tiên tới Nam Sudan đã được Liên hiệp quốc đánh giá rất cao. Sắp tới sẽ là Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 và Đội công binh của Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc ở châu Phi. Điều đó thể hiện chúng ta có trách nhiệm cụ thể, công khai, được thế giới thừa nhận để khi có nguy cơ bị xâm hại, thì cộng đồng quốc tế sẵn sàng ủng hộ chúng ta. Ví dụ, từ 2010 đến nay, nhìn lại vấn đề Biển Đông, mỗi lần bị cắt cáp, bị đâm va, có sự cố… khi đến các hội nghị quốc tế thì tất cả đều ủng hộ Việt Nam ở các mức độ khác nhau. Có người phát biểu mạnh mẽ, có người phát biểu chừng mực, có người không nói công khai nhưng khi gặp chúng ta tất cả họ đều bày tỏ rằng rất ủng hộ Việt Nam; ủng hộ chủ quyền và cách ứng xử của Việt Nam. Đặc biệt, họ ủng hộ và ngưỡng mộ cái kiên cường của mình. Mình không nóng vội, không lớn tiếng nhưng ai cũng biết quyết tâm bảo vệ chủ quyền của Việt Nam là không thể bẻ gãy. Khi gặp gỡ, quan hệ với bạn bè quốc tế, có những điều mình khác biệt với họ, có những điều họ không thừa nhận, nhưng họ đều khâm phục quyết tâm, ý chí bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia dân tộc của Việt Nam là hết sức kiên cường, không bị khuất phục!
* Như vậy có thể nói rằng, vấn đề đối ngoại quốc phòng có vị trí hết sức quan trọng trong Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới?
- Trong thời kỳ đổi mới, công tác hội nhập quốc tế, trong đó có đối ngoại quốc phòng được Đảng ta hết sức coi trọng. Bước chuyển là Hội nghị Trung ương 8 khóa IX và khoá XI đã ban hành Nghị quyết về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Trong đó, xác định bảo vệ Tổ quốc gắn liền với bảo vệ hòa bình, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Chúng ta là bạn của các nước trên thế giới, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Trong nghị quyết ấy, chúng ta không còn phân biệt ai là bạn, ai là thù nữa, mà chúng ta chuyển sang đối tượng, đối tác. Trong một đối tượng có “yếu tố đối tác”, trong một đối tác cũng có “yếu tố đối tượng”. Với nhận thức mới như vậy, chúng ta đẩy mạnh đối ngoại, mở rộng quan hệ cả song phương và đa phương, đẩy mạnh quan hệ với chính những nước có yếu tố đối tượng của chúng ta. Ví dụ, những nước trước đây có chiến tranh với chúng ta, hay những nước có tranh chấp lãnh thổ với chúng ta, chúng ta coi đó là những đối tác hợp tác quan trọng để từng bước giảm yếu tố đối tượng xuống, để xử lý những vấn đề còn tồn tại giữa hai bên, để cùng tồn tại hòa bình, cùng phát triển.
Trong đối ngoại quốc phòng, Việt Nam rất coi trọng đối ngoại biên giới và đặt nó vào vị trí đặc biệt, đó là vì chúng ta không xâm hại biên giới, không nhăm nhe chiếm đất của ai..., tôn trọng độc lập chủ quyền, lợi ích của quốc gia láng giềng, đặt chữ “thuận hòa” lên trên. Chúng ta rất coi trọng quan hệ láng giềng và nó là nhân tố cực kỳ quan trọng để ổn định bên trong; đó là biên giới trên đất liền với Lào, Campuchia, Trung Quốc và trên Vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc. Toàn tuyến biên giới chúng ta hiện nay là hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.
Điều này không phải tự nhiên mà có, đó là nỗ lực liên tục hàng chục năm trời của Đảng, Nhà nước, quân đội mà bộ đội biên phòng là lực lượng nòng cốt chuyên trách. Chúng ta thực hiện đối ngoại quốc phòng theo phương châm vừa hợp tác vừa đấu tranh. Có lúc hợp tác là chủ yếu nhưng có những trường hợp đấu tranh là chính, đặc biệt là trong việc bảo vệ chủ quyền, bảo vệ chế độ chính trị. Việt Nam không né tránh những vấn đề được coi là nhạy cảm. Với các nước bạn bè anh em, chúng ta vừa hợp tác, vừa giúp bạn, đặc biệt là các nước Lào, Campuchia, Cuba. Với những nước chí cốt, rường cột này thì chúng ta không hề tính toán trong việc giúp bạn. Sức đến đâu, giúp đến đó, nhưng là giúp cái đúng, chân thành, có lợi cho bạn và có lợi cho mình.
Quân đội dứt khoát bỏ những cái thừa, không phù hợp
* Với việc xây dựng QĐND Việt Nam tinh gọn, mạnh và phù hợp nhiệm vụ thời kỳ mới, Bộ Quốc phòng đã thực hiện như thế nào, thưa Thượng tướng?
- Xét theo mặt bằng chung của thế giới về tỷ lệ quân số trên số dân cũng như tỷ lệ chi tiêu quốc phòng trên GDP, thì Việt Nam ở mức thấp. Quân đội ta hiện chưa đặt vấn đề giảm quân số, nhưng kiên quyết điều chỉnh theo hướng tinh, gọn, mạnh. Dứt khoát bỏ những cái thừa, không phù hợp. Tất cả những công ty, doanh nghiệp không trực tiếp làm nhiệm vụ quốc phòng sẽ loại hết. Nhưng đây là vấn đề mấy chục năm để lại, cắt giảm, điều chỉnh như thế nào vì hàng chục nghìn người lao động, vấn đề vốn, đất đai… Việc này không thể ngày một ngày hai là làm được nhưng dứt khoát làm trong nhiệm kỳ này và làm rất kiên quyết. Không có biệt lệ.
Quan điểm hiện nay của lãnh đạo Bộ Quốc phòng là chỉ để lại 2 loại công ty, doanh nghiệp quốc phòng. Một là các công ty, xí nghiệp trực tiếp sản xuất công nghiệp quốc phòng, vũ khí, thiết bị quân sự, cái mà bên ngoài không làm được. Chúng ta luôn cần phải có dự trữ quốc phòng. Như nhà máy hiện nay, một năm chỉ sản xuất 100 khẩu súng, nhưng khi có chiến tranh thì năng lực có thể sản xuất 10.000 khẩu súng. Vì vậy phải duy trì doanh nghiệp đó. Loại hình này sẽ được duy trì nhưng rất ít, hơn 10 tổng công ty, doanh nghiệp, bao gồm Viettel, Tân Cảng… nhưng phải rất mạnh, đi thẳng lên hiện đại. Loại hình thứ 2 là các đoàn kinh tế quốc phòng nằm ở vùng sâu, vùng xa, giúp dân, bám trụ vùng biên giới, tiền tiêu. Sẽ không còn các công ty mang danh quân đội, đi xe biển đỏ, mở cửa hàng buôn bán, kinh doanh thương mại... Chắc chắn sẽ không còn! Hiện nay Quân ủy Trung ương đang khẩn trương rà soát và sẽ làm quyết liệt trong thời gian tới.
* Liên quan tới vấn đề đất quốc phòng, thời gian qua ở nhiều địa phương, nhất là các thành phố lớn như TPHCM, Hải Phòng... đã xảy ra một số vụ việc. Bộ Quốc phòng đã xử lý vấn đề này như thế nào?
- Cũng đang làm rất quyết liệt! Trước hết là không để cho các đơn vị dùng đất đai làm kinh tế mà vi phạm pháp luật như một số trường hợp vừa rồi đang xử lý. Đây cũng là quá trình xử lý dần, từng bước, không để bị xáo trộn nhưng dứt khoát phải làm và làm rất nghiêm. Tuy nhiên, quân đội phải có dự trữ về đất quốc phòng, để phục vụ nhiệm vụ quốc phòng. Ví dụ như một vài miếng đất ở đô thị, có khi bỏ không, nhưng vì sao quân đội vẫn giữ? Đó là để khi có chiến tranh thì kéo pháo ra đó mà đánh, bảo vệ thành phố, chứ đem ra xây nhà cửa hết, khi có chiến tranh thì đánh thế nào được! Hay các trường bắn chẳng hạn. Nhìn thoáng qua thì thấy hoang vu thật. Tuy nhiên, chiều dài trường bắn dài mấy chục kilômét để bắn pháo, bắn hỏa lực. Nếu cho dân vào khu vực đó sống thì sao an toàn được! Hiện nay, có nước bạn đang chấp nhận mọi điều kiện để xin thuê Việt Nam trường bắn để tập bắn, thuê bầu trời để tập cho không quân, nhưng chúng ta không cho phép. Chúng ta cần phải giữ quỹ đất quốc phòng vì những mục đích quốc phòng. Ví dụ, việc sân golf Tân Sơn Nhất, mọi việc đã rõ, Bộ Quốc phòng đã có chủ trương trả rồi, hiện giờ đang chờ phê duyệt quy hoạch xây dựng. Cái gì giao được, không dùng, quân đội sẽ giao lại cho dân sự. Như vừa rồi, với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ, Bộ Quốc phòng đã tẩy độc, làm sạch dioxin ở Đà Nẵng gần 40ha đất rồi giao lại cho chính quyền địa phương sử dụng.
Tôi xin khẳng định lại, từ đầu nhiệm kỳ đến nay không thành lập thêm một công ty, doanh nghiệp quốc phòng nào, không một mét đất quốc phòng nào được đem ra cho thuê sai nguyên tắc cả. Ít nhất là 3 năm vừa rồi. Cái gì quân đội đã nói dứt khoát sẽ làm được !
* Xin cảm ơn Thượng tướng!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét