Thứ Bảy, 16 tháng 2, 2019

Hoa Vi, mối đe dọa cho an ninh quốc gia của Việt Nam

Kính Hòa RFA

Bà Mạnh Vãn Chu, Giám đốc tài chính của Hoa Vi, sau khi làm thủ tục tại ngoại hầu tra. Canada 12/2018.
Bà Mạnh Vãn Chu, Giám đốc tài chính của Hoa Vi, sau khi làm thủ tục tại ngoại hầu tra. Canada 12/2018.
 AFP
Trang kinh tế của Nhật Bản Nikkei, vào ngày 14/2/2019 đưa tin nói rằng Tổng giám đốc tập đoàn công nghệ viễn thông Hoa Vi của Trung Quốc, phụ trách khu vực Việt Nam, ông Phạm Quân, nói ông tin rằng Hoa Vi sẽ thắng thầu việc cung cấp loại công nghệ 5G cho hệ thống truyền thông tại Việt Nam.
Trong khi đó Hoa Vi lại đang gặp rất nhiều khó khăn tại các quốc gia phát triển như Úc, Châu Âu, Bắc Mỹ.
Hoa Vi, trên giấy tờ là một công ty tư nhân của Trung Quốc, được thành lập vào năm 1987 tại Thẩm Quyến, Trung Quốc. Thành lập công ty này là một viên sĩ quan kỹ sư của quân đội giải phóng Trung Quốc.
Hoa Vi đã phát triển rất nhanh, không chỉ có mặt ở các nước đang phát triển mà còn tham gia vào các vụ đấu thầu cung cấp trang thiết bị viễn thông cho các quốc gia phát triển ở Châu Âu, Bắc Mỹ, Úc châu.
Nhưng trong khoảng vài năm trở lại đây Hoa Vi bị các quốc gia này tình nghi rằng dù là công ty tư nhân nhưng thực chất Hoa Vi có liên hệ mật thiết với nhà nước của Đảng Cộng sản Trung Quốc, và vì thế có khả năng Đảng Cộng sản Trung Quốc lợi dụng việc Hoa Vi cung cấp trang thiết bị cho các nước trên để cài đặt các thiết bị do thám.

Hoa Vi luôn phủ nhận việc này, nhưng áp lực lo ngại do thám từ các quốc gia này không giảm đi mà ngày càng tăng.
Kỹ sư công nghệ thông tin Hoàng Ngọc Diêu, làm việc tại Úc nói với đài RFA:
Nó có những biểu hiện rất đáng nghi ngờ là cài đặt những con chip để thu gặt những thông tin riêng tư. Vì nó đã liên quan đến an ninh quốc gia như vậy cho nên phải cân nhắc chứ không chỉ tính đơn thuần về kinh tế. Vì thế ở Úc Hoa Vi không được chính phủ Úc cho phép triển khai hệ thống 5G tại Úc nữa.”
Vào tháng 8/2018 chính phủ Úc chính thức cấm Hoa Vi tham gia vào việc cung cấp thiết bị viễn thông cho nước này. Chính phủ Úc viện cớ rằng Hoa Vi có liên hệ mật thiết với chính phủ Trung Quốc, mà theo luật pháp Úc, việc một công ty có quan hệ mật thiết với một chính phủ nước ngoài sẽ nằm trong sự quan ngại và điều tra về an ninh quốc gia.
Vì nó đã liên quan đến an ninh quốc gia như vậy cho nên phải cân nhắc chứ không chỉ tính đơn thuần về kinh tế.
-Kỹ sư Hoàng Ngọc Diêu.
Tờ báo chuyên về tài chính Financial Times dẫn nguồn tin từ Anh nói rằng vào tháng 7/2018, cơ quan nghiên cứu chống tin tặc của nước này nói rằng họ không thể bảo đảm việc chống tin tặc và do thám xung quanh những thiết bị của Hoa Vi ở Anh.
Tại Canada, chính phủ của Thủ tướng Justin Trudeau cũng đang chịu áp lực rất lớn là phải loại bỏ Hoa Vi ra khỏi cơ sở hạ tầng viễn thông của nước này vì mối lo ngại gián điệp.
Luật sư Vũ Đức Khanh từ Canada cho RFA biết:
Quan điểm của các đảng chính trị cũng như những nhà nghiên cứu về an ninh ở Canada đều cho rằng việc cấm Hoa Vi là điều nên làm, vì điều đó ảnh hưởng đến an ninh và mối quan hệ sâu sắc giữa Canada và Mỹ. Ngay cả hệ thống phòng thủ chung cho cả Bắc Mỹ gọi là Novak, rất có quan hệ đến vấn đề viễn thông.”
Canada đang đứng giữa Mỹ và Trung Quốc trong vụ căng thẳng kinh tế chính trị liên quan đến Hoa Vi từ tháng 12/2018 khi Ottawa bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu, Giám đốc tài chính của Hoa Vi để dẫn độ sang Mỹ, với lý do là công ty này lẫn tránh việc cấm vận kinh tế Iran do Mỹ dẫn đầu.
Theo đánh giá của luật sư Vũ Đức Khanh, rất chắc chắn rằng Canada sẽ theo chân Úc, châu Âu, Mỹ để cấm Hoa Vi, và một quyết định quan trọng về công ty này sẽ được đưa ra vào giữa tháng ba tới đây.
Tại Mỹ, vào tháng 8/2018 chính phủ đã ra lệnh cấm các cơ quan chính phủ sử dụng các điện thoại do Hoa Vi sản xuất.
Đến tháng 2/2019, Đại học Berkerley tại California đã hủy bỏ một chương trình nghiên cứu do Hoa Vi cung cấp tài chính, mặc dù trường đại học của tiểu bang California này thường bị khó khăn về tài chính.
Theo thống kê của một hãng tin tại Trung Đông, cho đến cuối năm 2018 có các quốc gia sau đây đã cấm, hoặc đang tính tới việc cấm Hoa Vi cung cấp thiết bị hạ tầng viễn thông: Mỹ, Canada, Úc, New Zealand, Ý, Đức, Ấn Độ, và Anh.
Tại Việt Nam, trong bản tin của tờ Nikkei, nói rằng ông Phạm Quân, Tổng giám đốc Hoa Vi Việt Nam, dẫn lời Bộ trưởng Bộ thông tin và truyền thông của Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng nói rằng Việt Nam mở cửa đối với tất cả các nhà cung cấp.
Chúng tôi có tìm cách liên hệ với ông Nguyễn Mạnh hùng để bình luận nhưng không được.
Tờ báo về kinh tế tại Sài Gòn là Thời báo kinh tế Sài Gòn có trích dịch lại bản tin của Nikkei, đồng thời làm một cuộc trưng cầu ý kiến độc giả về việc có nên chọn Hoa Vi làm nhà cung cấp thiết bị 5G cho Việt Nam hay không. Sau hai ngày, kết quả trưng cầu ý kiến cho thấy tuyệt đại đa số độc giả của tờ báo này không chấp nhận Hoa Vi (92%).
Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên chánh văn phòng Quốc hội Việt Nam, hiện sống tại Sài Gòn, cho RFA biết quan ngại của ông về Hoa Vi:
Tôi thì tôi nghĩ rằng Việt Nam có đa dạng việc kinh doanh mua bán thế này thế kia thì cũng phải đừng để họ cài chip hoạt động gián điệp, làm nguy hại tới an ninh quốc gia, phải ngăn chận ngay từ đầu. Tôi nghĩ là bên Mỹ và bên châu Âu đã lên tiếng về an ninh quốc gia thì Việt Nam cũng nên lắng nghe. Nếu những nước đó họ chứng minh được thì Việt Nam cũng nên tẩy chay. Còn như mới nghi ngờ thì cũng phải làm sao cho dân an tâm, chứ không thể chỉ nói đây là kinh doanh. Kinh doanh này ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, và sự riêng tư nữa.”
Theo luật sư Vũ Đức Khanh và kỹ sư Hoàng Ngọc Diêu, Việt Nam ở một cái thế khác so với các quốc gia phát triển, vì ít sự lựa chọn hơn và bị áp lực quá mạnh từ Trung Quốc, cả về chính trị lẫn kinh tế.
Tôi nghĩ là bên Mỹ và bên châu Âu đã lên tiếng về an ninh quốc gia thì Việt Nam cũng nên lắng nghe.
-Luật sư Trần Quốc Thuận.
Sự lệ thuộc vào Trung Quốc hiện nay lại được nhiều người Việt Nam lo lắng hơn nữa trong lĩnh vực an ninh mạng. Trong một lần trao đổi với chúng tôi, Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, một chuyên viên kinh tế sống ở Na Uy lo ngại rằng nếu các đại công ty về internet của phương Tây, như Facebook và Google rút ra khỏi Việt Nam thì các công ty Trung Quốc sẽ thế chân vào, và các công ty Trung Quốc này sẽ không bị những cản trở như phương Tây trong việc do thám, thu thập thông tin cá nhân người dùng
Luật sư Vũ Đức Khanh, đồng thời cũng là Phó Tổng thư ký Đảng Dân chủ Việt Nam, nói với RFA:
Tôi vẫn tin rằng có những người cộng sản chân chính tại Việt Nam không bao giờ có ý tưởng thần phục Trung Quốc.”
An ninh quốc gia tại Việt Nam cho tới hiện nay vẫn là một khái niệm gây tranh luận, trong đó nhiều nhà hoạt động xã hội và môi trường bị bắt bỏ tù về những hoạt động cũng như phát biểu của mình bị nhà cầm quyền xem là nguy hại tới an ninh quốc gia, nhưng giới bất đồng chính kiến thì cho rằng không đúng.
Nay nếu vấn đề an ninh quốc gia được nhà nước Việt Nam đưa ra cùng với quan ngại về nghi án gián điệp của Hoa Vi trên khắp thế giới, thì hẳn điều này dễ dàng được mọi người Việt Nam với những quan điểm chính trị khác nhau cùng đồng ý.

Không có nhận xét nào: