Thứ Hai, 4 tháng 2, 2019

Một thời Đông Bắc, ký ức không thể nào quên mùa Xuân năm 1979

VŨ MÃO

(GDVN) - Từ đầu những năm thập kỷ 70 của thế kỷ trước, quan hệ Trung Quốc và Việt Nam không còn được mặn mà như trước, cần thời gian để phân tích chiều sâu vấn đề.
LTS: Nhân dịp kỷ niệm 40 năm chiến tranh bảo vệ Tổ quốc chống quân Trung Quốc xâm lược toàn tuyến biên giới phía Bắc, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc loạt bài viết về sự kiện này.
Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão thời điểm đó là Bí thư huyện uỷ kiêm chính uỷ các lực lượng vũ trang thống nhất của huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh, ông có loạt bài viết chia sẻ về thời kỳ đặc biệt ấy.
Trân trọng mời quý bạn đọc theo dõi bài viết đầu tiên. Tiêu đề bài viết do Tòa soạn đặt, văn phong và nội dung bài viết thể hiện góc nhìn của tác giả.
Lời nói đầu:
Bốn mươi năm trước đây ngày 17 tháng 2 năm 1979, Trung Quốc xâm lược toàn tuyến biên giới phía Bắc của nước ta.
Thời điểm ấy, tôi là Bí thư huyện uỷ kiêm chính uỷ các lực lượng vũ trang thống nhất của huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh. Một thời gian khổ đã qua và rất đỗi tự hào. Nhân dịp này, xin gửi tới các bạn một số bài viết của tôi về thời kỳ ấy.
Đổi thay
Sau Đại thắng Mùa Xuân năm 1975, dân tộc ta giành được độc lập tự do, thống nhất tổ quốc; ước nguyện bao đời của các thế hệ người Việt Nam đã thành hiện thực. 

“Gác lại quá khứ chứ không phải khép lại quá khứ”!

Nhưng chẳng bao lâu sau đó, năm 1978, Pol Pot đã tấn công sang những vùng lãnh thổ biên giới Tây Nam của Việt Nam. Chúng tàn sát dã man nhân dân ta và tiến hành diệt chủng chính nhân dân Campuchia. 
Trong hai cuộc kháng chiến của chúng ta, nhân dân Trung Quốc đã ủng hộ nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Nhìn sâu vào vấn đề, ta có thể thấy họ không muốn cho các thế lực đế quốc đánh thắng Việt Nam để áp sát biên giới phía Nam của Trung Quốc.
Tuy nhiên, từ đầu những năm thập kỷ bảy mươi của thế kỷ trước, quan hệ Trung Quốc và Việt Nam không còn được mặn mà như trước. Nguyên nhân thì có nhiều, cần phải có thời gian để phân tích sâu sắc, hiểu được chiều sâu của vấn đề đó.
Qua sự kiện chiếm Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào năm 1974 và nhất là, giúp cho bọn Pol Pot ở Campuchia đánh sang Việt Nam, thì một lẽ đương nhiên, chúng ta hiểu thêm về những người lãnh đạo Trung Quốc là như thế nào. 
Tháng 12 năm 1978, theo lời kêu gọi của Mặt trận đoàn kết cứu nước Campuchia, Việt Nam đã đưa quân tình nguyện sang sát cánh cùng nhân dân Campuchia đánh đổ bọn diệt chủng Pol Pot.
Để cứu vãn tình hình ở Campuchia, ngày 17 tháng 2 năm 1979, Trung Quốc đã đưa quân đánh chiếm các tỉnh biên giới phía Bắc của nước ta.
Đội quân Trung Quốc hùng hậu đã tấn công Việt Nam dọc theo toàn tuyến biên giới dài 1449,566 km. Lực lượng chính quy của ta ở tuyến biên giới rất mỏng, nhưng chúng ta đã phát huy cao độ tryền thống đoàn kết quân dân, khai thác tối đa lực lượng tại chỗ để đánh trả quân xâm lược.

Tình hình biên giới của Quảng Ninh với phía Trung Quốc ngày càng căng thẳng. Trong các cuộc họp của Tỉnh ủy, có nhiều thông báo chi tiết về những diễn biến ở từng chốt, từng dòng sông, ngọn suối.
Cũng như các địa phương khác, trong những thời khắc khó khăn này, để củng cố vùng biên giới Quảng Ninh, Tỉnh ủy đã phân công anh Trần Đường, đang là Bí thư Thị uỷ Thị xã Hồng Gai ra làm Bí thư Huyện ủy Móng Cái;
Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão, ảnh do tác giả cung cấp.
Anh Vũ Đà, đang là Bí thư Huyện ủy Yên Hưng ra làm Bí thư Huyện ủy Quảng Hà và tôi đang là Trưởng ty Thủy lợi Quảng Ninh được điều ra làm Bí thư Huyện ủy Tiên Yên. 
Việc điều động anh Trần Đường và anh Vũ Đà đã được quyết định từ giữa năm 1978, do vậy các anh có thời gian cùng các cán bộ Trung ương tăng cường lên kế hoạch củng cố cơ sở ở các vùng xung yếu. 
Việc tôi ra công tác ở huyện Tiên Yên lại hơi khác, sự việc diễn ra rất khẩn trương và đột xuất. Vào một buổi chiều đầu tháng 12 năm 1978, anh Lê Đại, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Ninh trực tiếp sang Ty Thủy lợi gặp tôi.
Anh Lê Đại nói: "Hôm nay tôi truyền đạt tới anh quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cử anh ra làm Bí thư Huyện ủy Tiên Yên thay anh Khổng Tỉnh, đang ốm nặng phải đi bệnh viện, không có điều kiện chỉ đạo công việc rất khẩn trương tại địa phương.
Từ giờ đến tối nay anh bàn giao công việc ngay cho anh Đặng Quang Nhi là Phó Trưởng ty Thủy lợi và sáng ngày mai anh ra Tiên Yên nhận nhiệm vụ mới.".
Tôi chấp hành nghiêm chỉnh quyết định trên. Thời gian đầu về làm Bí thư huyện uỷ Tiên Yên tôi đã quan tâm nắm tình hình của tất cả các xã ở trong huyện.
Một thực trạng khiến tôi phải suy nghĩ rất nhiều là đời sống của nhân dân còn quá nhiều khó khăn. Có những bản đồng bào dân tộc thiếu ăn, đứt bữa kéo dài.

Máu của dân tộc nào cũng đỏ và nước mắt nào cũng mặn như nhau

Để cải thiện tình hình ấy tôi và các đồng chí lãnh đạo huyện đã phát động phong trào đẩy mạnh sản xuất đảm bảo cho tất cả nhân dân trong huyện không bị đứt bữa.
Việc thứ hai đẩy mạnh việc xây dựng các công trình thuỷ lợi. Khó khăn ở đây là không có kinh phí và thiết bị máy móc.
Chúng tôi đã khai thác lợi thế của địa phương là trong thời gian này có đông đảo lực lượng quân đội đóng trên địa bàn huyện. Ngoài việc sẵn sàng chiến đấu, các đồng chí đã đóng góp rất nhiều công sức và thiết bị máy móc giúp cho địa phương hoàn thành sớm các hồ chứa nước.
Sau một năm phấn đầu đã có 11 hồ chứa nước được đưa vào khai thác.
Việc thứ ba là trên địa bàn của huyện tập trung nhiều lực lượng khác nhau để sẵn sàng phục vụ cho nhiệm vụ chiến đấu. Cũng từ đấy nảy sinh vấn đề đoàn kết quân dân trong đó đối tượng chính là các lực lượng thanh niên.
Các lực lượng thanh niên ở đây là: Thanh niên địa phương, thanh niên quân đội và thanh niên công an.
Để phát huy sức mạnh tổng hợp, chúng tôi đã bàn bạc và phối hợp với lãnh đạo các đơn vị quân đội và công an thống nhất phát động “Phong trào đoàn kết ba lực lượng”.
Với chủ trương đúng đắn phong trào đã sớm đi vào cuộc sống và đạt hiệu quả cao. Tiếng lành đồn xa, các địa phương ở trong tỉnh và một số địa phương ở các tỉnh bạn đã đến nghiên cứu và học tập kinh nghiệm.
Với sự cố gắng làm được một số việc như nêu trên, sức mạnh của huyện đã được củng cố một bước và góp phần bảo vệ biên cương của Tổ quốc.
Thời gian công tác của tôi ở huyện Tiên Yên không dài, nhưng đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm sâu sắc. Và từ đó Tiên Yên trở thành nơi thân thiết và đậm sâu trong tâm trí của tôi.

Miền Đông gió ngàn 
Miền Đông tỉnh Quảng Ninh bao gồm các huyện Móng Cái, Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên, Bình Liêu, Ba Chẽ.
Huyện Tiên Yên nằm ở vị trí trung tâm của miền Đông tỉnh Quảng Ninh và người ta thường gọi nơi ấy là Ngã ba miền Đông Bắc. 
Vùng đất Tiên Yên có lịch sử hình thành từ lâu đời. Những di chỉ khảo cổ học được tìm thấy gần cửa sông Hà Tràng cho thấy con người đã cư trú ở đây vào thời kỳ đồ đá mới.
Ngày 17/2/2016, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã thắp hương từng ngôi mộ tại Nghĩa trang liệt sĩ Trà Lĩnh (Cao Bằng), nơi yên nghỉ của hơn 300 liệt sĩ cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, chống Trung Quốc xâm lược biên giới phía Bắc năm 1979. Ảnh: VOV.
Thời Tiền Lê, vùng đất này thuộc châu Tân An. Đến đời Lê là châu Tĩnh Yên thuộc phủ Hải Đông, thừa tuyên An Bang, sau là châu Tân Yên.
Đời Hậu Lê vì kỵ huý của vua Lê Kính Tông là Duy Tân, nên đổi là Tiên Yên.
Thị trấn Tiên Yên ra đời từ thế kỷ 20, có vị trí địa lý quan trọng. Tháng 7 năm 1886 thực dân Pháp đánh chiếm và sau đó lấy Tiên Yên làm tỉnh lỵ của tỉnh Hải Ninh.
Tháng 11 năm 1946 Pháp quay lại chiếm Tiên Yên. Tháng 8 năm 1954, Thị trấn Tiên Yên được giải phóng. 
Tiên Yên nằm giữa trục đường quốc lộ, lại sát ven sông, trên bến dưới thuyền, mang một vẻ đẹp thơ mộng. Trên địa bàn huyện có nhiều tuyến quốc lộ đi qua.
Quốc lộ 18 nối liền với Hạ Long và Móng Cái. Quốc lộ 18C từ thị trấn Tiên Yên đi cửa khẩu Hoành Mô. Quốc lộ 4 chạy từ Mũi Chùa qua Tiên Yên, nối Tiên Yên với các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, là tuyến đường chạy song song với biên giới Việt - Trung.
Ngoài ra, giao thông thuỷ cũng khá thuận lợi với các bến cảng sâu và kín như cảng Mũi Chùa, Thác Cối, Bến Châu cùng với quân cảng Vạn Hoa ở phía ngoài cửa biển Tiên Yên. 
Địa hình Tiên Yên có nhiều đồi núi, thung lũng và sông suối. Kinh tế của huyện chủ yếu là nông - lâm - ngư nghiệp được phát triển theo hướng công nghiệp hóa. 
Rừng Tiên Yên cho nhiều gỗ quý để sản xuất đồ gỗ. Vùng trồng quế nổi tiếng Khe Táu đang được đầu tư thâm canh chiều sâu. Tiên Yên có đủ các loại hải sản như: cá chim, cá thu, sò huyết, ngán....

Trung Quốc âm mưu thôn tính Hoàng Sa từ Hội nghị Geneva 1954?

Ven biển có rừng cây nước mặn mọc dày đặc là vùng sinh sống của các loại tôm, cua, hầu...
Ở Tiên Yên có một địa danh là Khe Tù nằm bên bờ dòng sông Phố Cũ. Đây là địa điểm mà thực dân Pháp chọn để xây dựng nhà tù, đặt máy chém, hầm nhốt tù nhân... Khe Tù đã trở thành chứng tích chiến tranh, ghi dấu tội ác của thực dân Pháp.
Trải qua bao đời nay, các thế hệ đã nối tiếp nhau xây dựng và bảo vệ mảnh đất Tiên Yên.
Đặc biệt, từ khi có Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhân dân các dân tộc Tiên Yên đã đoàn kết đứng lên lật đổ phong kiến, đánh đuổi bọn thực dân cướp nước để lần đầu tiên giành lấy chính quyền và xây dựng chính quyền cách mạng ở miền Đông tỉnh Quảng Ninh.
Sau đó nhân dân các dân tộc Tiên Yên đã anh dũng chiến đấu đập tan các cuộc tấn công điên cuồng của bọn thổ phỉ người Hoa từ bên kia biên giới phía bắc tràn qua cướp bóc và âm mưu chiếm đóng lâu dài, bảo vệ thành quả cách mạng Tháng Tám ở địa phương, góp phần quan trọng vào cuộc chiến đấu giải phóng miền Đông Bắc của Tổ quốc. 
Vinh dự cho Đảng bộ và nhân dân huyện Tiên Yên, vào cuối năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp Đoàn đại biểu quân và dân của huyện tại thủ đô Hà Nội.
Người thăm hỏi ân cần và có những lời chỉ bảo quý báu.
Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, quân và dân huyện Tiên Yên đã vận dụng kịp thời và sáng tạo đường lối chiến lược, phương pháp cách mạng của Đảng ở từng thời kỳ, vận dụng đúng chính sách đoàn kết dân tộc của Đảng và biện pháp phân hóa kẻ thù, bảo toàn lực lượng trong những ngày đầu giành chính quyền.
Còn tiếp.
Vũ Mão

Không có nhận xét nào: