Ở những thời điểm quan trọng của trận đánh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn có những quyết định sáng suốt tiên liệu sự việc chính xác đến không ngờ. Đó cũng là một trong những yếu tố để tên tuổi ông đi vào huyền thoại.
Chưa từng học qua trường võ bị nào nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chiến thắng 10 đại tướng Mỹ, Pháp bằng những tư duy quân sự độc đáo của mình.Lãnh đạo một đội quân từ những khẩu súng kíp ban đầu với những người lính xuất thân nông dân ít được học hành, nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chiến thắng cả 2 cường quốc quân sự của thế giới.
Trong 30 năm cầm quân ấy, hẳn có vô số sự kiện chứng minh phẩm chất quân sự thiên tài của Đại tướng. Tuy nhiên, ở đây, chỉ xin điểm lại một vài quyết định của Đại tướng ở những thời điểm quan trọng trước mỗi chiến dịch, trận đánh mà có ảnh hưởng quyết định tới thắng lợi.
Đại đội độc lập tiểu đoàn tập trung
Mùa đông năm 1947, quân Pháp mở cuộc tấn công lớn lên Việt Bắc với mục tiêu lùng bắt cơ quan đầu não kháng chiến, tiêu diệt lực lượng chủ lực của Việt Minh để kết thúc chiến tranh. Địch chia quân 2 cánh hòng tạo ra 2 gọng kìm vây lấy quân ta.
So sánh mọi mặt, lúc này quân ta ở thế yếu hơn địch, từ quân số đến vũ khí trang bị. Cần phải có phương án tác chiến thích hợp để đập tan được cuộc tấn công của địch, mà vẫn bảo toàn được lực lượng của ta để kháng chiến lâu dài.
Trong đợt toàn quốc kháng chiến năm 1946, có lúc ta tổ chức đánh lớn, dàn quân ra đánh với địch như ở Hà Đông, nhưng không hiệu quả do trang bị của ta thô sơ, bất lợi khi giao chiến theo hình thức chiến tranh quy ước với địch.
Trong tình thế nguy hiểm đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được nghe báo cáo có 1 đại đội bị lạc đơn vị đã nương tựa vào dân ở Hà Bắc, vừa chiến đấu vừa phát triển lực lượng. Câu chuyện đã lóe lên trong đầu vị tướng tài một câu trả lời mà bấy lâu ông đang tìm kiếm. Ta sẽ phân tán lực lượng ra, kẻ địch sẽ không thể tìm thấy thứ chúng muốn tìm (chủ lực ta) và chúng sẽ bị nhấn chìm trong núi rừng Việt Bắc.
Và thế là ngay sau đó, Đại tướng liền trình kế hoạch lên Trung ương Đảng và Bác Hồ. Trong cuộc họp ngày 14/101947, Trung ương và Bác đã nhất trí thông qua kế hoạch, cho tổ chức quân đội ta thành những đại đội độc lập đi vào hoạt động trong vùng địch tạm chiếm để biến hậu phương địch thành tiền phương của ta.
Nhờ công thức “đại đội độc lập tiểu đoàn tập trung”, quân ta tiếp tục giữ vững thế chủ động chiến trường đẩy quân Pháp vào thế bị động đối phó. Sau thất bại ở Việt Bắc, quân Pháp ngày càng phải lo lắng nhiều đến việc giữ gìn vùng chiếm đóng vì các đại đội chủ lực của ta đã đi vào hoạt động thúc đẩy phong trào đấu tranh của du kích và nhân dân lên một bước mới, không cho chúng rảnh tay tập trung quân càn quét.
Đòn điểm huyệt “rúng động” biên giới
Chiến dịch Biên Giới 1950 mở ra với mục đích khai thông biên giới Việt – Trung để nối liền vùng giải phóng của ta với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa nhằm tranh thủ sự giúp đỡ của các nước Xã hội Chủ nghĩa cho cuộc kháng chiến của ta. Vì ý nghĩa đó, đây là một chiến dịch quan trọng phải đảm bảo chắc thắng.
Đây cũng là chiến dịch đầu tiên ta tập trung lực lượng bộ đội lớn gồm 5 trung đoàn chủ lực của Bộ, 3 tiểu đoàn của Liên khu Việt Bắc và các lực lượng vũ trang 2 tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn. Về phía địch, lực lượng cũng xấp xỉ quân ta và phần lớn là lính Âu Phi thiện chiến lại được trang bị tốt hơn ta rất nhiều.
Ban đầu cơ quan tham mưu xác định lấy thị xã Cao Bằng làm điểm đột phá để mở đầu chiến dịch. Tuy nhiên, khi thị sát chiến trường, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp lại nhận thấy tấn công vị trí này có nhiều bất lợi.
Trong hồi ký “Đường tới Điện Biên Phủ”, Đại tướng Tổng tư lệnh viết: “Lấy thị xã Cao Bằng làm điểm đột phá để mở đầu chiến dịch có phải là sự lựa chọn đúng không? Cao Bằng là một vị trí đột xuất nằm sâu trong hậu phương ta ở phía bắc. Ở đây, địch có 2 tiểu đoàn. Nếu đánh thắng, ta sẽ giải phóng được một thị xã quan trọng ở biên giới, ảnh hưởng chính trị sẽ rất lớn. Nhưng bộ đội ta chưa hề đánh một vị trí 2 tiểu đoàn Âu-Phi. Cao Bằng như tôi đã biết, nằm giữa hai con sông, và có ngôi thành cổ rất vững chắc. Đánh Cao Bằng sẽ thực sự là một trận công kiên lớn mà chúng ta còn chưa có kinh nghiệm”.
“Trong tư tưởng của tôi từ trước, điểm đột phá trên chiến trường này phải là Đông Khê. Ở đây địch đóng 1 tiểu đoàn, nằm trong khả năng tiêu diệt của bộ đội ta. Mất Đông Khê, Cao Bằng sẽ trở nên hoàn toàn cô lập. Địch nhất định phải chiếm lại Đông Khê. Bộ đội ta sẽ có điều kiện tiêu diệt bộ binh địch trên địa hình rừng núi. Tôi đã nói với Bộ Tổng tham mưu, tạm thời chưa đụng vào những vị trí địch trên đường số 4, chưa đánh động chúng”, hồi ký “Đường tới Điện Biên Phủ” của Đại tướng viết.
Những suy tính này cùng với quá trình thị sát Cao Bằng sau đó, Đại tướng đã quyết định thay đổi điểm đột phá. Thay vì đánh vào Cao Bằng, ta chọn đánh cứ điểm Đông Khê để cô lập Cao Bằng rồi bố trí phục binh đánh địch cứu viện bên ngoài công sự và khi chúng rút chạy.
Thực tế chiến sự sau đó đã diễn ra hoàn toàn theo suy tính của Đại tướng. Điều đó thể hiện một tư duy quân sự sắc sảo, linh hoạt và thiên bẩm của vị Đại tướng chưa một ngày học qua trường lớp võ bị nào.
Lối đánh điểm diệt viện này về sau trở thành một lối đánh quen thuộc và lợi hại của quân đội ta trong kháng chiến chống Mỹ, đến mức tướng Westmoreland phải để tâm nghiên cứu và đưa ra những “cẩm nang” cho thuộc cấp Mỹ và quân đội Sài Gòn để ứng phó. Tuy nhiên, tác dụng của những cẩm nang đó không được bao nhiêu vì chiến thuật ấy, quân ta đã vận dụng thành nghệ thuật. Bởi vậy, quân Mỹ vẫn thua những trận đau như ở Sa Thầy, Pleime…
Buôn Ma Thuột hay Đông Nam Bộ
Từ cuối năm 1973, khi những dấu hiệu vi phạm Hiệp định Paris của quân đội Sài Gòn đã rõ ràng, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương cũng bắt đầu nghiên cứu đề án quân sự. Trong đó, vấn đề gây nhiều tranh cãi nhất là chọn hướng tiến công chính ở đâu khi bắt đầu một kế hoạch quân sự mới.
Bộ Tổng tham mưu đưa ra mấy hướng để lựa chọn là Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Quảng Đà, Trị Thiên. Các cuộc thảo luận còn tiếp tục trong nhiều ngày tháng nhưng cá nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp ủng hộ hướng đánh vào Tây Nguyên vì khu vực này tiện cho ta tiếp tế hậu cần mà địch lại phòng thủ sơ hở. Thêm nữa, Tây Nguyên là nóc nhà Đông Dương – là vùng đất có vị trí chiến lược quan trọng trong quân sự. Chiếm được Tây Nguyên sẽ cắt đôi thế phòng thủ hiện tại của quân đội Sài Gòn ở miền Nam.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng nếu đánh Tây Nguyên sẽ động, địch sẽ ra sức đối phó ở Sài Gòn và đồng bằng Nam Bộ, sau này ta đánh sẽ khó khăn. Vì vậy nên chọn Nam Bộ là hướng chính, phía Tây Nguyên chỉ đánh Đức Lập để mở đường và đồng bằng Nam Bộ. Cuộc trao đổi vẫn chưa ngã ngũ.
Khoảng cuối năm 1974, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghỉ ở Đồ Sơn và trực tiếp làm kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam. Bản kế hoạch này đã sửa chữa đến lần thứ 6. Trong bản này, về hướng tiến công chủ yếu chỉ còn để lại 2 hướng là Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.
Tháng 12/1974, đoàn cán bộ B2 và khu 5 ra Hà Nội họp với Bộ Tổng tham mưu. Trong vấn đề chọn hướng chiến lược, các đồng chí B2 muốn chọn Đông Nam Bộ làm hướng tiến công chiến lược. Tuy nhiên, ngay trong hướng Đông Nam Bộ, giữa Bộ Tổng tham mưu và đoàn cán bộ B2 cũng có sự khác biệt về địa điểm đột phá. Bộ Tổng muốn đánh Bù Đăng, Bù Na để có thêm đạn pháo chiến lợi phẩm đánh Đồng Xoài trong khi các đồng chí B2 muốn trước hết đánh Đồng Xoài vì nó là quận lỵ quan trọng của Phước Long. Cuối cùng kế hoạch tiến công chọn cả Bù Đăng, Bù Na, Đồng Xoài và cả Phước Long.
Trong hội nghị Bộ Chính trị mở rộng họp ngày 18/12/1974, trước những thông tin mới nhất của tình hình bố phòng Tây Nguyên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lại nêu ý kiến: “Kế hoạch phải nêu rõ diệt địch ở Tây Nguyên, mở đầu bằng đánh Buôn Ma Thuột. Có thể sau khi ta tiêu diệt Buôn Ma Thuột, địch sẽ dao động, rối loạn, lúc đó ta phải chớp lấy thời cơ giải phóng Huế. Nếu lúc đó ta chậm chân, mỏi mệt, để mùa mưa đến thì lỡ mất thời cơ. Cho nên phải có kế hoạch bao vây chia cắt ngay từ bây giờ, không để cho địch co cụm chiến lược, rút về miền Đông Nam Bộ hay rút về phía đông dọc theo bờ biển Trung Bộ…. Chúng ta phải chủ động tạo ra thời cơ, chứ không thể bị động ngồi chờ. Khi thời cơ đến thì phải kiên quyết, kịp thời chớp lấy thời cơ”.
Càng ngày hướng Tây Nguyên và Buôn Ma Thuột càng được nhiều người ủng hộ qua các cuộc họp, thảo luận và cuối cùng đã được lựa chọn làm hướng mở màn chiến dịch Tây Nguyên và cũng là mở màn cho kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam. Như sau này nhiều người nói, đòn đánh vào Buôn Ma Thuột thực sự là một đòn điểm huyệt vào toàn bộ hệ thống phòng ngự của địch đưa chúng đến chỗ tan rã nhanh chóng.
Quyết định đánh tan 10 vạn quân trong 3 ngày
Chiến dịch Tây Nguyên thắng lợi, toàn bộ hệ thống phòng ngự của địch “rúng động” và tan rã cũng là lúc quân ta mở chiến dịch giải phóng Huế – Đà Nẵng. Mất Quảng Trị rồi Huế, lực lượng địch dồn về Đà Nẵng tới 100.000 tên với đủ các sắc lính và hô hào tử thủ.
Ngày 26/3 tại Tổng hành dinh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp họp với tướng Lê Trọng Tấn, Tư lệnh mặt trận Quảng Đà vừa được chỉ định và một số tướng lĩnh khác để bàn kế hoạch tiến công Đà Nẵng. Tướng Tấn đã chuẩn bị sẵn một phương án tác chiến trong 5 ngày gồm các việc họp đảng ủy, tập kết bộ đội và tổ chức hiệp đồng chiến đấu.
Tuy nhiên, Đại tướng Tổng tư lệnh lại nghĩ khác. Địch kêu gào tử thủ trong khi nhuệ khí đã không còn, hệ thống phòng thủ sau khi mất Tây Nguyên đã không còn căn cứ nào để tử thủ. Tình hình có thể diễn biến đột ngột, khả năng địch tháo chạy vẫn tồn tại. Nếu đánh chuẩn bị đánh trong 5 ngày địch rút được thì sẽ hỏng việc lớn. Do vậy Đại tướng ra lệnh cho Cục Quân báo về nghiên cứu thời gian nhanh nhất địch có thể rút khỏi Đà Nẵng và hẹn sáng hôm sau trả lời.
Sáng hôm sau, Cục Quân báo trả lời địch có thể rút nhanh nhất trong 3 ngày. Đại tướng liền nêu ý kiến cần chuẩn bị phương án đánh trong 3 ngày nhưng tướng Tấn vẫn giữ ý kiến và trình bày là “Đánh như vậy không thể chuẩn bị kịp”.
Tướng Giáp viết trong hồi ký Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng: “Không thể đồng ý với đề nghị của anh Tấn chuẩn bị chiến đấu 5 ngày cũng như cách tính toán của anh Thanh, tôi phân tích ngắn, gọn, nêu rõ trong tình huống địch “tử thủ”, ta có thể chuẩn bị 5 ngày, 7 ngày hoặc hơn nữa. Nhưng phải dự kiến tình hình đột biến, cần có kế hoạch đánh thật nhanh. Tôi chỉ thị làm kế hoạch đánh địch theo tình huống chúng rút trong 3 ngày”.
Anh Tấn vẫn giữ ý kiến, và trình bày: Đánh như vậy không thể chuẩn bị kịp. Tôi nói, giọng có phần gay gắt: “Tư lệnh mặt trận là anh nên tôi để anh ra lệnh. Nếu là người khác, thì tôi ra lệnh: Đánh Đà Nẵng theo phương án chuẩn bị 3 ngày. Nếu chuẩn bị 5 ngày, địch rút mất cả thì sao? Huế đã giải phóng rồi. Mặc dầu pháo binh và hải quân địch có thể bắn phá, cứ cho bộ đội hành quân theo đường số 1 tiến công thẳng vào Đà Nẵng. Từ phía nam cũng theo đường số 1 tiến công lên. Không họp đảng uỷ, chỉ trao đổi bằng điện”.
Sau đó tướng Tấn đã chấp hành nghiêm lệnh và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Chỉ trong 3 ngày đã đưa một quân đoàn đánh tan 100.000 quân địch, giải phóng Đà Nẵng.
Một vài mẩu chuyện không thể nói hết được những phẩm chất quân sự thiên tài của Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhưng nó cũng cho thấy, ở những thời điểm quan trọng của trận đánh, Đại tướng luôn có những quyết định sáng suốt tiên liệu sự việc chính xác đến không ngờ. Đó cũng là một trong những yếu tố để tên tuổi ông đi vào huyền thoại.
Theo KIẾN THỨC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét