Thái Nguyên hứng chất thải nguy hại của Formosa
Chia sẻ
- 09/05/2019 11:24
Sở TNMT tỉnh Thái Nguyên có công văn báo cáo Tổng cục Môi trường và trao đổi thông tin với Sở TNMT tỉnh Hà Tĩnh về các chất thải xỉ được vận chuyển ra Thái Nguyên có nồng độ pH vượt ngưỡng nguy hại. Thế nhưng ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục môi trường, Bộ TNMT lại ra công văn nói gang xỉ là sản phẩm hàng hóa.
Hứng trọn chất thải nguy hại vượt ngưỡng
Ngày 16.4.2019, Sở TNMT tỉnh Thái Nguyên có công văn số 957/STNMT-BVMT gửi Bộ TNMT, Tổng cục môi trường, Sở TNMT tỉnh Hà Tĩnh có nội dung:
“Sở TNMT tỉnh Thái Nguyên nhận được văn bản số 19/STNMT-CCMT ngày 3.1.2019 của Sở TNMT tỉnh Hà Tĩnh về việc trao đổi thông tin liên quan đến việc tái chế, tái sử dụng vật liệu gang xỉ có nguồn gốc từ Công ty TNHH gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh (viết tắt FHS), trong đó có thông báo FHS chuyển giao cho Công ty TNHH đầu tư và phát triển MHD Việt Nam (MHD) để tiếp tục chuyển giao cho 6 cơ sở trên địa bàn của tỉnh Thái Nguyên; Công ty Cổ phần Công nghiệp Bắc Thái, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Trường Huy, 2 hộ gia đình là Nguyên Văn Sơn và Nguyễn Văn Kiên, Công ty TNHH Minh Bạch và Công ty Cổ phần Cơ khí Gang Thép.
Văn bản Sở TNMT gửi đi nói pH từ Formosa vượt ngưỡng nguy hại
Văn bản Sở TNMT tỉnh Thái Nguyên gửi Sở TNMT Hà Tĩnh
Theo đề nghị của Sở TNMT tỉnh Hà Tĩnh, Sở TNMT Thái Nguyên đã tiến hành rà soát hồ sơ, kiểm tra thực tế đối với 6 cơ sở trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên nêu trên; lấy mẫu gang xỉ tại công ty Trường Huy, mẫu bùn thải tại công ty công nghiệp Bắc Thái để phân định chất thải nguy hại theo QCVN07:2009/BTNMT.
Theo công văn này, ông Nguyễn Thế Giang, Phó Giám đốc Sở TNMT tỉnh Thái Nguyên khẳng định: “Theo kết quả phân tích mẫu gang xỉ, mẫu bùn thải sau tuyển tại 2 cơ sở trên cho thấy, giá trị pH đều vượt ngưỡng nguy hại theo QCVN07:2009/BTNMT.
Trước đó, vào ngày 11.4.2019, Sở TNMT tỉnh Thái Nguyên có công văn số 921 do ông Nguyễn Thế Giang ký gửi Sở TNMT tỉnh Hà Tinh có công bố: Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 6 doanh nghiệp và hộ kinh doanh có hợp đồng mua gang xỉ có nguồn gốc từ Formosa qua Công ty TNHH Đầu tư Phát triển MHD Việt Nam (MHD) lên đến hàng chục nghìn tấn để tái chế, sử dụng.
Qua kiểm tra, có 2 doanh nghiệp là Công ty Cổ phần Công nghiệp Bắc Thái và Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Trường Huy có hợp đồng thu mua gang xỉ từ MHD để chế biến với tổng khối lượng hơn 20.000 tấn. Trong đó, Công ty Bắc Thái đã nhận chuyển giao gần 9.000 tấn; Công ty Trường Huy nhận chuyển giao hơn 11.400 tấn.
Có 2 hộ gia đình là Nguyên Văn Sơn và Nguyễn Văn Kiên có thu mua gang xỉ từ MHD nhưng thông qua một đơn vị trung gian khác. Đến nay cả hai hộ gia đình này đều chưa cung cấp được hợp đồng thu mua và khối lượng cụ thể đã mua của đơn vị trung gian. Ngoài ra, có 2 doanh nghiệp là Công ty TNHH Minh Bạch và Công ty Cổ phần Cơ khí Gang Thép có hợp đồng mua gang xỉ từ MHD nhưng chưa nhận chuyển giao.
Qua kiểm tra rà soát, có 3/6 cơ sở không có chức năng nghiền tuyển gang xỉ trong đề án bảo vệ môi trường là: Công ty Bắc Thái, Công ty Minh Bạch và Công ty Cơ khí Gang Thép. Sở TN&MT Thái Nguyên cũng đã lấy mẫu gang xỉ tại bãi nguyên liệu đầu vào của các cơ sở mang đi phân tích. Kết quả cho thấy giá trị pH đều vượt ngưỡng nguy hại theo QCVN 07:2009/BTNMT.
Hóa nguy hại thành bình thường
Theo kết quả kiểm nghiệm khoa học của Sở TNMT Thái Nguyên thì gang xỉ từ Formosa đang cung cấp cho các cơ sở tại Thái Nguyên là chất thải nguy hại. Tuy nhiên, trong văn bản số 3320, ngày 29.9.2018 của Tổng cục Môi trường, thuộc Bộ TNMT trả lời Công ty TNHH Đầu tư Phát triển MHD Việt Nam cho rằng gang xỉ là sản phẩm hàng hóa và được điều chỉnh theo pháp luật về sản phẩm hàng hóa.
Người ký công văn này là ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường. Từ nhận định gang xỉ là sản phẩm hàng hóa, ông Thức cho phép Công ty MHD được thực hiện hợp đồng thu gom, chuyển giao gang xỉ với khối lượng 70.000/năm từ Formosa Hà Tĩnh. Công văn này ông Thức không công bố các mẫu được thu nhận và xét nghiệm như thế nào.
Công văn của ông Hoàng Văn Thức không trưng mẫu vẫn nói bình thường
Từ đó, hợp đồng mua bán xỉ của công ty MHĐ với Formosa đã đánh tráo khái niệm khi dịch sang chữ Việt Nam thì gọi là gang xỉ, còn phần chữ Trung Quốc được gọi là "khử lưu huỳnh".
Một chuyên gia về chất thải nguy hại công nghiệp nặng đánh giá, thực tế loại xỉ mà ông Tổng cục trưởng Tổng cục môi trường cho bán từ Formosa là đang buôn bán xỉ khử lưu huỳnh (S). Hiện ở Việt Nam chưa xem thành phần lưu huỳnh trong chất thải là nguy hại, tuy nhiên khi đưa vào tái chế ở các lò hồ quang (công nghệ cũ) sẽ phát thải ra môi trường một lượng lớn khí SO2 rất độc hại.
Ông Hoàng Văn Thức - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, thừa nhận có văn bản đồng ý cho Công ty MHD thu gom, vận chuyển và chuyển giao gang xỉ từ Formosa.
Ông Thức đoán chắc, nồng độ pH trong gang xỉ Formosa đưa lên Thái Nguyên vượt ngưỡng nguy hại nhưng không phải CTNH vì không nằm trong danh mục CTNH của Bộ TNMT quy định. Ông Thức bao biện thêm; phương pháp kiểm nghiệm bằng ngâm chiết của Sở TNMT Thái Nguyên là sai, vì ngâm chiết không thể tìm ra thành phần nguy hại trong chất thải.
Phát biểu với báo chí, ông này nói trơn tru rằng: “Trong quá trình sản xuất gang thép có công đoạn khử lưu huỳnh, người ta dùng vôi để khử lưu huỳnh. Trong quá trình khử lưu huỳnh đấy thì nó còn dư hợp phần vôi ra. Và khi ta bỏ vào ngâm chiết thì có thể pH cao. Tuy nhiên Thái Nguyên làm không đúng, vì phương pháp là nó khác.
Phải nói, quy chuẩn 07 đã nói rất rõ về chất thải nguy hại, có mục một, mục hai: Tức là tính chống cháy, hay là tính kiềm, tính a xít… khi mà ở danh mục một nhìn vào, ta thấy ví dụ như dung dịch được thải ra từ ba zơ, hay dung dịch thải ra từ a xít, khi mình đo thì mang tính chất trực tiếp là pH cao thì có thể xác định là nguy hại. Loại trừ cái phần không có khả năng ăn mòn, hay tính cháy, tính kiềm thì người ta mới yêu cầu chuyển sang phân định, phân loại theo danh mục hai, tức là xem xét thành phần vô cơ.
Cái này nó không đúng, nó không nằm trong danh mục và trong quy chuẩn này có nêu thì CTNH phải nằm trong danh mục được Bộ TNMT ban hành trong Thông tư 36. Vừa rồi người ta làm ngâm chiết, mà ngâm chiết đấy không phải là phương pháp để làm phế thải, nên nó không đúng. Trên cơ sở đó mà mình nói chất thải đó là CTNH là không đúng”.
Quá mùa ra mưa
Một chuyên gia địa phương (đề nghị giấu tên) phản biện rằng, đấy là cách nói quá mù ra mưa, không đủ hiểu các quy định về môi trường của Nhà nước. Cách lấy mẫu của tỉnh Thái Nguyên phù hợp với các quy định của luật pháp bảo vệ môi trường, cách phân tích mẫu cũng khoa học nên chiểu theo Khoản 13, Điều 3, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014:
“CTNH là chất thải chứa yếu tố độc hại, phóng xạ, lây nhiễm, dễ cháy, dễ nổ, gây ăn mòn, gây ngộ độc hoặc có đặc tính nguy hại khác”. Theo Khoản 1, Điều 5 của Thông tư 36/2015 về Quản lý chất thải nguy hại, quy định Danh mục CTNH và mã CTNH, tại mục 5 của phụ lục 1 ghi rõ: Chất thải từ ngành luyện kim và đúc kim loại.
Hợp đồng ghi gang xỉ nhưng chữ Trung Quốc lại ghi là "khử lưu huỳnh"
Từ đó mới thấy, xỉ gang do Formosa bán lên Thái Nguyên có thành phần pH ăn mòn với nồng độ vượt quy chuẩn, nó xuất phát từ ngành luyện kim và đúc kim. Nó đảm bảo 2 điều kiện cần và đủ để xác định chất thải nguy hại.
Vị này phân tích thêm, trong QCVN 07 quy định rõ cách phân loại hay xác định đâu là chất thải nguy hại. Tại mục giải tích từ ngữ, QCVN 07 ghi: CTNH là những chất thải có tên (mỗi tên chất thải tương ứng với một mã CTNH) trong Danh mục CTNH do Bộ TNMT ban hành được chia thành hai loại sau: Là CTNH trong mọi trường hợp (có ký hiệu **), 2 sao; Có khả năng là CTNH (có ký hiệu *), 1 sao.
Về kỷ thuật ngưỡng CTNH được quy định trong QCVN 07, một chất thải có ký hiệu * trong Danh mục CTNH được phân định là CTNH nếu có ít nhất một trong các điều kiện sau đây: Có ít nhất một tính chất nguy hại vượt ngưỡng CTNH (nhiệt độ chớp cháy, độ kiềm hoặc độ axít). Như vậy, gang xỉ Formosa bán lên Thái Nguyên có ký hiệu *, khi đưa vào kiểm nghiệm thì có độ kiềm (pH) vượt ngưỡng CTNH thì được xem là CTNH.
Chuyên gia khẳng định, ông Thức cáo buộc Sở TNMT Thái Nguyên dùng phương pháp ngâm chiết không phù hợp với kiểm nghiệm chất thải là hoàn toàn quy chụp, vì QCVN 07, quy định rõ hai phương pháp phân định CTNH là phương pháp ngâm chiết và hàm lượng tuyệt đối. Sở Tài TNMT trường Thái Nguyên dùng phương pháp ngâm chiết và phát hiện pH vượt ngưỡng trong gang xỉ là hoàn đúng đắn, tử tế với người dân cũng như quy định của luật pháp hiện hành.
Phóng viên đã đến trụ sở Formosa Hà Tĩnh và một người tên Huyền ở phòng đối ngoại nói lãnh đạo Formosa đi vắng. Các câu hỏi đều không được trả lời và nhân viên phòng này cho rằng, mục đích của các phóng viên đến trụ sở Formosa là giao lưu tham quan. Từ đó mà các phóng viên ra về, trước khi về phòng đối ngoại nói cần đặt câu hỏi để Formosa Hà Tĩnh chuyển về Đài Loan xem xét. Các câu hỏi đặt ra đều không được phản hồi.
Bài và ảnh: Hoàng Long
1 nhận xét:
Bài báo đưa thông tin nên ngắn gọn để độc giả dễ nắm bắt vấn đề.Chỉ khi nào cần đào sâu vấn đề mới nêu dẫn các văn bản cần thiết (như bài phóng sự)>Biên tập nên nghiên cứu rút kinh nghiệm
Đăng nhận xét