BizLIVE - Đường sắt Indonesia - Bandung, Ethiopia - Djibouti và Cát Linh - Hà Đông đều là dự án của Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc. Tuy nhiên cả 3 dự án đều đang gặp khó khăn về vốn hay tiến độ thực hiện.
Sau gần 10 năm, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đang chững lại ở khâu nghiệm thu các hạng mục để thanh toán, bàn giao toàn bộ công trình. Theo thông tin từ Bộ Giao thông vận tải các công việc còn lại chủ yếu là hoàn thiện hiện trường, mỹ quan, chỉnh sửa 1 số thiết bị để chuẩn bị cho vận hành thử toàn hệ thống; chỉnh sửa, hoàn thiện Hồ sơ hoàn công để phục vụ công tác nghiệm thu, bàn giao Dự án.
Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội liên quan đến dự án này cho biết, Tổng thầu Dự án Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông là Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc cần phía Việt Nam thanh toán 50 triệu USD trước khi bàn giao, theo Bộ Giao thông vận tải lý giải đây chỉ là giá trị còn lại của hợp đồng EPC, không phải là chi phí phát sinh tăng thêm của hợp đồng.
Theo tìm hiểu, Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc (China Railway Sixth Group Co) là công ty con của Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc (China Railway Group Limited - CREC). Thông tin trên trang web chính thức của CREC, hiện Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc đang thực hiện nghiêm túc chiến lược "vươn ra nước ngoài" cùng với sáng kiến "Vành đai và Con đường".
Các dự án của CREC ở nước ngoài liên quan đến đường sắt, đường cao tốc, cầu, đường hầm, xây dựng nhà ở, đường sắt đô thị, kỹ thuật đô thị, phát triển tài nguyên khoáng sản, phát triển bất động sản và đầu tư công nghiệp đã có mặt tại 84 quốc gia và khu vực ở nhiều châu lục.
Trong đó nổi bật là các dự án đường sắt như: Đường sắt cao tốc Indonesia -Bandung, Dự án đường sắt Trung Quốc - Lào, Đường sắt Addis Ababa - Djibouti, Dự án đường sắt nhẹ tự động tại Kuala Lumpur (Malaysia),...
Tuy nhiên, trên thực tế nhiều dự án đường sắt của Tập đoàn này lại đang đội vốn, chậm tiến độ tương tự tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.
China Railway Sixth Group Co - Đơn vị tổng thầu EPC của Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông
Đường sắt cao tốc Indonesia - Bandung
Được khởi công xây dựng vào ngày 21/2/2016, tuyến đường sắt cao tốc dài 142 km từ Jakarta đến Bandung được kỳ vọng sẽ rút ngắn thời gian di chuyển giữa 2 thành phố này từ 4-5 tiếng xuống còn 45 phút.
Theo đó, để thực hiện dự án, Indonesia đã thành lập một liên danh với 40% cổ phẩn của Trung Quốc để phát triển đường sắt mà không có sự tham gia về tài chính từ phía chính phủ tại Jakarta.
75% trong tổng chi phí ước tính 5,5 tỷ USD là nguồn vốn vay của Ngân Hàng Phát triển Trung Quốc, trong đó Công ty TNHH Quốc tế Đường sắt Trung Quốc nắm giữ 40% cổ phần trong liên danh.
Các đơn vị trong nước tham gia liên danh gồm Công ty xây dựng Wijaya Karya, Công ty điều hành thu phí đường Jasa Marga và Công ty Đường sắt Quốc gia Indonesia PT KAI.
Ban đầu, dự án này dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2019 nhưng do nhiều lần chậm tiến độ nên đã bị đẩy lùi đến năm 2021 do nhiều vướng mắc bao gồm: Chi phí đầu tư bị đội lên, công tác thu hồi đất đai bị trì hoãn và bất ổn chính trị. Do đó, tổng số vốn đầu tư dự án cũng bị đội lên từ 5,5 tỷ USD lên 6,07 tỷ USD.
Hồi tháng 11/2019, Bộ trưởng các doanh nghiệp nhà nước Erick Thohir cho biết ông sẽ thành lập một đội đặc nhiệm kiểm soát dự án để không bỏ lỡ thời hạn hoàn tất năm 2020.
Nhưng đến tháng 4/2020, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Luhut Pandjaitan buộc phải tuyên bố xem xét lên lịch lại các thời hạn mục tiêu do sự ảnh hưởng của đại dịch. “Việc xây dựng dự án đường sắt cao tốc Jakarta-Bandung dự kiến sẽ bị trì hoãn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát”, một quan chức chính phủ cho hay.
Mới đây nhất, Indonesia đã quyết định kết nối 2 Dự án đường sắt cao tốc Jakarta - Bangdung và Jakarta - Surabaya. Được biết, đoạn tuyến Jakarta - Bandung hiện đang do liên doanh Indonesia - Trung Quốc thực hiện còn Dự án Jakarta - Surabaya do nhà thầu Nhật Bản phụ trách.
Đường sắt Addis Ababa - Djibouti, một trong những công trình tiêu biểu được giới thiệu trên trang web của Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc
Ethiopia và khoản nợ 2,9 tỷ USD
Một dự án đường sắt đô thị khác cũng do CREC thực hiện là tuyến đường sắt kết nối thủ đô Ethiopia (Addis Ababa) với Djibouti. Đây là tuyến đường sắt quan trọng kết nối Ethiopia - một quốc gia không có biển với cảng biển của nước láng giềng Djibouti.
Công trình này là một phần quan trọng của sáng kiến “Vành đai, con đường” ở châu Phi khi nó kết nối quốc gia không có biển, Ethiopia, với cảng biển đa chức năng Doraleh nằm ở phía tây thủ đô của Djibouti. Đây được coi là cửa ngõ của châu Phi với kênh đào Suez và Biển Đỏ.
Tuyến đường sắt dự kiến giúp cắt giảm thời gian di chuyển từ thủ đô Addis Ababa đến Djibouti xuống chỉ còn 12 giờ, so với 48 giờ theo quãng đường bộ thông thường. Đường sắt cũng chạy qua một số cụm khu công nghiệp ở Addis Ababa và Dire Dawa, qua đó được kỳ vọng thúc đẩy chiến lược công nghiệp hóa và tăng cường xuất khẩu.
Tuy nhiên, nó cũng để lại cho quốc gia này một khoản nợ không hề nhỏ lên tới 2,9 tỷ USD. Năm 2018, dự án được hoàn thành và bàn giao bởi hai nhà thầu Trung Quốc bao gồm Tập đoàn đường sắt Trung Quốc, Ethiopia trở thành con nợ lớn của Ngân hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc, cõng khoản vay tới 2,9 tỷ USD (khoảng 70% tổng chi phí xây dựng).
SCMP dẫn lời Đại sứ Ethiopia tại Trung Quốc Teshome Toga Chanaka cho biết, hiện Chính phủ Addis Ababa và Bắc Kinh vẫn đang đàm phán để tái cấu trúc các khoản nợ liên quan tới dự án đường sắt kết nối với Djibouti. Trong đó, quốc gia Châu Phi này khẩn thiết kêu gọi Trung Quốc giãn nợ hoặc xóa nợ khi cuộc khủng hoảng đại dịch COVID-19 đang làm nền kinh tế Ethiopia càng trở nên khó khăn và đứng trước nguy cơ vỡ nợ.
HẠ AN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét