Chủ Nhật, 26 tháng 11, 2017

BAUXITE TÂY NGUYÊN KẾT QUẢ HÔM NAY VÀ NHỮNG Ý KIẾN PHẢN BIỆN CỦA BLOGGER PHẠM VIẾT ĐÀO ĐƯA LÊN MẠNG NĂM 2009-2010

Thu bauxite kém xa dự tính: Minh chứng càng làm càng lỗ?

(Thị trường) - Số thu ngân sách kém xa so với dự tính ban đầu của các dự án alumin-nhôm đã được cảnh báo từ lâu.

Báo Đầu tư dẫn báo cáo của tỉnh Đắk Nông do Chủ tịch UBND Nguyễn Bốn ký mới đây cho biết, theo kết quả phân tích, tính toán về hiệu quả kinh tế của Dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ theo vốn đầu tư điều chỉnh và các quy định về cơ chế chính sách của Nhà nước tại thời điểm tháng 12/2016 được Sở Công thương cung cấp, kể từ năm 2016, năm kế hoạch Nhà máy đi vào hoạt động, tổng số thuế bình quân hàng năm đóng góp cho ngân sách là 437,761 tỷ đồng.
Tuy nhiên trên thực tế, thống kê từ Cục Thuế tỉnh Đắk Nông cho thấy, tổng dự toán thu ngân sách năm 2017 từ Nhà máy chỉ khoảng 107,390 tỷ đồng, thấp hơn so với báo cáo phân tích hiệu quả kinh tế ban đầu hơn 330 tỷ đồng.
Thu bauxite kem xa du tinh: Minh chung cang lam cang lo?
Nhà máy dản xuất alumin Nhân Cơ sau khi xây dựng đội vốn lên hơn 5 lần. Ảnh: NLĐ
Trong quý I/2017, Nhà máy Alumin Nhân Cơ đã sản xuất được trên 247.000 tấn hydroxyt nhôm và 126.000 tấn alumin. Đồng thời, Nhà máy đã xuất khẩu được 16.600 tấn hydroxyt nhôm sang các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản và khoảng 85.000 tấn alumin sang thị trường Hồng Kông, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Số nộp ngân sách nhà nước từ Nhà máy là 57,181 tỷ đồng, trong đó lớn nhất là tiền cấp quyền khai thác khoáng sản với 23 tỷ đồng; thuế xuất khẩu 13,8 tỷ đồng; phí bảo vệ môi trường 7 tỷ đồng; thuế tài nguyên 6,2 tỷ đồng…
Theo tính toán của tỉnh Đắk Nông, với khả năng đóng góp cho ngân sách như hiện tại và sản phẩm alumin sản xuất ra chỉ để xuất khẩu, thì cả năm 2017, tổng thu các khoản từ Nhà máy Alumin Nhân Cơ chỉ khoảng 150 tỷ đồng.
52% số thu này được đưa về ngân sách trung ương, tức là khoảng 78 tỷ đồng; còn ngân sách địa phương sẽ được hưởng khoảng 72 tỷ đồng.
Dĩ nhiên, số dự tính thu được của Alumin Nhân Cơ năm 2017 cũng kém xa so với con số 437,7 tỷ đồng được ước tính khi triển khai dự án.
Đối với Nhà máy Alumin Tân Rai, theo báo cáo của Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) hồi tháng 7/2017, trong 6 tháng đầu năm 2017, lợi nhuận trước thuế của Nhà máy ước đạt trên 60 tỷ đồng.
Vào thời điểm đó, lãnh đạo TKV cho hay, 2 dự án Nhân Cơ và Tân Rai đang thu được kết quả kinh doanh ngày càng tốt hơn. Về hiệu quả kinh tế của dự án, năm 2017 đã bắt đầu có lãi và cắt lỗ trước kế hoạch 1 năm.
Tuy nhiên, nhìn kết quả từ hai nhà máy, một số chuyên gia địa chất và khoáng sản cho rằng số thu được từ Tân Rai và Nhân Cơ là quá ít so với những gì phải trả và họ nhắc lại lời cảnh báo bauxite càng làm càng lỗ đã đưa ra cách đây rất nhiều năm.
PGS.TS Nguyễn Văn Phổ, nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ Địa chất và Khoáng sản một lần nữa nhấn mạnh, dự án Tân Rai và Nhân Cơ khó có thể đạt được hiệu quả kinh tế bởi hai yếu tố: hàm lượng bauxite thấp và công nghệ Trung Quốc.
Từ khi nhà máy chưa làm ông đã đưa ra dự báo này và thực tế đã chứng minh điều đó là đúng.
"Đối với bauxite, có những nơi người ta không coi đó là quặng nhưng Việt Nam lại đánh giá đó là quặng với trữ lượng lên đến hàng tỷ tấn rồi làm. Làm như thế không đem lại lợi ích ích tế gì, chỉ càng làm càng lỗ", PGS.TS Nguyễn Văn Phổ chỉ rõ.
Vị chuyên gia khẳng định, cái giá phải trả cho các dự án alumin-nhôm là quá lớn khi tiền thu được quá ít ỏi, đất rừng bị mất, môi trường bị ảnh hưởng", ông nói.
Đồng quan điểm, GS.TSKH Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường cũng nhận xét, kết quả của hai nhà máy Tân Rai và Nhân Cơ cho thấy cảnh báo của giới chuyên gia cách đây nhiều năm đã đúng.
GS Bá cho rằng, việc tuyên bố mức lãi của các dự án alumin-nhôm ngày càng tăng chỉ là chuyện ảo tưởng khi có quá nhiều vấn đề tồn tại xung quanh các dự án này.
"Thứ nhất, thế giới đã không làm nhôm từ bauxite nữa, ngay như Úc dù đã đầu tư hàng triệu USD cũng vẫn bỏ, chỉ có Việt Nam gánh công nghệ của Trung Quốc.
Thứ hai, làm nhôm từ bauxite quá ô nhiễm. Đập chứa bùn đỏ ở vùng cao 700-800m so với mặt nước biển, nếu xảy ra sự cố vỡ đập thì dưới hạ lưu như TP.HCM, Biên Hòa, Bình Dương... chịu rủi ro vô cùng lớn với lũ quét, hệ sinh thái bị tiêu diệt. 
Thứ ba, bauxite Việt Nam phân bố theo kiểu lỗ chỗ, không phải ở 1 vỉa sâu liên tục, khai thác dễ nhưng hiệu quả không tốt, hậu quả lớn là không thể hoàn thổ được, mặt bằng sau khi khai thác không còn khả năng sử dụng để canh tác", vị chuyên gia phân tích.
Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường dẫn con số so sánh: 7 tấn nhôm mới bằng được 1 tấn hạt tiêu, làm sao làm có lời được? Trong khi đó trồng hồ tiêu không độc hại, dân ai cũng quen trồng, trồng được ở khắp nơi.
Không dừng ở đó, việc vận chuyển bauxite cũng bế tắc bởi trước TKV tính làm cảng Kê Gà nhưng sau dừng lại dù đã bỏ bao nhiêu tiền; chạy xuống sông Vàm Cỏ để nhẹ tiền hơn nhưng cũng tan nát hết đường.
Bởi giá thành sản xuất cao hơn giá bán nên GS.TSKH Lê Huy Bá cảm thấy "bế tắc" đối với các dự án alumin-nhôm.
"Cảnh báo thì đã nói nhiều, giờ với những con số thực tế như vậy, hy vọng những người có trách nhiệm sẽ nhận ra dù hơi muộn", vị chuyên gia nói.
Thành Luân

(http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/thu-bauxite-kem-xa-du-tinh-minh-chung-cang-lam-cang-lo-3341649/)

Tác giả Phạm Viết Đào phản biện phát biểu của các ông Nguyễn Thành Liêm, Nguyễn Mạnh Quân, Bùi Cách Tuyến về vấn đề bauxite (*)

1. "BẮT BÀI" 2 ÔNG NGUYỄN THÀNH LIÊM (TKV) VÀ NGUYỄN MẠNH QUÂN (BCT)
clip_image001clip_image002clip_image003
Phạm Viết Đào
Nguyễn Mạnh Quân
Nguyễn Thành Liêm

Ông Nguyễn Thành Liêm nhầm hay VietnamNet viết sai: Nhầm alumina nguyên liệu sản xuất nhôm thành uranium-nguyên liệu làm bom nguyên tử trong bài đối thoại trên VietnamNet?
- Giá bán alumina trong năm 2010 là: 235 USD/tấn hay 315 USD/tấn? Hai số liệu đều do ông Nguyễn Thành Liêm cung cấp tại 2 diễn đàn cách nhau 1 ngày?


- Giá thành sản xuất của alumina do ông Nguyễn Thành Liêm tính toán theo kiểu cua trong lỗ là 265 USD/tấn; giá bán theo ông Liêm nói lúc thì 235 USD/tấn khi thì nói là 315 USD/tấn trong năm 2010; còn ông Nguyễn Mạnh Quân lại nói giá alumina trung bình cả năm 2010 là 210 USD/tấn?
Xin hỏi giá bán thấp hơn giá thành như vậy thì lấy đâu ra lãi mà nộp ngân sách đến 940 tỷ/năm như lời ông Quân?
Cho dù bán với giá 315 USD/tấn trừ tiền thuế 20 % nộp nhà nước thì TKV chỉ còn thu về có 252 USD/tấn; chưa đủ chi phí: 265 USD/tấn?
- Hiện nay giá thị trường của alumina năm 2010 theo ông Quân, ông Liêm khi thì 210 USD/tấn, khi thì 235 USD/tấn, khi thì 315 USD/tấn? Giá thành là 265 USD/tấn? Xin hỏi khi giá alumina trên thị trường thế giới sẽ tăng lên 400-500 USD theo như các ông phỏng đoán trong 10 năm tới; vậy liệu giá thành sản xuất trong nước có chịu dừng 265 USD/tấn hay sẽ lên tới 700-800 USD/tấn?
- Xin mở ngoặc thêm, trong Báo cáo 91/BC-CP của Chính phủ  về việc triển khai dự án bauxite gửi các đại biểu Quốc hội do Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Huy Hoàng thừa ủy quyền Thủ tướng ký ngày 25/5/2009, BC 91 hiện đang lưu tại địa chỉ: http://www.VietnamNet.vn/chinhtri/2009/05/849417, thì giá thành được tính cho cả đời dự án đối với 1 tấn alumina là 362 USD/tấn.
Xin hỏi Bộ Công thương và Thủ tướng làm cách nào mà giảm được giá thành từ 362 USD/tấn từ năm 2009 xuống 265 USD/tấn trong năm 2010; trong khi trên thị trường giá cả tất cả đều tăng? Nếu theo giải trình của ông Nguyễn Thành Liêm thì BC 91 ký ngày 25/5/2009 của Bộ trưởng Nguyễn Huy Hoàng là sai sự thật, không đáng tin cậy? Có điểm nào trong BC 91 cần cải chính nữa không và số liệu 265 USD/tấn đã là số liệu cuối cùng chưa về giá thành trên 1 tấn alumina sản phẩm?
Tất cả những đúc kết thành câu hỏi trên để truy bài đều được rút tỉa từ các trả lời sau đây của các ông Nguyễn Thanh Liêm và Nguyễn Mạnh Quân với VietnamNet và Vnexpress trong 2 ngày 27 và 28/10/2010.
Mời bà con chịu khó đọc những ý kiến đã được copy từ 2 cuộc đối thoại trên để kiểm chứng:
1/ Ông Nguyễn Thanh Liêm phát biểu trên VietnamNet ngày 27/10/2010: “Tôi có cung cấp một thông tin như thế này, thứ nhất là về giá thì như ngày hôm qua (tức thứ 3 ngày 26/10/2010) giá của nó (alumina)  là 235 USD, và như tỷ lệ của uranium (không biết do VietnamNet viết nhầm hay ông Nguyễn Thanh Liêm nói sai alumina- nguyên liệu sản xuất nhôm với uranium-nguyên liệu làm bom nguyên tử không?) thì từ 13 đến 16, 20% thì các bạn tính xem giá của nó là bao nhiêu %...
Chúng tôi có một cái nguồn đặc biệt về nghiên cứu thị trường và làm quy hoạch thì chúng tôi đã bỏ 150 triệu để mua đánh giá độc lập này…”.
2/ Những ý kiến trong cuộc đối thoại trên Vnexpress ngày 28/10:
- Ông Nguyễn Thanh Liêm: Dự án Tân Rai với giá bán alumina là 315 USD một tấn , giá thành 265 USD một tấn, thuế suất 20%, trong khi đó các nước khác trên thế giới áp dụng 0%. Phương án đường bộ đã được tập đoàn khảo sát đảm bảo vận tải, dự kiến từ 2011 đến 2015 sản phẩm của Tân Rai sẽ đi về cảng Gò Dầu với cung đường 210 km. Còn địa điểm Nhân Cơ về Gò Dầu sẽ trong khoảng 280 km, nếu đi từ Nhân Cơ qua Biên Hòa về Gò Dầu thì khoảng 260 km.
- Ông Nguyễn Mạnh Quân: Giá alumni bình quân năm nay là 210 USD một tấn. Theo dự báo của tổ chức Metal Bullatin Research mới đây dự đoán giá vào 2015 là 440 USD một tấn và năm 2020 là 650 USD. Đầu vào so với đầu ra thì rõ ràng đầu ra tăng nhiều hơn. Ngoài ra, chúng tôi chỉ hoàn toàn tính cho 30 năm, nhưng chắc chắn dự án sẽ kéo dài trên 50 năm.
- Ông Nguyễn Mạnh Quân: Lợi ích cụ thể của dự án Nhân Cơ như sau:
- Nộp NS: 940 tỷ đồng/năm (trong đó NSTW là 781 tỷ đồng/năm; địa phương là 159 tỷ đồng/năm)
Tính cho cả đời dự án (30 năm) đóng góp vào ngân sách Nhà nước:
+ Phí môi trường (30.000 đ/tấn): 3.210 tỷ đồng.
+ Chi phí phục hồi hoàn thổ: 345 tỷ đồng.
+ Thuế tài nguyên 7%: 187 tỷ đồng.
+ Thuế thu nhập doanh nghiệp: 4.081,8 tỷ đồng.
+ Thuế xuất khẩu (20%): 22.004 tỷ đồng.
- Tái tạo đất và tăng hiệu quả sử dụng đất: lợi nhuận bình quân khoảng 10,7 tỷ đồng/ha/năm (cà phê 40,0 triệu đồng/ha.năm, nếu tính 5 năm tương ứng thời gian hoàn nguyên đất thì doanh thu cà phê là 400,0 triệu đồng/ha).
- Giải quyết công ăn, việc làm: 1.350 lao động của dự án và trên 12.000 lao động cho các ngành dịch vụ khác.
1/ Về những giải pháp đảm bảo an toàn cho môi trường do ông Bùi Cách Tuyến nêu ra:
Thứ nhất, đã họp với chính quyền địa phương của Lâm Đồng và Đăk Nông và đã tư vấn cho hai sở TN&MT của hai địa phương này thành lập hai dự án với đầy đủ các chi tiết cho việc thành lập hai trung tâm quan trắc và các chỉ tiêu quan trắc đối với môi trường của hai tỉnh nói chung và đối với khu vực sản xuất bô-xít nói riêng. Và kinh phí là do Tập đoàn TKV cung ứng và Tập đoàn TKV cũng đã có những văn bản để gửi UBND các địa phương này về việc cung cấp kinh phí cho việc thực hiện hai hệ thống quan trắc này.
Thứ hai, Bộ TN&MT đã thành lập một tổ giám sát và cử một Phó Tổng cục trưởng làm tổ trưởng, trong đó có rất nhiều thành viên là những chuyên viên của Sở TN&MT địa phương và có người của bên TKV cùng tham dự.
Và tổ giám sát này cho tới bây giờ đã tổ chức giám sát ba lần và đã báo cáo kết quả giám sát nằm đầy đủ trong kết quả hồ sơ mà chúng tôi đã lưu trữ. Và trong ba lần giám sát như vậy đều có biên bản đối với nơi giám sát, và sau đó là có văn bản đối với chủ đầu tư, những khuyến nghị mà tổ giám sát đã quan sát thấy ở trong thời kỳ giám sát.
Như vậy là đối với việc phối hợp với chính quyền địa phương thì có hai nội dung như vậy mà Bộ TN&MT đã hoàn thành đối với trách nhiệm mà Thủ tướng Chính phủ giao…”.
Với 2 giải pháp này: Thành lập Trung tâm quan trắc và Tổ Giám sát, Bộ TN&MM mới hoàn thành trách nhiệm mà Thủ tướng giao, mà Thủ tướng là một chính khách, một nhà quản lý chứ không phải là một khoa học về môi trường; về cơ chế hiện nay, Chính phủ phải dựa vào Bộ TN&MT, ý kiến của Thủ tướng không thể chuyên môn sâu hơn ý kiến của Bộ được. Nhưng những giải pháp mà Bộ TN&MT do ông Thứ trưởng nêu ra nó hoàn toàn mang tính chất duy ý chí, áp đặt hành chính mà không dựa vào thực tế khách quan của đời sống xã hội công nghiệp. Xã hội công nghiệp Việt Nam  là một cái xã hội chịu sự điều hành, vận hành của một guồng máy zig-zag gấp vạn lần một cái đầu tàu hỏa hay ôtô…
Vấn đề mà dư luận lo lắng không phải là mệnh lệnh hành chính của Thủ tướng có được thực thi hay không; đành rằng Thủ tướng thì cũng vì nước vì dân. Vấn đề là ở cái môi trường có bị phá vỡ không khi xây dựng nhà máy khai thác bauxite ở Tây Nguyên?
Về khoa học kỹ thuật, con người đã chế tạo ra được các bộ phận phanh hãm để lúc cần có thể dừng cả một đoàn tàu, một cái ôtô đang chạy với tốc độ cao. Việc Bộ TN&MM thành lập các trung tâm quan trắc cùng với tổ giám sát với chức năng giống như các nhà kỹ thuật chế tạo ra các cái phanh, hãm. Có điều khi gặp sự cố thì lái xe, lái tàu chỉ cần một thao tác nhẹ nhàng là có thể buộc cả đoàn tàu, chiếc xe dừng.
Đối với một nhà máy sản xuất alumina thì cái tổ quan trắc này cho dù có phát hiện ra sự nguy hiểm, liệu có đủ sức phanh hãm cả cái nhà máy đang vận hành không hay lại phải tìm cách hợp thức, bịa ra các báo cáo láo?
Thực tế đã xảy ra điều này trên phạm vi toàn cầu nên mới dẫn đến hậu quả: môi trường đang bị xuống cấp nghiêm trọng do các bộ phận phanh hãm sự tán phá môi trường không có hiệu quả; điều này đã xảy ra ngay ở tại các quốc gia kinh tế đang tăng trưởng và luật pháp nghiêm như Mỹ, các nước Tây Âu và Trung Quốc.
Về giải pháp thứ 3:
“Việc thứ ba là một đề xuất. Thì đề xuất là gì? Đề xuất mà Chính phủ giao là tăng cường công tác quản lý nhà nước về môi trường đối với các dự án bô-xít.
Về việc này, trước khi diễn ra cuộc thẩm định, Bộ TN&MT đã cử tất cả là 3 đoàn đi tham quan. Đoàn thứ nhất đi Brazil, vùng South Louis, những vùng mỏ của Bắc Brazil trong vùng Amazon. Ở đó, bô-xít cũng tương tự như ở Việt Nam về tính chất. Bản thân tôi cũng có mặt trong đoàn đó, người thứ hai là Cục trưởng cục Địa chất - Khoáng sản, người thứ ba là Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ của Bộ, người thứ tư là một chuyên viên của cục Địa chất - Khoáng sản, người thứ năm là một người lo về thông tin truyền thông của Bộ. Cùng đi với đoàn là có người của Văn phòng Chính phủ, của Trung ương Đảng, của TKV và một số người khác. Chúng tôi đã khảo sát ở đó.
Đoàn thứ hai đi tây Úc do Cục trưởng Cục Địa chất - Khoáng sản tiến hành nhằm nghiên cứu về chế biến và khai thác bô xít tại đây và một số đoàn khác sang Trung Quốc để tìm hiểu thực tế ở đó.
Chúng tôi làm theo cách thức như là bác sĩ hội chẩn đó, tức là mình khảo sát nhiều nơi, thông tin tập trung có ý kiến, góp ý, đánh giá về lĩnh vực này. Trước khi diễn ra việc thẩm định DTN của Nhân Cơ cũng như bổ sung cho Tân Rai, chúng tôi đã có những chuyến đi khảo sát. Và như vậy, riêng vùng South Louis trong vùng Amazon, Bắc Brazil thì số lượng phim quay và ảnh chụp lên tới mấy chục gigabyte.”
Cái kết quả cụ thể đáng tin cậy mà ông Thứ trưởng nêu ra được trong đoạn này đó là số lượng phim quay và chụp lên tới mấy chục gigabyte, còn những kết quả khảo sát khác mang tính khoa học, kỹ thuật thì còn rất mơ hồ, chung chung, nếu không muốn nói là đáng ngờ?
Thứ nhất không thể lấy tính chất của đoàn đã được cơ cấu theo chính sách “mặt trận”, vừa có: Bộ, Ban, ngành, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Trung ương Đảng để đứng ra làm vật thế chấp, bảo lãnh cho một dự án khai thác bauxite đầy rủi ro và hiểm họa.
Ông Thứ trưởng Bộ TN&MT đã dùng những câu chữ lập lờ như: “Ở đó, bô-xít cũng tương tự như ở Việt Nam về tính chất…” là như thế nào? Lời bảo đảm này hoàn toàn vô nghĩa về mặt khoa học- kỹ thuật và vô căn cứ: cùng tính chất là tính chất gì? Điều này khác gì đám lái trâu ở chợ Si ở quê tôi: Bác mua trâu của em đi, cày hay lắm, không tin bác cứ mua về thử...
Trong khi đó mỏ bauxite ở Tây Nguyên nằm trong khu vực có bình độ cao và dốc, đầu nguồn nước của cả một vựa lúa của cả nước và những khu vực dân cư đông đúc?
Địa tầng và chất đất ở Brazil và những nơi mà đoàn tham quan có giống như Tây Nguyên không? Đào sâu 1-2 m là thấy quặng, tầng quặng lại sâu 4-5 m vậy thị lấy đất đâu mà hoàn thổ; không hoàn thổ được thì TKV đã tự đào những cái hố tử thần ở trên ngôi nhà mình. Ý kiến này của ông Nguyễn Thanh Sơn là có lý. Hay lấy bauxite đi rồi đem tiền đi mua cát đất ở sa mạc Gobi Trung Quốc về để lấp vào?
Hiện nay Australia người ta khai thác bauxite trên sa mạc, họ có khai thác tại những nơi cao như Tây Nguyên không? Đề nghị ông Thứ trưởng cho biết? Còn Trung Quốc thì đang chạy làng nhiều dự án kiểu này. Kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng nhưng sự tàn phá môi trường thiên nhiên thì Trung Quốc đứng vào hàng đầu thế giới cùng với Mỹ? Vậy thì học, rút kinh nghiệm gì ở Trung Quốc?
Còn ông Thứ trưởng lại giơ lập trường bằng cấp của các vị ngồi trong hội đồng thẩm định ra để “cá độ” thì quả là chuyện tày đình: “Bộ TN&MT cũng ý thức được việc đó nên chúng tôi cũng cố gắng hết sức để tìm hiểu, học hỏi để tìm ra những gì hữu ích cho việc này. Đó là những đề xuất. Sau khi nghiên cứu xong, khi về chúng tôi thành lập ra một tổ kỹ thuật để tìm hiểu và đọc trước các đánh giá về tác động môi trường của TKV. Và tổ kỹ thuật này cũng như là hội đồng thẩm định về sau, trên 80% là những nhà khoa học, những nhà quản lý chừng mười mấy %. Chúng tôi có mang theo danh sách các hội đồng kèm theo đây.
Trên 80% là các nhà khoa học đầu ngành có liên quan về vấn đề khai khoáng về hóa học, về môi trường, về địa chất. Danh sách đều có ở đây và ngay cả trong tổ kỹ thuật về môi trường cũng thế và hội đồng thẩm định cũng vậy…”.
Còn ý kiến sau đây của ông Thứ trưởng Bộ TN&MT thì không biết có giống như một thứ chạy làng trách nhiệm không: “Chính phủ giao là chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý chế biến, khai thác khoáng sản bô xít thì cái này chưa thể làm được bởi vì trên thực tế là chưa có ở đâu có khai thác và chế biến nên nhiệm vụ chủ trì này là chúng tôi đưa nó vào thì "tương lai" - như là anh Liêm mới nói là cho tới bây giờ chưa có khai thác và chế biến ở đâu cả và tới năm 2011 mới bắt đầu, nên chúng tôi phải chờ đợi…”.
Dự báo, phân tích, bàn bạc thấu đáo đề phòng rủi ro và để ngăn không cho nó xảy ra mới là việc làm của khoa học và quản lý nhà nước; còn không dám chắc việc ngăn ngừa có hiệu quả hay cứ chờ để cho nó xảy ra giống như con sông Thị Vải, như vỡ đập như ở Hungari rồi thì cả cái mớ trung tâm quan trắc, giám sát, hội đồng khoa học, cái “mặt trận” hò nhau moi tiền nhà nước để đi nước ngoài có được cái tích sự gì?!
Câu trả lời sau đây: “Tóm lại, là về một cơ quan chính phủ cấp dưới, chúng tôi phải có trách nhiệm thực hiện các chỉ đạo của Bộ Chính trị, của Chính phủ và giao nhiệm vụ gì thì chúng tôi đã cố gắng hoàn tất những nhiệm vụ có thể làm được…”.
Ông Thứ trưởng Bộ TN&MT lại dùng cái tư chất công chức, đảng viên đế bảo đảm, bảo lãnh cho một nhiệm vụ khoa học? Nếu ông là nhà quản lý khoa học thì ông phải căn cứ vào các dữ liệu khoa học mà mình đưa ra có hội tụ đủ điều kiện để ông khẳng định hay phủ định một nhiệm vụ, một kết quả nghiên cứu khoa học. Không thể vì Bộ Chính trị và Chính phủ đã quyết rồi thì ông phải “ cố gắng” hoàn tất lấy được?!
Ông Thứ trưởng cung cấp thông tin: “Như dự án bô-xít ở Brazil thì hồ bùn đỏ của họ được thiết kế và chính khoảng 10 người của nhóm khảo sát đã chứng kiến những cây đã mọc được hơn 20 tuổi trên hồ bùn đỏ thứ nhất.
Còn hồ thứ 2 là trên đó đã thiết lập một công viên và cây cũng được mười mấy tuổi rồi. Nếu VietnamNet cần tôi sẽ cung cấp toàn bộ hình ảnh và video về việc đó để bất kỳ độc giả nào cần xem thì xem.
Còn hồ bùn đỏ thứ 3 đang sử dụng, chúng tôi chưa được biết đặc tính hồ ở Bungary, nhưng ở Brazil thì họ đào sâu xuống đất từ 15-20 m và bùn đỏ bên trong chịu lực do chính bản thân nền đất và khi họ đổ đến ngang mặt đất rồi thì họ đổ thêm theo hình kim tự tháp, tức là họ bắt đầu dùng các bao chứa vật liệu để nâng cao 2 đến 3 tấc, lớp đất khô đi thì họ bắt đầu co hẹp lại, đổ thêm một lớp nữa.
Sau cùng là họ đổ thêm một lớp đất nước chừng 6-7 m và trồng cây.
Một việc nữa tôi cũng muốn đề cập ở đây là vấn đề hoàn thổ.
Phái đoàn chúng tôi đã đứng sát ngay tại chỗ khu vực mà họ đang khai thác. Bên Brazil thì những điều mà chúng tôi khảo sát thấy là lớp bô-xít không cạn như ở Việt Nam, ở chúng ta chỉ cần 2-3 m là có thể bóc được lớp bô-xít bên dưới rồi. Nhưng Brazil thì phải bào lớp đất phía trên sâu hơn, nó mới lấy lớp bô-xít.
Cách họ làm là họ bào lớp đất ấy sang một bên, họ khai thác hết lớp bô-xít đi, sau đó họ đẩy lớp đất mặt ấy về, sau đó họ mới khai thác đất bên cạnh. Sau đó họ trồng cây lên.
Trước đây tôi là Hiệu trưởng của một trường đại học nông nghiệp, tôi đã đến nhiều Đại học Nông nghiệp rồi nhưng tôi chưa thấy ở đâu có một vườn ươm cây lớn như thế trong Đại học Nông nghiệp Việt Nam.Tại đó người ta làm một vườn cây cực lớn. Họ đã làm một nhà lưu trữ các loại thực vật…”.
Thứ nhất, ông Thứ trưởng với tư cách là một nhà quản lý một dự án khoa học kỹ thuật nhưng ông lại kém đầu óc so sánh. Brazil người ta tạo ra được vườn cây trên hồ chứa bùn đỏ là do người ta có một lớp đất bên trên 6-7 m như ông nói rồi mới tưới nước và trồng cây lên. Còn ở Việt Nam thì bóc lớp đất chỉ dày 2-3 m là đến quặng, vậy có đủ đất lấp lại không. Thứ 2, lượng mưa ở Brazil có giống với ở Tây Nguyên không? Muốn trồng cây phải có đất và nước. Trong khi đó bà con Tây Nguyên hiện nay muốn trồng café, mỗi hecta phải đào 1 cái giếng để tưới trong mùa khô thì cây mới mọc được. Ông không có một tư chất quản lý khoa học và cả thực tiễn nhưng ông lại làm nhiệm vụ tư vấn, quyết đáp cho vấn đề như bauxite thì phải coi ông là một kẻ “điếc không sợ súng”.
Còn ông Nguyễn Thanh Liêm thì cũng liều hơn cả ông Thứ trưởng Bộ TN&MT khi ông quả quyết: “Thứ 3 nữa là về việc đối phó với động đất, theo như các báo cáo của Viện Vật lý địa cầu cung cấp thì phông động đất ở vùng này chỉ ở cấp 5 thôi, chúng tôi thiết kế chống được động đất cấp 7 và hiện nay yêu cầu tư vấn kiếm tra lại xem việc chống động đất này thế nào.
Hơn nữa, hồ bùn đỏ lại được đặt trong thung lũng và mặt thải bùn đỏ thấp hơn so với địa hình xung quanh từ 2-3 m nên việc tràn là khó xảy ra
”.
clip_image004
Khu vực xây dựng hồ chứa bùn đỏ ở Tân Rai-Lâm Đồng. Ảnh Phạm Viết Đào
Đúng là hồ chứa bùn đỏ ở Tân Rai Lâm Đồng mà chủ blog này đã chụp ảnh thì quả trũng thấp hơn những ngọn đồi xung quanh 2-3 m, song nó lại cao hơn con sông cách gần đó 4-5 m và cao hơn đồng bằng Nam bộ, mặt biển hàng trăm mét!
Còn ông nói xây dựng hồ chứa bùn đỏ chống được động đất cấp 7 thì chịu ông! Tôi đã chứng kiến người Nhật xây một trường đại học ở Lai Châu để chống động đất, thép người Nhật bắt cạo sạch rỉ, đêm chưa đổ trần phải che sương, sáng mai phải lau sạch; còn cát thì lấy khăn trắng để nắm cát, nếu khăn bẩn, dính đất người ta không cho vào công trình. Thép đưa vào công trình đều thiết kế cao hơn các công trình của Việt Nam và nếu thanh nào thiếu người ta loại ra ngay. Hồ bùn đỏ làm sao làm được như thế mà chống được động đất cấp 7 độ richter?
Được biết, hồ chứa bùn đỏ đào sâu và rải lớp vải chống thấm, một cái hồ rộng cả chục ha thì dứt khoát vải phải chắp vá; khi có động đất, do chịu tải nặng đất tất yếu sẽ xé ra, chưa cần cấp 7 mà cấp 3, cấp 4 nhiều nhà đã bị rạn…Thế thì làm sao đáy hồ không bị xô, xé nếu xảy ra động đất? Còn làm sao mà đổ bê tông cốt thép cho đáy hồ này được?
Ông Nguyễn Thanh Liêm không chỉ liều lĩnh về kỹ thuật mà còn tiền hậu bất nhất, nói lấy được khi đưa ra các luận chứng chứng minh tính hiệu quả về kinh tế của dự án. Người viết bài này sẽ chờ ý kiến của ông giải trình tại diễn đàn Vnexpress để cùng ông đối chất về các vấn đề liên quan tới chuyên môn hẹp của ông…

P.V.Đ.
Nguồn:
http://phamvietdaonv.blogspot.com/2010/10/xin-co-loi-thua-voi-2-ong-nguyen-thanh.html
http://phamvietdaonv.blogspot.com/2010/10/oi-chat-voi-thu-truong-bo-tnmt-bui-cach.html
(*) Đề bài do BVN đặt
https://boxitvn.blogspot.com/2010/11/tac-gia-pham-viet-ao-phan-bien-phat.html

LẬT LẠI THƯ NGỎ CỦA PHẠM VIẾT ĐÀO GỬI BT VŨ HUY HOÀNG NĂM 2009; SAUTHƯ NÀY, LS-TS CÙ HUY HÀ VŨ KHỞI KIỆN THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG…

Đôi lời phi lộ:

Các cơ quan chức năng đang vào cuộc để tìm cơ sở pháp lý cũng như những hành vi liên đới để xử lý kỷ luật ông Vũ Huy Hoàng-Cựu BT Bộ Công thương.
Nhân sự kiện này, blogger Phạm Viết Đào xin đưa lại bức thư ngỏ của mình, bức thư đã đưa lên blog cá nhân ngày 26/5/2009, gửi BT Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng…
Nội dung bức thư có nhiều nội dung trong đó có nội dung chứng minh: Báo cáo số 91/BC-CP ( BC-91) của Chính phủ gửi Quốc hội về việc triển khai các dự án bô-xít gửi tới các ĐBQH do Bộ Công thương khởi thảo là một báo cáo trái Luật Bảo vệ Môi trường số 52/2005.
Căn cứ theo Điều 18 ( Đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường), Điều 22 (Phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường) của bộ luật này, Dự án khai thác khoáng sán lớn như bauxite Tây Nguyên muốn được triển khai phải tuân thủ mục 4, Điều 22:
4. Các dự án quy định tại Điều 18 của Luật này chỉ được phê duyệt, cấp phép đầu tư, xây dựng, khai thác sau khi báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt…”
Bộ Công thương đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ gửi Báo cáo 91 đề nghị và thực tế đã triển khai dự án này là vi phạm Mục 4 Điều 22 của Luật Báo vệ Môi trường năm 2005…vì chưa qua thủ tục pháp lý này !
Sau bức thư ngỏ của P.V.Đ đưa lên mạng, TS Cù Huy Hà Vũ đã viết đơn gửi tới Tòa án kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về hành vi vi phạm Luật bảo vệ Môi trường 2005 về hành vi triển khai dự án khái thác bauxite Tây Nguyên…
Hiện blog của Phạm Viết Đào đưa bức thư này đã bị đánh sập nhưng may mắn còn được trang Website của nhà văn Trần Nhương giữ hộ…
Vô cũng cảm ơn nhà văn Trần Nhương và xin đưa lại bức thư ngỏ này để góp thêm  cơ sở luận tội vụ “ĐẠI TRỌNG ÁN VŨ HUY HOÀNG”…
((http://trannhuong.net/tin-tuc-1430/thu-ngo-gui-ong-vu-huy-hoang-bo-truong-bo-cong-thuong.vhtm)


THƯ NGỎ GỬI ÔNG VŨ HUY HOÀNG, BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG
Phạm Viết Đào
Thứ ba ngày 26 tháng 5 năm 2009 5:11 PM

Phạm Viết Đào.
Thưa ông Bộ trưởng

Trước tiên, cho phép tôi được chúc mừng ông đã được thừa uỷ quyền của Thủ tướng, đã kí Báo cáo số 91/BC-CP ( BC-91) của Chính phủ gửi Quốc hội về việc triển khai các dự án bô-xít gửi tới các ĐBQH; văn bản này hiện đã được công bố toàn văn trên Vietnamnet.
Tôi và cử tri cả nước đã chăm chú đọc bản báo cáo này với tinh thần trách nhiệm, thiện chí muốn tìm được tiếng nói chung ngõ hầu giải toả, làm tan đi những lo lắng băn khoăn mà bấy lâu nay các phương tiện thông tin đại chúng, bằng những thông tin nhiều chiều làm cho không ít người lo toan đến sinh mệnh của dân tộc, sự an toàn của môi trường và túi tiền của dân cảm thấy bất an về cái dự án do Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam là chủ đầu tư.
Để không mất thì giờ của ông Bộ trưởng và những ai quan tâm đến dự án này tôi xin đi thẳng vào BC 91, đi thẳng vào những điểm mà theo chúng tôi chính văn bản mà ông đã ký mâu thuẫn bên trong văn bản, mâu thuẫn với quy trình làm việc của bộ máy Chính phủ mà ông là thành viên; mâu thuẫn, trái với các quy định hành chính, luật pháp đã ban hành và đang có hiệu lực...
1/ Trích dẫn mâu thuẫn 1 từ BC 91:
Việc lập, thẩm định và trình duyệt Dự án quy hoạch đã đảm bảo quy trình chặt chẽ, công khai và phù hợp quy định hiện hành. Tuy chưa có một Báo cáo Đánh giá môi trường chiến lược (ĐCM) riêng (do tại thời điểm xây dựng quy hoạch năm 2005-2006 chưa có hướng dẫn cụ thể về nội dung và kinh phí lập ĐCM), nhưng trong dự án Quy hoạch đã đề cập nội dung cơ bản của ĐCM và việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch là đảm bảo đúng Luật...
Một dự án lớn như Dự án khai thác khai thác bauxite Tây Nguyên đã được phê duyệt quy hoạch khai thác, đã ký vốn đầu tư hàng tỷ USD, đã mời nhà thầu nước ngoài vào thi công khi chưa có đánh giá môi trường chiến lược ĐCM do thiếu kinh phí, ( mua được con trâu thiếu tiền tậu dây thừng) mà ông đảm bảo việc duyệt này là đúng luật và chặt chẽ thì xin chịu ông. Ông chỉ có thể lập luận điều này đối với cán bộ trong Bộ Công thương còn trước Quốc hội bởi lập luận này của báo cáo chứng tỏ việc phê duyệt dự án này là sai quy trình ?
Một dự án khai thác khoáng sản muốn được quy hoạch chặt chẽ trước tiên phải được khảo sát, đánh giá các  tiêu chí: hiệu quả kinh tế, đánh giá hiệu quả an sinh xã hội, môi trường; an ninh quốc phòng; có ảnh hướng đến các công trình văn hoá cấp quốc gia nào không ? Đối với các dự án khai thác khoáng sản thì tất cả các tiêu chí này đều phải minh bạch rõ ràng, có số liệu, luận chứng không được phép bỏ qua bất kỳ công đoạn nào nhất là việc đánh giá về ảnh hưởng của dự án đối với môi trường ? Nhiều quốc gia thậm chỉ người ta còn mời chuyên gia nước ngoài để cho thật khách quan, khoa học !
Phê duyệt một dự án khai thác khoáng sản chỉ đúng quy trình khi các tiêu chí trên đều đạt điểm tối ưu, lợi nhiều hơn hại thì mới triển khai trình phê duyệt dự án khai thác. Phê duyệt dự án rồi mới tiến hành thiết kế, lập dự toán, tổ chức đấu thầu chọn nhà thầu thi công. Làm như vừa qua liệu Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ Công thương xưa nay vẫn lập và phê duyệt quy hoạch theo một quy trình ngược như vậy hay sao ?
BC 91 ghi: “Trong quá trình lập, thẩm định và trình duyệt Quy hoạch, Bộ Công nghiệp trước đây và sau này là Bộ Công Thương đã chỉ đạo tổ chức nhiều cuộc hội thảo với sự tham gia của các bộ, ngành và địa phương liên quan và một số nhà sản xuất alumin và nhôm lớn trên thế giới. Quy hoạch đã được gửi lấy ý kiến góp ý chính thức của các bộ, ngành và địa phương liên quan, đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thẩm định, góp ý và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”...
Các Bộ ngành là Bộ nào, Bộ Công thương có gửi cho Bộ Văn hoá-Thể thao và Du lịch hay Bộ Lao động xã hội thì họ xem và góp ý sao được? Còn Bộ Kế hoạch Đầu tư thì đương nhiên việc gì phải kể và thông tin này hoàn toàn không có ý nghĩa ?
Hiện nay chưa có ĐCM để đánh giá môi trường, TKV đã ký hợp đồng cho các doanh nghiệp nước ngoài vào xâu dựng nhà máy. Vậy nếu báo cáo môi trường khẳng định rằng việc khai thác này hại nhiều hơn lợi thì các vị có dừng dừng  dự án như trường hợp ông Võ Nguyên Giáp cho kéo pháo ra trong chiến dịch Điện Biên Phủ và bồi thường cho các nhà thầu Trung Quốc? Làm sao mà ông Phạm Khôi Nguyên, Bộ trưởng dám ký một báo cáo để rồi ông Nguyễn Tấn Dũng phải huỷ chữ ký của mình ? !
Trong cơ sự hiện nay, việc đánh giá khách quan hậu quả về môi trường chỉ có thể có nếu đó là các nhà tư vấn độc lập nước ngoài không do Chính phủ mời! Ngay cả Quốc hội có vị còn phát biểu bây giờ không bàn làm hay không làm mà chỉ bàn làm thế nào cho tốt, trong khi đó thì ông Chủ tịch lại đang lơ mơ: Dự án đã đâu và đâu đâu mà trình Quốc hội ? Vậy muốn làm tốt thì phải trên căn cứ khoa học nào và điều kiện gì chứ cứ duy ý chí: muốn là được, hơn nữa đây lại là công trình đào bới trên mái nhà mình?!
a/ Về môi trường
Chúng tôi đã nghe ông Phạm Khôi Nguyên, ông Lê Quang Bình căn cứ vào tham mưu của các chuyên gia khẳng định là giữ được an toàn; tôi không tin các ông có chuyên môn sâu về lĩnh vực này, các ông chỉ nói dựa theo ý người khác ?
Về nguyên tắc, về lý thuyết, về công nghệ chúng ta tin có thể tìm được các giải pháp kỹ thuật để hạn chế tối đa tác hại của việc khai thác bauxite ảnh hưởng tới môi trường sinh thái kể cả địa bàn đặc thù như Tây Nguyên. Điều này không cần các chuyên gia ai cũng đều tin là có khả năng đó về mặt lý thuyết, về mặt công nghệ.
Cũng như về nguyên tắc, Tập đoàn Than và Khoáng sản nếu được Trung Quốc cho vay nhiều tiền  cũng có thể đầu tư chế tạo tàu con thoi để đưa người lên mặt trăng; thậm chỉ cả các ông Phạm Khôi Nguyên, Vũ Huy Hoàng, Lê Dương Quang, Đoàn Văn Kiển không ai dám gạt các vị ra khỏi danh sách các nhà du hành thám hiểu mặt trăng trong một tương lai gần. Người Mỹ đã lên, người Nga đã lên, người Trung Quốc sắp lên, Việt Nam đánh thắng Mỹ lý gì không lên được ? Vấn đề là lên như thế nào và lên để được cái gì hay chỉ mang đi mang về mấy cái sô bèo hoa dâu như dạo nọ ?
Các vị đảm bảo bùn đỏ không đáng ngại, có thể kiểm soát, có thể sử dụng làm gạch chịu lửa, làm xi măng thậm chí các vị có tưởng tượng ra rằng: bùn đỏ Tây Nguyên có trữ lượng vàng kim cương cao chỉ cần thêm ít hoá chất và nhập ít công nghệ để luyện ra được vàng và kim cương thì về nguyên tắc, về mặt công nghệ, kỹ thuật không ai lại đi bác các vị. Đối với những ai hiểu khoa học kỹ thuật chỉ có thể đặt ra câu hỏi: thời gian hoàn thành và giá thành chứ không ai dám bảo không làm được ?!
Hiện nay thế giới xây cầu, làm đường, đắp đập thuỷ điện, xây nhà chung cư mấy nơi sập, nứt, thấm dột đâu; thế mà ở ta cầu Cần Thơ sập, Cầu Văn Thánh tiền sửa gần bằng xây mới, công trình thế kỷ như đập thuỷ điện Sông Đà, Cầu Thủ Thiêm đều xảy ra sự cố; còn chuyện các chung cư mới xây khi mưa xuống trong nhà như ngoài trời là chuyện thường ngày tại các khu phố. Thành ra khi nghe các vị nói về các quả bom hoá chất chuẩn bị được để trên mái nhà, nghe các vị nói không sao đâu, an toàn tuyệt đối mà tôi lại gai người mà nghĩ đến các sự cố đã xảy ra cách đây không lâu ? Cầu vẫn xây được, nhà vẫn có ở, đập thuỷ điện Sơn La rồi đây sẽ phát điện, cầu Văn Thánh, Thủ Thiêm đã và sẽ thông xe, vấn đề do nguồn vốn nhà nước nên chẳng ai kê tính xem giá phải trả như vậy có tương xứng không hay với tiền đó có thể làm gấp đôi số lượng dự án?
Chúng tôi khẳng định rằng khi các ông trong đoàn Quốc hội nghe các nhà khai thác bauxite Sec và Autralia nói bùn đỏ không đáng sợ đâu, người ta nói trong điều kiện, kỹ thuật, con người, địa bàn của người ta. Chiếc xe đạp Thống Nhất xưa chắc là phải khác với cái xe Favorit về độ bền và độ an toàn; còn chưa kể địa bàn chứa các quả bom hoá chất-bùn đỏ nằm trên độ cao từ 500 m trở lên khác với các hồ chứa nằm ở bình địa hay giữa sa mạc, trên bình nguyên...
Về phương diện kỹ thuật, công nghệ trên lý thuyết giải quyết nó là có thể; Điều mà chúng tôi lưu ý ông Bộ trưởng là ông và chúng tôi đang sống tại cái xứ sở nơi mà nền tảng luật pháp có thể tạo điều kiện cho cả đàn voi có thể chui lọt lỗ kim ? Do vậy nếu không được đặt lên bàn mọi thứ thì Chính phủ do sự tham mưu của Bộ Công thương sẽ tiến hành những quyết sách sai, mang tội với hậu thế ?
b/ Nói đến khai thác bauxite Tây Nguyên trước hết phải nói đến nguồn nước và ảnh hưởng của nước thải ra môi trường
Trong báo cáo của ông Lê Dương Quang tại trang 7 viết: Dự án Tân Rai và Nhân Cơ đều dùng 100 % nước mặt không khai thác nước ngầm, đối với một nhà máy có công suất 0,6 triệu tấn phải cần lượng nước là 28 triệu m3/năm; trong khi đó hồ chứa Cai Bảng theo tính toán chỉ chứa được 17,2 triệu m3 được non nửa.
Đối với dự án Nhân Cơ thì việc tôn 2 đập tạo được hồ có sức chứa 21,8 triệu m3
Như vậy cả 2 hệ thống hồ này chì chứa lượng nước đáp ứng được già nửa lượng nước của 2 dự án này; ở đây các vị giải thích sẽ chờ lượng nước tuần hoàn.
Xin thưa Tây Nguyên có 2 mùa: mùa mưa và mùa nắng; mùa mưa hồ chỉ chứa được như vậy không thể hơn, trong khi đó thì Tây Nguyên có những năm mà đến nước trồng cafe còn không đủ, hồ sông khô cạn trơ đáy vậy thì 2 nhà máy này lấy nước dự trữ ở đâu dùng hay chỉ hoạt động có nửa năm?
Nếu sông Mê Kông chảy qua Tây Nguyên thì chúng tôi không đưa vấn đề cấp nước cho dự án, nhưng địa bàn đặc thù nơi sông suối có độ dốc cao như Tây Nguyên nên chúng tôi buộc lòng phải lưu ý ông Bộ trưởng điều này.
Ngay cả sông Mê Kông hiện Trung Quôc đã cho xây chặn từ nguồn một cái đập cao 292 m, không biết ông Bộ trưởng đã đọc thông tin này chưa? Do vậy trong tương lai, nguồn nước sông này cũng không dồi dào như chúng ta vẫn tưởng đâu, kể cả sông Mê Kông?
2/ Lập luận chung chung, mơ hồ, lắt léo:
Trên cơ sở trữ lượng, chất lượng tài nguyên bô-xít của nước ta cũng như nhu cầu và thị trường nhôm, alumin trên thế giới, có thể khẳng định Việt Nam có đủ điều kiện phát triển ngành công nghiệp khai thác và chế biến bô-xít và nếu được phát triển một cách bền vững, sẽ đáp ứng được nhu cầu trong nước và xuất khẩu trong một thời gian dài. Việc triển khai các dự án thăm dò, khai thác bô-xít, chế biến alumin tại Tây Nguyên là cần thiết và có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở Tây Nguyên trước mắt và lâu dài là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta từ Đại hội IX cho đến Đại hội X...
Nếu đoạn này được đưa vào một báo cáo chính trị tại hội nghị Ban chấp hành trung ương theo chúng tôi cũng có thể khả dĩ chấp nhận. Theo quy định của Hiến pháp thì Đảng lãnh đạo Nhà nước bằng chủ trương, đường lối trong khuôn khổ luật pháp hiện hành, Đảng không làm thay, không cầm tay chỉ việc Nhà nước, Chính phủ, Tập đoàn kinh tế A, B, C phải đi đào than ở tỉnh này, phải đi khai thác bô-xit ở địa điểm kia. Mặc dù vậy nếu là báo cáo cho Đảng cũng phải đảm bảo trong đó có các dữ liệu cần thiết và khoa học, để Đảng không chỉ nhầm đường hay chỉ cho các Tổng Công ty đi vào những con đường nguy hiểm, phải trả giá đắt, phí tiền dân...
BC 91 là báo cáo ông Bộ trưởng thừa uỷ quyền Thủ tướng giải trình trước Quốc hội về các ý kiến của các chuyên gia tham gia phản biện về dự án khai thác bauxite Tây Nguyên, những ý kiến phản biện này đều có lập luận, có số liệu cụ thể. Trong BC 91 ông Bộ trưởng cho biết:
Các nước có tài nguyên bô-xít đều phát triển trở thành một ngành công nghiệp lớn của đất nước. Thế giới đã có 100 năm phát triển ngành công nghiệp nhôm mà theo các nghiên cứu cho đến nay thì chưa có vật liệu nào thay thế được. Trong những năm gần đây, do nhu cầu nhôm tăng mạnh dẫn đến tăng nhu cầu alumin trên thế giới.
Viết một cách chung chung và đại ngôn như trên thì nhằm giải quyết được điều gì, nếu không muốn nói là tung hoả mù? Xin hỏi ông Bộ trưởng: Ông có chắc rằng chưa có vật liệu nào thay thế được nhôm không ? Tôi có một nguồn tư liệu khác và trong nhiều ý kiến phản biện người ta đều khẳng định điều ngược lại với kết luận của ông Bộ trưởng, ông nghĩ sao? Hay ông dùng quyền Bộ trưởng của mình để sử dùng tiền, bộ máy nhà nươc để thực hiện ý chí của ông?
Theo số liệu trong BC 91 thì cả đời dự án các ông tính giá thành 362 USD/tấn; hiện nay giá đương là 1426 USD/ tấn; theo tôi các ông tính như vậy vẫn là tính theo kiểu cua trong lỗ, vịt giời dưới hồ; Chúng tôi có số liệu khác, theo tính toán 10 năm nữa giá nhôm thị trường bão hoà chỉ xuống 250 USD/ tấn thì ông nghĩ sao ? Bởi do tính năng hoá lý của kim loại này không nhiều ưu điểm và quý hiếm hơn các loại khác nên nó sẽ bị giảm giá trị dần ? Thị trường đâu có chiều theo ý chí của ông và của tôi, chưa kể rủi ro...
Xin hỏi ông Bộ trưởng: Nếu nhu cầu tăng tại sao giá nhôm lại giảm 30 % trong vài năm nay, theo số liệu của BC 91, sự giảm sút này có trước khi xảy ra khủng hoảng kinh tế, trong khi đó thì các loại vật liệu khác như thép, xi măng và nhiều kim loạ khác giá lại không giảm ? Để tỏ ra mình thông thạo thị trường ông viết tiếp đoạn sau đây:Quy hoạch được lập trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và khu vực đang trong giai đoạn tăng trưởng, nhu cầu và giá cả sản phẩm nhôm và alumin cao và tăng liên tục, các đối tác hợp tác đầu tư đều thể hiện mong muốn bao tiêu sản phẩm alumin. Mặc dù Quy hoạch đã phân tích, dự báo diễn biến của thị trường song trước tình hình cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu hiện nay thì sơ bộ thấy rằng về số lượng và sản lượng các dự án alumin đưa ra có phần thiên cao, cần phải được rà soát, đánh giá lại...
ơ kìa, sao lại nói nước đôi như vậy, một báo cáo của Chính phủ cơ mà ? Sao ông Bộ trưởng lại phát biểu khôn vậy? Phải khẳng ông nói nước đôi, lấp lửng để ông đẩy sang cho Quốc hội quyết, sau này có chuyện gì ông thanh minh đã tham mưu cho Quốc hội rồi. Phải tinh ý mới hiểu hết được những ẩn ý hàm súc sau những câu chữ mềm mại kia. Ông Bộ trưởng đã tìm ngõ ngách chuồn rồi ? Tại sao các ông không công khai minh bạch và dám chịu trách nhiệm như ông Võ Văn Kiệt khi làm đường giây 500 KW; nếu thất bại, ông Võ Văn Kiệt sẵn sàng từ chức ! Còn nếu căn cứ vào đoạn văn trên nếu thất bại ông vẫn còn có chỗ để thanh minh: Do Quốc hội quyết chứ chúng tôi đã đề ra hai phương án, hai khả năng kia mà ? Ông thừa uỷ quyền Thủ tướng viết thế mà nghe được à ? Các ông là những chính khách chịu trách nhiệm trước dân chứ đâu có phải là tầng lớp thị dân ở ngoài chợ ?
Thưa ông Bộ trưởng
Thư viết cho ông đã dài, do thúc ép về thời gian, công việc riêng tư quá bân, tôi mới chỉ đọc BC 91 do ông ký có một lần nên thấy cần thiết phải lên tiếng ngay, chắc chắn còn phải suy nghĩ, cân nhắc tiếp; xin hứa với ông tôi sẽ đọc thêm vài lần nữa, có thời gian nghiền ngẫm để còn có thêm những ý kiến xác đáng hơn giúp cho việc quyết định chủ trương quan trọng này thật chính xác, được xã hội đồng thuận cao.
Thân ái kính chúc ông sức khoẻ !

P.V.Đ

(http://trannhuong.net/tin-tuc-1430/thu-ngo-gui-ong-vu-huy-hoang-bo-truong-bo-cong-thuong.vhtm)

Không có nhận xét nào: