Thanh Hương |
Đối lập với tình cảnh nghèo khó của dân chúng Zimbabwe, gia đình cựu Tổng thống Zimbabwe vẫn luôn sống trong nhung lụa, không thua kém bất kỳ gia đình đế vương nào trên thế giới.
Sở hữu khối tài sản gần 2 tỷ USD...
Những ngày qua, việc ông Zimbabwe Robert Mugabe từ chức sau 7 năm làm Thủ tướng (1980-1987) và 30 năm làm Tổng thống (1987-2017) đang thu hút sự chú ý của công chúng.
Đặc biệt là khối tài sản khổng lồ của vị Tổng thống độc tài cùng lối sống hưởng thụ và thói tiêu xài "trên trời" của vợ con ông cũng nhận được sự quan tâm và bình luận sôi nổi của dư luận trên thế giới.
Khắp nơi trên các con phố của thủ đô Harare, người ta có thể chứng kiến sự vui mừng hân hoan của người dân.
Đây một phản ứng không có gì đáng ngạc nhiên trước sự đối lập của cuộc sống giàu sang của gia đình ngài cựu Tổng thống Mugabe và cuộc sống lầm than của người dân đất nước thuộc hàng nghèo nhất thế giới này.
Theo một thông tin từ năm 2001 của Wikileaks, tài sản của ông Mugabe vào khoảng 1,75 tỷ USD, hầu hết đều được đầu tư ở ngoài Zimbabwe. Khối tài sản khổng lồ này của cựu Tổng thống Mugabe có được một phần là từ việc chiếm đoạt trữ lượng kim cương của quốc gia.
Ngoài ra, nhà độc tài 93 tuổi này đã nhiều lần bị cáo buộc tội biển thủ ngân sách quốc gia cũng như chiếm dụng nhiều đất đai trong những năm 90 và đầu năm 2000.
... cùng lối sống xa xỉ mà nhiều gia đình hoàng gia khác phải "chạy dài"
Trong bữa tiệc sinh nhật mừng ông Mugabe 90 tuổi, người ta đã thấy có cả thịt voi cũng như sư tử.
Ông Mugabe sở hữu một chiếc Rolls-Royce Phantom IV: Một nhãn hiệu xe sang và chỉ có 18 chiếc được sản xuất trên thế giới.
"Một người làm quan, cả họ được nhờ", xem ra câu nói này rất đúng với gia đình Mugabe.
Phu nhân của cựu Tổng thống, bà Grace Marufu cùng ba người con của họ là Bona Mugabe, 29 tuổi, Robert Con, 25 tuổi và Chatunga Mugabe, 21 tuổi đều là các nhân vật nổi tiếng ăn chơi trong giới nhà giàu.
Cựu Đệ nhất phu nhân Grace đã nổi tiếng với hàng loạt siêu xe cũng như thói quen mua sắm đồ xa xỉ, và còn có biệt danh là "Grace Gucci".
Bà Grace từng bị báo chí và dư luận chỉ trích nặng nề với thói quen mua sắm cuồng loạn, bao gồm một chuyến mua sắm ở Paris năm 2003 tiêu tốn tới 131.000 USD (gần 3 tỷ đồng).
Năm 2015, bà Grace đã đặt mua một chiếc nhẫn kim cương "ít nhất là 100 carat", nhưng sau đó mặt hàng được chuyển đến lại là một chiếc nhẫn "kém chất lượng hơn", chỉ trị giá có 30.000 USD (680 triệu).
Được biết, bà Grace là người vợ thứ hai, kết hôn với ông Mugabe năm 1996 sau khi người vợ đầu của ông Mugabe là bà Sally Hayfron qua đời năm 1992.
Ông Mugabe có một con trai cả với người vợ đầu nhưng người con này cũng đã mất từ năm lên bốn tuổi.
Sự xa hoa mà vợ con ông Mugabe không ngại phô trương cho thiên hạ chiêm ngưỡng bị báo chí gắn mác bằng cụm từ "không biết xấu hổ".
Bona Mugabe học tại Đại học Hong Kong và sống trong một khu bất động sản của gia đình trị giá 6,6 triệu USD.
Tuy nhiên, hai người em của Bona là Robert Con và Chatunga Mugabe mới là các nhân vật khiến báo chí tốn nhiều giấy mực nhất trong việc mô tả cuộc sống "ăn chơi" của họ.
Một đôi giày của Robert Con được cho là có giá 17.000 USD (gần 400 triệu). Cậu ấm này cũng sở hữu nhiều xe hơi hạng sang, trong đó đặc biệt có chiếc được làm theo kiểu xe Batmobile (trong phim Người Dơi) với phiên bản riêng không ai có.
Tỏ ra không hề kém cạnh anh trai, Chatunga Mugabe cũng tự sắm sửa cho mình vô số xe sang, đồng hồ cũng như quần áo hàng hiệu.
Khu dinh thự ở thủ đô Harare của nhà Mugabe có hơn 25 phòng ngủ có giá hơn 9 triệu USD, với cả hồ bơi, hồ nhân tạo, phòng ăn lớn chứa được hơn 30 người, cùng hệ thống radar trị giá triệu đô.
Đó là còn chưa kể rất nhiều bất động sản khác của họ ở Zimbabwe cũng như ở Thụy Sĩ, Scotland, Anh, đảo Channel, đảo Bahamas, Malaysia và Hong Kong.
Đất nước thuộc hàng nghèo nhất thế giới
Từng được coi là người có công giải phóng Rhodesia khỏi tay thực dân Anh và thành lập nước cộng hòa Zimbabwe vào năm 1980, thế nhưng ông Mugabe lại chỉ khiến cho quốc gia này rơi vào cảnh lầm than hơn bao giờ hết.
Mặc dù được thiên nhiên ưu đãi nhiều loại khoáng sản quý hiếm như bạch kim, vàng, kim cương và nickel, nhưng thật đáng buồn khi Zimbabwe lại là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới.
Từng được ví là "giỏ bánh mỳ của châu Phi", nhưng nền nông nghiệp của nước này cũng tuột dốc không phanh sau các cuộc cải cách ruộng đất.
Năm 2009, chính phủ Zimbabwe đã bỏ đồng đô la Zimbabwe để thay bằng đồng đô la Mỹ và đồng Rand Nam Phi, khiến tỷ lệ lạm phát tăng tới 500 tỷ phần trăm, nhân dân điêu đứng với tỷ lệ thất nghiệp cao đến mức kỷ lục, gần 90%.
Tổng hợp
theo Trí Thức Trẻ
Cựu tổng thống Zimbabwe và vợ được miễn truy tố
Cựu Tổng thống Robert Mugabe đàm phán với quân đội về sự ra đi của mình kể từ khi bị quản thúc, và các tướng lãnh đã đồng ý cho ông và vợ được miễn truy tố, ở lại đất nước và giữ lại một số tài sản sau khi từ chức.
Ông Overson Mugwisi, phát ngôn viên lực lượng phòng vệ Zimbabwe, nói với CNN rằng, thoả thuận đạt được với ông Mugabe bao gồm quyền miễn trừ và việc bảo đảm an toàn cho ông và vợ Grace.
Reuters dẫn một nguồn tin chính phủ giấu tên cho biết, cựu tổng thống 93 tuổi nói ông muốn yên nghỉ ở Zimbabwe và không có kế hoạch sống lưu vong ở nước ngoài. “Ông ấy rất xúc động. Điều rất quan trọng với ông ấy là được bảo đảm an toàn khi ở lại đất nước, dù điều đó sẽ không thể ngăn ông ấy ra nước ngoài khi cần“, nguồn tin này tiết lộ.
Với quyết định chủ động từ chức, ông Mugabe sẽ được nhận một khoản lương hưu cố định, nhà riêng, bảo hiểm y tế, quyền đi lại bằng đường hàng không và lực lượng bảo vệ giới hạn.
Ông Mugabe là Tổng thống Zimbabwe kể từ khi nước này giành độc lập năm 1980. Thời gian cầm quyền của ông Mugabe kết thúc vào hôm 21/11, sau một tuần cố bám trụ quyền lực từ lúc quân đội chiếm quyền kiểm soát và ông bị đảng cầm quyền ZANU-PF phế truất chức chủ tịch đảng. Cựu Phó Tổng thống Emmerson Mnangagwa sẽ là người kế nhiệm ông Mugabe và dự kiến tuyên thệ nhậm chức vào ngày 24/11.
Ông Mnangagwa thề đưa đất nước trở thành một nền dân chủ “mới và rộng mở”. Mnangagwa không đề cập tương lai của ông Mugabe cũng như việc cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào năm tới. Tuy nhiên, bài phát biểu của ông cũng ngầm ám chỉ rằng ông đang khởi động một chiến dịch tranh cử.
Ngày 14/11, quân đội Zimbabwe thực hiện các hoạt động quân sự nhằm truy lùng “những phần tử tội phạm” xung quanh ông Mugabe, giành quyền kiểm soát các cơ quan nhà nước và các phương tiện truyền thông, đồng thời quản thúc Tổng thống và vợ tại nhà. Dù tuyên bố đây không phải là cuộc đảo chính nhưng quân đội Zimbabwe và một số thành viên đảng cầm quyền gây sức ép đòi Mugabe từ chức.
Quân đội chiếm quyền sau khi ông Mugabe sa thải Phó Tổng thống Emmerson Mnangagwa, người được đảng cầm quyền ưa chuộng để kế nhiệm ông. Việc ông Mugabe sa thải cấp dưới được cho là nhằm mở đường cho bà Grace Mugabe, 52 tuổi, kế nhiệm chức tổng thống của chồng. Bà bị những người chỉ trích đặt biệt danh là “Gucci Grace” vì nổi tiếng thích mua sắm hàng hiệu.
Dù vẫn được nhiều người châu Phi coi là anh hùng giải phóng nhưng ông Mugabe bị phương Tây nhìn nhận là nhà chuyên chế, người sẵn sàng sử dụng bạo lực để duy trì quyền lực và đã tàn phá một trong những quốc gia triển vọng nhất châu Phi.
Kinh tế Zimbabwe đã rơi vào lụn bại trong hơn 10 năm nay khi lạm phát siêu phi mã khiến đồng tiền nước này có tỷ lệ hối đoái ở mức siêu tưởng: 35 triệu tỉ dollar Zimbabwe tương đương 1 USD vào năm 2015.
Năm 2008, lạm phát ở nước này lên tới 500 tỉ % và về cơ bản đã quét sạch tiền tiết kiệm của người dân gửi bằng đồng nội tệ ở ngân hàng.
Tú Văn (t/h)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét