Thứ Năm, 30 tháng 11, 2017

HIỀN LÀNH NHƯ ÔNG DƯƠNG ĐỨC QUẢNG MÀ CŨNG PHẢI "NỔI ĐÓA" LÊN VỚI VTV VÀ "MẸ" ĐOÀN HƯƠNG

Dương Đc Qung
Kết quả hình ảnh cho Dương Đức Quảng

“THIÊN HẠ NHÂN THIÊN HẠ TÀI

Tôi là người không ủng hộ, thậm chí dị ứng về công trình khoa học cải cách chữ viết của ông PGS.TS Bùi Hiền mà hơn một tuần nay dư luận trên mạng ồn ã đến hôm nay chưa dứt. Tôi không phải là người ném đá vào ông Bùi Hiền và cũng không định viết một chữ nào xung quanh câu chuyện ồn ã này. Thế nhưng, trong Bản tin Thời sự 12 h trưa cách đây một vài ngày tôi được nghe một bà PGS.TSKH và ông Bùi Hiền đăng đàn nói về công trình cải tiến chữ viết trên đây. Điều tôi muốn nói không phải là những lời của ông Bùi Hiền trên tivi mà chính là thái độ và câu nói của bà PGS.TSKH coi những người phản đối công trình cải tiến chữ viết của ông Bùi Hiền đều là “đám quần chúng” không hiểu gì mà đã nhao nhao lên ném đá tơi bời là “thiếu văn minh, kém hiểu biết, không chịu đón nhận cái mới”. Trong khi đó tôi biết những người phản đối công trình cải cách chữ viết của ông Bùi Hiền không chỉ là đám đông quần chúng không hiểu biết mà còn có cả các vị thức giả, các trí thức có học hàm, học vị không thua kém gì hai vị kia, trong đó có cả các chuyên gia ngành ngôn ngữ mà tôi biết đã lên tiếng không đồng tình với công trình của ông Bùi Hiền. 


Đây không phải là lần đầu tiên tôi nghe bà PGS. TSKH này nói theo kiểu “mục hạ vô nhân”, dưới mắt mình không còn biết có ai, như thế. Nhân chuyện này tôi lại nhớ tới câu chuyện “Thiên hạ nhân thiên hạ tài” mà một người bạn đồng môn với tôi ở Lớp Văn Khóa 8, trường Đại học Tổng hợp từ hơn 50 năm trước, đã kể với tôi.Trong hình ảnh có thể có: 1 người, văn bản

Bạn tôi là một nhà văn, không tên tuổi lừng lẫy nhưng cũng có sự nghiệp đáng tự hào. Ông từng là Giám đốc Trung tâm hoạt động văn hoá, khoa học Văn Miếu- Quốc Tử Giám, Hà Nội mà chúng tôi thường gọi vui là “ông Tế tửu (dâng rượu) Miếu Văn”. Mấy chục năm biết ông, lúc nào tôi cũng thấy ông bình dị, khiêm nhường, không nhiều lời và cao đạo như một số người mà tôi có dịp được gặp.
Ba câu chuyện ông kể với tôi sau đây đã trở thành ba bài học đối nhân xử thế ông học được từ chính cuộc sống của mình chứ không phải từ bất kỳ một cuốn sách giáo khoa nào!
Lần ấy, ông còn là cậu bé mới hơn mười tuổi, đang ở nhờ nhà ông chú tại Hà Nội. Trong lúc cậu đang học bài thì ông chú mở đài nghe. Tiếng đài khá to, làm cậu không tập trung được vào bài học. Cậu khó chịu, hỗn hào:
- Chú tắt đài đi! Chú mở đài to thế thì cháu học làm sao được?
Ông chú từ tốn, quay về phía cậu:
- Lần sau cháu có nói gì với chú thì cũng phải nhẹ nhàng, lễ độ. Chú già rồi, sao cháu lại hỗn với người già như vậy?
Câu nói đầy trách móc và nghiêm khắc của ông chú “sao cháu lại hỗn với người già như vậy?" đeo đẳng cậu bé mãi sau này. Thì ra, hỗn hào với người già, với những người đi trước, với tổ tiên thì không thể là một người tử tế!
Một lần khác, khi đang học cấp hai ở Hà Nội, giờ làm văn, thày giáo cho cả lớp về nhà viết một bài văn kể lại những chuyện đã làm trong dịp hè. Cậu học trò sau này trở thành nhà văn ấy vớ được một quyển sách dành cho thiếu nhi, đọc thấy một bài viết rất hay, nên chép lại, hôm sau nộp cho thày giáo. Khi trả bài đã chấm, thày giáo khen bài viết của cậu hay, rồi đọc cho cả lớp chép lại, như là một bài văn mẫu. Thế là cậu sợ quá! Có thể thày giáo và các bạn không biết, nhưng cậu lại quá biết và quá xấu hổ về bài văn cậu đã “ăn cắp” ấy. Cậu đỏ bừng mặt, cảm thấy mình như là một đứa trẻ ăn cắp bị bắt quả tang và bị thày giáo đem ra bêu riếu trước bạn bè và mọi người. Mãi về sau này, khi đã trở thành một nhà văn, mỗi khi nói tới chuyện “đạo văn” cậu bé ngày xưa ấy vẫn còn cảm thấy xấu hổ!
Câu chuyện thứ ba xảy ra cũng đã được hơn 60 năm. Hồi ấy, hồ Bẩy Mẫu trồng toàn sen, chưa được cải tạo thành Công viên Thống Nhất như bây giờ. Giữa buổi trưa nóng bức của mùa hè năm 1956, cậu bé nhà văn sau này theo ông bác họ mới ở quê lên Hà Nội, ra hồ chơi. Giữa trưa, nắng gắt, ông bác lội xuống hồ ngắt một lá sen đội đầu che nắng. Một người thanh niên, chắc là người trông coi hồ sen, thấy vậy dạt chiếc thuyền đang bơi giữa hồ vào gần bờ, quát ầm ĩ. Ông bác của cậu nhẹ nhàng thanh minh là mình chỉ lấy một chiếc lá sen, không hái hoa trong hồ, nhưng người thanh niên kia vẫn không nghe, hùng hổ nhảy lên bờ, vừa quát, vừa dùng mái chèo phang hai bác cháu. Ông bác của cậu nhanh nhẹn né tránh, rồi bất ngờ chụp lấy mái chèo và bằng thế đánh của người giỏi võ, ông đã cho người thanh niên kia đo ván! Lúc này, người thanh niên mới biết mình đã gặp phải một cao thủ giỏi võ, từ kẻ lớn tiếng quát tháo thành người nhũn như con chi chi, hạ giọng xin lỗi, lại còn ngỏ ý muốn được làm quen và xin được học võ với ông già vừa quật ngã mình! Ông già từ chối, nói:
- Thôi, anh hãy đứng dậy đi! “Thiên hạ nhân thiên hạ tài”, đừng tưởng mình đã tài giỏi mà coi thường người khác. Trong thiên hạ còn có nhiều người tài giỏi hơn ta!
Ba câu chuyện trên xảy ra từ khi nhà văn bạn tôi còn là một cậu bé cắp sách đến trường, nhưng đến nay đã quá tuổi “cổ lai hy” rồi mà bạn tôi vẫn còn thấy thấm thía. Đó là những bài học làm người không dễ gì ai cũng học được.
Nhân chuyện nghe “những lời vàng ngọc” của bà PGS.TSKH kia tôi xin mạn phép được kể ra đây để hầu chuyện quý bạn đọc fb của tôi.
D.Đ.Q

Không có nhận xét nào: