Chủ Nhật, 26 tháng 11, 2017

Công bố kết luận thanh tra Viettel dùng tiền nhà nước kinh doanh bất động sản; Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch: Quân đội làm kinh tế là chủ trương đúng đắn; Quân đội làm kinh tế gắn với quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc

24-- 16:29 PM | Doanh nghiệp

11-2017 

Công bố kết luận thanh tra Viettel dùng tiền nhà nước kinh doanh bất động sản

Thanh tra Chính phủ vừa thông báo kết luận việc thanh tra về quản lý đầu tư xây dựng một số Dự án phát triển nhà ở, khu đô thị và quản lý, sử dụng quỹ đất, quỹ nhà để lại từ các dự án đầu tư phát triển khu nhà ở, khu đô thị theo quyết định 123/2001/QĐ-UB của UBND thành phố Hà Nội, giai đoạn từ 2002-2014.


Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, Tổng công ty Viễn thông Quân đội ( Viettel ) dùng vốn của Doanh nghiệp nhà nước để góp vốn đầu tư kinh doanh dự án CT2. Sau khi thoái vốn, lỗ với số tiền 40,638 tỷ đồng.

Ngày 27/4/2017, Bộ Quốc phòng có văn bản số 4579/BQP-Kte giải trình bổ sung về khoản lợi nhuận sau thuế thu được từ bán căn hộ của Dự án CT2 với số tiền là 38,44 tỷ đồng, nhưng chưa cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan, đơn vị có trách nhiệm cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan chứng minh cho khoản lợi nhuận 38,44 tỷ đồng và chịu hoàn toàn trách nhiệm về tính hợp pháp của số liệu này theo quy định của pháp luật.

Trên cơ sở kết quả này, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Quốc phòng chỉ đạo Viettel có trách nhiệm kiểm tra lại khoản lợi nhuận sau thuế thu được từ việc bán căn hộ của Dự án CT2 với số tiền 38,44 tỷ đồng mà Bộ Quốc phòng đã giải trình trước đó, do chưa cung cấp hồ sơ, tài liệu chứng minh khoản lợi nhuận này và chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của số liệu, báo cáo Thanh tra Chính phủ trong quý III/2017.
Lô đất CT2 có diện tích 8.926m2 thuộc Dự án đầu tư khu đô thị mới Trung văn do CTCP Đầu tư xây dựng Hà Nội làm chủ đầu tư. Năm 2009, CTCP Đầu tư xây dựng Hà Nội và 2 công ty Daewon Co.Ltd và Công ty Jayoung Co.Ltd cùng góp vốn thành lập Công ty TNHH Phát triển nhà Deawon-Hancic. Trong đó, CTCP Đầu tư xây dựng Hà Nội góp 30% vốn điều lệ, bằng quyền sử dụng Lô đất CT2 có diện tích 8.926m2, tương đương 30,7 tỷ đồng.
Ngày 14/8/2009, Daewon và Jayoung đã chuyển nhượng 70% vốn điều lệ và nghĩa vụ tại liên doanh Daewon - Hancic cho CTCP Bất động sản Viettel với giá khoảng 146 tỷ đồng. Sau đó, công ty này đổi tên thành Công ty TNHH Phát triển nhà Viettel - Hancic.
Ngày 5/11/2009, CTCP Đầu tư xây dựng Hà Nội chuyển nhượng 30% vốn điều lệ tại Công ty TNHH phát triển nhà Viettel - Hancic cho công ty Phục Hưng Holdings.
5 năm sau đó, Tập đoàn Viettel ban hành Quyết định về chuyển nhượng toàn bộ 70% vốn góp cho công ty Phục Hưng Holdings, giá chuyển nhượng là 86 tỷ đồng.
Báo cáo của Thanh tra Chính phủ nêu, theo tài liệu và kết quả làm việc trực tiếp của Đoàn thanh tra thu thập được từ CTCP Bất động sản Viettel (công ty nhà nước) cung cấp, từ năm 2009-2014 đã nhận được 19,3 tỷ đồng lợi nhuận. Năm 2014 khi thoái vốn toàn bộ giá trị cổ phiếu còn 86 tỷ đồng, giảm giá trị góp vốn so với năm 2009 (146 tỷ đồng) là 60 tỷ đồng.
Như vậy, sau 5 năm kinh doanh CTCP Bất động sản Viettel thuộc Tổng công ty Viễn thông quân đội (Viettel) dùng vốn của doanh nghiệp nhà nước để góp vốn đầu tư kinh doanh dự án CT2, khi thoái vốn lỗ với số tiền 40,6 tỷ đồng.
Sau buổi làm việc hồi tháng 5/2017 giữa Thanh tra Chính phủ và Viettel, Thanh tra Chính phủ cho biết, ngoài 2 khoản tiền đã ghi nhận gồm khoản lợi nhuận 19,3 tỷ đồng và khoản thu hồi khi thoái vốn 86 tỷ đồng nêu trên, Bộ Quốc phòng đã bổ sung thêm về khoản lợi nhuận sau thuế thu được từ việc bán căn hộ thuộc CT2 với số tiền 38,4 tỷ đồng. Tuy nhiên chưa cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến khoản lợi nhuận này.

Theo Nguyên Minh
BizLIVE

Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch: Quân đội làm kinh tế là chủ trương đúng đắn

Sáng 12.7, đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng kiểm tra, làm việc tại Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (TP.HCM).    
Buổi làm việc còn có sự tham dự của thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; thượng tướng Trần Đơn, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Chuẩn đô đốc Phạm Hoài Nam, Tư lệnh Quân chủng Hải quân; trung tướng Võ Minh Lương, Tư lệnh Quân khu 7; Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong…
Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch: Quân đội làm kinh tế là chủ trương đúng đắn - ảnh 1
Quân đội tham gia ở những vùng kinh tế kết sức khó khăn, thậm chí có những vùng chỉ có quân đội mới làm được, từ đó hình thành thế phên dậu cho đất nước
Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch: Quân đội làm kinh tế là chủ trương đúng đắn - ảnh 2
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng
Ngô Xuân Lịch

Chuẩn đô đốc Nguyễn Đăng Nghiêm, Tổng giám đốc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết 6 tháng đầu năm 2017, tổng công ty tăng trưởng 20%; dự kiến doanh thu năm 2017 hơn 20.000 tỉ đồng; lợi nhuận dự kiến 2.100 tỉ đồng. Đến nay toàn bộ cơ sở vật chất hạ tầng của tổng công ty đều bằng vốn tự có; tỉ lệ vốn vay của tổng công ty rất thấp và đạt ngưỡng rất an toàn.
“Đến nay có thể khẳng định một điều, chúng tôi từ khu vực quân sự chuyển sang kinh doanh đã trở thành những người lính trên mặt trận kinh tế”, ông Nghiêm nói.
Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cho hay cuộc làm việc với Tân Cảng Sài Gòn có sự tham dự của 3 lãnh đạo trong thường vụ Quân ủy T.Ư cho thấy Bộ Quốc phòng hết sức quan tâm đến việc các doanh nghiệp quân đội tham gia làm kinh tế như thế nào và sắp tới ra sao. Ông Lịch cũng đề nghị địa phương, bộ ngành chỉ đạo tốt nhất đối với chủ trương quân đội tham gia làm kinh tế.
Ông Lịch cho hay kết hợp kinh tế với quốc phòng là chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng; tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong lực lượng vũ trang kết hợp kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội trong mọi thời kỳ phát triển. Quân ủy T.Ư, Bộ Quốc phòng đều khẳng định kinh tế kết hợp với quốc phòng là nhiệm vụ lâu dài của quân đội, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa. Trước khi đến làm việc với Tân Cảng Sài Gòn, lãnh đạo Bộ Quốc phòng cũng đến làm việc với một số đơn vị quân đội. Trong những năm  vừa qua, quân đội đã tham gia xây dựng hàng chục nông trường. Quân đội tham gia phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo... tạo điều kiện cho hàng triệu người dân định cư lâu dài; hình thành thế chiến lược kinh tế quốc phòng trải dài suốt từ Bắc vào Nam.
Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch: Quân đội làm kinh tế là chủ trương đúng đắn - ảnh 3
Hoạt động của Tổng công ty Tân Cảng Sài GònNGỌC DƯƠNG
“Quân đội tham gia ở những vùng kinh tế kết sức khó khăn, thậm chí có những vùng chỉ có quân đội mới làm được, từ đó  hình thành thế phên dậu cho đất nước. Nhiều doanh nghiệp quân đội sáng tạo, trở thành thương hiệu uy tín như Viettel, Tân Cảng, Công ty trực thăng, Ngân hàng Quân đội… trong nước và quốc tế”, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch nói.
Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch: Quân đội làm kinh tế là chủ trương đúng đắn - ảnh 4
Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch khẳng định quân đội làm kinh tế là chủ trương đúng đắnNGỌC DƯƠNG
Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch khẳng định quân đội làm kinh tế là chủ trương đúng đắn. Quân đội tham gia làm kinh tế là nhiệm vụ và quan điểm xuyên suốt trong xây dựng quân đội qua các thời kỳ.
Về hạn chế khuyết điểm, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch khẳng định quân đội phải tự mình xem lại những hạn chế để khắc phục, không được phép tự mãn, chủ quan, dừng lại. Trong sản xuất, đơn vị quân đội phải chấp hành đúng quy định pháp luật, kỷ luật quân đội, phải gắn kết với địa phương, hỗ trợ người dân ở địa phương.
Trung Hiếu

Quân đội làm kinh tế gắn với quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc

Bộ Quốc phòng không có quan điểm trái ngược nhau mà mọi chủ trương đều thống nhất rất cao bằng văn bản, nghị quyết. Cần hiểu là quân đội không làm kinh tế đơn thuần mà làm kinh tế gắn với quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.

Ngày 13.7, tại TP.HCM, Bộ Quốc phòng họp báo về kết quả hoạt động quân sự, quốc phòng và xây dựng quân đội 6 tháng đầu năm 2017.
Tướng Lê Chiêm nói chưa hết ý về chủ trương quân đội làm kinh tế
Tại buổi họp báo, PV Báo Thanh Niên nêu vấn đề về những giải đáp vừa qua của Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch có thể hiểu chủ trương của Thường vụ Quân ủy T.Ư, Bộ Quốc phòng là quân đội làm kinh tế gắn liền với quốc phòng. Chủ trương rõ ràng như vậy nhưng thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trước đó lại hiểu sai dẫn đến trong thời gian qua lãnh đạo Bộ Quốc phòng phải có ý kiến. Từ đây đặt ra câu hỏi phải chăng ngay lãnh đạo Thường vụ Quân ủy T.Ư, lãnh đạo Bộ Quốc phòng chưa thống nhất cao về chủ trương quân đội làm kinh tế gắn liền với quốc phòng?
Trả lời câu hỏi của Thanh Niên, thiếu tướng Võ Hồng Thắng, Cục trưởng Kinh tế, Bộ Quốc phòng, cho rằng: “Phát biểu của thượng tướng Lê Chiêm chưa hết ý dẫn đến việc báo chí hiểu sai”. Theo ông Thắng, thượng tướng Lê Chiêm nói quân đội không làm kinh tế là ý nói những doanh nghiệp (DN) quân đội đơn thuần làm kinh tế chứ không phải tất cả DN trong quân đội. Ngoài ra, trong Quân ủy T.Ư, Bộ Quốc phòng không có quan điểm trái ngược nhau mà mọi chủ trương đều thống nhất rất cao bằng văn bản, nghị quyết. Ở đây cần hiểu là quân đội không làm kinh tế đơn thuần mà làm kinh tế gắn với quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.
Quân đội làm kinh tế gắn với quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc - ảnh 2
Hoạt động của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, một doanh nghiệp của quân đội
Không có ưu tiên nào cho DN quân đội
Liên quan đến đề án sắp xếp, tinh gọn DN quân đội, thiếu tướng Thắng cho hay trong đề án 17 DN 100% vốn nhà nước được giữ lại là những DN có nhiệm vụ quốc phòng và kết hợp lao động sản xuất, phát triển kinh tế. Trong đề án cũng có nội dung giữ lại 12 DN cổ phần hóa nhưng nhà nước chiếm giữ 51%. Những DN này trong quá trình sản xuất kinh doanh đều có nhiệm vụ quốc phòng.
“Còn những DN như xây dựng, thương mại, dịch vụ hoặc DN ít có nhiệm vụ quốc phòng thì sẽ được cổ phần hóa hoặc thoái vốn”, ông Thắng cho biết.
Hiện nay đề án sắp xếp DN quân đội đã được Bộ Quốc phòng báo cáo Chính phủ. Sau khi được Chính phủ thông qua, Bộ Quốc phòng sẽ triển khai, thực hiện. Việc sắp xếp lại DN không có gì bí mật. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng đề án có một số nội dung cần bảo mật có thời hạn để lãnh đạo Chính phủ, Bộ Quốc phòng thống nhất, bàn bạc và sẽ công khai cho người dân biết sau khi Thủ tướng phê duyệt.
Về câu hỏi liệu có sự ưu tiên cho DN quân đội hay không, ông Thắng trả lời “không có bất cứ ưu tiên nào cả” và cho biết thêm, trước đây một số DN quân đội được cấp một số xe biển đỏ hay điều một số sĩ quan quân đội xuống phụ trách DN. Tuy nhiên, hoạt động của DN vẫn phải chấp hành đúng quy định pháp luật và sẽ không ưu tiên trong sản xuất, kinh doanh. Thậm chí thực hiện chủ trương tái cấu trúc DN quân đội, các xe biển đỏ cấp cho DN đều được thu hồi.
“Vừa rồi Bộ Quốc phòng thu hồi hơn 1.000 biển số đỏ. Hiện DN quân đội 100% vốn nhà nước chỉ được trang bị 2 xe biển số đỏ dành cho lãnh đạo, các xe còn lại sẽ chuyển sang biển trắng. Các DN quân đội đều được tính đủ chi phí, hạch toán như DN khác, cạnh tranh bình đẳng với DN khác”, ông Thắng nói.
Theo ông Thắng, hằng năm DN quân đội đều được thanh tra, kiểm toán nhà nước kiểm tra, kiểm toán về tình hình sản xuất, tài chính như các DN khác. Có chăng lợi thế của DN quân đội là sản phẩm ra thị trường được người dân tin tưởng hơn so với DN khác.
Theo Bộ Quốc phòng, năm 2000 có 305 DN quân đội, đến năm 2016 được sắp xếp còn 88 DN, và trong đề án nói trên sẽ rút xuống còn 17 DN 100% vốn nhà nước. Năm 2016, DN quân đội đạt doanh thu hơn 345.000 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 43.500 tỉ đồng, nộp ngân sách hơn 40.270 tỉ đồng, đảm bảo cho hơn 181.000 lao động với thu nhập bình quân 11,8 triệu đồng/tháng.
Trung Hiếu

Không có nhận xét nào: