Thứ Năm, 30 tháng 11, 2017

Ném đá giấu tay, Nga âm thầm hỗ trợ Triều Tiên phát triển tên lửa ICBM?; Cận cảnh quá trình chuẩn bị phóng tên lửa ‘đe dọa toàn thế giới’ của Triều Tiên; Sẽ có bao nhiêu người thương vong nếu tên lửa Hwasong 15 của Triều Tiên tấn công New York?



5:47 pm - 30/11/2017

Tổng thống Nga Putin và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (Ảnh: Daily Star)
Tổng thống Nga Putin và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un (Ảnh: Daily Star)


Nga có thể đã cố ý cung cấp công nghệ tên lửa tiên tiến cho Triều Tiên hòng làm tiêu hao sức mạnh Mỹ, theo Express Uk.
Và hiện nay, Kim Jong Un tuyên bố tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) của Bình Nhưỡng có khả năng vươn tới cả London lẫn Washington DC.
Bước nhảy khó tin
Các động cơ của Hwasong-12, Hwasong-14 và tên lửa Hwansong-15 được phóng ngày hôm qua 29/11 đã chứng tỏ Triều Tiên có thể bắn tên lửa hạt nhân vươn tới được toàn lãnh thổ Hoa Kỳ.
Tất cả các động cơ đó đều là những bản sao gần chính xác của động cơ RD-250 thời Liên Xô, theo các chuyên gia. Quan trọng hơn, một số chuyên gia khẳng định Tổng thống Nga Vladimir Putin biết rõ việc chuyển giao các mẫu động cơ cho Triều Tiên.
Việc Triều Tiên đạt được sự nhảy vọt khó tin, chỉ trong vòng 2 năm đã chuyển đổi từ tên lửa Scud sang ICBM, càng khiến các chuyên gia tin rằng công nghệ này phải được nhập lậu.

Nga được biết đã cung cấp công nghệ cho tên lửa Scud của chế độ Kim trong những năm 1980 và 1990.
Công nghệ kiểu Scud được sử dụng cho tên lửa Musudan của Triều Tiên, nhưng nước này đã nhiều lần thử nghiệm thất bại cho mãi đến năm 2016. Tên lửa Musudan không phải là đỉnh cao cho chương trình hạt nhân của Kim Jong Un.
Nhưng sự ra mắt của Hwasong-15 ngày 29/11 đã cho thấy một bước nhảy vọt kinh ngạc về công nghệ. Trước đây giới chuyên môn dự kiến Bình Nhưỡng ​​phải mất thêm một thập niên nữa mới đạt được công nghệ chế tạo ICBM như Hwasong-15 .
Theo tình báo Hàn Quốc, Triều Tiên đã nhận được 20 đến 40 động cơ RD-251 từ Nga vào năm 2016. Điều này cho phép Kim đạt được thành tựu công nghệ đột phá.
Ông Michael Elleman, chuyên gia cao cấp của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, cho biết trong một báo cáo mới đây của Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế: “Triều Tiên đã thất bại nhiều lần khi thử nghiệm tên lửa Musudan, đột nhiên họ lại bổ sung thêm hai tên lửa mới: Hwasong-12 tầm trung và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-14 (ICBM).
“Không có bất kỳ một nước nào có thể chuyển từ một tên lửa tầm trung tới một ICBM trong một thời gian ngắn như vậy.
“Điều gì giải thích cho sự tiến triển nhanh chóng này? Đáp án đơn giản: Triều Tiên đã mua lại một Động cơ tên lửa nhiên liệu lỏng hiệu suất cao (LPE) từ một nguồn nước ngoài.
“Các bằng chứng sẵn có cho thấy rõ LPE dựa trên động cơ RD-250 của Liên Xô và đã được sửa đổi để hoạt động như là lực lượng thúc đẩy cho Hwasong-12 và 14.
“Một số lượng không rõ các động cơ này có lẽ được mua từ các nguồn bất hợp pháp ở Nga và Ukraine”.
Triều Tiên Ra mắt ICBM Hwasong-14, với hỗ trợ công nghệ từ Nga? (Ảnh: Wiki / CC)

Tuyên bố của ông Michael Elleman đã gây ra một cuộc tranh cãi giữa Ukraine và Nga về việc ai đáng bị khiển trách cho những giao dịch đen này.
Những chuyên gia khác thì cho rằng có thể cả 2 nước trên đều không hay biết việc này, và đó là những giao dịch của các tổ chức buôn lậu vũ khí.
Âm mưu tiêu hao sức mạnh Mỹ?
Chuyên gia phân tích về Moscow, Aleksandr Nemets, tuyên bố Moscow đang tham gia đầy đủ vào cả hai chương trình tên lửa của Triều Tiên. Ông cho rằng không phải Kim Jong Un, mà chính ông Vladimir Putin đang giật dây.
Đề cập đến động cơ tên lửa nhiên liệu lỏng Musudan, ông nói thêm: “Ngay cả kết quả ban đầu này cũng không thể thực hiện nếu không có sự trợ giúp đặc biệt của Nga, đặc biệt là trong giai đoạn 2015-2016”.
“Tại sao Moscow lại cảm thấy bắt buộc phải cung cấp cái này? Rõ ràng không phải vì tiền. Ngoại trừ bất kỳ nghi ngờ nào, mục tiêu của Moscow là gây ra thiệt hại tối đa cho Mỹ “.
Các nhà chức trách ở cả Nga và Ukraina sử dụng thực tế là tên lửa của Triều Tiên sử dụng một động cơ tên lửa đơn chứ không phải là 2 hoặc thậm chí 3 động cơ trong phiên bản Xô viết để chối bỏ các cáo buộc.
Nhưng ông Elleman đã chỉ ra bí quyết công nghệ để làm điều đó chỉ có ở Nga và Ukraine.
Ông nói: “Chuyên môn như vậy có sẵn tại doanh nghiệp Energomash của Nga và KB Yuzhnoye của Ukraine”.
“Điều này dẫn tới kết luận rằng động cơ đã được sửa đổi bởi những nhà máy này”.
Cả Energomash và KB Yuzhnoye đều đã bác bỏ mọi sự liên quan.
RD-250 là một động cơ tên lửa rất thành công vào thời của nó và được kết hợp vào giai đoạn đầu của ICBM Xô-viết R-36 (SS-9) và bộ phóng vệ tinh Tsiklon-2 của KB Yuzhnoye của Ukraine.
Bộ phóng vệ tinh Tsiklon-2 đã có hơn 100 lần phóng thành công nhưng đã không được dùng nữa và công ty gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, hàng trăm động cơ RD-250 và phụ tùng thay thế vẫn còn trong kho – chỉ được bảo vệ một cách lỏng lẻo vì chúng đáng giá ít hơn giá trị phế liệu của chúng.
Oleksandr Turchynov, thư ký của Hội đồng An ninh và Quốc phòng Quốc gia của Ukraine, cho rằng những tuyên bố chống lại Ukraine là “chiêu trò” của tình báo Nga.
Ông nói: “Ukraina chưa bao giờ cung cấp động cơ tên lửa hoặc bất kỳ loại công nghệ tên lửa nào cho Triều Tiên.
“Chúng tôi tin rằng chiến dịch chống Ukraina này được các lực lượng đặc biệt của Nga tạo ra để che đậy sự tham gia của họ vào các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên”.
An Bình


Cận cảnh quá trình chuẩn bị phóng tên lửa ‘đe dọa toàn thế giới’ của Triều Tiên


Tên lửa Hwasong-15 rời bệ phóng. (Ảnh: KCNA)
Tên lửa Hwasong-15 rời bệ phóng. (Ảnh: KCNA)


Triều Tiên sáng 30/11 công bố hàng loạt hình ảnh về tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-15 cũng như chi tiết quá trình chuẩn bị phóng tên lửa hôm 29/11. 
Truyền thông Triều Tiên đưa tin nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã trực tiếp chỉ đạo vụ thử tên lửa sáng 29/11 và nói rằng đây là một “bước đột phá”.
Cụ thể, ông Kim Jong-un trực tiếp kiểm tra tên lửa Hwasong-15 và theo dõi dữ liệu hành trình bay hướng về biển Nhật Bản qua một màn hình vệ tinh.
Tên lửa Hwasong-15 được phóng đi vào lúc 3h17′ rạng sáng 29/11 tại khu vực ngoại ô thành phố Pyongsong, tỉnh Pyongan Nam. Theo thông báo từ phía Triều Tiên, tên lửa bay 53 phút với tầm cao 4.475km trước khi rơi xuống vùng biển phía đông Nhật Bản.

Quá trình chuẩn bị phóng tên lửa Hwasong-15 của Triều Tiên. (Ảnh: KCNA)

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới có nhiều đặc điểm khác so với phiên bản ICBM Hwasong-14 trước đó. Đầu đạn tên lửa phải được thiết kế đặc biệt để chịu đựng được điều kiện nhiệt độ và áp suất cực cao trong quá trình cọ xát với không khí ở vận tốc rất lớn. Chiều dài của tên lửa Hwasong-15 cũng dài hơn so với tên lửa Hwasong-14.
Truyền thông Triều Tiên cũng nói rằng đầu đạn tên lửa có thể chịu được áp suất khi trở lại bầu khí quyển Trái Đất, theo Reuters.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un tham gia trực tiếp vào quá trình chuẩn bị phóng tên lửa. (Ảnh: KCNA)


Quân đội Triều Tiên đưa tên lửa Hwasong lên bệ phóng. (Ảnh: KCNA)
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un theo dõi dữ liệu hành trình bay của tên lửa Hwasong-15. (Ảnh: Yonhap)
(Ảnh: KCNA)
Tên lửa Hwasong-15 rời bệ phóng. (Ảnh: Yonhap)

Nhiều chuyên gia hạt nhân cho rằng Triều Tiên vẫn chưa chứng minh họ đã vượt qua được mọi rào cản kỹ thuật, bao gồm khả năng gắn đầu đạn hạt nhân trên đỉnh tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), nhưng họ cho rằng điều này có thể sớm xảy ra.
Jeffrey Lewis, người đứng đầu Chương trình Không phổ biến vũ khí hạt nhân ở Đông Á, nói: “Chúng ta sẽ không thích điều đó, nhưng rồi chúng ta sẽ phải học cách sống với việc Triều Tiên có khả năng nhắm mục tiêu vào Mỹ bằng vũ khí hạt nhân”.
Trước đó, ngày 29/11 Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp đặt thêm các lệnh trừng phạt cứng rắn hơn đối với Bình Nhưỡng. Ông nêu rõ: “Các lệnh trừng phạt bổ sung sẽ được áp đặt đối với Triều Tiên ngày hôm nay. Tình hình này sẽ được giải quyết”.

Sẽ có bao nhiêu người thương vong nếu tên lửa Hwasong 15 của Triều Tiên tấn công New York?

Alex Wellerstein, chuyên gia Viện Công nghệ Stevens ở New Jersey, mới đây đã ước tính con số thương vong khủng khiếp nếu kịch bản tồi tệ nhất xảy ra: tên lửa Hwasong 15 mang đầu đạn hạt nhân và tấn công New York, Mỹ và một số thành phố quan trọng trên thế giới. 
Ông Wellerstein giả định đòn tấn công hạt nhân của Triều Tiên nhằm vào khu vực trung tâm New York, với sức công phá 250kt. Đây cũng là sức công phá mà các chuyên gia ước tính trong vụ thử hạt nhân của Triều Tiên hồi tháng 9.
Tỷ lệ thương vong 100% trong bán kính của quả cầu lửa khổng lồ. Nhiệt độ khi đó lên tới hàng trăm triệu độ C, nóng gấp 4-5 lần phần lõi của Mặt trời.
710.870 người sẽ bị chết và 982.750 người sẽ bị thương nếu kịch bản tồi tệ trên xảy ra.
Ảnh: nuclear secrecy
Những người may mắn sống sót qua đợt sóng xung kích từ vụ nổ hạt nhân phải đối mặt với phóng xạ, cơn gió thổi hơi nóng lan tỏa ra khu vực lân cận. Ngay cả những người ẩn náu dưới các tầng hầm sâu nhất cũng có thể chết vì ngạt thở, chết cháy hoặc chết vì thiếu nước sạch.
Môi trường chết chóc bao trùm khu vực rộng 165km2 trong nhiều tuần sau đó. Phóng xạ khiến nơi trúng tên lửa hạt nhân không thể sinh sống được trong nhiều năm sau đó.
Ông Wellerstein cũng đã làm các tính toán trên đối với các thành phố như Washington DC, London, Moscow, Seoul, và Tokyo.
Washington DC với khoảng cách 6852 miles/ 11,028 km (41 phút bay), 263,450 người chết và 442,060 người bị thương. (Ảnh: Nuclear Secrecy)
London với khoảng cách 5378 miles/ 8655 km (32 phút 20 giây bay), 334,290 người chết và 1,088,530 người bị thương. (Ảnh: nuclear secrecy)
Tokyo – 797 miles/ 1283 km (4 phút 50 giây), 454,820 người chết và 1,724,230 người bị thương. (Ảnh: Nuclear secrecy)
Moscow với khoảng 3981 miles/ 6407 km (23 phút), 335,010 người chết và 1,405,870 người bị thương. (Ảnh: Nuclear Secrecy)
Seoul với khoảng 132 miles/ 212 km (50 giây), 416,820 người chết và 1,890,250 người bị thương. (Ảnh: Nuclear Secrecy)
Tuy vậy, đây chỉ là kich bản giả định và các chuyên gia vẫn đang đặt nhiều nghi vấn xoay quanh vụ phóng tên lửa của Triều Tiên.
David Wright, nhà vật lý học, chuyên gia về tên lửa thuộc Liên hiệp các nhà khoa học Mỹ, cho rằng việc phóng một tên lửa bay lên gần như thẳng đứng và có quỹ đạo cao như vậy thật khó tin, nếu không muốn nói là không thể tin được.
Ông Wright cũng hoài nghi khả năng Triều Tiên có thể thu nhỏ bom hydro để lắp vừa trên tên lửa.
“Các tên lửa có thể cung cấp hỏa lực nhưng không phải là khả năng đã được chứng minh. Cộng đồng kỹ thuật Mỹ đang xảy ra tranh luận lớn về khả năng thu nhỏ đầu đạn nhiệt hạch của Triều Tiên”, ông Wright nói.
Các chuyên gia về tên lửa cho rằng các vụ phóng tên lửa hôm 29/11 của Triều Tiên được thực hiện với tải trọng rất nhẹ, nhằm nâng tầm bắn của chương trình tên lửa. Một đầu đạn hạt nhân thực tế do Triều Tiên chế tạo có thể nặng đến vài trăm kilogam, dẫn đến giảm tầm bắn.
Chính vì vậy, giới chuyên gia nhận định vụ phóng mới nhất của Triều Tiên không mang theo tải trọng đầu đạn hạt nhân. Ông Wright nói rằng bản thân tên lửa nếu không mang theo đầu đạn thì hầu như vô hại với nước Mỹ.
Ngoài ra, độ chính xác của tên lửa Triều Tiên cũng là vấn đề cần xem xét.
Thùy Linh
Xem thêm:
Xem thêm:

Không có nhận xét nào: