Thứ Tư, 29 tháng 11, 2017

Tự do phát ngôn trên internet tồn tại nhiều mặt trái và thách thức

(Không gian mạng) - Bên cạnh sự tự do về thông tin cũng như sự tự do về phát ngôn trên Internet, Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới cũng quan tâm lưu ý hơn về các mặt trái, những thách thức về an ninh thông tin, thông tin độc hại có tác động tiêu cực đến văn hoá, xã hội trên Internet.
Nhận định trên được Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ông Phạm Hồng Hải cho biết tại Diễn đàn Internet 2017 (VIF) với chủ đề “Digital For Good” (Công nghệ số cho những điều tốt đẹp) do Đại sứ quán Thụy Điển và Bộ TT&TT đồng tổ chức.
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng cho biết, trải qua 20 năm phát triển, số lượng người dùng internet ở Việt Nam đạt khoảng 50 triệu người, tương đương 54% dân số, trở thành một trong những quốc gia có số lượng người dùng internet lớn nhất châu Á. Thời gian sử dụng mạng trung bình là 4h/ngày. Số lượng người dùng Facebook tại Việt Nam nằm trong top 10 các nước sử dụng mạng xã hội này nhiều nhất thế giới.
Ông Vũ Thế Bình, Tổng thư ký Hiệp hội Internet cho biết: “Sự phát triển của internet ở Việt Nam trong suốt 20 năm qua đã tạo ra sự phát triển mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng và công nghệ, cũng như các ứng dụng và phương tiện truyền thông xã hội”.
Ảnh minh họa. Nguồn YouTube
Tự do phát ngôn trên internet tồn tại nhiều mặt trái và thách thức
Ông Denis Brunetti -Tổng Giám đốc công ty Ericsson Việt Nam, Myanmar, Lào và Campuchia nhận xét, việc tiếp cận internet ở Việt Nam rất dễ dàng và giá cả phù hợp. Đồng thời Chính phủ và các doanh nghiệp viễn thông đang có những hướng đi đúng đắn và bền vững. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã làm tốt trong việc đảm bảo việc phủ sóng mạng 4G trong bối cảnh tăng trưởng mạng này trên thế giới đang phát triển mạnh mẽ.
Tuy nhiên, sự tự do về phát ngôn trên internet cũng đang tồn tại nhiều mặt trái, thách thức về an ninh thông tin độc hại như fake news, mã độc… trên mạng Internet và mạng xã hội ngày càng nhiều lượng thông tin xấu độc đã và đang tác động tiêu cực về mặt văn hóa xã hội.
Ngoài ra, vấn nạn tấn công mạng, mất an toàn thông tin như thư rác, mã độc tống tiền đang nhằm vào nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam, hiện đang gia tăng về số lượng và quy mô.
Ông Denis Brunetti đề xuất cần tìm ra điểm cân bằng trong việc đảm bảo thông tin mở và quản lý chặt chẽ và lọc những thông tin độc hại, ảnh hưởng tới người dùng.
Theo Thứ trưởng Phạm Hồng Hải, các nước châu Âu nói chung và Thụy Điển nói riêng đã và đang có nhiều quy định liên quan đến việc sử dụng Internet nhằm hạn chế những tác động tiêu cực, bảo vệ quyền riêng tư và ngăn chặn việc sử dụng Internet vào mục địch phá hoại, khủng bố. Đối với các nhà cung cấp dịch vụ mạng viễn thông và mạng xã hội, EU cũng ban hành các quy định, kèm theo các chế tài xử phạt nghiêm nếu không có các biện pháp ngăn chặn việc lợi dụng mạng xã hội để phát tán tin tức giả mạo, phá hoại.
Việt Nam xếp thứ 100 về chỉ số An toàn thông tin mạng toàn cầu
Theo báo cáo xếp hạng “Chỉ số An toàn thông tin mạng toàn cầu” (Global Cybersecurity Index – GCI) năm 2017, trong 6 tháng đầu năm 2017 của Liên minh viễn thông quốc tế (ITU), Việt Nam xếp thứ 100 trên tổng số 193 nước thành viên về khả năng đảm bảo an ninh mạng với số điểm là 0,245 điểm.
Sự cố tấn công mạng nhằm vào hệ thống an ninh hàng không của Việt Nam trong năm 2016 và sự tấn công của mã độc tống tiền Wannacry vào tháng 5/2017 đã khiến Việt Nam giảm liên tiếp 25 bậc trong bảng xếp hạng này.
Trong danh sách 10 nước đứng đầu thế giới, Singapore đứng ở vị trí cao nhất với 0,925 điểm. Vượt qua nhiều quốc gia phát triển, Malaysia xếp thứ 3 với 0,893 điểm.
Báo cáo Chỉ số An ninh mạng toàn cầu cũng phân loại các quốc gia thành viên trong Liên minh viễn thông quốc tế thành 3 nhóm dựa trên thực trạng phát triển an ninh mạng. Đó là giai đoạn hình thành gồm 96 nước (trong đó có Việt Nam), giai đoạn đang phát triển có 77 nước và giai đoạn dẫn đầu có 21 nước.
Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, mặc dù tình trạng an ninh mạng trên toàn cầu có nhiều tiến bộ, nhưng khoảng cách về trình độ đảm bảo an ninh mạng giữa các quốc gia, giữa các vùng và khu vực vẫn còn rất lớn.
Trong năm 2016 và nửa đầu năm 2017, tình hình an ninh mạng toàn cầu có nhiều diễn biến phức tạp khi xuất hiện hàng loạt mã độc tấn công trên quy mô lớn, mức độ ảnh hưởng rộng.
Thực tế này đặt ra yêu cầu cấp bách với tất cả các quốc gia trong việc thực hiện cam kết liên minh chặt chẽ hơn nữa để phát triển và xây dựng một thế giới hiện đại an toàn hơn, lành mạnh hơn trong kỷ nguyên công nghệ hiện đại.
(Tổng hợp)

Không có nhận xét nào: