Thứ Năm, 23 tháng 11, 2017

Đặc khu kinh tế: Đầu cơ đất đai có nguy cơ mất chủ quyền lãnh thổ!

19:42' 22/11/2017 (GMT+7)
   |  

(VnMedia) - “Phát triển thiếu cân đối, đầu cơ đất đai có nguy cơ mất chủ quyền lãnh thổ, lao động giá rẻ bị bóc lột, bất công xã hội, an ninh trật tự, ô nhiễm môi trường và hàng loạt vấn đề khác” là những vấn đề ĐBQH lo ngại khi tổ chức "Đặc khu" kinh tế - hành chính.
Chiều 22/11, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật đơn vị kinh tế - hành chính đặc biệt (cùng với sự ra đời của 3 đặc khu kinh tế là Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang).
Góp ý tại Hội trường, ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho biết, việc lựa chọn thế hệ mô hình đặc khu, hiện trên thế giới có 3 thế hệ đặc khu: thời kỳ sơ khai, hiện đại và thời kỳ tiên tiến hiện nay. Hiện có 3 nước Mỹ, Đức, Trung Quốc đang triển khai mô hình đặc khu thế hệ thứ 3, chủ yếu tập trung vào công nghệ và trí tuệ nhân tạo.
Trong khi đó, dự thảo luật lại đang đi theo thế hệ thứ 2. “Tôi đề nghị hết sức cân nhắc. Cần tập trung cơ chế chính sách qua thực tiễn tổ chức mô hình của các nước cho thấy ưu đãi, đặc biệt là về thuế không phải vượt trội mà chính là môi trường làm thủ tục đầu tư”, ĐB Vân nói và nhấn mạnh phải chú ý mặt trái của các mô hình, “kể cả các mô hình thành công như Thẩm Quyến bứt phá, trong đó có mấy yếu tố: Phát triển thiếu cân đối, đầu cơ đất đai có nguy cơ mất chủ quyền lãnh thổ, lao động giá rẻ bị bóc lột, bất công xã hội, an ninh trật tự, ô nhiễm môi trường và hàng loạt vấn đề khác”.


ĐB Lê Thanh Vân
ĐB Lê Thanh Vân
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) cũng góp ý về mục tiêu và cách làm, phát triển đặc khu kinh tế, bởi theo ông, thực tế đã có nhiều quốc gia làm đặc khu thất bại do cách làm. “Thời điểm này chúng ta không thu hút đầu tư bằng mọi giá, nên phải xác định nguyên tắc chi phối toàn bộ quá trình thành lập, điều hành tại các đặc khu” – ĐB Trương Trọng Nghĩa nói.
Theo ông Nghĩa, trước tiên, dự luật cần xác định rõ, những dự án đầu tư được cấp phép đầu tư vào đặc khu cần phải “tạo nội lực cho Việt Nam, bảo vệ chủ quyền, văn hoá Việt Nam”.
“Nếu nói cùng có lợi nhưng họ lợi 8, mình chỉ có 2 thì không đạt. Nhiều khi họ cam kết nhưng nửa chừng không đáp ứng được thì căn cứ vào luật chúng ta có quyền thu hồi, xử lý”, ĐB Trương Trọng Nghĩa phân tích.
Ông Trương Trọng Nghĩa cũng cho rằng, việc ban hành dự luật và đưa vào 3 đặc khu cụ thể sẽ phát triển là Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc là chưa hợp hiến. Theo ông, nên ban hành Luật chung về đặc khu, còn 3 đặc khu muốn phát triển thời gian tới chỉ cần đưa vào Nghị quyết của Quốc hội do mỗi đặc khu có tính chất, đặc điểm và yếu tố điạ chính trị không giống nhau.
“Cách làm như vậy hợp lý và tốt hơn với các đặc khu, trong quá trình triển khai một trong 3 đặc khu không thành công thì lúc đó có thể dùng Nghị quyết của Quốc hội điều chỉnh, chứ không phần sửa luật” – ĐB Nghĩa nêu ý kiến.
ĐB Trương Trọng Nghĩa cũng cho rằng, chính sách ưu đãi về đất đai cho nhà đầu tư chiến lược được cấp đất tới 99 năm, so với quy định hiện hành là tối đa 70 năm và do Thủ tướng quyết định, là chưa hợp lý.
“Liệu rằng 50 năm nữa còn xài tiền, còn đánh bạc không? nếu còn thì còn đánh theo kiểu casino hay không? Nếu 30 năm nữa casino thất bại chúng ta có thu hồi đất hay không?”, vị ĐB đoàn TP. Hồ Chí Minh đặt vấn đề và đề nghị không nên nới thêm thời gian cấp đất.
Luật sư Trương Trọng Nghĩa cũng đề nghị, dự Luật cần quy định dự án thất bại phải trả lại đất, và dự án nào muốn thay đổi ngành nghề khác thì phải thay đổi thủ tục. Theo đó, cần quy định có ngành không cho nước ngoài đầu tư, có những ngành không cho chuyển nhượng nước ngoài.
Đặc biệt, riêng với đặc khu Vân Đồn, dự thảo luật quy định cho phép sử dụng giấy thông hành của nước láng giềng cấp cho khách du lịch trong 30 ngày khiến ĐB Trương Trọng  Nghĩa lo lắng.
Cũng đề cập đến vấn đề này, ĐB Lưu Thành Công (Vĩnh Long) cho rằng, bên cạnh việc giao trưởng đặc khu nhiều thẩm quyền quan trọng, cần phải có cơ chế giám sát quyền lực, tránh tình trạng lạm quyền.
ĐB tỉnh Vĩnh Long đề nghị nghiên cứu tổ chức hội đồng đặc khu, đại diện cho nhân dân. Hội đồng này gồm các thành viên HĐND cấp tỉnh được bầu và Thủ tướng phê chuẩn.
ĐB Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) cũng kiến nghị cần có một hội đồng đặc khu với 2 hình thức tổ chức. Thứ nhất là bao gồm các chuyên gia trong các lĩnh vực như kinh tế tài chính, tài nguyên môi trường, quản lý đô thị, văn hóa xã hội, quốc phòng an ninh, pháp luật… Những chuyên gia này do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội bổ nhiệm. Thứ hai, trong thành phần có thể gồm cả chuyên gia và một bộ phận do dân bầu như hiện nay.
Xuân Hưng


Đặc khu Vân Đồn - bước đi lớn của Quảng Ninh






Hôm nay, 22-11, Quốc hội (QH) sẽ thảo luận dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt. Dự luật này có ý nghĩa lịch sử đối với Quảng Ninh. Bởi đây là dự luật kỳ vọng sẽ tạo hành lang pháp lý thông thoáng, mang tính đột phá để trên cơ sở đó ba đặc khu kinh tế gồm Vân Đồn của Quảng Ninh, Bắc Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang) chính thức cất cánh. Điều này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế đơn thuần mà còn gợi mở các mô hình thể chế mới, đủ sức cạnh tranh với thế giới bên ngoài.
Cuộc chơi lớn
Với Quảng Ninh, ý tưởng về một khu kinh tế Vân Đồn đã có từ lâu, ít nhất là khi Thủ tướng phê duyệt quy hoạch năm 2009, xác định Vân Đồn là khu kinh tế tổng hợp được vận hành theo quy chế riêng; là trung tâm du lịch biển đảo chất lượng cao, dịch vụ vui chơi, giải trí cao cấp của vùng Bắc bộ và các nước lân cận.
Ý tưởng này trở nên rõ nét hơn ở khóa trước, khi ông Phạm Minh Chính về làm bí thư tỉnh ủy. Một trọng tâm công tác được ông thúc đẩy ngay những ngày đầu là cùng thường vụ tỉnh ủy thuyết phục Chính phủ, kiến nghị, đề xuất để Bộ Chính trị tháng 10-2012 chính thức cho Quảng Ninh xây dựng đề án đặc khu kinh tế.
Từ đây, nhiều hãng tư vấn, chuyên gia quy hoạch hàng đầu thế giới được mời gọi tới Vân Đồn nghiên cứu, đề xuất hướng phát triển. Nhiều nhà đầu tư được mời gọi, tới nay thu hút được 2,5 tỉ USD cam kết rót vốn. Đặc biệt, sau khi được Thủ tướng phê duyệt bổ sung quy hoạch cao tốc Hải Phòng-Hạ Long, Hạ Long-Móng Cái và sân bay Vân Đồn thì Quảng Ninh đã kêu gọi được một số nhà đầu tư chiến lược rót vốn vào các dự án động lực này.
“Đầu tư vào hạ tầng giao thông hiện là ưu tiên hàng đầu của tỉnh. Các công trình giao thông lớn mang lại một cam kết với các nhà đầu tư rằng đặc khu Vân Đồn là triển vọng ngay tương lai gần” - ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch Quảng Ninh, nói.
Trong các dự án động lực này, điểm nhấn là sân bay trên hòn Cái Bầu, đảo lớn nhất của Vân Đồn. Được sự ủng hộ, đồng lòng của người dân, một cuộc giải phóng mặt bằng thần tốc đã diễn ra chỉ vài ngày trước Tết Ất Mùi, đầu năm 2015. “Thu hồi hơn 284 ha đất, ảnh hưởng tới hơn 500 hộ dân mà không có đơn khiếu kiện nào. Thế mới biết người dân đặt niềm tin, kỳ vọng vào đặc khu kinh tế tương lai ra sao” - ông Hoàng Trung Kiên, Phó ban Quản lý khu công nghiệp tỉnh, bình luận.
Có mặt bằng sạch, dự án sân bay với đường băng 3.600 m đã nhanh chóng được nhà đầu tư chiến lược Sun Group triển khai. Với tổng mức đầu tư gần 7.500 tỉ đồng. Đến nay công trình này đã hoàn thành phi đạo, đường nối, sân đỗ và đang gấp rút xây dựng nhà ga. “Dự kiến sáu tháng nữa, các công trình chính sẽ hoàn tất. Tiếp đó là kiểm tra kỹ thuật, hoàn tất thủ tục pháp lý để ngay trong năm 2018 là có thể bay thương mại. Giai đoạn đầu này, cảng hàng không Quảng Ninh sẽ có công suất đón hai triệu khách và 10.000 tấn hàng hóa/năm” - ông Thành cho biết.
Đặc khu Vân Đồn - bước đi lớn của Quảng Ninh - ảnh 1
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thành chia sẻ về tương lai đặc khu ngay tại công trường sân bay Vân Đồn đang gấp rút xây dựng. Ảnh: N.NHÂN
Đặc khu Vân Đồn - bước đi lớn của Quảng Ninh - ảnh 2
Bản quy hoạch đảo Cái Bầu - đảo chính, lớn nhất của đặc khu Vân Đồn trong tương lai gồm một quần thể khu vui chơi, giải trí đẳng cấp. Ảnh: N.NHÂN
Song song với giao thông đường không, dự án BOT đường cao tốc Hạ Long cắt thẳng qua sân bay trên Vân Đồn và cải tạo nâng cấp QL 18 đoạn Hạ Long-Mông Dương cũng được gấp rút triển khai. Liên danh đầu tư Công Thành-Phương Thành đã xác định rót ngót 14.000 tỉ đồng cho công trình này và đang đẩy nhanh tiến độ để có thể khánh thành, đưa đón khách đúng lúc sân bay đi vào khai thác thương mại.
Để đánh thức tiềm năng khu kinh tế Vân Đồn cũng như vịnh Bái Tử Long hoang sơ, bí ẩn, với cơ chế riêng được Chính phủ cho phép, ngoài đầu tư lớn của doanh nghiệp, Quảng Ninh cũng đã rót vào đây hàng ngàn tỉ đồng. “Chỉ riêng cây cầu mới trên đường cao tốc Hạ Long-Vân Đồn, nối đảo Cái Bầu với đất liền, ngân sách tỉnh đã phải bỏ ra cả 1.000 tỉ đồng. Rồi các khoản giải phóng mặt bằng sân bay, đường sá, các hạ tầng giao thông, kỹ thuật ngoài hàng rào dự án, tổng cộng ngàn tỉ nữa. Thực sự tỉnh đang dồn sức cho giấc mơ đặc khu” - Phó Trưởng ban Kinh tế-Ngân sách, HĐND tỉnh Quảng Ninh Lê Hữu Phúc cho hay.
Con gà - quả trứng
Theo lẽ thường, bài bản nhất thì thể chế, khuôn khổ pháp lý cho đặc khu phải có trước rồi mới kêu gọi đầu tư. Nhưng với trường hợp Vân Đồn, mọi chuyện được tiến hành theo cách khác. Cả tỉ USD đã được đổ vào đây, tỉnh cũng đi khắp nơi mời gọi đầu tư trong lúc dự luật khu hành chính-kinh tế đặc biệt tháng 10 này mới trình QH lần đầu, vậy có rủi ro không?
Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Thành trả lời: “Đúng là chúng tôi đang vừa chạy vừa xếp hàng”.
Ông cho biết ý tưởng về các đặc khu kinh tế với thể chế, cơ chế pháp lý đặc thù, riêng biệt, có tính chất đột phá so với mặt bằng chung cả nước thì đã có từ lâu. Nhưng mỗi khi đi vào bàn bạc cụ thể thì người này, người kia lại băn khoăn: Đề xuất của Quảng Ninh hay đấy nhưng một Vân Đồn hoang sơ, đi lại khó khăn thế này, đường chưa có, sân bay cũng không thì làm sao thành đặc khu. Rồi chưa có gì chứng minh tư duy phát triển của tỉnh đến tầm có thể đảm bảo đặc khu sẽ thành công. Chưa thấy diện mạo nhà đầu tư nào cả.
“Tư duy kiểu con gà-quả trứng như vậy thì rất khó nên tỉnh vừa kêu gọi các nhà tư vấn vào nghiên cứu, vừa xây dựng, bổ sung, hoàn thiện đề án khu hành chính-kinh tế đặc biệt, vừa kiến nghị khuôn khổ pháp lý. Đồng thời cũng chủ động sử dụng nguồn lực của tỉnh kêu gọi, hỗ trợ cho các nhà đầu tư chiến lược, các doanh nghiệp vào trước một bước. Như thế sẽ tạo cơ sở thực tiễn cho cả nhà quản lý lẫn nhà đầu tư về hiện thực và tương lai đặc khu Vân Đồn.
Tôi nghĩ đây là phương thức, là cách làm rất Việt Nam. Tỉnh đã triển khai rất thận trọng, nghiêm túc, trách nhiệm và hy vọng QH sẽ đồng thuận, sớm thông qua thể chế pháp lý phù hợp, mở đường cho hình thành các khu hành chính-kinh tế đặc biệt ở Việt Nam” - ông Thành nói.
Tiếp cận thị trường ASEAN-Trung Quốc hơn 3 tỉ người
Vân Đồn là quần đảo nhỏ, diện tích đất hơn 580 km2 cùng 1.589 km2 biển. Mặt bằng tập trung ở đảo lớn Cái Bầu, chiếm non nửa diện tích toàn huyện. Tất cả nằm trong vùng vịnh Hạ Long-Bái Tử Long, là di sản kỳ quan thiên nhiên thế giới.
Với hạ tầng giao thông đường bộ, đường không, đường biển đang triển khai thì khu hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn trong tương lai sẽ là trung tâm của hành lang Móng Cái - Hải Phòng - Hà Nội. Và chỉ trong năm giờ bay là có thể tiếp cận thị trường ASEAN-Trung Quốc hơn 3 tỉ người.
Vấn đề chúng tôi lo nhất là kéo dài quá trình ban hành thể chế pháp lý cho đặc khu thì nhà đầu tư có thể mất đi phần hào hứng, kỳ vọng mà họ cũng như địa phương đang đồng điệu. Hiện tại mới chạy đà nhưng đã thu hút được 2,5 tỉ USD rồi. Nếu luật được thông qua với cơ chế, chính sách ưu đãi vượt trội thì chắc chắn sẽ có một làn sóng đầu tư mạnh vào đây.
Ông NGUYỄN VĂN THÀNH,
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh
Đột phá với thiết chế đặc khu trưởng?
Trong các cuộc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp QH lần này, rất nhiều người dân mong muốn Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt sớm được thông qua.
Tỉnh đã nghiên cứu rất kỹ, thấy rằng luật cần thể hiện rõ thiết chế quản lý, vận hành đặc khu hiệu quả, đủ sức cạnh tranh với các đặc khu kinh tế khác trong khu vực. Mô hình trưởng đặc khu mới đáp ứng yêu cầu ấy. Và như những gì tỉnh đã thí điểm trong đổi mới tổ chức, bộ máy mấy năm qua, vận hành đặc khu phải theo mô hình lãnh đạo công - quản trị tư. Tức là bộ máy chính quyền Vân Đồn tương lai cần có sự tham gia của nhà đầu tư chiến lược. Có vậy mới bật lên được. Đây chính là giá trị về thể chế mà tỉnh hy vọng khi đi vào vận hành sẽ chứng minh được hiệu quả, có giá trị tham khảo cho cả nước.
Bà Đỗ Thị LanTrưởng đoàn Đại biểu QH tỉnh Quảng Ninh
NGHĨA NHÂN 

Không có nhận xét nào: