Thừa nhận xả thải vượt quy chuẩn quốc gia
Bộ TN&MT cho rằng, hiện FHS đã cam kết đầu tư trên 100 triệu USD để lắp đặt thiết bị khử SO2, NOx của Xưởng thiêu kết, hoàn thành vào tháng 6 năm 2019. Việc phát thải của FHS trong giai đoạn vận hành thử nghiệm hiện nay đang được Bộ TN&MT giám sát chặt chẽ, thường xuyên, liên tục.
Riêng tại xưởng thiêu kết, các thông số bụi tổng, dioxin/furan, hơi kim loại,… đều thấp hơn nhiều lần so với QCVN 51:2013/BTNMT. Tuy nhiên, trong quá trình nâng công suất sản xuất để kiểm tra, đánh giá toàn diện hiệu quả của các thiết bị xử lý khí thải, tại một số thời điểm cục bộ, chỉ có thông số SO2 và một vài lần thông số NOx đo được cao hơn so với QCVN 51:2013/BTNMT. Việc để thông số SO2, NOx một vài lần vượt quy chuẩn tại một số thời điểm là để tính toán nâng công suất xử lý của hệ thống xử lý khí thải.  
Theo thông tin mà Tiền Phong có được, việc xả khí thải vượt chuẩn của FHS không chỉ “vài lần” và “một số thời điểm” như Bộ TN&MT thông tin. Theo kết quả quan trắc khí thải tại FHS, tổ hợp gang thép này đã xả thải vượt chuẩn ít nhất 11 lần, từ tháng 7 đến tháng 10/ 2017. Thời điểm xả thải vượt chuẩn thấp nhất là 1,07 lần, thời điểm cao nhất là 2,47 lần.
Lí giải về điều này, Bộ TN&MT nói là có “chủ ý” tính toán nâng công suất của hệ thống xử lí. Tuy nhiên, FHS đang đầu tư xây dựng hệ thống xử lí bảo vệ môi trường, theo FHS phải đến năm 2020 mới hoàn thành, còn theo Bộ TN&MT đến năm 2019 hoàn thành - không hiểu Bộ TN&MT tính toán kiểu gì khi mà hệ thống này chưa hoàn thành? Một điều lạ nữa, nếu nằm trong “chủ ý” của Bộ TN&MT thì Sở TN&MT Hà Tĩnh chắc chắn phải biết, nhưng sao sở này lại phát công văn yêu cầu Bộ TN&MT xử lí việc FHS xả thải vượt chuẩn?
Liên quan đến văn bản của Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến, đặc cách cho FHS áp dụng hàm lượng oxy tham chiếu vượt chuẩn từ 7% lên 15%, Bộ TN&MT cho rằng: Trong quá trình rà soát kiểm điểm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung do FHS gây ra, việc ban hành các văn bản pháp lý chưa phù hợp liên quan đến FHS đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Bộ TN&MT kiểm điểm, xử lý nghiêm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan và đã công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Thừa nhận việc “đặc cách” của ông Bùi Cách Tuyến là sai, Bộ TN&MT đã thu hồi văn bản này chưa? Nếu đã thu hồi, thì FHS vi phạm pháp luật về môi trường của Việt Nam đã bị xử lí chưa?
Quy chuẩn bất cập với ngành thép?
Liên quan đến việc sửa đổi QCVN theo hướng tăng hàm lượng oxy tham chiếu trong giai đoạn sản xuất thép từ 7% lên 15%, Bộ TN&MT giải thích: Trong quá trình soát xét, rà soát và tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc…, Tổ soạn thảo đã nhận diện các vướng mắc, bất cập của QCVN 51:2013/BTNMT, trong đó có việc quy định hàm lượng oxy tham chiếu là 7% nhưng không nêu rõ việc áp dụng cụ thể đối với từng loại công nghệ, công đoạn sản xuất và nhiên liệu sử dụng là chưa hợp lý. Trên cơ sở đó, Tổ soạn thảo đã đề xuất các nội dung sửa đổi Quy chuẩn, trong đó có xem xét đến các yếu tố công nghệ của các nhà máy đã đầu tư trước đây và các nhà máy mới để đảm bảo việc đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển ngành thép gắn với bảo vệ môi trường.
Bất cập được Bộ TN&MT nói đến, là QCVN 51:2013 đã không áp dụng cụ thể với từng loại công nghệ và công đoạn sản xuất. Tuy nhiên, trong dự thảo QCVN mới, Bộ TN&MT lại “quên mất” những vướng mắc, bất cập nói trên mà lại quy định chung có các công đoạn, loại công nghệ trong sản xuất thép là 15%, mà không hề có phân định rạch ròi.
Một chuyên gia về khí thải cho rằng: Hàm lượng oxy tham chiếu, thực chất là công thức tính nồng độ các chất gây ô nhiễm phát thải tại các lò thiêu kết. Tùy vào nguyên liệu đầu vào, công nghệ đốt để tính toán hàm lượng oxy tham chiếu phù hợp với quy chuẩn phát thải ra môi trường. Các chất gây ô nhiễm tại các lò luyện cốc sẽ được cộng với 7% oxy (cũ) hoặc 15%  oxy (mới)… và mẫu số càng lớn, đồng nghĩa với hàm lượng càng thấp. Đây không khác gì cách pha loãng nồng độ các chất gây ô nhiễm để đạt các tiêu chí khác về bảo vệ môi trường. Trên thực tế, kiểm soát oxy tham chiếu tại các lò luyện cốc càng thấp thì mức độ ô nhiễm càng giảm thiểu.
Cho rằng QCVN 51:2013 vướng mắc bất cập, do không quy định cụ thể hàm lượng oxy tham chiếu cho từng công đoạn và từng loại công nghệ, nhưng trong dự thảo mới Bộ TN&MT đã “quên” mất điều này, chỉ nâng lên 15% mà không quy định rạch ròi cho từng công đoạn và từng công nghệ.