Chính phủ Donald Trump đang tiếp tục động lực tích cực trong quan hệ Mỹ-Việt
Hình minh họa |
Khi bụi đường của chuyến công du châu Á đầu tiên của Tổng thống Donald Trump lắng xuống, các nhà quan sát bắt đầu phê phán Chính phủ Mỹ đã không đạt được nhiều kết quả trong chuyến thăm như lốc xoáy 12 ngày tới 5 quốc gia. Tuy nhiên, những người phê phán này nên xem xét kỹ hơn thời gian ông Trump ở Việt Nam, nơi đã diễn ra đôi điều thật sự có ý nghĩa: Chính phủ Mỹ đã nắm lấy cái động lực tích cực mà Chính phủ thời Obama để lại để nâng sự hợp tác quốc phòng Mỹ-Việt lên một tầm cao mới, chưa từng có. Bước phát triển này là hết sức thiết yếu cho lợi ích chiến lược ở Biển Đông của cả Việt Nam và Hoa Kỳ trong một tương lai dự đoán được.
Chuyến viếng thăm của ông Trump nối tiếp cuộc thảo luận giữa Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc với Tổng thống Mỹ vào ngày 31 tháng 5 tại Nhà Trắng. Cuộc gặp gỡ đó đưa ra một tuyên bố chung, công nhận nhu cầu bảo đảm tự do hàng hải, giải quyết cuộc xung đột về đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ trong hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế và phát triển một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông có tính ràng buộc về pháp lý – tất cả là những dấu hiệu rõ ràng chống lại sự hiện diện quân sự ngày càng tăng và sự hung hăng của Trung Quốc trong khu vực.
Ở Hà Nội hôm 11 tháng 11, ông Trump gặp người tương nhiệm Trần Đại Quang và hai người không chỉ nhắc lại những tuyên bố trên mà còn đi xa hơn khi công bố khởi sự một bản ghi nhớ có hiệu lực ba năm (2018-2020) thực thi các thành phần chủ chốt của thỏa thuận quốc phòng song phương đã ký trước đó. Dù chưa biết chính xác động thái này sẽ dẫn tới điều gì, lời công bố cho thấy rõ ý định làm sâu sắc thêm các mối quan hệ. Một số lĩnh vực hỗ trợ Việt Nam đang diễn ra bao gồm việc cải tiến năng lực nhận biết của quân đội về phạm vi hàng hải (MDA – maritime domain awareness) cũng như hiện đại hóa đội tàu tuần tra của cảnh sát biển. Thật vậy, ngay trước khi ông Trump gặp ông Phúc hồi tháng 5, Chính phủ Mỹ đã bàn giao cho Việt Nam một tàu tuần tra biển lớp Hamilton để giúp Việt Nam cải thiện năng lực thực thi pháp luật hàng hải.
Ông Trump và ông Quang tái khẳng định kế hoạch đưa một hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ tới vịnh Cam Ranh trong năm 2018 như là một phần của quan hệ đối tác quốc phòng sâu sắc giữa Washington và Hà Nội. Ý tưởng về chuyến viếng thăm này được đưa ra lần đầu tiên trong cuộc họp giữa ông Trump và ông Phúc, sau đó được xác nhận khi Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch thăm Ngũ Giác Đài (the Pentagon) hồi tháng 8. Trong tuyên bố chung tháng 11, ông Trump và ông Quang tái khẳng định chuyến viếng thăm của hàng không mẫu hạm Mỹ sẽ được tổ chức trong năm tới và nói thêm rằng, hai bên mong muốn Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis sớm đến thăm Việt Nam. Nhưng ông Trump không dừng lại ở những tuyên bố như vậy. Trước khi gặp ông Phúc, và có lẽ đi ra ngoài văn bản định sẵn, ông Trump đề nghị bán hỏa tiễn cho Việt Nam; ông nói rằng “hỏa tiễn [của Hoa Kỳ] là thứ mà không ai theo kịp”. Ngoài ra, trước cuộc gặp với ông Quang, ông Trump còn đề nghị đứng ra “làm trung gian hoặc trọng tài” cho cuộc tranh chấp ở Biển Đông.
Cuối cùng, trong lúc tham dự hội nghị Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Đà Nẵng ngày hôm trước đó, ngày 10/11, ông Trump đã nhiều lần đề cập tới một khu vực gọi là “Ấn Độ-Thái Bình Dương”. Dù cho cụm từ này đã được đặt ra lần đầu vào năm 2007 để miêu tả mối liên hệ gắn kết ngày càng tăng giữa khu vực Ấn Độ Dương và châu Á-Thái Bình Dương, nhưng với nhiều nhà quan sát, từ đó đến nay nó đã tiến hóa để chỉ một nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm sử dụng năng lực hải quân siêu việt của mình làm đòn bẩy chế ngự Trung Quốc trên cả hai đại dương. Thật vậy, ông Trump đã tiếp thêm ý nghĩa cho quan niệm về Ấn Độ-Thái Bình Dương bằng cách làm hồi sinh những cuộc đàm phán bốn bên – gồm Hoa Kỳ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ, trong chuyến công du châu Á của ông.
Tất cả các quyết định này, ngay cả những quyết định còn gây thắc mắc như đề nghị bán hỏa tiễn cho Việt Nam hoặc làm trung gian hòa giải tranh chấp ở Biển Đông, là hết sức tốt lành cho việc làm sâu sắc thêm mối quan hệ quốc phòng song phương trong cuộc theo đuổi các lợi ích chiến lược của cả hai quốc gia.
Với Việt Nam, sự kiện ông Rodrigo Duterte trở thành Tổng thống Philippines đã giáng một đòn nặng vào lập trường của Việt Nam ở Biển Đông. Ông Duterte đột ngột quyết định gác lại thắng lợi mà Manila giành được tháng 7-2016 ở Tòa Trọng tài thường trực quốc tế (PCA) chống lại đòi hỏi chủ quyền quá bành trướng của Trung Quốc trong khu vực; hậu quả là Hà Nội bị bỏ lại một mình đương đầu với vấn đề. Những nỗ lực của Việt Nam nhằm dẫn dắt một cuộc tranh luận triệt để và thẳng thắn một bộ Quy tắc Ứng xử có tính ràng buộc pháp lý với Trung Quốc và các nước tuyên bố chủ quyền khác đã trở nên vô ích. Như vậy, sự ủng hộ từ Washington dưới hình thức bản tuyên bố chung là rất hữu ích vào lúc này. Vượt xa hơn những lời hùng biện thể hiện sự ủng hộ lập trường của Việt Nam, Hà Nội rõ ràng tỏ ra hài lòng với sự thể hiện sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ nhằm ngăn cản Trung Quốc hung hăng thêm nữa trên Biển Đông. Điều chưa có tiền lệ là Việt Nam đồng ý để Washington gửi hàng không mẫu hạm tới cơ sở quân sự rất nhạy cảm ở vịnh Cam Ranh, nằm rất gần quần đảo Trường Sa đang có tranh chấp.
Hơn thế nữa, mối quan hệ rõ ràng là mới nhen nhóm của ông Trump với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình làm Việt Nam yên tâm rằng họ sẽ không trở thành con cờ thí trong tính toán địa chiến lược của các siêu cường. Do Hà Nội có lịch sử lâu dài và bất hạnh chiến đấu chống lại các thế lực nước ngoài, gồm cả Hoa Kỳ và Trung Quốc, cũng như áp lực phải lựa chọn giữa các cường quốc xã hội chủ nghĩa và Hoa Kỳ trong thời Chiến tranh Lạnh, Việt Nam đặc biệt lo ngại sự tái diễn một kịch bản như thế. Thay vì vậy, Việt Nam muốn quan hệ Trung-Mỹ được ổn định để duy trì lối tiếp cận hợp tác “đa hướng” (multidirectional) nhưng không liên kết (non-aligned) của mình. Tuy nhiên, Hà Nội cũng đồng thời đánh giá cao một sự hiện diện bền vững của Hoa Kỳ nhằm cân bằng với Trung Quốc. Bằng việc nêu lên khả năng hòa giải vụ xung đột Biển Đông, ông Trump đã mở ra khả năng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục giữ một vai trò tích cực và gắn bó trong khu vực. Điều này trái ngược với cái ấn tượng mà ông Trump gây ra trước đây khi ông chấm dứt các chính sách thời Obama như hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và công cuộc tái cân bằng chiến lược, còn gọi là “xoay trục” sang châu Á – cả hai chính sách này đều tìm cách duy trì sự hiện diện và vai trò lãnh đạo của Washington. Thật vậy, ý tưởng Ấn Độ-Thái Bình Dương của ông Trump có vẻ giống như là một sự thay thế đơn giản cho chiến lược xoay trục sang châu Á.
Sự gắn bó sâu sắc hơn về quốc phòng với Việt Nam của ông Trump cũng là bước phát triển tích cực cho Hoa Kỳ. Washington quan tâm sâu sắc tới tự do biển cả để bảo vệ nền kinh tế toàn cầu. Sự thống trị của Trung Quốc ở Biển Đông đi ngược lại mục tiêu đó, cho nên ủng hộ Việt Nam sẽ gây phức tạp thêm cho khả năng của Bắc Kinh trong việc giành thắng lợi thông qua đe dọa. Ngoài vấn đề Biển Đông, làm việc gần gũi hơn với Việt Nam còn là công nhận những đóng góp quan trọng của nước này vào an ninh khu vực ở các lĩnh vực như hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa (HA/DR), tìm kiếm và cứu hộ (SAR), hoạt động gìn giữ hòa bình (PKO). Hà Nội quyết định gắn bó với cộng đồng khu vực chỉ mới 25 năm và đã trở thành một nước lãnh đạo ở Đông Nam Á châu về hoạt động quân sự phi truyền thống (non-traditional military operations). Thông qua sự gắn kết của mình, Washington sẽ khuyến khích lối ứng xử tích cực này.
Mặc dù những thành quả này rất đáng hoan nghênh, nhưng dĩ nhiên vẫn có những giới hạn hợp lý trong hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Nhiều tướng lãnh cao cấp của Việt Nam đã từng phục vụ trong đội quân chống lại lực lượng Mỹ nay vẫn còn nắm giữ quyền lực. Do đó, mối nghi ngờ sâu sắc đối với ý định của người Mỹ vẫn còn sâu rộng ở đất nước này. Nói cách khác, Việt Nam có thể sẽ không cảm thấy thoải mái khi tiến hành phối hợp huấn luyện với các lực lượng Mỹ hoặc cùng xây dựng những kế hoạch tác chiến. Ngoài ra, với chi tiêu cho quốc phòng mỗi năm chỉ chừng 5 tỉ đô la, Việt Nam sẽ khó mua được nhiều hệ thống vũ khí của Mỹ. Điều đó giải thích cho hiện tượng Hà Nội có vẻ chậm chạp trong việc mua sắm khí tài của Mỹ từ khi ông Obama bãi bỏ hồi tháng 5-2016 một lệnh cấm kéo dài cả thập niên cấm bán cho Việt Nam các loại vũ khí tấn công. Một yếu tố quan trọng khác có thể là do Việt Nam muốn tránh các hành vi khiêu khích có thể gây thù địch với Trung Quốc một cách không cần thiết. Đó cũng là lý do tại sao các nhà lãnh đạo Việt Nam từ chối bình luận về đề nghị của ông Trump bán hỏa tiễn cho Việt Nam. Dù như vậy, có thể trong chốn riêng tư Hà Nội đánh giá cao đề nghị này nhưng vẫn tìm cách duy trì cách hành xử cân bằng tế nhị, đặt mình vào vị trí phải bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông trong khi không để mình bị mắc kẹt vào cuộc tranh giành của các siêu cường. Nếu Hoa Kỳ cũng luôn nhớ tới điều này thì quan hệ quốc phòng giữa hai bên sẽ tiếp tục vươn tới mức cao.
Huỳnh Hoa dịch
* Derek Grossman là nhà phân tích cao cấp về quốc phòng của tổ chức phi lợi nhuận, phi đảng phái RAND Corporation. Trước đây ông làm người báo cáo tin tức tình báo hàng ngày cho trợ lý Bộ trưởng quốc phòng phụ trách các vấn đề an ninh châu Á và Thái Bình Dương tại Ngũ Giác Đài. Quan điểm thể hiện trong bài viết này là của tác giả.
Bản gốc: https://thediplomat.com/2017/11/us-striking-just-the-right-balance-with-vietnam-in-south-china-sea/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét