VNTN – Sáng 23/11, Quốc hội thảo luận toàn thể về dự án Luật An ninh mạng. So với các ý kiến tán thành sự cần thiết ban hành luật thì các ý kiến ở chiều ngược lại chỉ là thiểu số, nhưng lại rất đáng chú ý.
Thiếu tướng Phan Văn Tường, Phó tư lệnh Quân Khu 1, đại biểu Quốc hội đoàn Thái Nguyên cũng là một người không “ngại” làm thiểu số.
Vẫn như các lần xuất hiện khác, đại biểu Phan Văn Tường không chọn cách thể hiện quan điểm bắt đầu từ “cơ bản tán thành” và sau hai từ “tuy nhiên” thì nêu vài hạn chế, bất cập như cách phát biểu khá phổ biến ở nghị trường mà để cập thẳng, phân tích sâu vấn đề cần góp ý.
Với dự án luật này, bất cập lớn được chỉ ra từ khâu thẩm tra chính là sự chồng chéo với Luật An toàn thông tin mạng 2015 đang có hiệu lực thi hành.
Tại tờ trình, Chính phủ thuyết minh một trong các lý do cần thiết ban hành luật là khắc phục tồn tại, hạn chế liên quan đến bảo vệ an ninh mạng. Cụ thể là sự chồng chéo, trùng dẫm trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ bảo vệ an ninh mạng giữa các bộ, ngành chức năng; tồn tại cách hiểu chưa rõ ràng giữa an ninh mạng và an toàn thông tin mạng. Theo Chính phủ thì cần thống nhất nhận thức rằng, an ninh mạng bao gồm hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ Công an; hoạt động tác chiến trên không gian mạng theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng và bảo đảm an toàn thông tin mạng theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ Thông tin và Truyền thông. An toàn thông tin mạng là điều kiện cho bảo đảm an ninh mạng được thực thi có hiệu quả, bền vững.
Nhấn mạnh các vấn đề liên quan đến an toàn thông tin, an ninh thông tin, an ninh quốc gia đều do Chính phủ thống nhất quản lý cả hiện tại và tương lai, Tướng Phan Văn Tường cho rằng để khắc phục sự chồng chéo nói trên thì trước hết cần thống nhất nhận thức trong Chính phủ, trước khi đưa ra Quốc hội, nếu không lại tiếp tục có sự chồng chéo do Quốc hội quyết định. Mà, sự chồng chéo do Quốc hội quyết định tác động sâu, rộng, sửa lại tốn kém hơn nhiều.
Về nội dung, đại biểu Tường khẳng định Luật An toàn thông tin mạng năm 2015 và dự thảo Luật An ninh mạng gộp vào một nội dung là phù hợp.
Ông Tường phân tích: nguy cơ đe dọa an toàn thông tin, an ninh thông tin có nhiều song chủ yếu là từ mất an toàn do virut tin học, tội phạm xâm nhập trái phép qua máy tính, qua mạng từ chính bức xạ của máy tính điện tử hoặc nạn đánh cắp các bộ phận điện tử trong máy hoặc do đội ngũ người sử dụng máy, qua công tác kiểm định phương tiện… để tin tặc xâm nhập vào hệ thống lấy cắp thông tin, chỉnh sửa thông tin, khi đó thông tin mất an toàn hoặc hệ thống thông tin tổ chức trong nước bị thế lực nước ngoài khống chế phát động tấn công vào nước khác thì cực kỳ nguy hiểm.Việc xác định ai hay nước nào đang khống chế mình cũng như xác định chủ quyền không gian mạng là vấn đề rất khó, đây là vấn đề chung cả thế giới. Do vậy, mất an toàn thông tin ảnh hưởng đến an ninh quốc gia cũng như hoạt động kinh tế – xã hội, vì vậy an toàn thông tin là mối lo chung xuất hiện ở bất kỳ nơi đâu. Và để giải quyết nỗi lo đó đã có nguyên tắc tại điều 4 cùng biện pháp thể hiện ở 21 điều tại Chương 2 của Luật An toàn thông tin mạng.
Nội dung tiếp theo được đại biểu Phan Văn Tường đề cập là mối quan hệ an toàn thông tin mạng, an ninh thông tin mạng và an ninh mạng. Theo đó, đảm bảo an toàn thông tin chủ yếu liên quan giải pháp kỹ thuật, đảm bảo tính bí mật toàn vẹn và khả dụng của thông tin. Còn an ninh thông tin là việc đảm bảo thông tin trên mạng không phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, bí mật nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. An ninh thông tin liên quan đến nội dung thông tin, chủ thể thông tin là chủ yếu, vì vậy an toàn thông tin là điều kiện quan trọng phải có để đảm bảo an ninh thông tin mạng. Bởi thế, bổ sung các nội dung về an ninh thông tin vào Luật An toàn thông tin mạng là đáp ứng yêu cầu, đại biểu Phan Văn Tướng đánh giá.
Từ góc nhìn của vị đại biểu Thái Nguyên thì dự thảo luật cũng chưa có căn cứ để triển khai các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh xử lý với các nguy cơ đe dọa an ninh mạng, hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng. Trong khi đó điều 27 Luật An toàn thông tin mạng về trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin mạng cho hệ thống thông tin quan trọng quốc gia và điều 52, trách nhiệm quản lý của nhà nước về an toàn thông tin mạng đã có quy định phù hợp, phân biệt rõ quyền hạn, trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Ban Cơ yếu Chính phủ.
Lý do nữa được Phó tư lệnh Quân khu 1 nêu là các biện pháp đảm bảo an toàn thông tin, an ninh thông tin mạng đạt hiệu quả cao nhất với điều kiện phải thống nhất về nhận thức và năng lực tổ chức thực hiện. Sau những phân tích trên, đại biểu Phan Văn Tường đề nghị Chính phủ xem xét chỉnh sửa Luật An toàn thông tin mạng để bổ sung những nội dung về an ninh mạng chứ không nên xây dựng riêng Luật An ninh mạng.
Từ góc nhìn của vị Tướng quân đội, ông Tường cũng đề nghị bỏ nội dung “chiến tranh mạng và chiến tranh không gian mạng” trong luật này. “Đây là lĩnh vực quân sự quốc phòng, thực chất tác chiến không gian mạng là cuộc đấu tranh giành giật chiếm ưu thế các hoạt động chỉ huy điều khiển thông tin máy tính tình báo tạo cho một chiến thắng quân sự chính trị mà không cần chiếm đóng lãnh thổ. Do vậy tôi đề nghị không đưa khái niệm này vào trong luật này”, đại biểu Tường kết thúc 7 phút phát biểu.
Trúc Bạch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét