Blogger Mẹ Nấm tại phiên toà sơ thẩm ngày 29 tháng 6 năm 2017. Cô bị kết án 10 năm tù giam. |
Chỉ còn chưa đầy 48 tiếng đồng hồ nữa là phiên toà xử phúc thẩm Blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh sẽ diễn ra. Nhiều tổ chức nhân quyền, truyền thông thế giới đã và đang đồng loạt lên tiếng phản đối bản án 10 năm tù mà nhà nước Việt Nam đã kết án cô và kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho cô vào phiên xử phúc thẩm ngày thứ Năm, 30 tháng 11 sắp đến.
Blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh là ai?
Là một người con
Ngày 29 tháng 6 năm 2017, hình ảnh người phụ nữ trong trang phục áo thun ngắn tay màu xám, có hình búp bê sặc sỡ in trước ngực và chiếc quần màu hồng xuất hiện trong phiên toà sơ thẩm tại Toà án Nhân dân tỉnh Khánh Hoà đã được lan truyền đi khắp thế giới.
Mọi người biết đến Mẹ Nấm và hiểu về cô nhiều đến mức sau khi nhìn thấy hình ảnh cô xuất hiện trước phiên toà sơ thẩm, người ta đã khẳng định với nhau rằng “trang phục ấy không phải do Quỳnh chọn.”
Nhà văn Ngô Thị Kim Cúc có 1 bài viết ghi rằng: “Hoàn toàn tương phản với hình ảnh quen thuộc của cô từ trước đến nay. Nhưng rồi mọi người lập tức hiểu ra: Như Quỳnh không có quần áo tươm tất để mặc ra tòa.”
Điều này cho thấy chỉ cần nói đến Mẹ Nấm, hay gõ vào bàn phím chữ Mẹ Nấm thôi thì người ta có thể biết những câu chuyện về cô, biết được tận tường lý do vì sao cô chịu bản án 10 năm tù giam.
Thế giới biết về Mẹ Nấm. Người dân Việt Nam biết về Mẹ Nấm. Nhưng có lẽ biết về cô nhất, hiểu thật sự về cô nhất và chia sẻ cùng cô nhất, trên cuộc đời này và mãi mãi không ai khác hơn chính là Mẹ của cô, bà Tuyết Lan.
Bắt đầu bằng tiếng khóc, bà nói về Như Quỳnh, đứa con gái duy nhất của mình:
“Quỳnh là đứa con duy nhất của tôi cho nên bao nhiêu tình yêu của tôi, bao nhiêu cuộc đời là tôi dồn hết cho Quỳnh. Quỳnh là một đứa con có cá tính từ nhỏ. Nó quyết liệt, khi đã muốn làm gì thì làm cho bằng được dù mình có khuyên con không nên thế này, không nên thế nọ. Nó luôn muốn trải nghiệm.”
“Gia đình chúng tôi là gia đình công giáo. Từ đời cha mẹ là ông bà ngoại của Quỳnh đến đời tôi, cảm thấy sống mà không biết chia sẻ, giúp đỡ người khác mới là điều đáng xấu hổ. Cho nên những điều Quỳnh làm, tôi nghĩ đó là chuyện bình thường và nên làm.”
Từ ngày Mẹ Nấm bị bắt vào tháng 10 năm ngoái và bị kết án hồi tháng 6 cho đến nay, bà Tuyết Lan chỉ được gặp con gái của mình 1 lần duy nhất vào ngày 31 tháng 7 vỏn vẹn trong 10 phút.
Trong thời gian đó, có không ít những ý kiến từ dư luận xã hội cho rằng người phụ nữ này “ăn cơm nhà lo chuyện thiên hạ” hay “ăn cơm nhà gác ngà voi”. Thế nhưng ai nói mặc ai. Bà Tuyết Lan biết hết, nghe hết, nhưng trong lòng bà, tình yêu và sự ủng hộ dành cho người con gái duy nhất chưa bao giờ thay đổi.
“Tôi không hề oán trách những người đó. Cứ hình dung đi, quê hương không còn thì còn gì là cuộc sống? Tôi không trách con tôi mà tôi cũng không oán trách người ta điều gì hết.”
Là một người Mẹ
Khi dư luận trong xã hội chỉ trách Mẹ Nấm “ăn cơm nhà lo chuyện thiên hạ”, phần nhiều người ta lấy lý do là cô đã không chọn hai đứa con thơ của mình, cho dù cô là một người mẹ.
Chính bà Tuyết Lan kể lại ngay cả một người bạn của bà cũng đặt vấn đề như thế với bà sau khi diễn ra phiên toà sơ thẩm.
“Người đó gọi tôi và nói là tại sao con bà lại chọn con đường làm cho bà khổ như vầy? Con bà chẳng yêu con nó. Tại sao nó làm vậy? Bổn phận của nó là bổn phận làm mẹ.”
Hai chữ bổn phận tự bản thân nó đã mang một trọng trách rất nặng nề, khó mà cân đong đo đếm hoặc nói là bao nhiêu cho đủ. Dư luận cho rằng Mẹ Nấm không làm tròn bổn phận với con của mình. Nhưng bé Nấm, đứa con gái bé bỏng của cô lại hiểu rất rõ về mẹ của mình.
Nói chuyện với chúng tôi khi vừa trở về từ buổi xem phim, món quà sinh nhật của Nấm, Nấm nói về mẹ của mình rằng:
“Mẹ con là người luôn bảo vệ mọi người. Mẹ con nói cho mọi người biết sự thật về cá chết, về Trung Quốc xâm lược Việt Nam. Tối nào mẹ và con cũng tâm sự, rồi mẹ con kể chuyện cho em Gấu nghe.”
Nấm chính là cô bé đã viết lá thư gửi cho Đệ nhất Phu nhân Hoa Kỳ, bà Melaina Trump để mong bà đến gặp mẹ của Nấm khi bà đến Việt Nam trong tháng vừa qua. Thế nhưng, rất tiếc điều này đã không thể xảy ra như mong muốn của bé.
Một bạn gái trẻ, quê ở Tuy Hoà, hiện đang sống ở Sài Gòn, cho chúng tôi biết qua email về những những gì cô nghĩ về Mẹ Nấm, một người Mẹ của hai đứa con nhỏ:
“Với em, Mẹ Nấm là một người dũng cảm và em rất tôn trọng. Em cũng làm mẹ nhưng em hiểu khác. Em hiểu chị ấy nghĩ xa hơn tất cả chúng em. Em lo cho con ở thời hiện tại. Chị ấy lo cho cả về sau”
Đó là việc gì mà Mẹ Nấm bị kết án 10 năm tù giam vì Điều 88?
Cô sinh năm 1979, cử nhân Anh văn của trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang. Bút danh Mẹ Nấm ra đời từ năm 2006 với các bài viết nói về quyền con người, đấu tranh cho dân chủ nhân quyền, phản đối những bất công trong xã hội, bênh vực những người không có tiếng nói…
Với cáo buộc đã "soạn thảo, đăng tải, chia sẻ nhiều bài viết, video có nội dung chống đối đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; bôi nhọ các cá nhân...", cô bị Công an tỉnh Khánh Hoà bắt vào tháng 10 năm ngoái. Những gì được gọi là bằng chứng phạm tội của cô là các tài liệu về nhà máy Formosa xả thải gây ô nhiễm biển miền Trung, những khẩu hiệu phản đối Trung Quốc…
Mẹ Nấm còn là điều phối viên của mạng lưới Blogger Việt Nam, thành viên của các tổ chức "Người Việt yêu nước" và "Tuyên bố công dân tự do".
Ông Đoàn Huy Chương, một thành viên sáng lập của Phong trào Lao Động Việt chia sẻ về người phụ nữ mà ông nói mình chỉ biết đến sau khi ra tù.
“Mẹ Nấm là một người vì quê hương đất nước, tranh đấu cho nhân quyền cho Formosa, bảo vệ môi trường cũng như chống Trung Quốc để bảo vệ đất nước của mình. Em luôn luôn tôn trọng những việc Mẹ Nấm làm, những việc đã thắp lên ngọn lửa cho anh em khác tiếp tục theo con đường của Mẹ Nấm.”
Là một người bạnÔng Đoàn Huy Chương, một thành viên sáng lập của Phong trào Lao Động Việt chia sẻ về người phụ nữ mà ông nói mình chỉ biết đến sau khi ra tù.
“Mẹ Nấm là một người vì quê hương đất nước, tranh đấu cho nhân quyền cho Formosa, bảo vệ môi trường cũng như chống Trung Quốc để bảo vệ đất nước của mình. Em luôn luôn tôn trọng những việc Mẹ Nấm làm, những việc đã thắp lên ngọn lửa cho anh em khác tiếp tục theo con đường của Mẹ Nấm.”
Người phụ nữ đang thắp ngọn lửa đấu tranh cho các bạn trẻ trong nước ấy, trong mắt của người bạn cùng quê với cô, đơn giản cô là “đứa mạnh mẽ, đáng yêu. Đậm chất đàn bà miền Trung.”
Ngày Mẹ Nấm bị kết án 10 năm tù giam, người bạn này đã bày tỏ trên trang cá nhân của mình với những dòng chữ:
“Cũng dịp hè này, năm ngoái, chị hân hạnh được cafe, ăn tối với cô, và cô có nhớ chị đã hỏi cô điều gì không? "Em lấy đâu ra sức mà gánh vác đủ thứ như vậy? Chị quá nể cô"!
Đến bây giờ và có lẽ còn lâu lắm nữa, chị vẫn nể và kính trọng cô! Vẫn luôn mong cô và các bé con bình an!
Mau về để còn tám tám với nhau, nhé!”
Là một người con, một người Mẹ, một người đấu tranh, một người bạn, những người thân yêu của blogger Mẹ Nấm hiểu về cô với những định nghĩa bình dị ấy. Nhưng tất cả họ và hàng triệu người trên thế giới không thể biết về kết quả của phiên toà ngày 30 tháng 11 sắp đến. Cũng như có lẽ sẽ không ai có thể trả lời được cho câu hỏi của bé Nấm: “Có cách nào giúp cho gia đình con đoàn tụ không?”
Cát Linh
(RFA)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét