Chủ Nhật, 24 tháng 1, 2016

Gái Tuyên


Vương Thị Mỵ, sinh năm 1982, dân tộc H’Mông, xã Hùng Lợi, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang, một trong những đại biểu trẻ nhất về tham dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI.

Hôm qua, thấy có bạn trẻ nói “từ xưa con gái xứ Tuyên đã đẹp nổi tiếng”. Thậm chí có lần còn thấy báo ca ngợi “danh bất hư truyền”. Chẳng biết “từ xưa” nghĩa là từ bao giờ?
Cũng giống như chuyện con ba ba ở Hồ Gươm vừa chết, nhiều người nói rằng từ xưa người Hà Nội đã coi đó là “cụ rùa”, coi đó là “hồn thiêng sông núi”. Là một người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội,  đã nhiều lần cùng chúng bạn xem rùa nổi ở Bờ Hồ thời cắp sách tới trường, tôi khẳng định chuyện tôn vinh “cụ rùa” chỉ mới xảy ra khoảng ba chục năm nay do một số người giả danh khoa học với động cơ hoàn toàn bất lương. Đơn giản thế này thôi: vào cái thời mà đền miếu còn để hoang phế, thậm chí bị phá bỏ; đình chùa trở thành kho chứa phân bón hay thuốc trừ sâu; Thần thánh còn bị xem thường, làm sao người ta có thể tôn con rùa thành “cụ”? Điều này có thể dễ dàng kiểm chứng bằng cách giở lại những tờ báo từ nhiều năm trước.
Còn chuyện sắc đẹp của con gái Tuyên Quang thì chẳng phải “từ xưa” nào cả, chỉ mới đây thôi. Nó là thế này:
Khoảng  từ giữa những năm 60 của thế kỷ trước, dân gian các tỉnh miền Bắc, nhất là đám thanh niên, bộ đội  hay truyền nhau câu tục ngữ mới “chè Thái, gái Tuyên”. Tôi có thể khẳng định khoảng thời gian câu tục ngữ này ra đời vì ban đầu, câu này là “Chè Bắc Thái, gái Tuyên Quang”. Tên (tỉnh) Bắc Thái chỉ có từ năm 1965, sau khi thực hiện sáp nhập các tỉnh như Hà Bắc (Bắc Ninh và Bắc Giang), Bắc Thái (Bắc Cạn và Thái Nguyên), Hà Tây (Hà Đông và Sơn Tây), Nam Hà (Nam Định và Hà Nam)…

Trong bài trước (“Chè Thái”), tôi đã góp phần lý giải vì sao mà “chè Thái” nổi tiếng. Hôm nay, xin nói tới chuyện  vì sao “gái Tuyên” được câu tục ngữ trên coi là đẹp, hay nói khác đi, vì sao Tuyên Quang lại sản sinh ra nhiều người con gái đẹp?
Đầu những năm 60, do những lý do khác nhau, số Việt kiều ở Tân Đảo (New Guinée) và Thái Lan được đưa về nước bằng những chuyến tàu thủy cặp cảng Hải Phòng. Để dễ quản lý nhất là về an ninh (lúc này đất nước chưa thống nhất, sau đó bước vào cuộc chiến tranh chống Mỹ), bà con không trở về quê quán mà được đưa tới sống tập trung, phần lớn ở những nơi xa thành phố lớn, xa các trung tâm kinh tế, quốc phòng.  Tôi biết một số nơi như vậy ở Phú Thọ, Nam Định, Thanh Hóa, … Một số bà con được đưa về sống ở  Nông Tiến thuộc huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang (cách Thị xã cũ bởi con sông Lô, khi ấy còn qua lại bằng đò ngang và phà). Nông Tiến sát Thị xã nhưng  dân cư thưa thớt nên cũng đã đón nhận một số bà con từ Thái Bình lên xây dựng kinh tế mới. Nhưng người Thái Bình thường làm nhà cách xa đường giao thông để thuận tiện canh tác ruộng  nương. Bà con Việt kiều về có nhiều người sống bám theo mặt đường (con đường cấp phối từ Nông Tiến qua Đạo Viện vào các xã vùng ATK Tân Trào). Đã có lần vào xin nước uống, tôi thấy dù cũng là nhà tranh vách nứa, nhưng nhiều vật dụng trong nhà của họ từ cái cốc, cái chén, …khá đẹp và lạ mắt do mang từ nước ngoài về. Một số người mở các cửa hiệu như may mặc, đặc biệt có cửa hiệu thấy đề biển “uốn tóc lạnh”. (Ở Hà Nội, muốn uốn tóc phải có điện, nhưng Nông Tiến khi ấy chưa có điện, ngay Thị xã điện cũng chưa phổ biến).
Tôi không có điều kiện tìm hiểu cái kỹ thuật “uốn lạnh” này nhưng nhờ nó, các cô gái mới về nước  vẫn giữ được những mái tóc đa dạng, đẹp mắt khi còn ở xứ người và rất khác lạ so với kiểu tóc phổ biến ở phụ nữ lúc đó, thường là tóc ngang vai hoặc tóc tết “đuôi sam”. Cũng xin nói thêm, lối tết tóc “đuôi sam” du nhập vào nước ta sau chiến dịch Biên giới năm 1950 cùng với phim ảnh của Trung Quốc,  Liên Xô và các nước Đông Âu, và phát triển rộng khắp từ sau khi Tiếp quản Thủ đô 1954,  có lẽ vì nó giúp phái đẹp thỏa mãn ý thích để tóc dài mà đầu tóc vẫn dễ gọn gàng.
Nhà máy dệt Nam Định là cơ sở công nghiệp duy nhất sản xuất vải mặc. Sản phẩm của nhà máy lúc ấy thường là lụa đen cho giới nữ, vải “chéo” xanh công nhân (cái tên màu sắc nhưng cũng tỏ ra rất có ý thức giai cấp) dành cho giới nam may quần và màu trắng để may áo cho cả hai giới, từ cái màu cơ bản này, người ta có thể nhuộm thủ công để có một số màu đơn giản khác. Mãi tới năm 1965, sau khi nhà máy dệt 8/3 được Trung Quốc giúp đỡ xây dựng xong, ta mới sản xuất được vải hoa.  Dù mẫu mã nghèo nàn nhưng vải là loại hàng hóa phân phối bằng tem phiếu. Vì thế, lối mặc khi ấy khá đơn điệu nhất là từ khi chiến tranh phá hoại xảy ra. Hầu hết, khắp nơi cùng với  hai màu đen, nâu truyền thống, nay thêm  màu “rêu” và màu “cỏ úa” để đỡ phải ngụy trang (trước đó, được gọi là màu “cứt ngựa” phổ biến trong trang phục của lính Nhật khi chiếm đóng ở Việt Nam, đến lúc này được đổi tên thành màu “cỏ úa” cho trang nhã). Kiểu cách cũng đã rất lâu đời, quần hay áo đều rộng phù hợp với hoàn cảnh lao động tay chân nhưng làm mất đi vẻ đẹp vốn có của phụ nữ. Cùng với mái tóc uốn lạ mắt (chỉ có thể thấy ở số rất ít phụ nữ ở Thủ đô), các cô gái Việt kiều có cách ăn mặc khác hẳn với người cùng giới lúc bấy giờ. Làn da chưa bị cái nắng tàn phá của họ được tôn lên rất nhiều nhờ những bộ quần áo nhiều màu sắc và gọn gàng, tôn vẻ đẹp tự nhiên của người con gái. Ngay đôi dép họ đi cũng đa dạng và đẹp mắt chứ không phải là đôi dép cao su đen “xì” mà thường những cán bộ nhà nước hay bộ đội mới có (phổ biến khi ấy người ta dùng guốc, ở nông thôn thường vẫn đi đất, trước khi đi ngủ, làm sạch chân bằng cái chổi “lúa” ở xó nhà hoặc dùng “phương thức” “ba xoa một đập”, nhà nào “khá” hơn thì có một đôi guốc để mọi người dùng chung).
Những năm tháng ấy, ở miền Bắc, cái xe đạp không chỉ là phương tiện di chuyển mà còn là cả một gia tài. Nhiều nhà ở nội thành Hà Nội cũng không có xe đạp, đi lại chủ yếu nhờ tàu điện hoặc đôi chân. Xe đạp hầu hết cũng từ thời Pháp để lại, nó thường đơn giản, hiếm có xe đủ chắn bùn (garde-bou) , chắn xích (garde-chain) để phù hợp với đường xá hầu hết là đường đất. Vì đã sử dụng lâu, nên các bộ phận được mạ đều đã rỉ sét, từ đôi vành, cái nan hoa … đến cái ghi-đông, sơn trên  khung xe cũng đã bong tróc, không còn nhận ra màu sắc ban đầu. Nhưng những cái xe đạp mang từ Thái Lan về dù vẫn với những chức năng ấy lại có vẻ đẹp khác lạ. Xe đầy đủ các bộ phận và thiết kế có vẻ như dành cho các cuộc  dạo chơi chứ không phải để thồ hàng như ở ta. Xe nào cũng có cái “xích hộp” (Mãi tới khoảng năm 1966 – 1967, loạt xe Phượng Hoàng do Trung Quốc viện trợ mới có  nhưng về mặt mỹ thuật thì vẫn thua xa).Tất cả đều láng bóng vì xe mới mua trước khi về nước.  Cuộc sống của bà con xem chừng cũng có vẻ “nhàn hạ” hơn , không phải lam lũ như những người xung quanh. Có thể những khoản tiền dành dụm trước khi về nước vẫn chưa cạn. Tất cả những  điều ấy tạo nên một vẻ đẹp riêng khiến nhiều người, nhất là các chàng trai ngưỡng mộ. Cán bộ, bộ đội khắp nơi mỗi khi đi công tác qua Tuyên Quang, gặp những cô gái ấy thì “lóa mắt”, hình như không còn thấy những người con gái rất bình dị khác  ở những  nơi họ từng qua.
Thế là, những cô  “gái Tuyên Quang”, “gái Tuyên” trở thành những ấn tượng chưa từng thấy, Tuyên Quang trở thành nơi sản sinh ra những cô gái “nghiêng nước nghiêng thành”. Chứ thực ra, đâu chẳng có người đẹp như tranh, đồng thời cũng thiếu gì người “ma chê quỷ hờn”.

Tôi không dám khẳng định những lời giải thích trên là hoàn toàn đúng đắn, nhưng cũng xin mạnh dạn đưa ra dù chỉ một giả thiết giúp mọi người thận trọng khi hiểu câu tục ngữ này. Với sự phát triển của các mạng xã hội hiện nay, những cách hiểu khác nhau trong đó có cả những điều chưa chính xác, thậm chí sai lầm  rất dễ được lan truyền. Nếu không được  đính chính kịp thời, tất cả sẽ mau chóng  trở thành ngộ nhận cho số đông, nhất là các bạn trẻ.

( Blog Ông Giáo làng)

Không có nhận xét nào: