Thứ Sáu, 29 tháng 1, 2016

Ngân sách phải trả hơn 16 tỷ USD nợ trái phiếu trong 2 năm

Trước việc có 363.166 tỷ đồng trái phiếu đến hạn thanh toán trong năm 2015-2016, Chính phủ vừa chính thức đề xuất phát hành 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế để tái cơ cấu nợ.
Thông tin trên được Bộ Tài chính đưa ra trong tờ trình Quốc hội về tình hình triển khai Nghị quyết liên quan đến phát hành trái phiếu và tái cơ cấu nợ Chính phủ.
ngan-sach-phai-tra-hon-16-ty-usd-no-trai-phieu-trong-2-nam
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng thay mặt Chính phủ đề xuất việc phát hành 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế để cơ cấu nợ.
Theo cơ quan này, các nguồn tài chính trong nước đã được huy động tối đa nên không thể tiếp tục sử dụng kênh này để tái cơ cấu danh mục nợ trái phiếu Chính phủ nêu trên. Trong khi đó, Luật Quản lý nợ công lại không cho phép vay ngoại tệ trực tiếp để cơ cấu các khoản nội tệ. Do vậy, để bảo đảm an toàn nợ công, Chính phủ trình Quốc hội trong giai đoạn 2015-2016 việc phát hành khoảng 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế, qua đó tái cơ cấu danh mục nợ.

Trái phiếu này sẽ có kỳ hạn 10-30 năm. Lãi suất phụ thuộc vào điều kiện thị trường vốn quốc tế tại thời điểm phát hành. 
"Thị trường vốn, thị trường trái phiếu trong nước quy mô còn nhỏ, thanh khoản thấp trong khi nhu cầu huy động vốn cho ngân sách Nhà nước trong giai đoạn tới tương đối cao, nên việc tiếp cận thị trường vốn quốc tế nhằm giảm áp lực vay trong nước là rất cần thiết", Bộ Tài chính cho hay.
Từ năm 2017, Chính phủ sẽ phát hành trái phiếu quốc tế để bù đắp bội chi theo quy định của Luật Ngân sách sửa đổi để tiếp tục tái cơ cấu danh mục nợ trong nước và bù đắp thiếu hụt nguồn vốn nước ngoài khi Việt Nam "tốt nghiệp" IDA (nguồn vốn vay chính thức của Ngân hàng Thế giới). Việc vay này vẫn đảm bảo duy trì tỷ lệ dư nợ nước ngoài của Chính phủ không quá 50% tổng nợ Chính phủ theo chiến lược quản lý nợ công giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn 2030.
Bên cạnh đó, cơ quan điều hành cũng trình Quốc hội cho phép phát hành trái phiếu Chính phủ với tất cả các kỳ hạn, thay vì kỳ hạn 5 năm trở lên như hiện nay (khiến sản phẩm trên thị trường không đa dạng, tạo thách thức cho hoạt động huy động vốn của ngân sách Nhà nước).
Việc đa dạng hóa kỳ hạn phát hành và phát hành trái phiếu quốc tế, theo đánh giá của Bộ Tài chính sẽ không làm tăng dư nợ Chính phủ, các chỉ số an toàn về nợ công đến năm 2020 vẫn được duy trì trong giới hạn quy định, đồng thời vẫn đáp ứng được mục tiêu cơ cấu nợ hợp lý theo chiến lược đã đề ra (đến năm 2020, tỷ lệ nợ nước ngoài của Chính phủ luôn thấp hơn 50% tổng nợ).
Ngoài ra, chương trình này góp phần giảm nghĩa vụ trả nợ ngắn hạn của Chính phủ trong giai đoạn tới, đảm bảo nghĩa vụ trả nợ trực tiếp trong giới hạn cho phép là không quá 25% thu ngân sách hằng năm; tạo ra tín hiệu tốt đối với các nhà đầu tư quốc tế; giảm áp lực về vốn ngoại tệ của các ngân hàng trong nước, duy trì lãi suất ở mức thấp để hỗ trợ doanh nghiệp; giảm áp lực lên tỷ giá hối đoái...
Huyền Thư - Chí Hiếu
( Vnexpress )

Tập đoàn nhà nước nợ gần 70 tỷ USD


Tổng số nợ phải trả của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã lên tới 1,57 triệu tỷ đồng, tương đương 69,8 tỷ USD...
Theo báo cáo tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2014 của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được Chính phủ trình Quốc hội, tổng số nợ phải trả của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã lên tới 1,57 triệu tỷ đồng (tương đương 69,8 tỷ USD), tăng 8% so với năm 2013.
Một số ý kiến cho rằng, khoản nợ của các DNNN được Chính phủ bảo lãnh có nguy cơ đe dọa an ninh tài chính quốc gia nếu các doanh nghiệp này hoạt động không hiệu quả, không có khả năng trả nợ?
Trước lo ngại trên, Chủ nhiệm – Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết: Đến hết năm 2014, tổng số nợ của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước gần 1,57 triệu tỷ đồng, so với vốn chủ sở hữu là 1,41 lần (mức quy định chung là không quá 3 lần). Hằng năm các doanh nghiệp vẫn chủ động bố trí nguồn, cơ bản trả nợ đúng hạn.
Tập đoàn nhà nước, nợ công, trốn thuế, DNNN, đầu tư, Tập-đoàn-nhà-nước, nợ-công, trốn-thuế, DNNN, đầu-tư, 
Chính phủ đã ban hành và chỉ đạo thực hiện Nghị định số 206/2013/NĐ-CP ngày 09/12/2013 về quản lý nợ của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Theo đó, từng doanh nghiệp phải ban hành và thực hiện Quy chế quản lý nợ của mình; bảo đảm hệ số nợ phải trả so với vốn chủ sở hữu không vượt quá 3 lần; doanh nghiệp chịu trách nhiệm về hiệu quả dự án và bảo đảm khả năng trả nợ; xây dựng kế hoạch, cân đối dòng tiền, bảo đảm nguồn trả nợ; thanh toán các khoản nợ phải trả theo đúng cam kết, không để phát sinh các khoản nợ quá hạn; lãnh đạo doanh nghiệp phải bảo đảm khả năng trả nợ và chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Đồng thời Nghị định cũng quy định rõ quyền, trách nhiệm của các Bộ, UBND cấp tỉnh trong chỉ đạo quản lý nợ đối với DNNN.
Hiện nay, nợ Chính phủ bảo lãnh chiếm 19% tổng nợ công (cụ thể, trong cơ cấu nợ công thì 80% là nợ Chính phủ, 19% là nợ Chính phủ bảo lãnh và 1% là nợ chính quyền địa phương). Nếu tính theo % so với GDP thì nợ Chính phủ bảo lãnh chiếm 11,4%.
Ông Nên cũng giải thích: Việc Chính phủ cấp bảo lãnh cho các doanh nghiệp vay vốn là để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thể huy động được nguồn vốn có giá trị lớn mà đôi khi các tổ chức tín dụng đòi hỏi việc thu xếp vốn cho các dự án phải có bảo lãnh của Chính phủ.
Bên cạnh đó, chi phí của khoản vay có bảo lãnh của Chính phủ sẽ thấp hơn so với trường hợp doanh nghiệp trực tiếp vay thương mại thông thường. Việc Chính phủ bảo lãnh cho các DNNN vay vốn đều thực hiện chặt chẽ theo quy định về việc cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ thực hiện theo Nghị định số 15/2011/NĐ-CP ngày 16/2/2011 của Chính phủ.
Việc cấp bảo lãnh Chính phủ cho các doanh nghiệp vay vốn nước ngoài thực hiện các dự án đầu tư cấp bách, trọng điểm của Nhà nước có ý nghĩa quan trọng nhất là trong các giai đoạn nguồn vốn trong nước không đủ đáp ứng cho nhu cầu đầu tư phát triển. Các DNNN có trách nhiệm sử dụng vốn vay đúng mục đích, tự chịu mọi rủi ro và chịu trách nhiệm trước pháp luật trong quá trình huy động, quản lý, sử dụng vốn vay và trả nợ đúng hạn.
“Chính phủ đã chỉ đạo việc cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ phải thực hiện trong hạn mức bảo lãnh Chính phủ hàng năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt; quản lý chặt chẽ điều kiện cấp bảo lãnh, không mở rộng diện, chọn lọc có mục tiêu ưu tiên, tiến tới thu hẹp bảo lãnh Chính phủ và kiểm soát việc bảo đảm trả nợ”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết.
Nhìn nhận về nợ công của Việt Nam, Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho rằng: Mất cân đối tài khoá kéo dài đang gây quan ngại trong bối cảnh nợ công tăng.
Tình hình thu ngân sách năm 2015 cho tới thời điểm này cho thấy áp lực tài khoá còn tiếp diễn với thâm hụt ngân sách (tính cả trả nợ gốc) dự tính chiếm 5,6% GDP trong nửa đầu năm 2015.
“Điều đó thể hiện thu hiệu quả ngân sách kém trong khi chi thường xuyên và chi đầu tư cơ bản tăng”, World Bank nhận định.
“Tổng nợ công và nợ do chính phủ bảo lãnh tiếp tục tăng và đạt mức 59,6% trong năm 2014 (54,5% năm 2013). Tuy nợ công vẫn nằm trong giới hạn bền vững nhưng chi phí trả nợ đã bắt đầu ăn vào các khoản chi hỗ trợ sản xuất khác trong ngân sách”.
(Theo Trí Thức Trẻ/CafeBiz)

Không có nhận xét nào: