RFI
Thụy My
28-1-2016
Vừa tái đắc cử Tổng bí thư thêm một nhiệm kỳ, ông Nguyễn
Phú Trọng trong buổi họp báo ngày 28/01/2016 đã bác bỏ những chỉ trích về chế
độ độc đảng hiện nay của Việt Nam .
Theo ông, chế độ tập thể lãnh đạo « dân chủ hơn hẳn » so với những nước tổ chức phổ thông
đầu phiếu.
Hãng tin AP trích tuyên bố của ông Nguyễn Phú Trọng:«Một đất nước không có kỷ cương thì sẽ rối loạn, mất
ổn định…Dân chủ phải đi liền với kỷ cương, đừng nhấn mạnh, tuyệt đối hóa mặt
nào sẽ thất bại ».
Ông Trọng vừa tái đắc cử Tổng bí thư, tiếp tục là người đứng đầu
đảng Cộng sản Việt Nam và Bộ Chính trị gồm 19 người, sẽ lãnh đạo đất nước trong
năm năm tới, sau cuộc đấu ngắn ngủi với nhân vật số hai là Thủ tướng Nguyễn Tấn
Dũng.
Tổng bí thư tái nhiệm nêu ra Quốc hội và hàng ngàn tổ chức cơ sở
đảng, cho đây là đại diện cho tiếng nói của nhân dân. Ông nói: «Đảng Cộng sản Việt Nam là một đảng lãnh đạo, nhưng
lãnh đạo có dân chủ đồng thời đề cao trách nhiệm của cá nhân. Nếu không, hễ làm
hay, làm tốt, có kết quả thì vơ vào là công lao của cá nhân mình, còn làm không
tốt thì đổ tại tập thể. Không quy được trách nhiệm, chả thi hành kỷ luật được
ai ».
AP cho biết ông Nguyễn Phú Trọng khẳng định đảng «
không bao giờ trở thành độc đoán » như một số nền dân chủ. Cả hai hãng
thông tấn AFP và AP đều dẫn lời ông Trọng: « Cái hay là phát huy vai trò người đứng đầu, nhưng
phải phát huy dân chủ. Đứng đầu mà độc đoán chuyên quyền thì có gọi là dân chủ
được không? Chả tiện nói một số nước, nhưng cứ nhân danh dân chủ mà cá nhân
quyết định tất, thế thì ai dân chủ hơn ai?»
Theo AP, các quan chức Mỹ cho rằng Việt Nam đã tỏ ra
kềm chế hơn, ít bắt bớ, trấn áp các nhà ly khai trong năm ngoái ; tuy nhiên còn
phải nỗ lực hơn nữa để xúc tiến nhân quyền. Cũng theo các viên chức trên, số
lượng tù nhân lương tâm trong năm 2015 khoảng 100 người.
Phe ông Trọng tố cáo ông Dũng là tham nhũng và quản lý tồi,
nhưng các nhà phân tích cho rằng cáo buộc này là lời biện minh cho cả một hệ
thống tham nhũng sâu rộng lâu nay, và khó thể biến mất trong ngày một ngày hai,
sau khi ông Nguyễn Tấn Dũng ra đi. Về vấn đề này, ông Nguyễn Phú Trọng nhấn
mạnh việc « phát huy trách nhiệm người đứng đầu, giám sát quyền
lực, hạn chế, kiểm soát được tham nhũng ».
Hãng tin Mỹ nhận định, dù có tiếng là thân Trung Quốc, nhưng khó
có khả năng ông Trọng hoàn toàn thần phục Bắc Kinh, vì như vậy có nguy cơ gây
phẫn nộ cao độ đối với những người dân Việt Nam bình thường, vốn không ưa Trung
Nam Hải và luôn cảnh giác trước những hành vi bành trướng của Trung Quốc tại
Biển Đông.
Tuy nhiên những người theo dõi chính trường Việt Nam gần đây đã
đặt dấu hỏi trước hai sự kiện. Đầu tiên là chuyến thăm Bắc Kinh bất thường (từ
ngày 23 đến 27/12/2015) của ông Nguyễn Sinh Hùng, chủ tịch Quốc hội Việt Nam , sau Hội
nghị trung ương 13. Tiếp đến là việc ông Tống Đào, trưởng ban đối ngoại Trung
ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đi thăm Việt Nam vào cuối tháng này, dưới danh
nghĩa đặc phái viên của Tập Cận Bình.
Bên cạnh đó, trước khi diễn ra Đại hội Đảng 12 của Việt Nam,
Trung Quốc gia tăng áp lực trên Biển Đông và thông qua dự luật chống khủng bố,
cho phép đưa quân ra nước ngoài nếu được nước sở tại đồng ý.
Theo The Diplomat, phải chăng có một sức ép nào đó từ phía Bắc
Kinh lên vấn đề nhân sự của Việt Nam ? Một số báo chí nước ngoài
trước Đại hội 12 cũng đã đặt ra nghi vấn này. Việc ông Nguyễn Tấn Dũng chấp
nhận rời bỏ cuộc chơi, trong khi con trai ông là Nguyễn Thanh Nghị vẫn được bầu
làm ủy viên trung ương khiến người ta cho rằng có thể đã có một thỏa hiệp nào
đó – dư luận vẫn cho là Bắc Kinh khó thể chấp nhận việc ông Dũng trở thành Tổng
bí thư.
Trong bài diễn văn bế mạc Đại hội 12, ông Nguyến Phú Trọng vẫn
nói đến việc « phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin »và « vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội », bên cạnh đó là «kiên quyết bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ », «
tích cực hội nhập quốc tế để phát triển ».
Theo hãng tin Pháp AFP, việc ông Trọng tái nhiệm khó thể dẫn đến
một sự thay đổi hẳn về chính sách của Việt Nam trong những vấn đề cốt yếu như
tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc hay các cam kết khi gia nhập Hiệp định TPP
do Hoa Kỳ chủ xướng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét