Đăng Bởi -
Lãnh đạo Trung Quốc và Nga có những kỳ vọng khác nhau về giá dầu
Việc giá dầu sụt giảm là nỗi đau cho nền kinh tế Nga vốn dựa nhiều vào xuất khẩu dầu. Thế nhưng nó lại đang thực sự là một món quà từ trên trời rơi xuống dành cho Trung Quốc.
Có thể bạn quan tâm
Có lẽ lúc này là khoảng thời gian khó khăn nhất với nền kinh tế Trung Quốc trong suốt 3 thập kỷ vừa qua, kể từ khi nước này mở cửa. Tăng trưởng kinh tế năm 2015 đã xuống mức thấp nhất kể từ năm 1990, ở mức 6,9%; mô hình kinh tế dựa vào xuất khẩu đã gần như sắp đi đến giai đoạn cuối cùng, trong khi chính phủ nước này vẫn loay hoay chuyển sang mô hình tăng trưởng mới.
Mọi luồng quan điểm tại diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) ở Davos, Thụy Sĩ, đều đồng thuận rằng kinh tế Trung Quốc chắc chắn sẽ hạ cánh, chỉ có điều là hạ cánh cứng hay mềm mà thôi. Tuy nhiên, trong bối cảnh ảm đạm đó, vẫn có một thứ đứng về phía Trung Quốc: sự sụt giảm kỷ lục của giá dầu.
Hầu hết thế giới đều biết rằng, bấy lâu nay Trung Quốc là một trong những quốc gia hưởng lợi ích lớn nhất từ việc giá dầu thế giới sụt giảm do dư thừa nguồn cung trên thị trường. Tận dụng việc giá dầu giảm mạnh, Trung Quốc liên tục có động thái mua thêm dầu và tăng cường mở rộng kho dự trữ dầu quốc gia. Trong 7 tháng đầu năm 2015, Trung Quốc đã tăng lượng dầu nhập khẩu lên cao hơn mức sử dụng khoảng nửa triệu thùng mỗi ngày; trong 9 tháng đầu năm 2015, mức nhập khẩu dầu trung bình của nước này lên tới 6,6 triệu thùng/ngày, trong đó mức kỷ lục là 7,4 triệu thùng/ngày vào thời điểm tháng 4.2015.
Việc giá dầu thế giới giảm quá mạnh, cùng với việc Trung Quốc là một trong những quốc gia nhập khẩu và tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới, đã dẫn đến việc chính phủ nước này bắt đầu có những động thái mở rộng kho dự trữ quốc gia của mình. Tính đến thời điểm giữa năm 2015, kho dự trữ của Trung Quốc mới đáp ứng được nhu cầu cả nước trong 25 ngày, ở mức 191 triệu thùng. Nhưng kế hoạch mà chính phủ nước này đặt ra đến cuối năm 2020 là kho dự trữ phải đảm bảo được 100 ngày nhập khẩu, tức gấp 4 lần mức trước đó.
Theo thống kê, việc giá dầu sụt giảm mạnh trong vòng hơn 1 năm qua đã giúp cho Trung Quốc tiết kiệm khoảng 320 tỷ USD từ việc dầu và các sản phẩm hóa dầu sụt giảm giá trên thị trường thế giới. Nhưng, đó mới chỉ là bề nổi của vấn đề. Tầm quan trọng của việc giá dầu sụt giảm mạnh hiện nay với nền kinh tế Trung Quốc còn nhiều hơn thế.
Cùng với Mỹ, Trung Quốc đang là một trong những quốc gia hưởng lợi lớn nhất từ việc giá dầu sụt giảm, nó giúp chi phí đi lại của người dân ít tốn kém hơn, nó cũng giúp chi phí vận chuyển hàng hóa của các hãng vận tải, chi phí vận hành các nhà máy ít hơn. Tất cả những tác động này khiến giá cả hàng hóa trên thị trường Trung Quốc rẻ hơn, trong khi khả năng mua sắm của người dân cao hơn do giảm được chi phí di chuyển và điều này cũng đồng nghĩa với việc kích thích tăng trưởng dựa trên tiêu dùng nội địa hơn, vốn là điều mà chính phủ Trung Quốc đang hướng đến.
Việc tăng trưởng chậm lại và nhất là việc giá dầu chạm đáy ở mức kỷ lục dưới 30 USD/thùng thực sự có lợi cho nền kinh tế Trung Quốc hiện tại, theo một phương diện nhất định.
Thứ nhất, việc suy giảm tăng trưởng đang khiến cho nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu và năng lượng dùng cho quá trình tăng trưởng trước đây giảm đi. Ước tính, việc tăng trưởng chậm lại và giá dầu sụt giảm giúp Trung Quốc tiết kiệm được khoảng 460 tỷ USD mỗi năm, trong đó có 320 tỷ USD đến từ giá dầu giảm, còn lại đến từ việc giảm nhập khẩu các nguồn năng lượng khác như than, và kim loại, nông sản. Dự luật hạn chế nhập khẩu được ban hành vào giữa năm 2015 cũng khiến cho thặng dư thương mại của Trung Quốc tăng từ mức 380 tỷ USD năm 2014 lên 594,5 tỷ USD trong năm 2015.
Việc Trung Quốc tiết kiệm được nhiều tiền hơn thông qua giá dầu sụt giảm mạnh và giảm nhập khẩu đang có một vai trò quan trọng ở thời điểm hiện tại. Nó không chỉ nằm ở việc nước này có thể hồi phục phần nào quỹ dự trữ ngoại tệ vốn đã bị bào mòn đáng kể do cuộc khủng hoảng trên thị trường chứng khoán (TTCK) vào tháng 8.2015, hay việc khoản tiết kiệm đó có thể thúc đẩy tăng trưởng nội địa. Quan trọng hơn hết, khoản tiết kiệm lên tới hàng trăm tỷ USD đó có thể giúp bình ổn những khoảng trống tài chính trên thị trường Trung Quốc.
Sở dĩ như vậy là vì năm 2015 được xem là năm mà lượng tiền bốc hơi khỏi thị trường Trung Quốc đạt mức kỷ lục. Khoảng hơn 800 tỷ USD bị các nhà đầu tư nước ngoài rút khỏi thị trường Trung Quốc trong năm 2015, cùng với đó là vụ khủng hoảng trên TTCK hồi tháng 8.2015 khiến cho khoảng 5000 tỷ USD vốn hóa bị bốc hơi khỏi thị trường. Theo nhận định của giới phân tích, phần lớn trong số đó đến từ túi tiền của các nhà đầu tư nhỏ lẻ, chủ yếu là người dân thường Trung Quốc được chính phủ khuyến khích bỏ tiền vào đầu tư chứng khoán. Việc những người mất tiền trên TTCK chủ yếu là người dân thường đã dẫn đến những tác động lớn về khả năng tiêu dùng nội địa và làm giảm tăng trưởng sức mua của thị trường.
Vì thế, ở thời điểm hiện tại, Trung Quốc buộc phải tìm mọi cách tiết kiệm chi tiêu để bù đắp lại những khoản thất thoát do các nhà đầu tư nước ngoài rút vốn, khoản vốn hóa bị thổi bay trên TTCK, cũng như bù đắp phần nào quỹ dự trữ ngoại tệ ngày càng bị bào mòn. Nhất là cần một giải pháp để thúc đẩy nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Việc giá dầu sụt giảm đang thực sự là một món quà từ trên trời rơi xuống dành cho nước này. Vì trên thực tế, Trung Quốc không thể thúc đẩy tiêu dùng có hiệu quả như thế nếu như giá dầu không sụt giảm mạnh như hiện nay. Chính phủ Trung Quốc cũng không thể có được khoản tiết kiệm lên tới 460 tỷ USD mỗi năm trong đó có 320 tỷ USD từ giá dầu sụt giảm, nếu như không phải là do giá dầu sụt giảm quá mạnh do dư thừa nguồn cung cũng như do thời tiết ấm bất thường của mùa đông năm nay. Nếu giá dầu tiếp tục giảm, có lẽ Trung Quốc sẽ tiếp tục có lý do để vui mừng còn nước Nga phải tiếp tục chịu đựng nỗi đau.
Nhàn Đàm (theo Bloomberg, Baodauthau)
Xuất khẩu gạo tăng trưởng mạnh tháng đầu năm mới
Khối lượng gạo xuất khẩu tháng 1.2016 ước đạt 495.000 tấn với giá trị đạt 218 triệu USD, tăng 56,7% về khối lượng và tăng 46% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.
Có thể bạn quan tâm
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, tháng 1.2016, kim ngạch xuất khẩu nông sản ước đạt 2,33 tỉ USD, giảm 3,1% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 1,16 tỉ USD, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2015.
Cụ thể, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 1.2016 ước đạt 495.000 tấn với giá trị đạt 218 triệu USD, tăng 56,7% về khối lượng và tăng 46,0% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Trong năm 2015, xuất khẩu gạo đạt 6,59 triệu tấn với 2,8 tỉ USD, tăng 4% về khối lượng nhưng giảm 4,5% về giá trị so với năm 2014.
Xuất khẩu cà phê trong tháng 1.2016 ước đạt 149.000 tấn với giá trị đạt 264 triệu USD, tăng 8% về khối lượng nhưng giảm 9,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Mặt hàng hạt điều xuất khẩu cũng có sự tăng trưởng khá, ước đạt 24.000 tấn, giá trị 183 triệu USD, tăng 9% về khối lượng và tăng 15,6% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Ước tính khối lượng xuất khẩu cao su tháng 1.2016 đạt 106.000 tấn với giá trị đạt 120 triệu USD, tăng 13,3% về khối lượng nhưng giảm 10,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Khối lượng xuất khẩu chè tháng 1.2016 ước đạt 9.000 tấn với giá trị đạt 15 triệu USD, giảm 3,2% về khối lượng và giảm 9,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.
Ước tính giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ tháng 1.2016 đạt 489 triệu USD, giảm 15,8% so với cùng kỳ năm 2015. Giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 1.2016 ước đạt 455 triệu USD, giảm 8,8% so với cùng kỳ năm 2015.
Khối lượng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn trong tháng 1.2016 ước đạt 445.000 tấn, với giá trị đạt 120 triệu USD, tăng 2,8% về khối lượng nhưng giảm 16,4% về giá trị so cùng kỳ năm 2015.
Năm 2015, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản đạt 30,45 tỉ USD, tăng 0,2% so với năm 2014; trong đó giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính đạt 14,04 tỉ USD, giảm 1,9% so với năm 2014; thủy sản đạt 6,57 tỉ USD (giảm 8,8%); các mặt hàng lâm sản chính đạt 7,23 tỉ USD (tăng 10,2%).
Hoàng Long
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét