Chủ Nhật, 24 tháng 1, 2016

Hai ông dân Nghệ khua chiêng gõ trống trên chính trường; để xem có ăn thua gì ?

(Kinh tế) - Năm cuối của chặng đường 30 năm đổi mới đã khép lại với khá nhiều thành công, giúp chúng ta có thêm nhiều niềm tin vào sự phát triển thịnh vượng của đất nước.

tin_tuc_vuong_dinh_hue
Giáo sư, Tiến sỹ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban kinh tế Trung ương.
Năm 2015, năm đánh dấu một giai đoạn quan trọng của tiến trình phát triển, năm cuối của chặng đường 30 năm đổi mới đã khép lại với khá nhiều thành công, giúp chúng ta có thêm nhiều niềm tin vào sự phát triển thịnh vượng của đất nước trên con đường hội nhập rộng mở phía trước.

Năm 2016, cũng là năm bắt đầu nhiệm kỳ mới. Vậy làm thế nào để bộ máy nhà nước của chúng ta vận hành hiệu quả hơn?
Xung quanh vấn đề này, hôm 23/11, phóng viên GDVN đã có cuộc trao đổi với GS.TS Vương Đình Huệ – Trưởng ban Kinh tế Trung ương.
“Bội thu” nhất thế giới
PV: Vào cuối năm 2014, đón đầu cho năm 2015, ông nhận xét năm này sẽ có nhiều điều “lạ”, chẳng hạn, đó là không khí hội nhập mạnh mẽ nhất từ trước đến nay. Sau một năm, ông đánh giá thế nào về điều “lạ” này?
GS.TS Vương Đình Huệ: Phải nói rằng chúng ta không chỉ thành công mà là rất thành công. Tôi đọc một số báo chí quốc tế họ có tổng kết và bình luận rằng năm 2015, Việt Nam là nước bội thu nhất trên thế giới về các hiệp định song phương và đa phương. Các hoạt động đối ngoại của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước tạo ra hiệu ứng rất tốt.
Trong một năm qua, chúng ta đã ký kết và kết thúc đàm phán 4 Hiệp định quan trọng với các khu vực thị trường lớn mạnh nhất thế giới hiện nay.
Trong đó, hai Hiệp định thương mại đã được ký kết, bao gồm: Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- Liên minh kinh tế Á – Âu và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc.
Đã kết thúc đàm phán Hiệp Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU.
Ngày 31/12/2015, chúng ta cũng cùng các nước trong khối ASEAN chính thức xác lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) thành một khối sản xuất, thương mại và đầu tư, tạo ra thị trường chung của một khu vực có dân số 600 triệu người, tổng sản lượng (GDP) hằng năm khoảng 2.000 tỷ USD và là nền kinh tế đứng thứ bảy thế giới.
Sau một năm thì điều lạ còn trở thành điều rất thú vị, rất nổi bật của năm 2015.
Như với TPP, đầu năm 2015, chúng ta lo nhất TPP sẽ lại nợ đọng vì Hiệp định này trong những năm qua đã có không ít lần bị trễ hẹn.
Chưa bao giờ chúng ta gặp phải những mục tiêu đàm phán khó như thế và để đi đến thành công lại khó như thế.
Nhưng cuối cùng TPP đã về đích. Ngày 04/2/2016 sẽ ký cấp Bộ trưởng chính thức với TPP, dự kiến tại Niu-di-lân, sau đó sẽ qua quy trình báo cáo Quốc hội các nước phê chuẩn.
Có thể nhận xét, với điều “lạ” của 2015, năm cuối cùng của chặng đường 30 năm đổi mới, đã càng khẳng định quá trình hội nhập trong 3 thập niên qua thực sự là kỳ tích, thưa ông?
GS.TS Vương Đình Huệ: Năm 2015, là năm cuối của chặng đường 30 năm đổi mới, có ý nghĩa rất quan trọng.
Nhiều bộ luật, khung thể chế kinh tế liên quan đến môi trường đầu tư, kinh doanh được ban hành, có hiệu lực như Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Đầu tư công, Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp… thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa cho tiến trình hội nhập sâu rộng.
Nhìn lại cả chặng đường ba mươi năm đổi mới, có thể khẳng định rằng đây cũng là một chặng đường hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng trên nhiều cấp độ, đa dạng về hình thức, theo nguyên tắc và chuẩn mực của thị trường toàn cầu.
Việt Nam đã thiết lập được nhiều quan hệ đối tác chiến lược về kinh tế. Các yếu tố nền tảng cơ bản của kinh tế thị trường dần được hình thành và được nhiều nước thừa nhận.
Cho đến nay đã có gần 50 quốc gia công nhận nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường, trong đó có các đối tác thương mại lớn của Việt Nam, đồng thời Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao và thương mại với hơn 170 quốc gia.
Cùng với đó, trên 90 Hiệp định thương mại song phương, gần 60 Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, 54 Hiệp định chống đánh thuế hai lần đã được ký kết.
Quan hệ hợp tác đa phương và khu vực tích cực hơn với nhiều tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB)…
Việc hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và đa dạng đã tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế nước ta. Thị trường xuất khẩu của Việt Nam được mở rộng đến 230 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp chủ động động hơn trong việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Hiện nay, Việt Nam đã tham gia vào ba chuỗi giá trị có vai trò ngày càng quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu đó là: Chuỗi giá trị lương thực và an ninh lương thực; Chuỗi giá trị năng lượng và an ninh năng lượng (dầu mỏ, khí, than) và chuỗi giá trị hàng dệt may và da giầy.
Một số sản phẩm của Việt Nam đã xác lập được thương hiệu và có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Chúng ta đã nhìn thẳng sự thật
Năm 2015 còn là năm cuối Kế hoạch KT-XH 5 năm 2011 – 2015, tiến hành Đại hội Đảng các cấp và Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XII. Kết quả kinh tế có đồng vọng với kết quả hội nhập?
GS.TS Vương Đình Huệ: Năm 2015, chúng ta đạt mức gần 6,7% (so với chỉ tiêu Quốc hội là 6,2%), với kết quả này, GDP trung bình cả 5 năm đạt trên 5,9%.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn quá khó khăn và các tổ chức Quốc tế như IMF, WB, OECD và các tổ chức khác đều dự báo tăng trưởng 2015 khoảng 2,9-3,1% so với mức 3,4% của 2014, thì kết quả tăng trưởng mà Việt Nam đạt được như vậy, rõ ràng là một thành công.
Dù vậy, thành công không nên chỉ nhìn vào năm 2015 mà cần nhìn tổng thể giai đoạn 2011-2015.
Trong đó, nguyên nhân quan trọng nhất để đạt được kết quả này là chúng ta đã nhìn thẳng sự thật thực trạng kinh tế – xã hội lúc bắt đầu nhiệm kỳ trong bối cảnh nước ta phải chịu tác động, hậu quả của khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế thế giới nhiều hơn cả và đã đưa ra được những dự báo thận trọng nhất.

Năm 2015, GDP Việt Nam tăng cao nhất 5 năm qua (ảnh: Vietnamnet).
Trên cơ sở đó, Đảng, Chính phủ, Quốc hội đã có những điều chỉnh mang tính chiến lược. Kết luận 02 của Bộ Chính trị, Nghị quyết Trung ương 3 khóa XI đã kết luận là dứt khoát chuyển từ phát triển nóng về đầu tư dàn trải sang kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Không cần thiết tăng trưởng bằng mọi giá, kết hợp tăng trưởng hợp lý với đảm bảo an sinh xã hội.
Các kế hoạch, giải pháp hàng năm của chúng ta đều đã kiên trì, nhất quán thực hiện mục tiêu tổng quát đó nên đã đạt được những kết quả tích cực trong năm 2015, giai đoạn 2011-2015.
Ông có thể nói rõ hơn về tinh thần nhìn thẳng vào sự thật này?
GS.TS Vương Đình Huệ: Thời kỳ đầu nhiệm kỳ 2011- 2015, các đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đứng trước lựa chọn hết sức khó khăn và đã vạch ra định hướng rất chính xác là không tiếp tục tăng trưởng bằng mọi giá.
Hội nghị Trung ương 12, 13 vừa qua đánh giá rất thống nhất về việc chuyển hướng chiến lược này. Và điều quan trọng nữa là, chúng ta cũng đã tổ chức thực hiện thành công việc chuyển hướng chiến lược.
Có những trường hợp chuyển hướng đã trúng rồi nhưng không đạt được kết quả, còn đây chuyển hướng đúng, tổ chức thực hiện rất kiên trì, bền bỉ và bây giờ chúng ta thấy thành quả. Chúng ta đã đạt được thành công kép.
Không chỉ đạt được kết quả tăng trưởng khá, kinh tế vĩ mô cơ bản giữ được ổn định, trong điều kiện kinh tế trong nước phục hồi chưa đủ mạnh, kinh tế Thế giới và kinh tế Trung Quốc sa sút gây biến động mạnh về tỷ giá Nhân dân tệ và các đồng tiền trong khu vực, cuối năm 2015 FED tăng lãi suất, sụt giảm mạnh của Thị trường Chứng khoán Trung Quốc…
Chúng ta vừa tăng trưởng, vừa giữ được ổn định vĩ mô trong bối cảnh khó khăn như vậy thì đây là điểm rất sáng của nền kinh tế trong năm 2015.
Câu hỏi lớn cho năm 2016
Với hàng loạt các thành công như vậy, có vẻ đã đến lúc nền kinh tế bước qua giai đoạn sóng gió và thảnh thơi bước?
GS.TS Vương Đình Huệ: Không hẳn như vậy. Còn rất nhiều thách thức mà nếu không nỗ lực, có tâm lý chủ quan thì phải cần rất nhiều thời gian nữa chúng ta mới có thể vượt qua.
Chỉ cần nhìn vào “góc khuất” của tăng trưởng năm 2015 cũng có thể thấy rõ điều này.
Đó là động lực tăng trưởng năm 2015 còn quá phụ thuộc vào khu vực FDI, tỷ trọng xuất khẩu của khu vực này chiếm 65-70% tổng xuất khẩu của cả nước.
Trong khi đó khu vực kinh tế trong nước, kể cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh v.v… còn gặp rất nhiều khó khăn; xuất khẩu của khu vực này năm 2015 giảm khoảng 2,5-2,6% so với cùng kỳ. Thực trạng đó rất đáng suy nghĩ.
Tại sao giữa một quốc gia mà lại có sự lệch pha giữa hai khu vực kinh tế này, khu vực kinh tế FDI và khu vực kinh tế của các Doanh nghiệp trong nước mà chúng ta gọi là các Doanh nghiệp dân tộc?
Thậm chí có một số chuyên gia còn lo ngại có rủi ro, có thể xảy ra “hai nền kinh tế trong một Quốc gia” chứ không chỉ là hai khu vực nữa. Đây là một câu hỏi rất lớn chưa có đáp án. Tôi cho rằng năm 2016, phải trả lời được câu hỏi này.
Năm 2016, cũng là năm bắt đầu nhiệm kỳ mới. Theo ông, làm thế nào để bộ máy nhà nước của chúng ta vận hành hiệu quả hơn?
GS.TS Vương Đình Huệ: Để trả lời câu hỏi này, tôi muốn đề cập đến vấn đề mà hiện nay đang trao đổi nhiều, là phải chăng chúng ta cần chuyển trọng tâm từ việc xây dựng pháp luật sang trọng tâm hoàn thiện pháp luật và tổ chức thực hiện hệ thống pháp luật để đảm bảo tinh thần thượng tôn pháp luật được thực thi hiệu quả hơn.
Chúng ta có một hệ thống pháp luật tốt nhưng việc thực thi rõ ràng là còn nhiều điều phải bàn, trong đó có việc phải tăng cường trách nhiệm của từng cá nhân, từng tập thể, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu thì việc vận hành bộ máy nhà nước mới có thể ngày càng tốt hơn.
Đất nước vừa kết thúc chặng đường 30 năm Đổi mới. Ông có thể chia sẻ cảm nhận của mình lúc này khi nhìn về phía trước?
GS.TS Vương Đình Huệ: 30 đổi mới là một giai đoạn lịch sử quan trọng có ý nghĩa trọng đại trong sự nghiệp phát triển của nước ta, đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.
Đây là quá trình cải biến sâu sắc, toàn diện, triệt để, là sự nghiệp cách mạng to lớn của toàn Đảng, toàn dân vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Với niềm tin sâu sắc vào đường lối đúng đắn trong hoạch định chiến lược, chính sách phù hợp cho từng giai đoạn phát triển của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ, sự cố gắng vươn lên trong tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành, các địa phương và sự phấn đấu nỗ lực của toàn dân, toàn quân, tôi luôn tin tưởng vào sự phát triển thịnh vượng của đất nước trên con đường hội nhập rộng mở phía trước.
(Theo Giáo Dục)

(Chính trị) - Ngoài yêu cầu đưa đất nước phát triển, Trung ương khóa XII còn phải có sách lược và bản lĩnh để giữ vững chủ quyền lãnh thổ.

Trao đổi với báo chí bên lề Đại hội XII của Đảng ngày 23/1, Ông Trần Văn Hằng – Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho rằng, trước nhiều yếu tố khó khăn và yêu cầu phát triển đất nước, các đồng chí trong Trung ương khóa mới phải luôn tỉnh táo trước tình hình thực tế và triển khai thực hiện.
PV: Lần này số lượng lớn Ủy viên Bộ Chính trị không tái cử và nhiều người trẻ sẽ được bầu. Theo ông, quy trình công tác cán bộ cho khóa XII có đáp ứng tình hình mới?
Ông Trần Văn Hằng: Tôi tham gia mấy khóa Trung ương chưa bao giờ thấy nhiệm kỳ nào lại làm chu đáo, bài bản và rất công khai, minh bạch, thẳng thắn, đúng quy trình như lần này. Tôi hy vọng cán bộ trẻ mới vào đáp ứng được mong muốn, kỳ vọng đề ra.
Quy chế bầu cử đáp ứng đúng quy trình, điều lệ Đảng; đồng thời chặt chẽ, đảm bảo quyền của đảng viên, của đại biểu.
Tinh thần Quyết định 244 (về quy chế bầu cử trong Đảng) thì người không được cấp ủy giới thiệu sẽ không được ứng cử, không được nhận đề cử (nếu được Đại hội đề cử thì phải xin rút), nhưng quyền quyết định cuối cùng vẫn là của Đại hội. Như vậy là rất dân chủ.
Trước đây, Đoàn Chủ tịch hội ý và quyết định cho rút khỏi danh sách giới thiệu hay không, nhưng nay do Đại hội quyết định qua biểu quyết bằng phiếu. Đây là hình thức mới, thể hiện quyền của đại biểu, của ý chí toàn Đảng, Đại hội có quyền cao nhất.
Trung ương khóa XII đứng trước yêu cầu và áp lực rất cao
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Trần Văn Hằng
PV: Theo ông, yêu cầu đối với các đồng chí tham gia Trung ương khóa mới phải như thế nào?
Ông Trần Văn Hằng: Yêu cầu đối với các đồng chí Trung ương khóa mới, đặc biệt các đồng chí mới tham gia cần cao hơn vì tình hình quốc tế trong nhiệm kỳ tới diễn biến phức tạp, khó lường. Đặc biệt là vấn đề Biển Đông, khủng bố, xung đột sắc tộc ảnh hưởng đến điều phối chung đến sự phát triển từng nước.
Việt Nam đã tham gia các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới. Trong đó ngoài mục tiêu kinh tế là chính thì nó vẫn mang màu sắc chính trị, tức là tập hợp các lực lượng thành từng khối, từng khu vực để kiềm chế, đối trọng lẫn nhau.
Những đồng chí đó trước hết phải thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định lập trường quan điểm của Đảng. Phải nghiên cứu rất sâu và có trình độ cao để tiếp nhận những cái mới để đưa Việt Nam hội nhập.
Nếu vẫn áp dụng một cách máy móc thì kinh tế thị trường định hướng XHCN sẽ phai nhạt, không đạt được yêu cầu. Vì vậy, các đồng chí trong Trung ương khóa mới phải luôn tỉnh táo trước tình hình thực tế và triển khai thực hiện.
Một yêu cầu nữa là phải tập trung nghiên cứu để đưa đất nước chuyển sang giai đoạn phát triển mới. Qua 30 năm phát triển, chúng ta có 10 năm đầu đổi mới với động lực rất cao, 10 năm sau chững lại và 10 năm sau bắt đầu đi xuống.
Trong 6 nhiệm vụ cơ bản trong Báo cáo chính trị do Tổng Bí thư trình bày đã đầy đủ, nhưng trong đó yêu cầu của Trung ương tới là phải tạo ra một chu kỳ đổi mới tốt hơn. Tức là chọn mũi nhọn nào sẽ tác động trực tiếp đến chúng ta nhưng đồng thời phải hội nhập được với thế giới.
Tôi cho rằng vấn đề cần tập trung là khoa học công nghệ vì nếu không sẽ khó phát triển sản xuất, an ninh quốc phòng khó khăn, cũng sẽ không theo kịp các nước mà Việt Nam ký Hiệp định và mình sẽ trở thành nơi chứa đựng công nghệ lạc hậu.
Không phát triển KHCN thì không thể nói đến bình đẳng với các dân tộc, các nền kinh tế trên thế giới.
PV: Điều đó có nghĩa Trung ương khóa mới đứng trước những áp lực rất lớn?
Ông Trần Văn Hằng: Trung ương khóa mới đứng trước nhiều áp lực như tôi phân tích ở trên. Ngoài ra chúng ta đang ở ngưỡng rất thấp mà kỳ vọng của Đảng là đã hội nhập sâu thì phải phát triển cao hơn, sâu hơn, bền vững hơn.
Áp lực nữa là khi đã hội nhập sâu rộng thì các tiêu chuẩn cao hơn, trong khi điều kiện kinh tế mình còn khó khăn.
Cùng với đó là giữ vững định hướng, không thể vì áp lực mà “lái” mình đi theo hướng khác.
Áp lực là vấn đề bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ là rất lớn vì đây là vấn đề thiêng liêng nên cần có sách lược và bản lĩnh của các đồng chí trong Trung ương để làm sao vừa hợp tác phát triển nhưng vẫn bảo vệ được chủ quyền lãnh thổ.
PV: Hiện nhiều nước lớn cũng đặc biệt quan tâm vấn đề Biển Đông. Theo ông, Việt Nam cần đối sách như thế nào cho phù hợp?
Ông Trần Văn Hằng: Bây giờ tình hình Biển Đông diễn biến căng thẳng. Vì là tuyến hàng hải huyết mạch nên nhiều nước lớn quan tâm.
Quan điểm xuyên suốt về đường lối đối ngoại của chúng ta là độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa nên chúng ta không lệ thuộc và không vì quan hệ với nước này mà gây mâu thuẫn với nước khác.
Từ đó dùng mọi biện pháp hòa bình để đấu tranh bảo vệ quan điểm, hợp tác vì lợi ích các bên mà không ảnh hưởng đến lợi ích nước khác.
Nếu điều tiết được quan hệ như vậy thì sẽ giữ được môi trường hòa bình, ổn định. Nếu nghiêng bên nọ bên kia thì rất phức tạp.
PV: Xin cảm ơn ông!.
(Theo VOV)

Không có nhận xét nào: