Cập nhật : 08:45 | 27/11/2015
Vì sao cả nước có 781 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ mà báo cáo về công nợ do Bộ Tài chính công bố chỉ đề cập vỏn vẹn 119 doanh nghiệp trong số đó?
Báo cáo mang tên “Tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2014 của các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của Nhà nước” do Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng ký gửi Quốc hội là một tài liệu quan trọng.
Một mặt, văn bản này là để thực hiện một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, và Nghị quyết số 42/2009/QH12 của Quốc hội về nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Mặt khác, văn bản này được coi như một cơ sở giúp Quốc hội thực thi chức năng giám sát đối với nguồn lực khổng lồ đang được khu vực kinh tế này nắm giữ. Đây là điều phải làm, và làm cho nghiêm túc ở tầm vĩ mô.
Tuy nhiên, báo cáo - sau khi cho biết rất nhiều số liệu về tài sản, nợ, vốn, tình hình kinh doanh,... của nhiều DNNN – thừa nhận một thực tế đáng phải suy nghĩ: “Nhiều DNNN chưa thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo, giám sát doanh nghiệp với cơ quan đại diện chủ sở hữu và cơ quan tài chính theo quy định; do đó việc tổng hợp báo cáo Chính phủ, Quốc hội về tình hình hoạt động của doanh nghiệp trong phạm vi cả nước còn nhiều khó khăn.”
EVN đang vay nợ nước ngoài gần 162 ngàn tỉ đồng, dẫn đầu về nợ nước ngoài của các doanh nghiệp. Ảnh evn.com.vn
|
Thừa nhận này, dù chỉ vài dòng ngắn ngủi trong báo cáo, cho thấy tình trạng đáng lo ngại: những DNNN không nộp báo cáo chẳng coi trọng cơ quan đại diện chủ sở hữu, và các cơ quan nhà nước khác; và mặt khác, chính các cơ quan đại diện chủ sở hữu, và các cơ quan nhà nước liên quan đang lơ là chức năng nhà nước của mình.
Nhận định trên là có cơ sở: việc báo cáo lẽ ra phải được thực hiện rất nghiêm túc, đầy đủ để phục vụ giải trình của Chính phủ với Quốc hội.
Từ đây có hàng loạt câu hỏi: vì sao các DNNN đó không báo cáo? Họ đã làm ăn thua lỗ nên giấu nợ? Họ không chịu trách nhiệm với số vốn được giao quản lý?
Còn các cơ quan nhà nước liên quan vì sao không có biện pháp gì khi không nhận được báo cáo? Họ vô trách nhiệm, hay có thông đồng với doanh nghiệp?
Chính vì sự không nghiêm túc đó làm nảy sinh nhiều lo ngại xung quanh hoạt động của khu vực doanh nghiệp này.
Chẳng hạn, theo báo cáo, tính đến thời điểm kết thúc năm tài chính 2014, có 781 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Tuy nhiên, báo cáo chỉ nêu thực trạng tài chính và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của 119 doanh nghiệp trong số đó.
Thực trạng của 119 doanh nghiệp này như sau: tổng số nợ phải trả là 1.567.063 tỷ đồng, tổng nợ phải thu là 293.617 tỷ đồng, tổng số hàng tồn kho là 216.255 tỷ đồng. Đây là số tiền cực lớn, nhưng mới chỉ thống kê được mỗi 119 doanh nghiệp trong tổng số 781 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Vậy, những con số nợ phải thu, nợ phải trả, tồn kho, và nhiều số liệu tài chính khác của 662 doanh nghiệp còn lại là bao nhiêu?
Đó là chưa kể những số liệu còn thiếu và yếu trong các khu vực doanh nghiệp cổ phần, hay doanh nghiệp trách nhiệm hữu hạn một thành viên thuộc các địa phương trong báo cáo.
Vì sao các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) “chưa thực hiện chế độ báo cáo” mà không ai bị khiển trách? Ai là người giám sát? Ai là người chịu trách nhiệm chính với đồng vốn mà trên nguyên tắc là của nhân dân?
Kỷ luật, kỷ cương của khu vực này cần phải siết chặt lại. Không thể kéo dài mãi tình trạng “lời ăn, lỗ dân chịu” của khu vực kinh tế này mà có chuyên gia nhận định.
Đã từng có hàng chục đoàn kiểm tra Vinashin, mà không phát hiện ra vấn đề để đến khi tập đoàn này bục ra thì tất cả mới té ngửa.
Việc giám sát các DNNN này không thể không rút ra bài học từ đó. Hơn ai hết, Quốc hội cần thực hiện chức năng giám sát tối cao của mình.
(Theo TBKTSG Online)
'Cả nước làm cả năm không đủ cho doanh nghiệp nhà nước trả nợ'
Đăng Bởi Một Thế Giới -
Ảnh minh họa
"Tốc độ tăng về nợ của khối doanh nghiệp nhà nước năm 2011 so với năm 2006 là 2,2 lần và tăng bình quân hàng năm vào khoảng 16%. Tỷ lệ nợ phải trả của các doanh nghiệp nhà nước từ năm 2006 đến nay cao hơn số GDP. Điều này có nghĩa cả nước làm trong cả năm cũng không đủ để doanh nghiệp nhà nước trả nợ trong suốt từ năm 2006 đến nay", CEO Đặng Đức Thành nhận định.
Có thể bạn quan tâm
Nơi nào cũng sân bay, cảng biển, lãng phí vô cùng!
Ngày 27.8, Diễn đàn Kinh tế mùa Thu 2015 diễn ra tại Thanh Hóa. Đây là sự kiện thường niên do Ủy ban Kinh tế Quốc hội tổ chức. Đóng góp tham luận tại Diễn đàn Kinh tế mùa Thu năm nay, CEO Đặng Đức Thành - Chủ nhiệm Câu lạc bộ các nhà kinh tế (VEC), Ủy viên BCH Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã có bài tham luận xoay quanh chủ đề: "Để kinh tế Việt Nam hội nhập và phát triển bền vững".
Theo đó, ông Thành nhận định nền kinh tế Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 4 năm 2011- 2014 dự kiến sẽ chỉ đạt khoảng 5,6%/năm, thấp xa so với chỉ tiêu tăng trưởng bình quân theo kế hoạch (6,5% - 7%).
So với một số nước trong khu vực ASEAN thì tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chậm lại trong khi các nước đã có sự cải thiện và duy trì được tốc độ tăng trưởng cao như Singapore từ 1,3% năm 2012 lên 4,1% năm 2013; Myanmar tăng từ 5,6% năm 2011 lên 7,6% năm 2014…
Bên cạnh đó, khó khăn ngân sách và nợ công vẫn tăng cao, nợ xấu ngân hàng vẫn còn chậm giải quyết; môi trường sản xuất kinh doanh mặc dù đã có sự nỗ lực của các ngành và Chính phủ nhưng vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn...
"Tất cả những dấu hiệu nêu trên nói lên sự phát triển kinh tế đang tình trạng ở thế bị động của nước ta. Cần có sự đột phá, cải cách mạnh mẽ hơn nữa, cần phải “lật ngược thế cờ” chuyển từ thế bị động sang thế chủ động", CEO Đặng Đức Thành cho biết.
Để nền kinh tế Việt Nam có thể phát triển bền vững hơn, ông Thành cho rằng cần phải thay đổi tư duy kinh tế và thay đổi chiến lược phát triển kinh tế.
Cụ thể là cần xem xét lại cách thức tổ chức thực hiện công nghiệp hóa; thời gian thực hiện; mô hình thực hiện cụ thể như thế nào. Bởi việc đầu tư phát triển công nghiệp hóa (hàm ý có công nghiệp nặng) đòi hỏi “nguồn vốn” rất lớn, do đó rất cần xác định lộ trình thực hiện công nghiệp hóa.
"Chính do việc xác định chủ trương thực hiện công nghiệp hóa không rõ ràng, dẫn đến các tỉnh tiến hành triển khai đại trà dẫn đến thực trạng: nơi nào cũng xây dựng và phát triển khu công nghiệp. Nơi nào cũng xây dựng cảng biển, sân bay. Và kết quả là nhiều công trình không sử dụng hết công suất; lãng phí nghiêm trọng; nhiều khu công nghiệp còn bỏ hoang, trong khi đó đất cho sản xuất nông nghiệp lại bị thu hẹp dần, người nông dân không có đất canh tác.
Trong lúc nguồn lực còn rất yếu, nhưng do sa đà với những mục tiêu to tát, nên chúng ta đã cho phát triển ngay các tập đoàn quy mô lớn một cách duy ý chí với mong muốn sớm thực hiện chủ trương công nghiệp hóa. Kết quả là sự đổ vỡ với những cái chết được báo trước của nhiều tập đoàn, như: Vinashin, Vinalines…", ông Thành nhận định.
Ông Đặng Đức Thành |
Cả nước làm cả năm không đủ cho DNNN trả nợ
Cũng theo vị CEO này, do tư duy nóng vội muốn tiến ngay lên công nghiệp hóa hiện đại hóa, xác định các doanh nghiệp nhà nước là đội quân chủ lực nên Việt Nam đã ưu đãi quá nhiều cho doanh nghiệp nhà nước.
Chính “cơ chế” này đã khiến cho các thành phần kinh tế khác (lực lượng FDI, doanh nghiệp tư nhân…) không thể cạnh tranh lành mạnh với khối doanh nghiệp nhà nước, cũng như không thể có cơ hội tiếp xúc với nguồn vốn vay. Trong khi trình độ quản trị của doanh nghiệp nhà nước lại rất thấp, việc doanh nghiệp nhà nước phải vay mượn để đầu tư gây mất cân đối nghiêm trọng.
Ông Thành lấy dẫn chứng từ nghiên cứu của Bùi Trinh (2014), trong khối doanh nghiệp nhà nước thì các tập đoàn, tổng công ty thuộc Trung ương quản lý có tỷ lệ nợ phải trả so với tổng nguồn vốn xấp xỉ 4 lần, trong khi tỷ lệ này đối với các doanh nghiệp nhà nước do địa phương quản lý chỉ trên 1 lần.
"Tốc độ tăng về nợ của khối doanh nghiệp nhà nước năm 2011 so với năm 2006 là 2,2 lần và tăng bình quân hàng năm vào khoảng 16%. Tỷ lệ nợ phải trả của các doanh nghiệp nhà nước từ năm 2006 đến nay cao hơn số GDP. Điều này có nghĩacả nước làm trong cả năm cũng không đủ để doanh nghiệp nhà nước trả nợtrong suốt từ năm 2006 đến nay", ông Thành nhận định.
Trên cơ sở đó, ông Thành kiến nghị cần phải ưu tiên phát triển các thành phần kinh tế khác và tập trung triệt để đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Bởi hiện nay doanh nghiệp nhà nước đang chiếm gần 40% vốn sở hữu của nền kinh tế; nhiều doanh nghiệp hoạt động (do cơ chế) không năng động và hiệu quả thấp nên việc đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước sẽ góp phần tăng trưởng kinh tế.
"Việt Nam là nước có nhiều sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu thô được xếp hạng cao trên thế giới như: gạo, hạt điều, hạt tiêu, cà phê, cao su, thủy sản nên việc đẩy mạnh công nghiệp hóa chế biến để tăng giá trị gia tăng của nông nghiệp sẽ góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế đất nước", ông Thành cho biết.
Bên cạnh đó, CEO Đặng Đức Thành cho rằng, du lịch là ngành công nghiệp không khói. Việt Nam có rất nhiều lợi thế về cảnh quan, lịch sử, văn hóa và ẩm thực, nếu phát triển ngành này mà đạt được từ 15 – 20% GDP thì sẽ đóng góp đáng kể vào nền kinh tế.
Ngoài ra, thay vì Nhà nước đầu tư, đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài để thu hút vốn, công nghệ, kỹ năng quản lý. Hiện nay đầu tư nước ngoài đang chiếm khoảng 20% vốn đầu tư của cả nước và trên 30% kim ngạch xuất khẩu. Còn 50% khu công nghiệp chưa được lấp đầy, nên những lợi thế để thu hút đầu tư Việt Nam vẫn còn rất lớn.
Duyên Duyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét