Thứ Tư, 27 tháng 1, 2016

Việt Nam có thể được Nga cho không vũ khí?

(An Ninh Quốc Phòng) - Bên cạnh bán vũ khí, thời gian gần đây Nga còn tiến hành trao tặng khá nhiều khí tài quân sự tiên tiến cho các quốc gia đồng minh.

Vào ngày 24/1, Quân đội Mông Cổ đã công bố những hình ảnh trong buổi lễ tiếp nhận lô xe tăng chiến đấu chủ lực T-72A và xe thiết giáp chở quân BTR-70M do Quân đội Nga trao tặng diễn ra từ hôm 9/12/2015.
 Xe thiết giáp chở quân BTR-70M được Nga cho không Mông Cổ
Xe thiết giáp chở quân BTR-70M được Nga cho không Mông Cổ
Ngoài Mông Cổ, thời gian gần đây Nga còn tiến hành trao tặng khá nhiều loại vũ khí, khí tài, trang thiết bị quân sự tiên tiến cho các quốc gia đồng minh. Có thể kể ra đây thêm hai trường hợp đó là cho không Belarus và Kazakhstan các tổ hợp tên lửa phòng không S-300PS.
Hành động trên của Nga được đánh giá thực chất là đang xây dựng “phên dậu” cho chính đất nước mình, những hệ thống tên lửa tầm xa đã chuyển giao sẽ kết nối với mạng lưới phòng không hợp nhất nhằm bảo vệ lãnh thổ Nga từ vùng đệm.
Tương tự như vậy, số xe tăng T-72A và xe thiết giáp BTR-70M trên cũng tăng cường sức mạnh cho Quân đội Mông Cổ, giúp họ kiểm soát tốt hơn đường biên giới giáp người láng giềng hùng mạnh ở phía Nam.
Tuy nhiên ngoài mục đích trên, Nga còn biếu không vũ khí cho một vài quốc gia đặc biệt.
 Tàu tên lửa tấn công nhanh Molniya được Nga tặng cho Hải quân Ai Cập
Tàu tên lửa tấn công nhanh Molniya được Nga tặng cho Hải quân Ai Cập
Vào tháng 8/2015, Nga đã chuyển giao cho Ai Cập một khinh tốc đỉnh lớp Molniya trang bị tên lửa hành trình đối hạm P-270 Moskit, con tàu đã tham gia diễu hành nhân dịp khánh thành Kênh đào Suez mới hôm 6/8/2015 như một phần của lễ khai trương.
Động thái này diễn ra ngay trước khi Ai Cập và Nga chính thức ký kết một hợp đồng quân sự lớn có giá trị ước tính lên tới hơn 2 tỷ USD để cung cấp 64 máy bay chiến đấu MiG-29 cho Không quân Ai Cập.
Chiếc chiến hạm trên rõ ràng đã đóng vai trò “sính lễ” nhằm “trói buộc” quốc gia Bắc Phi này.
 Xe tăng chiến đấu chủ lực T-72B3
Xe tăng chiến đấu chủ lực T-72B3
Sau khi tìm hiểu các trường hợp cụ thể, câu hỏi được đặt ra là liệu có một ngày Việt Nam sẽ nhận được vũ khí theo dạng trao tặng hữu nghị từ phía Nga?
Điều này hoàn toàn có thể xảy ra khi chúng ta đang là đối tác chiến lược cực kỳ quan trọng, đồng thời cũng là một khách hàng vũ khí lớn của bạn.
Trong nhiệm kỳ tới, khi Lục quân Việt Nam được ưu tiên hiện đại hóa và vũ khí Nga vẫn được xác định giữ vai trò chủ lực, nhiều khả năng sẽ sớm có những hợp đồng mua sắm lớn được công bố.
Khi đó, biết đâu Nga sẽ thể hiện thành ý bằng cách cho không Việt Nam một vài chiếc xe tăng T-72B3 hay xe chiến đấu bộ binh BMP-3.
Việc làm này vừa có tác dụng giới thiệu sản phẩm lại vừa là một “sự ràng buộc ngọt ngào”, mang lại lợi ích cho cả hai quốc gia, rất đáng để trông mong sẽ trở thành hiện thực.
(Theo Thế giới trẻ)

(An Ninh Quốc Phòng) - Việt Nam sẽ tham dự với vai trò quan sát Hổ Mang Vàng (Cobra Gold) – cuộc tập trận đa quốc gia hàng năm lớn nhất khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của quân đội Mỹ, với tổng số 28 nước tham gia.

Ngoài Việt Nam, các nước Đông Nam Á khác cũng tham gia với vai trò quan sát gồm Lào, Brunei, Myanmar và Campuchia.
Một nguồn tin quốc phòng cho biết, cường độ và số lượng của các hoạt động tập trận tăng lên mặc dù Mỹ tiếp tục cắt giảm lượng vũ trang của mình.
Trích dẫn một tài liệu của Lực lượng Vũ trang Hoàng gia Thái Lan về cuộc tập trận “Cobra Gold” lần thứ 35 kéo dài 11 ngày, bắt đầu từ ngày 9.2, các nguồn tin cho biết, có tổng cộng 8.564 nhân viên quân sự từ 7 quốc gia sẽ tham gia.
Binh sĩ Thủy quân Lục chiến Mỹ nhảy xuống từ xe tấn công đổ bộ trong cuộc tập trận Hổ Mang Vàng ở Thái Lan.
Binh sĩ Thủy quân Lục chiến Mỹ nhảy xuống từ xe tấn công đổ bộ trong cuộc tập trận Hổ Mang Vàng ở Thái Lan.
Các quốc gia được mời tham gia nhóm hoạch định đa quốc gia gồm Australia, Canada, Pháp, Anh, Italia, Bangladesh, Nepal, Mông Cổ và Philippines.
Hai quốc gia Trung Quốc và Ấn Độ sẽ tham gia các khóa tập tăng cường để cung cấp hỗ trợ nhân đạo và thiên tai.
Theo các nguồn tin, nhân viên quân sự của Malaysia sẽ tham gia các hoạt động lưu động trên không. Trong khi đó, các sĩ quan Singapore sẽ tham gia hoạt động cứu dân thường khỏi các khu vực xung đột và tập bắn đạn thật.
Mục tiêu của cuộc tập trận là để thúc đẩy quân sự giữa các nước liên quan, tăng cường năng lực trong các hoạt động quân sự và thực hành hướng dẫn chung cho các lực lượng đa quốc gia.
Các nguồn tin quân sự Thái Lan đã xác nhận rằng, cuộc tập trận sắp tới sẽ “dữ dội”.
Các sự kiện chính bao gồm lệnh chiến đấu và các bài tập huấn, hỗ trợ nhân đạo dân sự, kết hợp các bài tập bắn đạn thật, cũng như sơ tán người không tác chiến.
Dựa trên các bài tập huấn luyện thực địa, một cuộc diễn tập đổ bộ sẽ được thực hiện tại các căn cứ hải quân ở bãi biển Had Yao, Thái Lan, ngày 12.2. Các nhân viên quân sự của Mỹ và Hàn Quốc sẽ tham gia.
Các bài tập kết hợp bắn đạn thật sẽ được tổ chức tại căn cứ hải quân ở Ban Chanthaklem vào ngày 19.2 và các nước Thái Lan, Mỹ, Hàn Quốc, Malaysia sẽ tham gia.
Một hội thảo các nhà lãnh đạo cấp cao cũng sẽ được tổ chức vào ngày 9.2 để thúc đẩy mối quan hệ giữa các tướng lĩnh trong 7 quốc gia chủ chốt.
Cuộc tập trận năm nay diễn ra sớm hơn so với năm 2014.
(Theo Lao Động)

(Quốc tế) - Tất cả các công cụ đều được sử dụng nhằm phục vụ cho ý đồ của Bắc Kinh nhằm thống trị thế giới.

Ngày 18/1, Phó Thủ tướng Nga Arkady Dvorkovich cho biết, Nga hy vọng Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc nắm cổ phần chi phối, sẽ thông qua những khoản vay đầu tiên trong vòng sáu tháng tới, theo Reuters.
Không chỉ Nga, mà hàng loạt các quốc gia khác cũng đang chờ AIIB cho vay để có thể có nguồn tài chính phục vụ cho phát triển đất nước trong giai đoạn kinh tế thế giới đang chao đảo do tác động của giá dầu thô giảm mạnh như hiện nay.
Điều này cho thấy AIIB đang được xem như một định chế tài chính cung cấp vốn cho nhiều nền kinh tế, còn Bắc Kinh đang được xem là “bà đỡ” cho nhiều chính phủ, dù AIIB “sinh sau đẻ muộn” so với những định chế tài chính khác trên thế giới như WB, IMF, ADB…

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ảnh: gtreview.com
Điều gì làm cho AIIB trở nên quan trọng như vậy, ngay cả khi nó chưa thực sự vận hành để cung cấp các dịch vụ cho thị trường tài chính?
AIIB – một “siêu ngân hàng thế giới”
Dư luận thế giới cho rằng việc AIIB ra đời là do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình muốn “dằn mặt” Tổng thống Mỹ Barak Obama khi bị gạt ra ngoài TPP. Song theo người viết thì việc Trung Quốc cho thành lập AIIB còn do chính phủ nước này thực hiện việc tái cơ cấu nền kinh tế và do chính sự thiếu toàn diện của TPP.
Theo tài liệu giới thiệu thì Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) là một ngân hàng phát triển đa phương (MDB) được hình thành nhằm phục vụ cho thị trường vốn trong thế kỷ 21. AIIB được tổ chức và quản trị dựa trên nền tri thức hiện đại, tập trung vào sự phát triển cơ sở hạ tầng và các ngành sản xuất khác ở châu Á.
Các dự án mà AIIB ưu tiên cung cấp vốn sẽ nằm trong các lĩnh vực điện và năng lượng, giao thông vận tải và viễn thông, cơ sở hạ tầng nông thôn và phát triển nông nghiệp, cung cấp nước và vệ sinh môi trường, bảo vệ môi trường, hậu cần và phát triển đô thị.
AIIB sẽ bổ sung và phối hợp với các MDB hiện có để cùng giải quyết các nhu cầu vốn về cơ sở hạ tầng tại những quốc gia khó khăn ở châu Á. Sự cởi mở và tính toàn diện của Ngân hàng đã phản ánh tính chất đa phương của nó.

AIIB chào đón tất cả các nước trong khu vực Châu Á và ngoài khu vực, các nước phát triển và các đang nước phát triển – nghĩa là AIIB sẽ đón nhận tất cả những cổ đông có mục đích đóng góp vào sự phát triển cơ sở hạ tầng và kết nối các khu vực ở châu Á.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường đã công bố sáng kiến ​​thành lập AIIB trong những chuyến thăm đến các nước Đông Nam Á vào tháng 10/2013. Theo tính toán của của Trung Quốc thì nhu cầu vốn cho phát triển cơ sở hạ tầng tại Châu Á cần tới khoảng 8.000 tỷ USD, vì vậy Bắc Kinh đã xác định quy mô của AIIB với số vốn đóng góp của các cổ động lên đến 1.000 tỷ USD, theo aiib.org.
Đến nay, đã có 56 quốc gia trên thế giới tham gia làm thành viên sáng lập AIIB cùng với Trung Quốc và cam kết số vốn góp lên đến 981,514tỷ USD, gần bằng con số như Bắc Kinh dự tính ban đầu. Điều này làm cho AIIB trở thành định chế tài chính lớn nhất thế giới hiện nay.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào thành phần trong danh sách các nền kinh tế tham gia AIIB mới thấy nó là một “siêu ngân hàng thế giới” chứ không chỉ đơn giản là định chế tài chính có quy mô lớn nhất mà thôi. Và nó được xem là công cụ mà Bắc Kinh sẽ sử dụng cho cả mục đích kinh tế và mục đích chính trị của mình trong tương lai.

Ngày 18/1, Ban điều hành của AIIB họp lần đầu tiên tại Bắc Kinh, Trung quốc. Ảnh : aiib.org.
Những nước thuộc G7 tham gia AIIB có Đức, Anh, Pháp, Italia, Canada. G20 có thêm Nga, Úc, Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Ả Rập Xê Út, Nam Phi, Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ. EU có thêm: Áo, Đan Mạch, Phần Lan, Luxembourg, Hà Lan, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Bỉ, Séc, Hungary.
Những nước OPEC tham gia AIIB có thêm Iran, Kuwait, Qatar, Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất UAE. ASEAN có thêm Brunei, Campuchia, Lào, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Như vậy, có 5/7 nước G7, 15/20 nước thuộc G20, 16/28 nước thuộc EU, 5/13 nước thuộc OPEC và có 9/10 nước thuộc ASEAN, là thành viên của AIIB. Nghĩa là hầu hết những cường quốc kinh tế, những quốc gia phát triển trên thế giới quy về dưới trướng Bắc Kinh. Vì vậy, giới quan sát cho rằng AIIB là một “siêu ngân hàng thế giới của Trung Quốc”.
Và ngày 16/1 vừa qua AIIB đã chính thức đi vào hoạt động với vốn đóng góp đợt đầu của các thành viên là 10% của vốn cam kết, tức là khoảng gần 100 tỷ USD. Với hơn 29% vốn góp, Trung Quốc đóng vai trò chi phối hoạt động của AIIB. Trụ sở của AIIB đặt tại Bắc Kinh và Chủ tịch đầu tiên của Ngân hàng này là người Trung Quốc – ông Kim Lập Quần, theo aiib.org.
Qua việc thành lập AIIB người ta có thể nhận ra đây là một trong những bước đi của Trung Quốc trong việc chi phối, tiến tới thống trị nền kinh tế thế giới trong thế kỷ 21 – điều mà Mỹ quyết tâm ngăn chặn. Liệu Trung Quốc có thể làm được điều ấy và sẽ thực hiện theo cách nào?
AIIB – công cụ Bắc Kinh chặn đầu chặn đuôi Washington
Do Tổng thống Barak Obama chuyển hướng trọng tâm trong chiến lược quan hệ quốc tế sang khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nên đã khởi động Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tuy nhiên, Mỹ đã gạt Trung Quốc ra ngoài TPP để tránh hậu họa là Bắc Kinh trở thành bá chủ thế giới trong thế kỷ 21, theo The NewYork Times ngày 4/12/2015.
Có thể thấy rằng, TPP là một hiệp định thương mại tự do giữa các đối tác hai bên bờ Thái Bình Dương. Đấy chỉ là hiệp định thuần túy về thương mại. Mục đích của hiệp định này nhằm hướng tới việc tự do và bình đẳng trong quan hệ thương mại giữa các thành viên tham gia hiệp định.
Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương có 12 nước tham gia gồm Mỹ, Nhật, Canada, Úc, New Zealand, Singapore, Brunei, Peru, Chile, Mexico, Malaysia và Việt Nam, theo ustr.gov/tpp
Có thể hiểu một cách đơn giản là, việc các quốc gia được hưởng lợi là nhờ giảm thủ tục và áp thuế suất ưu đãi cho những hàng hóa trao đổi giữa các thành viên, trong đó có nhiều mặt hàng thuế suất bằng 0. Nói một cách nôm na là bán hàng giá rẻ và mua hàng giá cũng rẻ.
Như vậy, người dân và doanh nghiệp của các nước tham gia TPP là những đối tượng chịu sự ảnh hưởng trước tiên và trực tiếp nhất bởi hiệp định này.
Khi TPP vận hành thì có thể mang đến cả lợi ích và thiệt hại cho các thành viên. Việc lợi nhiều hay thiệt nhiều là do sức mạnh của nền kinh tế cũng như những chủng loại hàng hóa mà quốc gia có thể xuất khẩu được và những mặt hàng mà người dân và doanh nghiệp có thể tiêu thụ được. Nghĩa là lợi và hại là rất tương đối và tùy theo lĩnh vực cụ thể.

Tổng thống Mỹ Barak Obama đang ca ngợi TPP trên diễn đàn APEC tại Philippines tháng 11/2015. Ảnh: AP.
Tuy nhiên, muốn được lợi và tránh thua thiệt thì điều kiện cần và đủ là phải có hàng để bán và có tiền để mua hàng sử dụng. Nghĩa là phải có tiền, có hàng hóa thì mới có thể thấy được lợi ích của TPP.
Tuy nhiên, TPP chỉ thuần túy là hoạt động thương mại, chứ không liên quan đến dịch vụ tài chính – một yếu tố cực kỳ quan trọng đảm bảo cho hoạt động thương mại có thể diễn ra.
Một ví dụ đơn giản là Việt Nam tham gia TPP nên mặt hàng may mặc của Việt Nam được hưởng lợi khi xuất khẩu vào thị trường Úc với thuế nhập khẩu của Úc là 0% chẳng hạn, nhưng nếu không đủ vốn để phát triển sản xuất thì lợi thế đó chẳng có ý nghĩa gì.
Ngược lại, Việt Nam giảm thuế nhập khẩu hàng nông sản từ các nước TPP bằng 0% chẳng hạn và New Zealand sẽ xuất khẩu gạo vào Việt Nam vì giá của họ rẻ hơn, gạo ngon hơn.
Nông dân và doanh nghiệp kinh doanh gạo Việt Nam sẽ thua thiệt nều không có vốn cải tiến kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất và chất lượng để không mất thị trường nội địa – nghĩa là không để người Việt Nam ăn gạo New Zealand.
Điều đó cho thấy. những bên tham gia vào TPP chỉ tạo ra sự thuận lợi cho đối tác và cũng khai thác tối đa sự thuận lợi mà đối tác tạo ra cho mình. Ở đây không có sự tương trợ, hỗ trợ giữa các đối tác, thậm chí còn ngược lại để có thể được lợi nhiều hơn – nghĩa là phải cạnh tranh sòng phẳng với phương châm: mạnh thì thắng, yếu thì chết (chứ không chỉ là thua).
Vì vậy, sẽ có đối tác thua thiệt rất nhiều khi tham gia TPP nếu như tài chính công và tài chính doanh nghiệp yếu, sức mạnh kinh tế nội địa kém hơn so với các đối tác khác.
Đây chính là sự thiếu toàn diện của TPP mà Trung Quốc nhắm tới khi xúc tiến việc thành lập AIIB. Có thể mục tiêu của AIIB là cho giúp cho Châu Á thoát nghèo, nhưng tác động vào TPP mới là mục đích của Bắc Kinh, theo The New York Times ngày 4/12/2015.
Trong số 12  nước tham gia TPP thì có tới 7 quốc gia là cổ đông và cổ đông sáng lập của AIIB, điều đó cho thấy khi TPP vận hành thì AIIB có sự chi phối tới nhiều chủ thể của nó. Nghĩa là tiền của AIIB sẽ làm nên hàng hóa cho TPP  – dịch vụ tài chính của AIIB có sự chi phối hoạt động thương mại của TPP.
Như vậy dù không được tham gia vào TPP, thậm chí bây giờ có thể nói là không cần TPP, nhưng Trung Quốc đã có ảnh hưởng trực tiếp tới TPP và được hưởng lợi khi TPP vận hành.
Do vậy, trước đây Trung Quốc có thể có ý định ngăn cho TPP chậm được các nước thông qua, thì nay Trung Quốc có thể sẽ thúc đẩy TPP nhanh chóng khởi động và vận hành.
Song Trung Quốc sẽ không chỉ “ngồi mát ăn bát vàng” mà Bắc Kinh sẽ sử dụng AIIB như một công cụ tác động mang tính chi phối tới TPP, mà mục đích là chặn hướng đi của Washington tới Châu Á – Thái Bình Dương hay nói cách khác là buộc người Mỹ đi theo hướng của Bắc Kinh.

Chủ tịch Trung Quốc thăm Anh quốc mở ra “kỷ nguyên vàng” giữa hai nước, một sự thay thế thế cho quan hệ Mỹ – Anh. Ảnh: BBC.
Bên cạnh đó, khi Tổng thống Obama khởi động TPP thì cũng đồng thời xem nhẹ quan hệ với những đối tác truyền thống ở các khu vực khác, trong đó có EU. Thế là Bắc Kinh thấy đây là cơ hội trời cho nên đã nhanh chân thay thế Mỹ, trở thành đối tác quan trọng của những “người bạn cũ” của Mỹ, theo BBC ngày 20/10/2015.
Với thành phần cổ đông và cổ đông sáng lập của AIIB thì có thể thấy rằng, những đối tác mà Mỹ “buông” đã nằm trong sự chi phối của Bắc Kinh thông qua lợi ích từ AIIB và cơ chế hoạt động của nó.
Có thể thấy rằng, nếu TPP không mang lại hiệu quả như Mỹ mong muốn thì Washington cũng không còn cửa quay lại với những đối tác truyền thống vì Bắc Kinh đã thay thế họ mất rồi.
Có thể thấy rằng, lúc này thúc đẩy cho TPP khởi động là nhiệm vụ tối quan trọng của chính quyền Tổng thống Obama, nhưng khi nó vận hành thì người được hưởng lợi đầu tiên nhất không phải là Washington mà lại là Bắc Kinh.
Và Trung Quốc sẽ tác động vào TPP theo hướng chi phối nó ngày càng nhiều trong tương lai, mà mục đích hướng tới là khống chế Mỹ.
Như vậy, Bắc Kinh đã chặn cả đường tiến lẫn đường lùi của Washington trong một thế trận được họ bày ra với việc sắp đặt lại những quân cờ mà có thể Mỹ đã vội vàng cho là “vô dụng”, thông qua dịnh chế AIIB.
Tuy nhiên, cùng với kênh thị trường hàng giá rẻ và tỷ giá tiền tệ có điều tiết, thì dịch vụ tài chính của AIIB cũng chỉ là công cụ phục vụ cho những kế hoạch mang tính sách lược của Trung Quốc mà thôi.
Việc Bắc Kinh nuôi mộng bá chủ thế giới được Tập Cận Bình xây dựng bằng một chiến lược mang tên “Con đường tơ lụa mới” mà khi phân tích về nó, người ta sẽ hiểu được lý do tại sao Bắc Kinh quyết tâm gây hấn tại Biển Đông cũng như gây ảnh hưởng ngày càng lớn tại Trung Đông và thực hiện “đồng hóa” tại Châu Phi.
Tất cả các công cụ đều được sử dụng nhằm phục vụ cho ý đồ của Bắc Kinh nhằm thống trị thế giới.
(Theo Giáo Dục Việt Nam)

(An Ninh Quốc Phòng) - Việt Nam và một số quốc gia khác sẽ tham dự cuộc tập trận quân sự lớn nhất châu Á mang tên Hổ Mang Vàng với tư cách quan sát viên.

Truyền thông Mỹ đưa tin cho biết, Việt Nam và một số quốc gia khác gồm Lào, Brunei, Myanmar và Campuchia sẽ tham dự cuộc tập trận quân sự lớn nhất châu Á mang tên Hổ Mang Vàng với tư cách quan sát viên.
Theo quân đội Thái Lan, cuộc tập trận “Cobra Gold” lần thứ 35 kéo dài 11 ngày bắt đầu từ ngày 9/2/2016.
Báo cáo của lực lượng vũ trang Hoàng gia Thái Lan cho biết, cuộc tập trận Hổ mang Vàng lần thứ 35 dự kiến sẽ có tổng cộng 8.564 binh sỹ từ bảy quốc gia.
Trong đó, Thái Lan chiếm số lượng đông đảo nhất với 4.286 binh sỹ, Mỹ đóng góp 3.288 binh sỹ.
Trung Quốc và Ấn Độ cũng sẽ tham gia cuộc tập trận lần này nhưng chỉ ở các nội dung hỗ trợ nhân đạo và phòng chống thiên tai.
Nhật Bản sẽ tham dự phần sơ tán dân thường khỏi các vùng xung đột, Hàn Quốc sẽ có binh lính tham gia ở các phần đổ bộ, bắn đạn thật và sơ tán dân thường.
 Một hình ảnh trong cuộc tập trận Hổ mang Vàng. Ảnh Reuters
Một hình ảnh trong cuộc tập trận Hổ mang Vàng. Ảnh Reuters
Trong khi đó, nhân viên quân sự của Malaysia sẽ tham gia các hoạt động lưu động trên không. Còn các sĩ quan Singapore sẽ tham gia hoạt động cứu dân thường khỏi các khu vực xung đột và tập bắn đạn thật.
Hiện tại, nước chủ nhà Thái Lan đang có những bước chuẩn bị cuối cùng cho buổi lễ khai mạc tại tỉnh Chon Buri.
Hổ mang Vàng là cuộc tập trận thường niên và có quy mô lớn, bắt đầu từ năm 1961. Do mối lo ngại bất ổn sau đảo chính tại Thái Lan vào tháng 5/2014, Mỹ đã có chủ chương cắt giảm quy mô của cuộc tập trận.
Mục tiêu của cuộc tập trận Hổ Mang Vàng là nhằm thúc đẩy quân sự giữa các nước liên quan, tăng cường năng lực trong các hoạt động quân sự và thực hành hướng dẫn chung cho các lực lượng đa quốc gia.
Liên quan đến cuộc tập trận này, còn nhớ trước đó, ngày 9/2/2011, Bộ Quốc phòng Việt Nam khẳng định quân đội Việt Nam không tham gia cuộc tập trận Hổ Mang Vàng 2011 tại Thái Lan.
Ngày 7/2/2011, cuộc tập trận bắt đầu được tiến hành với sự tham gia của Thái Lan, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Singapore và nước lần đầu tiên góp mặt là Malaysia.
Ngoài các nước tham gia chính thức, “Hổ mang vàng 2011″ có 10 nước quan sát viên, bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Brunei, Lào, Nga, Nam Phi, New Zealand, Hà Lan, Pakistan và Các tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE).
Tin trước đó dẫn nguồn tin từ các hãng tin và báo ngoài nước nói các nước Australia, Canada, Pháp, Italy, Anh, Bangladesh, Campuchia, Nepal, Philíppines và Việt Nam mỗi nước cử ba đại diện tham dự cuộc tập trận.
Tuy nhiên, báo Quân đội Nhân dân điện tử đăng tải trả lời từ phía Bộ Quốc phòng, khẳng định Việt Nam không tham gia cuộc tập trận này.
(Theo Đất Việt)

Không có nhận xét nào: