Đại tướng Ngô Xuân Lịch: 'Không để rơi vào bẫy của nước lớn'
Nguyễn Hưng |
Theo đại tướng Ngô Xuân Lịch, Việt Nam vừa cần giữ mối quan hệ hữu nghị với các nước lớn vừa tránh rơi vào bẫy thì mới giữ vững được độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia.
Sáng 30/1, Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng tổ chức gặp mặt cán bộ cao cấp quân đội nghỉ hưu. Tham dự có nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh...
Thay mặt Bộ Quốc phòng, đại tướng Ngô Xuân Lịch (Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị) dành nhiều thời gian trao đổi về tình hình thế giới, trong nước, kết quả Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.
Theo đại tướng Ngô Xuân Lịch, năm 2015, trong hoàn cảnh tình hình thế giới, Biển Đông diễn biến phức tạp, tác động trực tiếp tới Việt Nam, song, chúng ta vẫn giữ vững độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
Môi trường hòa bình, chính trị ổn định, kinh tế - xã hội phát triển...
Chia sẻ thêm về những phức tạp, khó lường của tình hình thế giới, Chủ nhiệm Tổng cục phân tích 5 vấn đề lớn liên quan tới việc hội nhập quốc tế, sự gia tăng ảnh hưởng của các nước lớn cũng như xung đột vũ trang, can thiệp lật đổ...
Ở khu vực Đông Nam Á, tình hình cơ bản ổn định, các nước đã tăng cường liên kết nội khối bằng việc hình thành Cộng đồng ASEAN; tăng cường đối thoại và xây dựng lòng tin.
Tuy nhiên, cả khu vực và toàn bộ châu Á nói chung hiện phải đối phó với nhiều nguy cơ, thách thức về an ninh truyền thống và phi truyền thống.
Trên Biển Đông, ngoài sự cạnh tranh giữa "5 nước, 6 bên", đây còn là nơi diễn ra tranh chấp của các nước lớn, tập trung là Trung Quốc và Mỹ.
Trong đó, Trung Quốc đẩy mạnh ý đồ kiểm soát, gia tăng hoạt động xây đắp đảo, nỗ lực thay đổi hiện trạng.
Đại tướng Lê Đức Anh (nguyên Chủ tịch nước, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng) dù đã 96 tuổi nhưng vẫn rất minh mẫn tới dự cuộc gặp mặt. Trong ảnh, ông đang bắt tay trung tướng Đặng Quân Thụy (nguyên Tư lệnh Quân khu II, nguyên Phó chủ tịch Quốc hội). Ảnh:Anh Tuấn.
Theo tướng Lịch, sắp tới, Trung Quốc sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực thi chủ quyền trên thực tế bằng biện pháp dân sự và tuyên bố khẳng định chủ quyền với Hoàng Sa, Trường Sa cũng như toàn bộ phạm vi đường 9 đoạn.
Nước này không giấu diếm ý đồ từng bước quân sự hóa Hoàng Sa, Trường Sa và kiểm soát gần trọn Biển Đông.
Trong khi đó, Mỹ cũng tranh giành ảnh hưởng trên vùng biển, tập hợp lực lượng tạo đối trọng...
Đứng trước hoàn cảnh này, chủ trương nhất quán của Việt Nam là kiên quyết, kiên trì đấu tranh để giữ vững lãnh thổ, lợi ích quốc gia; giữ môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng phát triển.
"Chúng ta phải giữ mối quan hệ hữu nghị với các nước lớn đồng thời phải không để rơi vào cái bẫy của họ", đại tướng Ngô Xuân Lịch khẳng định.
Nhắc lại 3 giải pháp với vấn đề Biển Đông (đối thoại, pháp lý, quân sự), tướng Lịch khẳng định, không nước nào muốn chiến tranh xảy ra.
"Biện pháp tối ưu là kiên trì thực hiện giải pháp hòa bình và đối thoại hòa bình. Chúng ta tuân thủ pháp luật quốc tế để giữ vững, khẳng định độc lập, chủ quyền của đất nước", ông nói.
Về tình hình quân đội, đại tướng Ngô Xuân Lịch khẳng định, chất lượng tổng hợp, sức mạnh, trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu của toàn quân ngày càng được nâng lên.
"Quân đội có bước đột phá về hiện đại hóa vũ khí, trang bị cho hải quân, phòng không - không quân và một số binh chủng, lực lượng khác", đại tướng Ngô Xuân Lịch cho hay.
Thời gian qua, quân đội làm tốt công tác tham mưu cho Đảng, Nhà nước, hoạch định chính sách. Trên biển, vùng đặc quyền kinh tế, các điểm đóng quân được giữ vững; 15 giàn khoan và hoạt động dầu khí, nghề cá được bảo vệ.
Tại Đại hội Đảng XII, 22 đại biểu khối quân đội đều trúng cử vào Ban chấp hành Trung ương với số phiếu tín nhiệm cao.
theo zing.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét