Thứ Tư, 3 tháng 2, 2016

Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình nói "tất tần tật" những gì yếu kém của Chính phủ

NGỌC QUANG

(GDVN) - Tình trạng thất thu ngân sách, lãng phí nguồn tài nguyên, lãng phí trong chi tiêu ngân sách, đầu tư công còn phổ biến ở nhiều địa phương.
Tại Hội nghị toàn quốc về hoạt động của Hội đồng nhân dân và UBND tại Quốc hội chiều nay (2/2), Bộ trưởng Bộ Nội vụ - ông Nguyễn Thái Bình chỉ rõ những hạn chế tồn tại:
Thứ nhất, công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở một số địa phương còn chưa có đủ cơ sở khoa học và thực tiễn, nên phải điều chỉnh nhiều lần.
Quy hoạch đô thị chưa đồng bộ, tình trạng quy hoạch treo các công trình, dự án đầu tư diễn ra ở nhiều địa phương; tình trạng thất thu ngân sách, lãng phí nguồn tài nguyên, lãng phí trong chi tiêu ngân sách, đầu tư công còn phổ biến ở nhiều địa phương.
Thứ hai, công tác cải cách hành chính tuy đã đạt được nhiều thành tựu, nhưng vẫn còn nhiều bất cập. Vấn đề phân định chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền giữa chính quyền ở địa bàn đô thị và ở địa bàn nông thôn; phân cấp quản lý giữa các cấp chính quyền địa phương còn chưa đồng bộ, chưa thống nhất và việc giám sát, kiểm tra đạt kết quả chưa cao.
Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết, giai đoạn 2011 – 2015, Thanh tra Chính phủ đã triển khai 37.390 cuộc thanh tra hành chính và trên 783.000 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.
Qua thanh tra, kiểm tra đã chấn chỉnh những sai phạm trong quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện nhiều vi phạm về kinh tế với số tiền là 208.540 tỷ đồng.
Đã kiến nghị thu hồi gần 119.400 tỷ đồng và 19.230 héc-ta đất; kiến nghị xử lý kỷ luật 6.460 tập thể, 22.700 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 297 vụ, 355 người.
Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết, tình trạng vi phạm kỷ cương hành chính diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương. ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội.
Thứ ba, trách nhiệm của tập thể UBND, cá nhân Chủ tịch UBND và từng thành viên UBND còn chưa rõ ràng. Tình trạng vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính vẫn còn xảy ra ở không ít địa phương.
Thứ tư, năng lực, trình độ, kỹ năng quản lý hành chính nhà nước của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; tình trạng tham nhũng, cửa quyền, sách nhiễu vẫn chưa được khắc phục. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, quản lý, đánh giá và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế, nhiều địa phương đang thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thứ năm, việc chỉ đạo, điều hành của UBND các cấp ở một số địa phương về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa được quan tâm đúng mức, hiệu quả công tác tiếp dân chưa cao.
Xử lý đơn thư còn chậm, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm; một số vụ việc giải quyết chưa kịp thời, thiếu triệt để; vẫn còn tình trạng khiếu kiện đông người, vượt cấp.

Cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực không được đưa vào danh sách ứng cử

Công tác chỉ đạo thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng còn hình thức, tác dụng phòng ngừa chưa cao. Việc tự kiểm tra, phát hiện hành vi tham nhũng ngay tại cơ quan, đơn vị còn nhiều hạn chế.
Từ những tồn tại nêu trên, ông Nguyễn Thái Bình cho biết một số kinh nghiệm rút ra để các cấp nâng cao hiệu lực, trong đó đáng chú ý là UBND các cấp phải bám sát quan điểm, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cơ quan nhà nước cấp trên và Hội đồng nhân dân cùng cấp.
Tập trung thống nhất chỉ đạo, điều hành theo kế hoạch, chương trình, mục tiêu với tinh thần kiên quyết, triệt để; đề ra nhiệm vụ trọng tâm và xác định rõ giải pháp trên cơ sở phân tích đúng tiềm năng, lợi thế, đặc điểm của địa phương; lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân địa phương.
Quan tâm đúng mức khâu quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức. Phải đặt đội ngũ cán bộ, công chức vào trung tâm của bộ máy hành chính địa phương và xem xét chất lượng, năng lực hoạt động của đội ngũ này quyết định sự thành bại trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội ở địa phương.
Ông Bình nhấn mạnh: “Cần phải tăng cường kỷ cương, kỷ luật trách nhiệm hành chính của cán bộ, công chức các cấp gắn với việc thực hiện chế độ khen thưởng, động viên kịp thời và xử lý triệt để các hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính.
Chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra công vụ; giải quyết dứt điểm các khiếu nại, tố cáo của công dân, nhất là các khiếu nại, tố cáo tồn đọng kéo dài. Thực hiện tốt chương trình hành động thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, giải quyết tốt các vấn đề xã hội bức xúc trong đời sống của nhân dân ở địa phương”.
Ngọc Quang

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Tại sao hôm đại hội đảng 12 chẳng thấy ông này lên tiếng, hay sự yếu kém đó của đảng bây giờ mới có?. Chắc là ông này muốn tiến thẳng lên CNXH với 5 kiên định, 6 kiên trì?